Vietnamese English
Phá phong lá đỏ, trồng bàng lá nhỏ: Vẫn chưa ổn...

4/6/2021 11:20:00 AM

Cây sau sau là loại cây bản địa, đặc trưng, phù hợp nhất với tuyến phố đẹp nổi tiếng Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng

 Ngày 5/4, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về việc lãnh đạo Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội về việc trồng cây xanh thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Theo thông tin có được, Hà Nội sẽ chọn phương án 1 - trồng thay thế cây phong lá đỏ bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây 10- <15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m trên tuyến phố này.

Pha phong la do, trong bang la nho: Van chua on...

Cành sau sau đẹp không kém cây phong lá đỏ


Trước thông tin trên, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp khuyến cáo, Hà Nội nên cân nhắc chọn cây bản địa để tạo dấu ấn, tránh lãng phí không cần thiết.

Ông Cường cho hay cây bàng lá nhỏ, hay còn gọi là cây bàng Đài Loan... cũng giống cây phong lá đỏ là loại cây nhập ngoại. Loại cây này không phù hợp để trồng trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, tuyến đường đặc biệt, được mệnh danh là con đường đẹp nhất Việt Nam.

Ông cho rằng, những tuyến phố đẹp như vậy cần phải nghiên cứu trồng những loại cây bản địa để tạo những dấu ấn đặc trưng.

"Cũng giống như khi Hà Nội quyết định trồng cây phong lá đỏ, lần này tôi lại khuyên Hà Nội nên trồng cây sau sau, đó là cây bản địa, cây tái sinh có sẵn tại nhiều khu rừng của Việt Nam. Trồng cây này vừa dễ kiếm, chi phí thấp lại rất đẹp, đẹp không kém gì phong lá đỏ của Hàn Quốc khi vào mùa rụng lá. 

Tôi không hiểu vì sao Hà Nội không lựa chọn cây này mà lại sính ngoại, nhập cây về trồng trong khi Việt Nam có rất nhiều loại cây phù hợp", ông Cường nói.

Ông Cường lưu ý, Hà Nội là thành phố có mật độ dân số cao, tốc độ bê tông hóa nhanh, đất dành cho cây xanh, công viên rất ít, vì thế, cần phải lựa chọn những cây có tán, tạo bóng mát, không chỉ trồng cây làm cảnh.

Một số loại cây như cây sau sau, lát hoa, nhội... rất phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường của Hà Nội.

Vị chuyên gia kể đến hàng loạt những tuyến phố tạo dấu ấn đặc trưng cho Hà Nội như đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu... đều trồng những cây đặc trưng của Việt Nam như cây sấu, lát hoa, nhội, sao đen...

Pha phong la do, trong bang la nho: Van chua on...

Vào mùa thay lá, cây sau sau cũng chuyển màu đỏ giống như phong lá đỏ


Theo ông Cường, có được những tuyến phố này là do người Pháp rất coi trọng tính bản địa. Người Pháp không sử dụng cây nhập ngoại mà tất cả đều sử dụng cây bản địa của Việt Nam, vì thế mới có được những tuyến phố đẹp đi vào lịch sử như hiện nay.

Vì điều này, ông Cường nhắc lại một lần nữa Hà Nội nên cân nhắc rất kỹ, lựa chọn cây phù hợp, tránh chạy theo tư duy nhiệm kỳ, trồng rồi phá, phá xong lại trồng.

Trước đó, đề xuất tới Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Trồng thay thế bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây từ 10-15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m.

Phương án 2: Trồng đan xen giữa 1 cây bàng lá nhỏ có đường kính thân cây 10-15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m và 1 cây cọ dầu đường kính 40-60cm, chiều cao lộ thân khoảng 2m.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới trên dải phân cách tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sẽ được thực hiện và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới.

Trước đề xuất trên, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn là chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng theo phương án 1.

Lãnh đạo TP giao Sở Xây dựng hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan liên quan thông tin công khai, rộng rãi về công tác di dời, trồng thay thế cây bóng mát để nhân dân biết, ủng hộ trong quá trình triển khai thực hiện.

Thái Bình

(Dân Việt)

Lượt xem : 1270