Vietnamese English
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ tiếp tục góp ý Dự thảo Nghị định nquy định chi tiết một số điều của luật bảo vệ môi trường năm 2020

7/18/2021 10:13:00 PM

(VACNE) – ngày 13/07/2021, website đã đăng tải bài góp ý của PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch VACNE cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật bảo vệ môi trường năm 2020 tuy nhiên bài góp ý này tập trung vào quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong Dự thảo.

 Xin tiếp tục đăng tải góp ý của PGS.TS. Phùng Chí Sỹ đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT” số 72/2020/QH14 theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Rất mong nhận được nhiều đóng góp bổ sung các ủy viên Ban Chấp hành và các thành viên VACNE.

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2022, trừ Khoản 3 Điều 29 về đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực từ 01 tháng 2 năm 2021 (Dưới đây gọi tắt là Luật BVMT năm 2020). So với 03 Luật BVMT đã được Quốc hội thông qua vào những năm 1993, 2005, 2014 thì Luật BVMT năm 2020 đã kế thừa được những thành tựu đạt được và tránh được những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện 03 Luật BVMT trước đó; học tập được kinh nghiệm thực tế tốt nhất của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là một số quốc gia trong khu vực châu Á có nền kinh tế phát triển (như Hàn Quốc, Nhật Bản); pháp lý hóa việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác quản lý môi trường tại Việt Nam; cụ thể hóa được quan điểm phát triển kinh tế xã hội của Đảng theo hướng nhanh và bền vững, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế được nêu trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, đặc biệt được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Có thể coi Luật BVMT năm 2020 tạo ra rất nhiều điểm đột phá trong phương thức quản lý môi trường tại Việt Nam, trong đó có quản lý dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án, cắt giảm thủ tục hành chính, quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, phân cấp triệt để cho địa phương. Luật BVMT năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều, trong đó có giao cho Chính thủ hướng dẫn chi tiết thi hành tại 64 điều. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định) và đã đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến tham vấn của các bên liên quan và những tổ chức, cá nhân quan tâm. Đây là một bước cực kỳ quan trọng nhằm cụ thể hóa một số quy định của Luật BVMT năm 2020, hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn, bất cập, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp như một số trường hợp khi ban hành nghị định, thông tư đã và đang xẩy ra.

Sau khi nghiên cứu bản dự thảo Nghị định (195 trang) kèm theo các phụ lục (343 trang), chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Ban soạn thảo dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ TNMT mà đứng đầu là đồng chí Bộ trưởng chỉ sau một thời gian ngắn đã hoàn thiện bản dự thảo Nghị định hết sức đồ sộ với trên 500 trang, nội dung rất trí tuệ, tâm huyết, phản ánh trung thực những nội dung mà Luật BVMT năm 2020 đã được Quốc hội thông qua.    

Hưởng ứng lời kêu gọi trong bức thư của Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi tới các nhà khoa học ngày 21/6/2021, chúng tôi đã tham gia góp ý trực tiếp tại Hội thảo ngày 15/7/2021 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, nên chúng tôi xin gửi lại bản góp ý chi tiết theo từng điều khoản như trình bày dưới đây.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Xem lại việc giải thích một số từ ngữ vì quá dài, không cần thiết, không chính xác (Khoản 2, 3, 4, 5, 8). Bổ sung khái niệm : Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), sức chịu tải, khả năng tiếp nhận, hạn ngạch xả thải, nhạy cảm môi trường, dễ bị tổn thương, phân vùng môi trường, khoảng cách an toàn môi trường, kỹ thuật thực tế tốt nhất … Chỉ giải trích các từ ngữ chưa được giải thích trong Luật BVMT năm 2020.

Điều 4. Nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt

- Cấu trúc lại nội dung kế hoạch bao gồm : Hiện trạng; dự báo; xác định vấn đề ưu tiên; quan điểm, mục tiêu; chương trình dự án; Giải pháp; tổ chức thực hiện.

- Điểm a, Khoản 1: Nên đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ giai đoạn tối thiểu 05 năm gần nhất (thay vì chỉ có 3 năm cho thống nhất nước với kế hoạch quản lý chất lượng không khí).

- Bổ sung “quan điểm, mục tiêu” của kế hoạch.

Điều 6. Nội dung kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí

- Cấu trúc lại nội dung kế hoạch bao gồm : Hiện trạng; dự báo; xác định vấn đề cấp bách; quan điểm, mục tiêu; chương trình dự án; Giải pháp; tổ chức thực hiện cho thống nhất với nội dung của kế hoạch quản lý chất lượng nước theo góp ý ở trên.

- Bổ sung nội dung “dự báo 5 năm”.

- Bổ sung nội dung “xác định vấn đề ưu tiên”.

Điều 8. Nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh :

- Lồng ghép vào điều 6, tương tự như kế hoạch quản lý chất lượng nước.

Điều 9. Trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh

- Lồng ghép vào điều 7, tương tự như kế hoạch quản lý chất lượng nước.

Điều 10. Thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng

Khoản 5, điều 10: Xem lại không nên để kéo dài 3 ngày cho VN_AQI từ 301 trở lên mới hành động vì quá muộn. Đã là khẩn cấp thì phải hành động ngay sau khi VN_AQI vượt 301 một vài giờ.

Điều 21. Quy định chung về phân vùng môi trường

- Khoản 1: Cần có tiêu chí để phân biêt sự mức độ nhạy cảm môi trường, mức độ dễ bị tổn thương (cao, trung bình, thấp).

- Khoản 2 : Nên xác định “Vùng bảo vệ nghiêm ngặt” là vùng có mức độ nhậy cảm môi trường cao, mức độ dễ bị tổn thương cao. “Vùng hạn chế phát thải” là vùng có mức độ nhậy cảm trung bình, mức độ dễ bị tổn thương trung bình. “Vùng khác” là vùng có mức độ nhậy cảm thấp, mức độ dễ bị tổn thương thấp.

- Khoản 3 : Nên xác định “Vùng bảo vệ nghiêm ngặt” là những vùng nghiêm cấm đầu tư trong những khu cần phải bảo vệ (bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, vùng lõi của các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu đất ngập nước Ramsar …; khu di tích lịch sử văn hóa và khu hành lang bảo vệ nguồn nước phục vụ cấp nước). Vì vậy, chuyển điểm a “Nội thành, nội thị …” sang “Vùng hạn chế phát thải”.

- Khoản 4 : Nên xác định “Vùng hạn chế phát thải” là những vùng hạn chế đầu tư (phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính của các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển …; khu phụ cận hành lang bảo vệ nguồn nước phục vụ cấp nước; khu đông dân cư (nội thị của đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II).

Điều 22. Xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải

- Khoản 4 : Sửa lại định hướng bảo vệ môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phù hợp với sửa chữa tại điều 21. Nội dung các điểm a, b trong khoản này hầu như không có sự khác biệt.

Điều 24. Tiêu chí về môi trường và phân loại dự án đầu tư

- Khoản 6: Bổ sung “dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường” là dự án nằm tại khu vực có rủi ro do tai biến thiên nhiên cao (động đất, sóng thần, sạt lở đất, lũ quét …).

Điều 25. Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường

- Khoản 4 : Bổ sung thêm 01 hình thức tham vấn nữa là “Tham vấn bằng phiếu điều tra” trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, tránh tụ tập đông người hoặc phân tán về địa giới hành chính, đi lại khó khăn không tổ chức họp trực tiếp được.

Điều 27. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường 

- Khoản 1 : Xem xét lại thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép môi trường do các điểm d, h đã được xem xét trong quá trình thẩm định, phê duyệt ĐTM.

Điều 28. Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp, cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường 

- Khoản 1: Một khi dự án đã không thuộc đối tượng phải lập ĐTM thì các dự án này là những dự án đơn giản, quy mô không lớn, ít nguy cơ tác động đến môi trường vì vậy nên quy định thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép môi trường đơn giản hơn, tập trung vào các nguồn phát thải, các biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

- Khoản 2 : Do nội dung khoản 1 và 2 hoàn toàn giống nhau, nên có thể gộp lại để Nghị định ngắn gọn hơn.

- Khoản 3: Do dự án đã được phê duyệt ĐTM, nên không cần trình bày lại trong hồ sơ xin cấp phép các nội dung nêu tại các điểm b, c, d đã được trình bày trong báo cáo ĐTM.

Điều 29. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường 

- Khoản 1 : Xem lại thời điểm cấp phép môi trường. Nếu sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư phải chờ cấp phép môi trường mới được hoạt động sẽ gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Có nên cấp phép trước khi xây dựng, sau đó hậu kiểm sau khi hoạt động vận hành thử nghiệm không ?.

- Khoản 4: Xem xét thủ tục đơn giản hơn, thời gian nhanh hơn  đối với dự án thuộc đối tượng không phải ĐTM vì các dự án đã không thuộc đối tượng phải lập và trình phê duyệt ĐTM là những dự án đơn giản, quy mô không lớn, ít nguy cơ tác động đến môi trường.

Điều 38. Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường 

- Khoản 4 : Nên quy định trường hợp số nguồn thải quá nhiều, tương đồng về công nghệ, quy mô thì chọn đại diện để giám sát (Thực tế có nhiều nhà máy có hàng trăm nguồn khí thải khác nhau : Ví dụ: sản xuất acquy, dệt may, xay lúa mì, xi măng …).

Điều 59. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp 

- Khoản 6:

+ Điểm b: Xem lại quy định tại điểm b về việc “Các hồ sự cố phải có tổng khả năng lưu chứa nước thải tối thiểu là 01 (một) ngày” vì rất nhiều cơ sở đang hoạt động không có mặt bằng để xây hồ sự cố đảm bảo chứa được 1 ngày. Thực tế nhiều nhà máy có thể dừng sản xuất khi xẩy ra sự cố hoặc chỉ cần có hồ sự cố chứa được 2-3 giờ để khắc phục sự cố. Hồ sự cố phải bỏ trống, không chứa nước và có bơm quay vòng nước thải về bể điều hòa. Việc quy định “hồ sự cố không bao gồm bể điều hòa và các công trình khác trong dây chuyền công nghệ xử lý nước thải” là không cần thiết, vì về mặt kỹ thuật không hiểu tại sao lại không được kết hợp hồ sự cố với hồ điều hòa và các công trình khác trong hệ thống xử lý nước thải. Khi sự cố xẩy ra thì nước thải chứa vào bể nào trong hệ thống xử lý nước thải cũng được miễn là không được thải ra môi trường nếu chưa đạt QCVN.

+ Điểm c: Quy định “Khuyến khích bố trí hồ sinh học trong công trình, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải” về kỹ thuật không thể được vì khi xẩy ra sự cố, nước thải đổ vào hồ sinh học sẽ gây nhiễm bẩn toàn bộ nước thải trong hồ sinh học. Nếu bơm quay vòng nước thải về hồ điều hòa để xử lý lại toàn bộ nước chứa trong hồ sinh học (bao gồm toàn bộ nước có sẵn trong hồ sinh học và nước thải ô nhiễm mới đổ thêm vào) thì sẽ rất tốn kém. Hơn nữa, nước thải sau khi xử lý lại đạt QCVN sẽ đổ đi đâu ? Chẳng lẽ tại đổ vào hồ sinh học bị ô nhiễm này hay làm đường thải riêng trực tiếp ra nguồn tiếp nhận ?. Nếu đổ trực tiếp ra hồ tiếp nhận mà lại xẩy ra sự cố thì ứng phó ra sao ?. Việc quy định “Hồ sinh học tiếp nhận nước thải sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải tập trung nhằm kiểm chứng chất lượng nước thải; có vị trí sau điểm quan trắc tự động và trước điểm xả nước thải ra môi trường” về kỹ thuật cũng không hợp lý vì hồ sinh học phải được coi là 1 công trình đơn vị của hệ thống xử lý nước thải. Thực tế cho thấy nước thải sau xử lý đạt QCVN được chứa trong hồ sinh học sẽ bị tái nhiễm do quá trình phú dưỡng hóa dẫn đến tảo nở hoa, tảo bị chết phân hủy dẫn đến nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, nước trong hồ sinh học này lại bị tái nhiễm do vi sinh (Ví dụ: Công ty giấy Lee&Man tại Hậu Giang đã phải rất vất vả để giải quyết vấn đề tái nhiễm do hiện tượng phú dưỡng, tảo nở hoa và hiện tượng tái nhiễm vi sinh tại hồ sự cố 42.000 m3. Công ty phải lắp đặt thêm hệ thống vớt tảo, lọc tảo, phải lắp thêm rất nhiều đèn cực tím trên mặt hồ, tại dòng thải dẫn nước thải trước khi thải ra sông Hậu đạt QCVN).

+ Điểm d : Quy định “Có thể thiết kế hồ sự cố kết hợp với hồ sinh học. Trong trường hợp đó, hồ sinh học phải được thiết kế gồm nhiều ngăn, có hệ thống bơm xả kiệt để tiếp nhận nước thải trong trường hợp xảy ra sự cố” về mặt kỹ thuật là không đúng vì khi xẩy ra sự cố thì nước thải ô nhiễm đổ vào 1 ngăn thì ngăn đó sẽ bị ô nhiễm. Nếu bơm nước thải từ ngăn đó ra nguồn tiếp nhận để có chỗ trống chứa nước thải thì không được phép. Nếu bơm quay lại hồ điều hòa để xử lý lại thì lại gặp phải khó khăn tương tự như trình bày tại Điểm c ở trên. Hơn nữa, một khi xẩy ra sự cố mới bơm nước từ 1 ngăn của hồ sinh học ra nguồn tiếp nhận để có chỗ chứa nước thải chưa đạt QCVN thì làm sao có đủ thời gian mà bơm.

+ Điểm e : Quy định “Không sử dụng chung hồ sự cố với các công trình điều hòa” là không cần thiết, vì về mặt kỹ thuật việc kết hợp này hoàn toàn không gây ra bất kỳ tác hại nào. Thực tế hiện nay các nhà máy tại Việt Nam vẫn sử dụng hồ điều hòa còn thể tích chưa sử dụng hết làm hồ sự cố.

- Khoản 8:

+ Điểm a : Việc quy định “Điều kiện đấu nối nước thải nêu trong văn bản thỏa thuận giữa chủ cơ sở và chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải bảo đảm không vượt quá điều kiện tiếp  nhận nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung trong giấy phép môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp” là không cần thiết vì thực tế hiện nay giữa chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp vẫn đang tồn tại những hợp đồng kinh tế về việc trả thêm phí nước thải nếu nếu vượt yêu cầu đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung (trường hợp này rất phổ biến hiện nay). Quy định này sẽ gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp có lưu lượng nước thải nhỏ, nồng độ nước thải chưa xử lý không đạt yêu cầu đấu nối, nhưng chịu trả phí cao hơn để thuê công ty hạ tầng xử lý thay vì phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng tại cơ sở của mình (không hiệu quả bằng việc thuê công ty hạ tầng xử lý).

+ Điểm c : Quy định “Được miễn trừ đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các trường hợp sau: Cơ sở đã hoạt động và có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, xả nước thải vào vị trí trước điểm xả nước thải của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp” chưa thực sự chặt chẽ vì sẽ xẩy ra tranh chấp về thẩm quyền cấp phép cấp phép xả thải và ai sẽ phải xin cấp phép xả thải (hay cấp phép môi trường) (Ví dụ : Hệ thống xử lý nước thải của cụm công nghiệp có lưu lượng 1.500 m3/ngày.đêm, hệ thống xử lý nước thải của đơn vị đầu tư thứ cấp có công suất 2.000 m3/ngày.đêm. Nếu thải riêng thì cả công ty hạ tầng và đơn vị đầu tư thứ cấp phải lập hồ sơ cấp phép xả thải (hay cấp phép môi trường) tại UBND tỉnh. Tuy nhiên, do 2 nguồn này thải ra tổng cộng 3.500 m3 nước thải/ngày.đêm tại 1 điểm xả thế thì phải xin 01 giấy phép xả thải cấp Bộ TNMT hay 2 giấy phép xả thải cấp tỉnh ? Nếu phải xin 01 cấp phép Bộ TNMT thì cấp cho ai, cấp cho Công ty hạ tầng hay chủ đầu tư thứ cấp hay cấp cho cả 2 ? ).

Điều 62. Khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư

- Khoản 1 : Khó xác định khi có nhiều nguồn ô nhiễm tại khu dân cư (Ví dụ: Khi nồng độ bụi cao hơn QCVN tại 1 khu dân cư xung quanh nơi có nhiều nguồn thải bụi cùng một lúc, thế thì xác định khoảng cách an toàn cho từng nguồn như thế nào ? Nguồn nào đảm bảo khoảng cách an toàn, nguồn nào không ?.

Điều 63. Lộ trình áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất

Kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) thay đổi theo thời gian. Vì vậy, nếu Bộ TNMT ban hành BAT năm 2030, nhưng đến năm 2035 thì BAT năm 2030 có thể đã trở thành lạc hậu rồi, lúc đó doanh nghiệp mới phải áp dụng BAT năm 2030 do Bộ TNMT ban hành thì bị chậm. Vì vậy, cũng tương tự như QCVN, những dự án đầu tư mới kể từ khi Bộ TNMT ban hành BAT năm 2030 phải áp dụng ngay, còn các cơ sở đang hoạt động phải có các biện pháp cải thiện để đạt được BAT năm 2030 trước năm 2035

Điều 65. Bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng 

Theo truyền thống thì tại Việt Nam, người nhà của người quá cố an táng cho người thân theo hình thức mai táng (hung táng, cát táng) hay hỏa táng. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới bắt đầu áp dụng hình thức an táng mới, ít ô nhiễm hơn, thân thiện với môi trường như thủy táng, băng thiêu. Vì vậy, trong điều này nên bổ sung 1 khoản mới “Khuyến khích áp dụng các hình thức an táng mới ít ô nhiễm, thân thiện với môi trường như thủy táng, băng thiêu”.

Điều 87 (Đối tượng và lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế): Đối tượng áp dụng đối với Nghị định này gồm 05 nhóm các sản phẩm thải bỏ (Thiết bị điện và điện tử; ắc quy và pin các loại;  dầu nhớt các loại; săm, lốp các loại; phương tiện giao thông và máy móc công trình) và 01 nhóm bao bì các loại (giấy, kim loại, thủy tinh, nhựa phế thải có giá trị tái chế) (Phụ lục 55). Việc lựa chọn đối tượng áp dụng phải dựa trên đồng thời các tiêu chí: Số lượng, khối lượng phát sinh phải nhiều; Tính độc hại khi thải ra môi trường phải cao; Khả năng tái chế phải lớn. Nhìn chung, việc lựa chọn 05 nhóm các sản phẩm thải bỏ là phù hợp. Tuy nhiên, do khái niệm bao bì rất rộng, đa dạng về kích thước, chủng loại và thành phần vật chất, nên để phân biệt rõ đối tượng bao bì nào sẽ thuộc đối tượng quản lý của Nghị định này, tránh trùng lắp, chồng chéo giữa các quy định về quản lý chất thải và phế liệu, trong dự thảo nghị định có quy định giới hạn về dung tích các bao bì từ 100 đến 500 ml. Riêng đối với nhóm bao bì G3 (Các sản phẩm khác có sử dụng bao bì), G4 (Các sản phẩm dùng trong vận chuyển hoặc đóng gói hàng hóa) có quy định thêm về doanh thu sản xuất, nhập khẩu (tỷ VNĐ), khối lượng sản xuất, nhập khẩu (tấn). Việc quy định này rất dễ xẩy ra tình trạng lách luật và bất công bằng giữa những nhà sản xuất, nhập khẩu. Về giải pháp tái chế nêu tại cột 6, Phụ lục 55 cũng cần phải bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế (Ví dụ : Đối với các thiết bị điện và điện tử thì biện pháp sửa chữa, phục hồi, thay thế linh kiện, phụ tùng để tái sử dụng là một trong các biện pháp phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới). Thậm chí tại các nước phát triển như Nhật Bản, cũng có những công ty như Công ty Anchor Network Japan có 4 nhà máy sửa chữa, phục hồi, thay thế linh kện để tái sử dụng các thiết bị điện tử (máy tính, smartphone …). Ngoài ra, rất nhiều biện pháp thu hồi kim loại quý từ các bản mạch điện tử bằng phương pháp vật lý (nghiền và tuyển bằng nước), nghiền và hòa tan, thu hồi bằng hóa chất, nhiệt luyện hoặc đồng nhiệt luyện trong lò luyện thép đang được sử dụng tại Việt Nam và trên thế giới. Đối với bao bì cao su, nhựa cũng cần làm rõ phương pháp nhiệt phân, ngưng tụ, chưng cất để thu hồi những loại nhiên liệu, hóa chất và các loại khí cháy. Việc quy định về tỷ lệ thu hồi tối thiểu cũng phải dựa vào thành phần vật liệu có thể tái chế khi tạo ra thiết bị (Ví dụ: Luật pháp Nhật Bản có yêu cầu nghiêm ngặt đối với tỷ lệ tài nguyên có thể tái chế trong sản phẩm như một chiếc ti vi phải được thiết kế để đảm bảo rằng hơn 50% vật liệu trong tổng trọng lượng của nó có thể tái chế trong tương lai. Tỷ lệ này ở tủ lạnh, máy giặt và điều hòa không khí là 60% đến 70%). Trong khi đó dự thảo Nghị định (cột 6) có quy định tỷ lệ thu hồi vật liệu tái chế (kim loại, nhựa, thủy tinh) tối thiểu của ti vi là 50%; tủ lạnh, tủ đông là 50%; điều hòa không khí 80%; máy giặt 75% chỉ phù hợp với ti vi, hơi thấp đối với tủ lạnh, nhưng quá cao (không thực tế) đối với điều hòa không khí và máy giặt. Vì vậy, cần phải làm rà soát lại quy định tỷ lệ tái chế tối thiểu tại cột 6 của Phụ lục 55 trên cơ sở làm rõ thành phần vật liệu có thể tái chế khi tạo ra thiết bị.

Điều 88 (Tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế): Việc tính toán, quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc (R), tỷ lệ tái chế thực tế (Ra), hệ số thải bỏ sản phẩm bao bì (D), hệ số thu gom sản phẩm, bao bì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, khác nhau đối với từng loại thiết bị, từng loại bao bì, từng loại vật liệu làm ra thiết bị, bao bì; phụ thuộc vào thị trường tái chế, công nghệ tái chế vì vậy không dễ dàng gì để áp dụng thực tế. Ví dụ khi tính được tỷ lệ tái chế bắt buộc (R) đối với bao bì nhựa thì phải xem bao bì làm từ loại nhựa gì PP, PE, PET, PVC, PS…Thực tế có loại nhựa được tái chế nhiều (Ví dụ : PE, PET), nhưng có loại nhựa hầu như không được tái chế (Ví dụ: nhựa PS làm hộp xốp). Vì vậy, xem lại sự cần thiết phải đưa công thức tính toán lý thuyết quá phức tạp vào dự thảo Nghị định này, mà chỉ nên ấn định một tỷ lệ bắt buộc dựa trên chiến lược, kế hoạch bảo vệ môi trường đã ban hành. Trong dự thảo Nghị định cũng không nên quy định bắt buộc về quy cách tái chế theo cột 6, Phụ lục 55 tại khoản 7 điều 88 vì quy định này sẽ triệt tiêu nghiên cứu phát minh ra các giải pháp tái chế mới mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn. 

Điều 89 (Mức đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam): Do việc tính toán xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc (R) rất khó khăn như nêu ở trên, nên việc tính toán số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì (F) cũng sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, việc xác định định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs) phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì và phụ thuộc vào giá cả thị thị trường nguyên vật liệu, điện, nước tiêu thụ phục vụ cho quá trình tái chế. Vì vậy, quy định công thức tính sẽ gây khó khăn, tranh cãi trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, trong dự thảo Nghị định cũng không làm rõ được trong trường hợp nào nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính cho quỹ bảo vệ môi trường. Trong dự thảo Nghị định chưa làm rõ khi nhà sản xuất, nhập khẩu chọn những phương án trực tiếp tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ hay thuê đơn vị chức năng xử lý, tái chế có phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hay không. Cũng cần phải làm rõ hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là nộp phí hay đóng góp tài chính vì hình thức đóng góp/hỗ trợ thường không phải là bắt buộc. Vì vậy, xem lại sự cần thiết phải đưa công thức tính toán lý thuyết quá phức tạp vào dự thảo Nghị định này, mà chỉ nên ấn định một mức đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam tương tự như quy định tại Phụ lục 61 về mức đóng góp thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải hoặc tương tự như quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đang thực hiện.

Điều 90 (Đăng ký kế hoạch, báo cáo kết quả tái chế và kê khai, đóng góp tài chính cho Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế): Do điều 88 đã quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với nhà sản xuất, nhập khẩu thì tại sao lại phải yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký kế hoạch tái chế ?. Trong dự thảo Nghị định có đề cập đến bên thứ 3 thực hiện tái chế do nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền, nhưng chúng tôi chưa thấy rõ được sự cần thiết phải ủy quyền cho bên thứ 3. Điều này cũng yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải thuê đơn vị kiểm toán độc lập, nhưng chưa làm rõ kiểm toán cái gì ? kiểm toán môi trường  hay kiểm toán tài chính ?. Điều này cũng quy định về việc đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế. Nếu chỉ quy định về đóng góp, hỗ trợ thì không thể bắt buộc nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện, mà tùy tâm họ có thể đóng góp, có thể không, có thể đóng góp nhiều, có thể đóng góp ít và cũng không thể quy định thời gian nào phải đóng góp, hỗ trợ. Nếu muốn bắt buộc doanh nghiệp phải nộp tiền, thì nên xem xét chuyển từ hình thức đóng góp, hỗ trợ sang hình thức nộp phí (tương tự như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải). Hơn nữa, số tiền doanh nghiệp nộp cần phải được quản lý như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và các loại phí, lệ phí khác.      

Điều 91 (Xử lý trường hợp không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế): Việc xử lý nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế bắt buộc theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường là hợp pháp. Tuy nhiên, không thể cưỡng chế nhà sản xuất, nhập khẩu không đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế được vì như trình bày ở trên hình thức đóng góp, hỗ trợ không phải là hình thức bắt buộc. Hơn nữa, cũng không thể truy thu, phạt doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ chậm được. Dự thảo Nghị định quy định hình thức cưỡng chế là đề nghị cơ quan thuế hoặc hải quan xử lý hoặc thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính. Hình thức này cũng không thể áp dụng nếu nhà sản xuất, nhập khẩu không đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế. Tất cả những quy định cưỡng chế, xử phạt chỉ có thể áp dụng khi quy định doanh nghiệp phải nộp phí tái chế, xử lý.

Điều 92 (Hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì): Điều này quy định hình thức nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự chọn bao gồm : Tự mình thực hiện tái chế; Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; Ủy quyền toàn bộ cho bên thứ ba để tổ chức tái chế; Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy vai trò của bên thứ ba do nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền chưa rõ (hơn nữa trong dự thảo Nghị định này lại quy định đơn vị này là phi lợi nhuận). Điều này cũng quy định về việc sử dụng số tiền các nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp hỗ trợ tái chế thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Điều này cũng quy định biện pháp cưỡng chế đối với nhà nhập khẩu thông qua việc thông báo với cơ quan hải quan không cho thông quan lô hàng sản phẩm, bao bì nhập khẩu. Tuy nhiên, chưa quy định hình thức cưỡng chế đối với nhà sản xuất trong nước. Nếu coi ký hợp đồng với đơn vị thứ ba được ủy quyền là hợp lệ để thông quan hay tiếp tục được sản xuất thì quá hình thức.

Điều 93 (Điều kiện thực hiện trách nhiệm tái chế): Điều này quy định yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu tự tái chế hay đơn vị tái chế do nhà sản xuất, nhập khẩu thuê tái chế thiết bị, bao bì thải bỏ phải có giấy phép môi trường là phù hợp. Tuy nhiên, chúng tôi không rõ những quy định đối với bên thứ ba được nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền tổ chức tái chế (có tư cách pháp nhân, không vì mục đích lợi nhuận; được ít nhất 03 nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền tổ chức tái chế; trường hợp tổ chức tái chế bao bì thì phải được ít nhất 10 nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền) để làm gì ? . Hơn nữa, bên thứ ba sau khi nhận ủy quyền từ  nhà sản xuất, nhập khẩu lại phải lựa chọn đơn vị tái chế có giấy phép môi trường để kết hợp đồng theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc bằng hình thức khác do nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền chấp thuận. Chúng tôi không thấy rõ sự cần thiết phải có bên thứ ba và lợi ích của bên thứ ba khi nhận ủy quyền của nhà sản xuất, nhập khẩu là gì ?.

Điều 94 (Đối tượng, thời điểm phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải): Chưa rõ tiêu chí lựa chọn các sản phẩm, bao bì tại Phụ lục 61 ban hành kèm theo Nghị định này. Có nên đưa “tã lót, bỉm, băng vệ sinh” vào đối tượng phải đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải không vì đây là đối tượng thường được nhà nước trợ giá ?. Chúng tôi cũng không rõ tiêu chí lựa chọn “kẹo cao su” để làm gì vì không hiểu tại Việt Nam mỗi năm tiêu thụ được bao nhiêu tấn kẹo cao su ?.  Như trên đã trình bày, nếu yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải, thì hình thức này không phải là bắt buộc. Cũng cần đánh giá tác động chính sách khi quy định mức đóng góp tài chính đối với từng sản phẩm, bao bì được quy định tại cột 6 Phụ lục 61.

Điều 95 (Trình tự thực hiện đóng góp kinh phí hỗ trợ xử lý chất thải): Xem lại sự phù hợp của hình thức đóng góp kinh phí hỗ trợ xử lý chất thải, vì như trình bày ở trên hình thức đóng góp, hỗ trợ là tự nguyện, không thể bắt buộc, cưỡng chế được. Nên xem xét chuyển thành phí xử lý chất thải thì mới bắt buộc, cưỡng chế được.

Điều 96 (Thực hiện hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải): Nên xem lại nội dung điều này cho phù hợp. Do yêu cầu đơn vị tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì phải có giấy phép môi trường, vì vậy, không thể hỗ trợ cho cộng đồng dân cư xử lý chất thải được. Cộng đồng dân cư làm sao có đủ điều kiện để nhận được giấy phép môi trường. Quỹ bảo vệ môi trường chỉ có thể hỗ trợ hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực quản lý chất thải.

Điều 97 (Cung cấp thông tin về sản phẩm, bao bì): Nhà sản xuất có thể cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, bao bì. Tuy nhiên, yêu cầu nhà nhập khẩu phải cung cấp thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu về thành phần nguyên vật liệu; hướng dẫn phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý sau tiêu dùng; cảnh báo rủi ro trong quá trình tái chế, tái sử dụng, xử lý sản phẩm, bao bì là không phù hợp (Ví dụ : Khi nhập máy tính, smartphone về mà phải ghi những thông tin này trên sản phẩm hay hướng dẫn kèm theo là khó khả thi).

Điều 98 (Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia): Quy định công bố thông tin liên quan đến EPR trên cổng thông tin điện tử quốc gia là phù hợp (Tương tự như thông tin về xử lý chất thải nguy hại và nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất).

Điều 99 (Hội đồng EPR quốc gia): Quy định về tổ chức, thành phần, quy chế của Hội đồng EPR quốc gia vừa mâu thuẫn, vừa không phù hợp. Không thể có một hội đồng là đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu lại có sự tham gia của đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, tư vấn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lại do lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường là chủ tịch. Xem lại sự cần thiết phải thành lập Hội đồng EPR quốc gia, trong khi hiện nay có rất nhiều hội nghề nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp (Ví dụ: Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hiệp hội nhựa Việt Nam, Hiêp hội cao su Việt Nam, Hiệp hội giấy Việt Nam, Hiệp hội bao bì Việt Nam; Hiệp hội ô tô xe máy Việt Nam …) có thể tư vấn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về những nội dung liên quan đến tỷ lệ tái chế.

Điều 100 (Văn phòng EPR Việt Nam): Quy định về tổ chức, thành phần, quy chế của Văn phòng EPR quốc gia vừa mâu thuẫn, vừa không phù hợp. Không thể có văn phòng là tổ chức của nhà sản xuất, nhập khẩu mà lại đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, do Bộ TNMT quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Cần xem lại việc thành lập một tổ chức mới trong khi rất nhiều đơn vị của Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động tái chế, xử lý thiết bị thải bỏ, bao bì (Ví dụ: Vụ Quản lý chất thải).

Điều 104. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường

Khoản 4 : Hiện nay để cải cách thủ tục hành chính, nên xem xét kéo dài thời gian hiệu lực cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường từ 3 năm (36 tháng) lên 5 năm (60 tháng), kể từ ngày cấp và có thể được cấp lại nhiều lần, mỗi lần cấp lại có hiệu lực không quá 5 năm (60 tháng) tương tự như giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liêu làm nguyên liệu cho sản xuất. Chúng tôi có tiếp xúc với nhiều phòng thí nghiệm và đều có chung phản ánh là thời hạn cấp VIMCERTS quá ngắn, mới nhận được Giấy chứng nhận chưa lâu đã phải lập thủ tục xin cấp lại.

Sau khi tham khảo những góp ý ở trên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, chỉnh sửa lại các Phụ lục cho phù hợp. Theo quan điểm của chúng tôi nên hạn chế đưa vào Nghị định những biểu mẫu liên quan đến mẫu đơn, mẫu quyết định, mẫu biên bản … vì đây là những mẫu dễ thay đổi theo thời gian, dễ thay đổi theo đặc điểm, quy mô, tính chất của dự án. Những biểu mẫu này nên ban hành dưới dạng Thông tư hay hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ linh động hơn trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại văn phong. Mặc dù đã được chuẩn bị công phu nhưng chúng tôi vẫn phát hiện một số lỗi in ấn (thiếu chữ, thừa chữ, sau dấu) mặc dù rất ít.     

Trên đây là một số ý kiến góp ý cho bản dự thảo Nghị định Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Rất mong Ban soạn thảo Nghị định thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo.

 

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch VACNE

Lượt xem : 2321