Nước Việt thân yêu nhìn từ ô cửa sổ máy bay - Phần 1
2/21/2023 1:48:00 PM
(VACNE) - BBT vừa nhận được bài viết rất hay này của PGS TS Lê Trình, xin cảm ơn Tiến sĩ và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc
NƯỚC VIỆT MẾN YÊU TỪ Ô CỬA SỔ MÁY BAY
(Qua quan sát từ máy bay năm 2014; Bổ sung năm 2018 - 2022)
Lê Trình
Từ năm 1995 đến nay trung bình mỗi năm tôi có 10 chuyến bay khứ hồi từ TP Hồ Chí Minh đến nhiều vùng trong nước để thực hiện các đề tài môi trường hoặc họp hành, giảng dạy; đôi khi cũng đi du lịch tỉnh xa cũng bằng máy bay. Tổng cộng có lẽ tôi đã đi khoảng 300 chuyến bay khứ hồi và chưa biết thời điểm nào là chuyến cuối! Từ trên cao được ngắm mọi miền đất nước rất đa dạng về địa hình, cảnh quan, các hệ sinh thái và nhiều phương thức phân bố dân cư, các công trình xây dựng và các làng quê, các khu công nghiệp, khu đô thị cũ và mới đan xen nhau, thay đổi theo thời gian thì tôi luôn có cảm giác khó tả. Dưới đây là một số tấm hình về cảnh quan môi trường tự nhiên, hạ tầng xã hội đặc trưng một số vùng miền của nước Việt thân yêu nhìn từ độ cao vài trăm đến vài ngàn mét và suy nghĩ miên man về môi trường, kinh tế, văn hóa từng vùng qua những gì đang quan sát. Đây không phải báo cáo khoa học mà chỉ là bản ghi chép những điều tôi ấn tượng lớn nhất về từng vùng miền khi ngồi trên máy bay. Đáng tiếc là chụp từ khá xa bằng máy ảnh không chuyên, thời tiết nhiều ngày không đẹp nên các tấm hình không sắc nét. Ngoài các ảnh chụp trong năm 2014 còn có một số ảnh chụp trong các năm 2018 - 2022 để so sánh sự thay đổi.
PHẦN MỘT: TỪ TÂY NAM BỘ ĐẾN NAM TRUNG BỘ
1. Vùng Tây Nam Bộ
Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL) có diện tích gần 39.195 km2, nơi đây có 13 tỉnh, thành phố với số dân 17,3 triệu người (2021)
là vùng đất cực Nam Tổ quốc. Nằm cuối lưu vực Mêkông, hai mặt được biển bao bọc nên đã tạo ra vùng đất ngập nước rộng lớn, do vậy tại đây có nhiều khu vực có giá trị cao về sinh thái, kinh tế và thích ứng BĐKH.
Cửa Tiểu và Cửa Đại của sông Tiền (năm 2014): Hai trong tám (8) cửa sông Cửu Long (sông Tiền có 6 cửa, sông Hậu có 2 cửa) đổ về biển Đông, như vậy trên 100 năm nay Cửu Long chỉ có 8 cửa chứ không phải 9 cửa như nhiều người nghĩ; Nếu cửa Ba Lai bị ngành thủy lợi ngăn hoàn toàn để “ngọt hóa” thì chỉ còn 7
Cửa Cung Hầu, một trong 6 cửa của sông Tiền có độ rộng đến trên 3.000m và có thể nhìn thấy các ống khói của Trung tâm Điện lực Trà Vinh – nơi có các nhà máy điện than lớn nhất miền Nam (10/2018).
Đây là vùng nông nghiệp lớn nhất Việt Nam (lúa chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng, khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng cả nước;
thủy sản chiếm 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước; diện tích cây ăn trái chiếm 33% cả nước) và có tiềm năng phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch. Tuy nhiên, đến nay Tây Nam Bộ vẫn là vùng còn hạn chế phát triển về kinh tế, KHCN, giáo dục, y tế; GRDP thấp hơn trung bình cả nước. Toàn vùng chỉ có 4 CHK dân dụng (2 CHK quốc tế) nhưng đều khá vắng khách (trừ Phú Quốc).
Từ năm 1991 đến nay chúng tôi đã chủ trì rất nhiều đề tài/dự án cấp tỉnh/Bộ, hợp tác quốc tế về nghiên cứu môi trường cho toàn vùng và 11/13 tỉnh, thông thuộc phần lớn số huyện, nên đã đến vùng này cả trăm lần nhưng bằng ô tô, chỉ mới 3 lần đi máy bay đến Cần Thơ, Cà Mau và Phú Quốc lại vào các ngày thời tiết xấu nên ảnh không đẹp.
Cảnh quan đặc trưng phương thức định cư vùng ĐBSCL khác hẳn các vùng miền khác cả nước: Cả trăm năm nay hầu như chưa thay đổi: Các khu dân cư san sát nhà dân, hàng quán trải dọc theo các dòng kênh và đường lộ, sau các dãy nhà là đồng ruộng mênh mông. Sở dĩ như vậy vì ven lộ là đất cao, ven kênh là đất từ xáng cạp đào kênh tạo nền cao hơn nội đồng, tránh được ngập lũ. Phương thức định cư này là thông minh, phù hợp khi người dân còn nghèo nhưng rất bất lợi về cung cấp hạ tầng xã hội: Cấp điện, nước, trường học, bệnh viện…. Đặc biệt, rất khó kiểm soát ô nhiễm vì với phương thức định cư này, ngoài các chức năng cấp nước, phát triển thủy sản, giao thông thủy, sông rạch miền Tây còn thêm chức năng: Tiếp nhận và đồng hóa chất thải. Phần lớn toàn bộ nước thải, chất thải rắn đủ loại được đưa trực tiếp vào kênh rạch. Vì vậy ở vùng này “Quê ta ai cũng có một dòng sông bên nhà” nhưng ngoại trừ các dóng chính sông Tiền, sông Hậu hàng ngàn sông, kênh rạch khác bị ô nhiễm rõ rệt, các tác nhân ô nhiễm chính là chất hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh từ chất thải sinh hoạt. Nơi đây có hệ sinh thái đất ngập nước phong phú, con người thực thà, ít nói, siêu thân thiện, ẩm thực dân dã, đàn ca tài tử lôi cuốn và nếu giá gì phương thức định cư ven kênh rạch giảm đáng kề, xóa hết “cầu cá vồ” (cầu tỏm) và sông rạch sạch hơn thì sẽ thu hút du khách đến thăm lần thứ 2.
1. Vùng TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ
TP Hồ Chí Minh là trung tâm đô thị, công nghiệp, tài chính, cảng biển lớn nhất cả nước. Đông Nam Bộ, bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh là vùng kinh tế tạo ra GRDP và GRDP/người cao nhất so với các vùng nước ta. Trong vùng hiện chỉ có 2 CHK dân dụng (Tân Sơn Nhất và Côn Đảo).
Đông Nam Bộ còn có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị lớn về môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) từ vùng đồi núi Tây Ninh, Đồng Nai đến ven biển ngập mặn TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng đang bị đe dọa do phát triển kinh tế. Vì vậy vùng này có rất nhiều vấn đề môi trường từ ô nhiễm đến sinh thái và xung đột giữa phát triển và bảo tồn, ứng phó biến đối khí hậu.
Mảnh đất trên 100 ha ở trong khuôn viên CHK Tân Sơn Nhất đang được xây sân Golf. Hậu quả là hiện nay việc mở rộng CHK này rất khó khăn vì quỹ đất hẹp, xung quanh lại bị các khu dân cư nhà san sát bao vây.
Doanh trại của Đơn vị Quân đội bảo vệ Sân bay vẫn không thay đổi nhiều sau nhiều năm (10/2022).
Khu đô thị dưới cánh máy bay ở Gò Vấp mới được lập vào các năm 2012 – 2015 (27/12/2022); Ngoại trừ một số đô thị mới ở Quận 2, Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm….Cũng như Hà Nội,mật độ xây dựng ở TP Hồ Chí Minh rất cao, nhà cửa nhiều khu phố cao thấp, lô xô; diện tích đường giao thông, công viên cây xanh rất hẹp, khu đô thị cũ hết khả năng “chịu tải”? Các đô thị cũ ở ta rất khó trở thành đô thị xanh, hiện đại như Quảng Châu, Hàng Châu, Kuala Lumpur…, càng không thể là Singapore.
Ngoại ô TP Hồ Chí Minh - “Công xưởng của Việt Nam”, nơi đây có 23 khu chế xuất, KCN có tổng diện tích 6.039 ha với hàng ngàn nhà máy; Ở thành phố này công nghiệp, phương tiện giao thông, dân số ngày càng tăng, tuy nhiên số liệu quan trắc môi trường lại cho thấy gần 10 năm gần đây mức độ ô nhiễm nguồn nước và không khí không tăng rõ, nhiều khu vực còn giảm (Số liệu quan trắc nhiều tỉnh/TP cũng có xu hướng này, hơi khó giải thích (ảnh 10/2022).
Sông Sài Gòn uốn lượn qua trung tâm TP Hồ Chí Minh: Hai bờ sông đã bị chiếm dụng, không còn hành lang ven bờ; Các khu nhà cao tầng xếp đầy ven sông khiến dòng sông trở nên nhỏ bé như dòng kênh. Sông Sài Gòn là nguồn tiếp nhận phần lớn nước thải đô thị, công, nông nghiệp từ các TP Hồ Chí Minh, Thủ Dầu Một, các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương trước khi hợp lưu với sông Đồng Nai – nguồn tiếp nhận nước thải từ TP Biên Hòa, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, rồi đổ về các cửa sông ở Cần Giờ, ra vịnh Gành Rái (Ảnh trên: 9/2020; Ảnh dưới: 10/2022).
Một góc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương – cũng là “Công xưởng của Việt Nam” 10/2014; Từ tỉnh nghèo, bị chiến tranh khốc liệt 20 năm nay Bình Dương đã là một trong các tỉnh giàu nhất cả nước.
Sân Golf Thủ Đức, được lập gần 30 năm trước nay vẫn phát triển (10/2022).
Nơi hợp lưu hai sông Đồng Nai (nhánh phải) và Sài Gòn (nhánh trái) tạo nên sông Nhà Bè (dòng lớn) “Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”; Doi đất bên trái là “Mũi Đèn Đỏ” (10/2014)
Sông Đồng Nai đoạn có hai cù lao: Bờ phải là tỉnh Đồng Nai, bờ trái là TP Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh (10/2022).
Sông Đồng Nai – dòng sông lớn nhất Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, cấp nước và tiếp nhận nước thải cho Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Dòng sông chảy qua nhiều khu rừng nhiệt đới rộng lớn ở Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, tạo các hệ sinh thái vốn có độ đa dạng sinh học rất cao. Đây là đoạn qua Vườn Quốc gia Cát Tiên, trước khi đổ vào hồ Trị An (ảnh 8/2022)
Hồ Trị An (12/2022) trên sông Đồng Nai có bề mặt nước mùa lũ trên 320 km2 – nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, một phần Bình Dương. Vào mùa khô mặt hồ và dung tích bị thu hẹp đáng kể. Nếu hồ Trị An, sông Đồng Nai giảm lưu lượng và bị ô nhiễm nặng thì TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông sẽ bị nguy cơ cao về cấp nước sạch, gia tăng xâm nhập mặn và sông Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp…sẽ giảm “khả năng tự làm sạch”.
Từ năm 1991 đến 2005 chúng tôi đã chủ trì rất nhiều đề tài/dự án môi trường cấp Bộ và cấp tỉnh cho tất cả các tỉnh/TP trong vùng này, không tính ĐTM vài chục dự án năng lượng, giao thông, công nghiệp lớn. Vì vậy tôi đã đặt chân đến tất cả các huyện ở từng tỉnh và còn nhớ các sông, hồ, đồi núi, cảnh quan sinh thái, công trình công nghiệp nổi bật của từng huyện vào thời điểm đó. Đây là vốn quý giúp tôi làm nghiên cứu, tư vấn, giảng dạy đúng đắn, có hồn và góp ý các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư chuẩn xác hơn: Môi trường không chỉ là chất thải, ô nhiễm đang được đặc biệt quan tâm trong các văn bản này mà còn nhiều vấn đề về thủy văn, xâm nhập mặn, sụt lún, sinh thái, xã hội mà trong nhiều dự án, quy hoạch các vấn đề này còn gây tác hại hơn chất thải, ô nhiễm, rất cần quan tâm đối với cả nước và từng địa phương.
3. Vùng Nam Trung Bộ
Nam Trung Bộ kéo dài từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Bình Thuận. Vùng này có giải đồng bằng hẹp không thuận lợi phát triển nông nghiệp. Bù lại, tại đây còn diện tích khá lớn rừng trên núi cao, rừng ven biển, tạo nên nhiều khu bảo tồn có giá trị về môi trường, thích ứng BĐKH. Đặc biệt trong vùng có nhiều dãy núi từ Nam Trường Sơn đâm ra biển tạo cảnh quan bờ biển, vịnh biển, bãi biển nước trong xanh, đẹp nhất Việt Nam. Đây là vùng phù hợp phát triển công nghiệp, du lịch, thủy sản, cảng biển. Trong vùng hiện có 5 CHK dân dụng (2 CHK quốc tế). Tôi đã hạ cánh ở 4 điểm này nhiều lần, trừ CHK Phú Yên. Đây là vùng chúng tôi có ít dự án/đề tài nghiên cứu môi trường so với các vùng ĐB sông Cửu Long, ĐB sông Hồng và Đông Nam Bộ. Dù chỉ thực hiện Quy hoạch môi trường Khu Kinh tế Dung Quất, một số ĐTM cho các dự án cảng, luyện kim ở Khu Kinh tế này và các dự án xây dựng CHK Quốc tế Đà Nẵng, CHK Tuy Hòa nhưng tôi đã lưu trú ở tất cả các tỉnh Nam Trung Bộ.
Ngoài cảnh quan núi, rừng, bãi biển tuyệt đẹp, con người chân chất, thân thiện tôi nhận ra: vùng này có nhiều loại giọng (tiếng) nói đặc thù, cứ qua khỏi một con đèo là gặp ngay giọng nói khác. Như vậy, không có “tiếng miền Trung” nói chung vì vùng Bắc Trung Bộ (từ Nghệ An đến Thừa Thiên) cùng một giọng nói chủ đạo nhưng độ nặng, nhẹ khác nhau; còn vùng Nam Trung Bộ lại có nhiều giọng nói khác biệt, tiếng Quảng hoàn toàn khác với tiếng tiếng Nghệ, tiếng Huế và tiếng “Nẫu” (người dân các tỉnh Bình – Phú – Khánh gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ 3: anh ấy, chú đấy, bọn họ: là “nẫu”). Và các giọng nói ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ khác hẳn giọng Bắc, giọng Sài Gòn, giọng Nam Bộ. Dân tộc Việt Nam: “Thống nhất trong đa dạng” đó mới là vốn văn hóa đặc biệt quý giá. May sao tôi hiểu dễ dàng và “thông dịch” cho mọi người tất cả các giọng chính: Bắc (Hà Nội, Hải Phòng), Nghệ, Quảng, Nẫu, Nam Bộ (Sài Gòn, miền Tây) nên đi đâu cũng không phải nhờ người bản địa.
Làng quê khu vực Tam Kỳ, Quảng Nam (10/2022): Phương thức định cư tương tự các vùng, miền đồng bằng khác (trừ vùng ĐBSCL): Làng xóm tập trung vào một khu vực, bao quanh là các cánh đồng, dòng sông: Quang cảnh nên thơ nhưng phần lớn đất đai ven biển là đất cát trắng xen lẫn gò đồi nên khó phát triển nông nghiệp
Một phần KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi: Khu Kinh tế đầu tiên ở Nam Trung Bộ, nơi đây có Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đầu tiên ở Việt Nam (ảnh 21/11/2018).
Đà Nẵng: Trung tâm kinh tế Nam Trung Bộ; Khu vực quận Hải Châu bờ Bắc sông Hàn (10/2022)
Vùng đất cát hoang hóa phía Nam tỉnh Quảng Nam 20 năm nay đã chuyển thành đất công nghiệp nhưng còn dang dở; phía xa sau cánh đồng lớn là vùng núi phía Đông của Nam Trường Sơn (ảnh 02/10/2022).
Vùng ven biển huyện Núi Thành, Quảng Nam đang bị ngập lũ: Sông Trường Giang, tàu ghe, làng quê và đồng ruộng: Cảnh sắc như tranh lập thể (11/2014)
Từ máy bay hạ cánh có thể thấy rõ: CHK Chu Lai vẫn lưu giữ vài chục nhà vòm bằng kim loại chứa máy bay quân sự do quân đội Mỹ lập từ 1966, đây là chứng tích sự hiện diện của một trong các căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất miền Nam thời chiến tranh, chỉ sau Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.
Tôi luôn ghi nhớ: Trong chiến tranh, tại khu vực ven căn cứ không quân này và nhiều căn cứ Mỹ khác rất nhiều chiến sỹ Quân Giải phóng đã vùi mình trong cát nóng bỏng suốt vài ngày để tập kích diệt máy bay, nhiều anh em đã hy sinh anh dũng. Nhiều người cùng tuổi với tôi, nhiều bạn cùng Trường học sinh miền Nam với tôi đã hy sinh, vậy mà tôi còn tồn tại, lại được học hành, được làm việc như ý, dù cũng có vài năm phục vụ kháng chiến. Đó là vì sao dù dòng đời đưa đẩy, ít thời gian rãnh rỗi nhưng nhiều khi tôi tự vấn: Đã và còn nên làm điều gì thực chất theo khả năng để góp chút ít cho đất nước phát triển hơn, xã hội tốt đẹp, văn minh, công bằng hơn như ước nguyện của bạn bè cùng thế hệ và hàng triệu người đã ngã xuống vì dân tộc.
Lượt xem : 2021