Hồi xưa, hè về là nhiều gia đình thành phố lại tính ngày đưa trẻ con về quê nghỉ hè. Gửi gắm ông bà, cô chú bác, anh chị em ở quê chăm cháu giúp một đôi tuần hoặc cả tháng, cả mùa hè luôn. Cho trẻ được thấm đẫm hơi thở quê hương, bao bọc trong tình nghĩa họ hàng ấm cúng. Tha hồ hiểu biết về nghề nông mộc mạc, những nghề truyền thống tinh xảo, làm nón, dệt lụa… Cho trẻ gần gũi đất đai vườn tược, theo nhà nông đi hái rau, gặt lúa, bắt cá, đào khoai sắn. Rồi học ăn học nói học gói học mở, gắn bó máu thịt hơn với họ tộc, biết thương nông dân và trân trọng nông sản.
|
Giờ có nhiều lý do khiến cha mẹ ở phố thị thiếu tự tin và không mạnh dạn gửi con về quê như xưa nữa. Có phải vì có quá nhiều sự mất an toàn đang đe dọa ngay chính trẻ em sống ở nông thôn, chứ chưa nói trẻ thành thị lơ ngơ về làng? Khảo sát tai nạn thương tích ở nước ta 10 năm qua do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ĐH Y tế Công cộng mới công bố thì chết đuối là nguyên nhân dẫn đến tử vong nhiều nhất ở trẻ dưới 18 tuổi, mỗi ngày khoảng 10 trẻ chết đuối. Nguy cơ bị tai nạn thương tích ở nhóm trẻ nghèo và trẻ nông thôn cao gấp đôi thành thị.
Đúng, mùa hè chính là mùa báo động trẻ đuối nước. Khoảng 80.000 trẻ em nước ta bị tại nạn thương tích mỗi năm, sau đuối nước là tai nạn giao thông, rồi ngã, bỏng, súc vật cắn, điện giật, ngộ độc các loại... Trong khi đó xã hội rất thiếu các chương trình hỗ trợ gia đình và cộng đồng cách phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ, các kỹ năng xử lý tai nạn, sơ cứu kịp thời. Trẻ cũng không được dạy bài bản về cách nhận biết và phòng tránh tai nạn ...
Nhiều làng quê giờ cũng đang phai dấu hồn cốt xưa, từ bóng đa bến nước đến môi trường cây cỏ. Mớ rau, quả trứng hay gà vịt, cá tôm ở chợ quê vốn tươi ngon hơn thành phố, an toàn hơn nếu nhà trồng được. Song bước sang đô thị hóa công nghiệp hóa, kể cả nông thôn mới, cuộc mưu sinh nhọc nhằn của hàng vạn nông dân thời thị trường cộng với sự thiếu tầm nhìn của các nhà quản lý đã khiến làng quê phai dần dấu ấn xưa - hiểu theo nghĩa đẹp nhất, nghĩa tình dân gian nhất.
Thật khó hình dung con cháu về thăm quê nhà, ông bà họ hàng làng nước vẫn đó, nơi các cụ trong họ yên nghỉ vẫn cách nhà chỉ vài cánh đồng, nhưng dấu ấn kỷ niệm tuổi thơ tinh khôi, lối đi trong làng quanh co kẽo kẹt tre trúc đong đầy gió trong trẻo không còn nhiều. Ao làng, sân đình nếu còn cũng phai dần hồn cốt nếu thiếu vắng những sinh hoạt hội hè dân dã.
Ai đời dưới những bóng cây, những bụi tre xanh mát không phải là chỗ cho lũ trẻ con bé dại chơi mà là chỗ cho rác. Có người đã "quặn lòng đau đớn khi thấy những hàng rào duối xanh mướt ngày xưa được thay bằng những tường gạch xây cao, dưới đó cũng lổn nhổn rác”. Đường sá, cầu cống chưa hoàn thiện, giao thông hỗn loạn... Thế vẫn chưa đủ vì rác còn ngự trị cả ở nơi ven bờ ao, hồ.
Đó cũng là lý do trẻ nông thôn không còn chỗ học bơi, đành ham những trò chơi nguy hiểm như bắn súng cao su, đánh nhau bằng que, đấu kiếm, nhảy ngựa, lộn dây thun, chơi khăng, trượt patin, phá tổ ong... Tai nạn thương tích trong mùa hè với trẻ nhà nghèo và trẻ nông thôn mới luôn chiếm tỷ lệ cao như đã nói. Riêng Bắc Ninh từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 trẻ bị tử vong do đuối nước và gần 500 trẻ bị các loại tai nạn thương tích khác. Cũng như thế, những bài hát đồng dao ngộ nghĩnh, những trò chơi dân gian "để đời” cũng phôi pha nhường cho internet về làng làm trẻ mê đắm thành game thủ…
Có một làng quê Bắc Bộ lý tưởng hơn 2 năm nay được "mô hình hóa” tại trang trại khá nổi tiếng ở ngay ven sông Hồng cách trung tâm Hà Nội chỉ 8km là Trang trại Giáo dục Erahouse - dành cho thiếu nhi đầu tiên tại Thủ đô xây dựng theo chủ đề "Làng quê thu nhỏ của bé”. Nằm bên bờ sông Đuống hưởng gió sông thanh bình và cả thắng cảnh vùng sản xuất nông nghiệp trù phú ven đô, đây là khu trang trại nuôi dưỡng tình yêu với cây cỏ, vật nuôi, thiên nhiên và môi trường. Vé tham quan cả ngày đồng hạng 100.000 đ. Trẻ có thể thi câu cá, bắt cá trong bể, cấy lúa, trồng cây, gieo hạt, chơi các trò dân gian như nặn bánh trôi, làm các con vật từ lá cây, múa sạp, biểu diễn thời trang từ lá cây, làm tranh Đông Hồ...
Đây quả là nơi có nhiều "hiện vật” nhất trong số những trang trại gần TP để trẻ em hiểu thế nào là nhà quê, nông thôn chính hiệu. Tuy thế vẫn chỉ để tham quan hiểu biết chứ chưa đủ để nuôi dưỡng lòng yêu quê theo nghĩa sâu đậm nhất. Bởi nơi đó đâu có gắn với quê cha đất tổ, dòng họ gia đình, với kỷ niệm ấu thơ của cha mẹ ông bà. Chưa kể phải tốn phí. Còn nếu gửi trẻ đi trại hè gần cả tuần, hiểu kỹ hơn về thôn quê, phí khoảng 4-5 triệu đồng/trẻ.
Cuộc sống phát triển, không ai có thể sống mãi trong nông thôn kiểu cũ thiếu tiện nghi cần thiết, tiếc là nông thôn mới ít bảo tồn được dấu ấn đẹp của làng quê xưa, cũng chưa coi trọng quy hoạch các công trình phúc lợi phục vụ trẻ em như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, khu vui chơi…đảm bảo môi trường sống an toàn, thân thiện. "Quê nhà ta ơi…”, nghe câu đó nhiều người muốn khóc bởi vì quê nhà còn đó, cha mẹ anh em ta còn đó mà kỷ niệm và hồn cốt xưa đã vội xa xôi.
"Kết nối yêu thương gia đình Việt”, "Thiêng liêng tổ ấm gia đình” là những chủ đề của Ngày hội Gia đình Việt Nam sắp diễn ra từ ngày 23 đến 28-6 tại Hà Nội. Thiêng liêng ấy chỉ có được từ cuộc sống giản dị mỗi ngày, nuôi dưỡng từ quê nhà bền bỉ. Đọng lại cuối đời người đôi khi kỷ niệm lại chính là hương ổi thơm ở góc vườn nhà, là món bánh rán nhân moi chứ không nhân đậu nhân thịt như bánh rán nơi thành phố.
… Hãy cứ về quê dù vui dù buồn, dù phai dần dấu cũ... để trải nghiệm, để cảm thông và chia sẻ với quê hương, những người thân thích vui buồn sướng khổ. Dẫu không dễ gửi con lại cho ông bà hay cô dì chú cậu chăm đỡ một hai tháng hè, thì về một đôi ngày, kể cả trẻ con cũng có quan sát và nhận xét riêng của chúng… Đó sẽ là một câu chuyện của tương lai?
|