Bầu trời đêm Berlin rực sáng những đám mây màu cam phản chiếu ánh sáng nhân tạo chốn thị thành. Ảnh Christopher Kyba
Ô nhiễm ánh sáng là tác nhân làm sáng bừng bầu trời đêm tại khắp nơi trên Trái đất. Đã qua rồi cái thời các nhà văn tả cảnh bầu trời đen kịt trong một đêm bão bùng.
Thay vào đó, các nhà khoa học cho rằng để diễn tả chính xác những gì đang xảy ra trong thế giới hiện đại, các nhà văn phải nói: Mây sáng bừng trong đêm bão bùng!
Thật thế! Ô nhiễm ánh sáng là tác nhân gây nên hiện tượng "ngược đời" trên.
Frank Holker, một chuyên gia sinh thái học tại Viện Leibniz ở Berlin , Đức cho biết ô nhiễm ánh sáng khiến bầu trời đêm trở nên sáng hơn.
Đặc biệt, khi trời có nhiều mây, một dấu hiệu của những cơn bão sắp sửa xảy ra, bầu trời đêm càng rực sáng hơn bao giờ hết do sự phản xạ ánh sáng nhân tạo.
Theo ông Phi Langill, Giám đốc Trung Tâm Đài Quan Sát Vật Lý Thiên Văn Rothney thuộc Đại học Calgary, trước thời kì bùng nổ của ánh sáng nhân tạo, những đám mây đã chắn ánh sáng của những vì sao trên bầu trời trong điều kiện tự nhiên.
Nay thì mọi thứ đảo ngược. Càng nhiều mây, bầu trời càng trở nên sáng sủa hơn vào ban đêm.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu tại 44 địa điểm khác nhau trên thế giới.
Những địa điểm này được phân loại dựa trên tốc độ đô thị hóa, từ vùng nông thôn, ngoại ô đến thành thị.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại những thành phố, vai trò cung cấp ánh sáng tự nhiên của mặt trăng và những ngôi sao gần như bị triệt tiêu.
Khi mặt trăng mọc trên bầu trời đô thị trong những đêm nhiều mây, độ sáng của bầu trời hầu như chẳng hề thay đổi.
Thế nhưng, tại vùng nông thôn, trời đêm sáng hơn đáng kể khi có nhiều mây sau khi mặt trăng đã lên cao.
Tại một thị trấn Hà Lan có ten là Schipluiden, hiệu ứng khí nhà kính vốn kéo theo sự tích tụ nhiều hơn các đám mây đã khiến cho bầu trời đêm phát sáng sau 12 giờ khuya.
Bầu trời đêm ở Schipluiden sáng hơn 10.000 ngàn lần bầu trời tối nhất trong 44 địa điểm được lấy mẫu nghiên cứu.
Địa điểm có trời tối nhất vào ban đêm Đài quan sát thiên văn quốc gia Peak Kitt ở tiểu bang Arizona, Mỹ.
Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra những con số đang báo động.
Tại 7 thành phố, bầu trời đêm không mây có độ sáng hơn gấp 10 lần trước đây.
Có 30 thành phố, độ sáng của bầu trời đêm gấp 2 lần so với trước đây trong suốt 12 tháng.
Hiện tượng ô nhiễm ánh sáng kể trên khiến các nhà khoa học lo ngại.
Họ cho rằng hiện tượng này có tác động xấu đến quá trình sinh trường của động thực vật.
Dữ liệu thu thập từ vệ tinh cũng cho thấy ô nhiễm ánh sáng đang càng ngày càng nghiêm trọng.
So với cách đây 200 năm, vào những đêm tối trời nhiều mây, các loài săn mồi ban đêm hầu như không thể nhìn thấy gì.
Tình hình bây giờ thì khác hẳn. Sự hỗ trợ của lượng ánh sáng nhân tạo có khả năng tác động và biến đổi chuỗi thức ăn trong tự nhiên.
Chuyên gia Holker nói rằng ô nhiễm ánh sáng đã gây ra những hậu quả khôn lường lên hệ sinh thái.
Bởi lẽ, trong tự nhiên, các loài động vật nhận biết tín hiệu từ nguồn sáng mặt trăng để điều chỉnh quá trình tìm kiếm thức ăn và sinh sản.
Trước những kết quả nghiên cứu đáng báo động trên, các nhà khoa học đã vận động những người bình thường tham gia vào dự án mở rộng lấy mẫu nghiên cứu ô nhiễm ánh sáng.
Họ đã viết ra một số ứng dụng cho điện thoại thông minh để các nhà khoa học công dân có thể đo độ sáng của bầu trời đêm trên khắp thế giới.
Nếu bạn muốn tham gia vào dự án này, bạn có thể tải về chú đề của mình 3 ứng dụng sau:
1. Globe At Night
Các tình nguyện viên so sánh khả năng nhìn thấy các chòm sao như chòm Orion và một dãy các chòm sao khác. Bạn có thể gởi báo cáo quan sát của mình đến các nhà khoa học thông qua ứng dụng có hỗ trợ 26 ngôn ngữ này.
2. Loss of the Night
Ứng dụng này chỉ đường cho bạn hướng nhìn về phía các ngôi sao để kiểm tra xem bạn có thể thấy chúng bằng mắt thường hay không.
Ứng dụng này có thể chạy trên hệ điều hành Android và iOS.
3. Dark Sky Meter
Ứng dụng sử dụng camera trên điện thoại cho Iphone để đo độ sáng của bầu trời đêm. Ứng dụng này có 2 phiên bản trả tiền và miễn phí.
Theo LiveScience/Một Thế Giới