Vietnamese English
Nuôi động vật hoang dã có đóng góp cho bảo tồn?

10/10/2020 6:59:00 AM

Gây nuôi thương mại động vật hoang dã sao cho vừa đảm bảo mang lại liệu quả về kinh tế, đồng thời kiểm soát, hạn chế tác động, nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ ĐVHD sang người, góp phần vào việc bảo tồn bền vững các loài tại Việt Nam.


 

Gây nuôi thương mại động vật hoang dã (ĐVHD) khá phổ biến tại Việt Nam, với khoảng 18.000 cơ sở gây nuôi, trên 100 loài nhân nuôi trên cả nước - Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết thông tin tại Tọa đàm “Gây nuôi động vật hoang dã trong bối cảnh lan truyền dịch bệnh và áp lực bảo tồn loài” ngày 08/10/2020 tại Hà Nội.
 

TS Vương Tiến Mạnh, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, cho biết các cơ sở nuôi 
ĐVHD tập trung nhiều chủ yếu ở các tỉnh miền Nam (chiếm 70%), đặc biệt là miền Đông và miền Tây Nam Bộ, nơi có điều kiện thuận lợi hơn về thời tiết, khí hậu và nguồn cung thức ăn cho ĐVHD. Về giá trị kinh tế, hoạt động nuôi ĐVHD tại Việt Nam mang lại nguồn thu trung bình trong 5 năm gần đây khoảng 60 triệu USD/năm.

Gây nuôi ĐVHD được pháp luật ủng hộ trên cơ sở nhận định rằng hoạt động gây nuôi ĐVHD không những giúp phát triển kinh tế mà còn hỗ trợ cho công tác bảo tồn các loài tại 
Việt Nam.   

Tuy nhiên một số nghiên cứu, khảo sát của các tổ chức bảo tồn cho thấy nhân nuôi ĐVHD không những không có đóng góp rõ ràng cho bảo tồn mà còn có thể tác động tiêu cực đến quần thể ĐVHD ngoài
 tự nhiên.  

Theo khảo sát của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, hai địa phương có nhiều cơ sở gây nuôi ĐVHD nhất ở nước ta là Bạc Liêu và Nghệ An. Đa phần các chủ cơ sở gây nuôi mới chỉ vì mục đích kinh tế chứ chưa thực sự quan tâm về việc gây nuôi có đóng góp cho bảo tồn loài động vật đó trong tự nhiên.

Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi không đảm bảo điều kiện kỹ thuật cũng được ghi nhận khi các trang trại gây nuôi hỗn hợp các loài ĐVHD với điều kiện chăm sóc thú y kém và hầu như không biết về nguồn bệnh luôn tiềm ẩn đe dọa vật nuôi.  

Quan sát này đặc biệt đáng quan ngại khi đặt trong bối cảnh các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng các dịch bệnh như SARS, dịch tả lợn Châu Phi (ASF), Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) và gần đây nhất là Covid-19 có nguồn gốc từ ĐVHD.

Việc cho phép gây nuôi ĐVHD nhưng thiếu kiểm soát và quản lý chặt chẽ có thể gây ra những nguy cơ đối với sức khỏe của con người và động vật hoang dã trong tự nhiên.

Theo TS. Vương Tiến Mạnh, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chồng chéo, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép và tạo ra lỗ hổng pháp lý mà tội phạm về ĐVHD lợi dụng. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng của thị trường thúc đẩy hoạt động gây nuôi trái pháp luật ĐVHD.

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1576