Vietnamese English
Nước và an ninh môi trường

1/24/2010 4:56:00 PM

An ninh nguồn nước là vấn đề hàng đầu của an ninh Môi trường trên toàn cầu. Việt Nam cũng không đứng ngoài quỹ đạo này

 
 
 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
 
 
Sông Hồng cuối năm 2009
 
 1.Sự khan hiếm nước – nghèo đói và xung đột nội bộ cộng đồng
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng trong 30 năm tới dân số thế giới có thể đạt đến 8 tỷ, sẽ làm tăng nhu cầu nước lên 650% khiến cho 26 quốc gia với 250 triệu dân sẽ lâm vào tình cảnh thiếu nước căng thẳng. Người ta tính rằng cứ sau 21 năm, nhu cầu sử dụng nước lại tăng gấp đôi. Trong khi đó, hiện nay ô nhiễm nước vẫn không ngừng tăng lên. 1/4 số hồ của Trung Quốc bị ô nhiễm, hàng ngàn hồ của Thuỵ Điển bị axit hoá, 3/4 lượng nước sông của Balan bị nhiễm bẩn đến mức chỉ sử dụng cho nhu cầu công nghiệp cũng không đạt. Việc sử dụng quá mức nước sông Amu Daria và Syr Daria để tưới bông trên lãnh thổ Liên Xô cũ đã làm giảm 75% lượng nước ngọt chảy vào biển Aral khiến biển này trở nên khô cạn và tăng độ mặn, lượng cá đánh được hàng năm khoảng 50.000T đã hoàn toàn cạn kiệt khiến cho 60.000 người mất việc làm và đe doạ cuộc sống của 50 triệu dân sống xung quanh biển Aral.
 
Thiếu nước đã làm nghèo thêm những cộng đồng nghèo. Dân nghèo ở thủ đô Haiti phải chi 20% thu nhập để mua nước. 1/3 dân số Jacarta (Indonesia) - khoảng 2,6 triệu người - phải mua nước từ xe bồn với giá 1,5 - 5,2 USD/1m3. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Pakistan, Mauritania, Bangladesh, Nigeria và Hondura. Bắc Kinh (Trung Quốc) đang xem xét dự án chuyển tải nước từ nguồn xa 1.000km để cung cấp cho thành phố. Gần toàn bộ nước sinh hoạt ở Bỉ phải tải theo đường ống từ vùng biên giới với nước Pháp do toàn bộ hệ thống nước mặt và nước ngầm bị nhiễm bẩn vì phân súc vật và nhiễm mặn. Hiện nay, 40% dân số thế giới chung sống trong 250 lưu vực sông. Đó là cội nguồn gây ra tranh chấp. Ỏ nhiều nước, xung đột nguồn nước còn xảy ra giữa các tỉnh, giữa ngành nông nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và đô thị. Ở Ấn Độ, nước là cội nguồn của cuộc xung đột triền miên giữa 2 tỉnh miền Nam là tỉnh Karnataca và tỉnh Tamilnada.
 
Ấn Độ còn là một nước mà những dự án thuỷ lợi cỡ lớn đã kích động sự phản đối dữ đội của nhân dân. Phong trào phản kháng kéo dài 15 năm của người địa phương chống lại dự án Narmada gồm 30 đập lớn, 135 đập vừa và 3.000 đập nhỏ, với 200.000 người phải di cư đã khiến Ngân hàng thế giới từ chối cho dự án vay tiền. Một dư án khác của Ấn Độ nhằm xây hồ chứa Sardar - Sarovar cũng lâm vào cảnh bị chống đối tương tự, do dự án đe doạ nhấn chìm 100.000 ha ruộng lúa và buộc khoảng 300.000 dân phải di cư, chủ yếu là người thiểu số Adivasi.
 
Việt Nam có may mắn là đất nước khá đồi dào tài nguyên nước. Tuy nhiên 2/3 lượng nước Việt Nam có (khoảng 500 tỷ/850 tỷ m3/năm) là nước quá cảnh từ nước ngoài chảy vào. Nước ta có hàng trăm lưu vực sông nhỏ và 23 lưu vực sông lớn có diện tích từ trên 1000 km2 mỗi lưu vưc, nhưng “tất cả các dòng sông đều bẩn” từ loại B trở lên theo kết luận của các báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia. Những trận hạn hán và lũ lụt dữ dội trong các năm gần đây ở miền Trung cho thấy khả năng chủ động nguồn nước vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi đó hầu hết các dòng sông đã bị ô nhiễm do xả thải công nghiệp, khai mỏ hoặc dư lượng hoá chất nông nghiệp. Sự thiếu tính toán khoa học trong việc di dân lòng hồ Hoà Bình đã nhiều chục năm trôi qua, cho đến nay vẫn để lại những hậu quả không mong muốn. Những bài học của thế giới về các xung đột môi trường liên quan đến nguồn nước đối với chúng ta chắc chắn không bao giờ cũ. 

Thế giới khát
Nước ngọt chỉ chiếm 1% nguồn tài nguyên nước thế giới, rất cần thiết cho nông nghiệp, công nghiệp và con người. Để đáp ứng nhu cầu nước đô thị hiện nay, hơn một nửa số thành phố Châu Âu đã khai thác quá mức nước ngầm và ở nhiều nước nước ngầm đã bị ô nhiễm. Trong hơn 70 năm qua. Mexico City bị lún hơn 10 mét do khác thái quá mức nước ngầm. Thành phố Bangkok đang bị xâm mặn vào các tầng ngậm nước. Thành phố Jonhannesburg lấy nước cấp cách xa 600km từ vùng cao Lesotho. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng theo ước tính hơn 20% dân số thế giới đang bị thiếu nước. Ngoài ra, việc tìm kiếm nguồn nước ngọt cấp cho các thành phố thường gây ra các xung đột tiềm tàng và thậm chí xảy ra các cuộc chiến tranh vì nước.
Khoảng hơn 1 tỷ người không có nơi nương thân và các dịch vụ cơ bản như nước sạch. Điều tồi tệ hơn là ở nhiều nước, người nghèo lại phải mua nước của những người bán lẻ nên thường đắt hơn. Nghịch cảnh hơn nữa, trong khi người nghèo đang đấu tranh với nước, thì ở nhiều thành phố có tới một nửa lượng nước cấp bị thất thoát do rò rỉ và tệ ăn cắp nước. Những cơ chế thiếu hiệu quả và không bình đẳng trong cấp nước như vậy có thể chỉ dẫn đến xung đột sâu sắc hơn về mặt xã hội. Vào năm 2025, số dân trong các thành phố dự kiến tăng tới 5 tỷ, nhu cầu nước đô thị sẽ tăng theo cấp số mũ. Điều đó có nghĩa là bất kỳ giải pháp nào đối với khủng hoảng nước đầu gắn liền với công tác quản lý các thành phố.
(UNEP News Release 00/30)
 
2.Các tranh chấp quốc tế liên quan đến nguồn nước
Tài nguyên nước đang ngày càng trở nên khan hiếm trên toàn thế giới. Ngay tại nhiều nước phát triển như nước Mỹ, mực nước trong các túi nước ngầm đang ngày càng hạ thấp, nhiều dòng sông không còn đủ khả năng cung cấp nước ngọt cho các thành phố cũng như các vùng canh tác nông nghiệp vốn vẫn dựa vào nguồn nước của chúng. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý rằng nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng sở hữu tới 8% lượng nước ngọt toàn cầu. Vấn đề khan hiếm nước ngọt chủ yếu xảy ra do sự phân bố không đồng đều. Nhưng trên phạm vi toàn thế giới, các tranh chấp liên quan tới nguồn nước còn ở mức khẩn cấp hơn.
Một ví dụ điển hình là tình hình khan hiếm nước ở khu vực Trung Đông. Sự căng thẳng đang ở mức đỉnh điểm giữa Israel và chính quyền Palestine, Jordani và Syri, nhưng các khủng hoảng về nguồn nước cũng ảnh hưởng đến cả các quốc gia lân cận khác. Ví dụ như Ai Cập, 98% lượng nước sử dụng ở quốc gia này bắt nguồn từ sông Nin, nhưng có tới 85% lượng nước của sông Nin có nguồn gốc từ Ethiopia, một quốc gia có tỷ lệ gia tăng dân số cao và chắc chắn là nhu cầu về nước để đáp ứng được nhu cầu của người dân Ethiopia cũng sẽ tăng lên nhanh chóng. Để hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp về nguồn nước có thể dẫn tới chiến tranh giữa các dân tộc, các nhà lãnh đạo Trung Đông đều nhận thức được rằng họ cần phải hợp tác để quy hoạch bảo vệ và sử dụng chung nguồn nước với tầm nhìn dài hạn và cho toàn khu vực. Vấn đề này cần được quyết định nhanh chóng vì ngay cả khi không xảy ra hạn hán, lượng mưa vẫn giữ ở mức bình thường thì tình trạng khan hiếm nước ngọt vần gia tăng nghiêm trọng ở hầu hết các nước Trung Đông.
 
Xung đột trên những dòng sông xuyên biên giới

Hệ thống các sông Tigris-Euphrates chảy qua các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq là cội nguồn tranh chấp của 3 quốc gia này. Dự án Anatoli khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1990 nhằm xây dựng 20 đập thuỷ điện lớn trên sông Euphrates, đe doạ làm giảm lưu lượng nước chảy sang lãnh thổ Syria từ 30 tỷ m3 xuống 20 tỷ m3. Năm đó, Iraq và Syria lập tức thiết lập liên minh quân sự để trả đũa. Rất may là Thổ đã từ bỏ ý định chặn dòng chảy nên đã tránh được một cuộc chiến tranh đáng tiếc.
Cùng chia sẻ sông Jordan nên Israel và Palestin rất khó thống nhất việc phân chia lãnh thổ. Còn Ai Cập thì luôn luôn lo lắng về hành động của Sudan và Ethiopia đối với đòng chảy sông Nin (Nile) vốn là huyết mạch của Ai Cập.
Ở Nam Á, các nước Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Bhutan có bốn điều giống nhau: đó là đều nằm ở sườn nam dãy Himalaya, nghèo, nhiều tài nguyên nước và luôn luôn mâu thuẫn về nguồn nước. Bhutan và Nepal với lợi thế là quốc gia đầu nguồn, tìm mọi cách để xây dựng nhiều đập và hồ thuỷ điện. Ấn Độ đưa ra dự án xây kè Ferrakka trên sông Hằng để chỉnh luồng lạch vào cảng Calcuta, dự án này gây hạ thấp mực nước và gia tăng nhiễm mặn ở cửa sông Hằng trên lãnh thố Bangladesh. Để đối phó, Bangladesh (1996) xây dựng một kè khác cũng trên sông Hằng nhằm dồn nước về vùng cửa sông để khắc phục hậu quả của kè Ferrakka.
Những ví dụ trên đây cho thấy sự tranh chấp nguồn nước có thể leo thang thành mối đe doạ đến hoà bình và ổn định. Xung đột liên quan đến nước sẽ căng thẳng hơn khi sang thế kỷ 21, nguồn nước còn trở nên khan hiếm hơn nữa do bùng nổ dân số, do ô nhiễm và do nhu cầu sử dụng nước tăng nhanh.
 
Trên tất cả các lục địa đều có các khu vực đang phải đối diện với nạn khan hiếm nước. Trung Quốc, quốc gia sở hữu 7% lượng nước ngọt toàn cầu và 22% dân số thế giới, có tới 300 thành phố lớn đang ở trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Theo một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, hiện nay có tới 300 triệu người đang sống tại các vùng khan hiếm nước trầm trọng và con số này sẽ lên tới 3 tỷ người trong vòng 25 năm tới.
 
Hiện nay, nhiều thoả thuận và hiệp ước về nguồn nước quốc tế đã được xây dựng, thậm chí ở cả quy mô nhỏ, như ở khu vực Trung Đông. Giữa Syri và Israel có những bản ghi nhớ không chính thức theo đó mỗi bên đều hiểu rõ các hạn chế nhất định trong việc phân phối nguồn nước. Giữa Jordani và Israel có văn bản thoả thuận về vị trí cấp nước, giữa Syri và Jordani cũng có thoả thuận như vậy. Tuy vậy, giữa các quốc gia vẫn luôn tồn tại các tranh chấp khi các thoả thuận song phương và đa phương không được tuân thủ bởi tất cả các quốc gia có liên quan. Các túi nước ngầm và các dòng sông vẫn tiếp tục suy giảm mực nước và cái giá phải trả cho tình trạng đó sẽ ngày càng gia tăng. Nhu cầu thiết lập một hệ thống quốc tế để đánh giá nguồn nước toàn cầu đang ngày càng trở nên cấp thiết. Hoạt động mang nhiều tính kỹ thuật này cần được hỗ trợ bởi một loại hình toà án quốc tế về nước do vấn đề tranh chấp nguồn nước có thể mang quá nhiều tính kỹ thuật để có thể được giải quyết bởi Toà án Quốc Tế La Hay.
 
Đối với các khu vực khan hiếm nước, một kế hoạch có tầm nhìn khu vực cần được xây dựng một cách hoàn chỉnh và các quốc gia phát triển cần phải sẵn sàng ủng hộ tài chính cũng như kỹ thuật để thực hiện các kế hoạch như vậy. Cái giá bỏ ra chắc chắn sẽ nhỏ hơn nhiều so với cái giá chúng ta phải trả khi xảy ra tranh chấp.
 
3.An ninh nước thế kỷ 21
 
Diễn đàn nước Thế giới lần thứ hai và hội nghị bộ trưởng 3/2000 tại Hà Lan đã thông qua tầm nhìn và khung hành động về nước thế kỷ 21. Từ diễn đàn này, căn cứ vào kết quả quốc tế mà các quốc gia sẽ xây dựng cho mình "Chương trình hành động quốc gia về an ninh nước thế kỷ 21".
 
Hội thảo quốc gia nước thế kỷ 21, tầm nhìn và hành động tới 2025 tại Hà Nội (3/2000) đã thông qua tầm nhìn về nước của Việt Nam là: sử dụng tổng lượng, bảo vệ tài nguyên nước vững bền và phòng chống có hiệu quả các tác hại về nước. Khái niệm an ninh về nước của Thế giới được hiểu là:
  1. Nước ngọt và hệ sinh thái được bảo vệ và cải thiện
  2. Phát triển bền vững và chính trị ổn định được cổ vũ
  3. Ai cũng có nước sạch để dùng với giá cả hợp lí, đảm bảo sức khoẻ và năng lực sản xuất
  4. Con người được bảo vệ khỏi các nguy hiểm do nước gây ra
  5. An ninh về nước trong thế kỷ 21 của quốc gia là "Sử dụng tổng hợp, bảo vệ và phòng chống có hiệu quả các tác hại về nước", với 7 điểm cụ thể:
·         Cung cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh cho mọi người
·         Đủ nước cho an ninh lương thực và phát triển kinh tế xã hội
·         Bảo tồn các hệ sinh thái nước
·         Phòng chống và giảm thiểu các tác hại do nước gây ra
·         Đánh giá nước hợp lý
·         Cộng tác nhiều bên để quản lý thống nhất tổng hợp tài nguyên nước có hiệu lực và hiệu quả
·         Hợp tác quốc tế và các nguồn nước, chia sẻ vì lợi ích chung.
  1. Trong khung hành động Thế giới có sáu chỉ tiêu chỉ dẫn về an ninh nước Thế giới trong 15 năm tới là:
·         Có chính sách và chiến lược toàn diện về quản lý nước tổng hợp đang được thực hiện tại 75% số quốc gia vào năm 2005 và tất cả các quốc gia vào năm 2015.
·         Giảm một nửa tỷ lệ số người hiện nay chưa được cấp đủ nước sạch với giá phải chăng vào năm 2015.
·         Giảm một nửa tỷ lệ số người hiện nay chưa có phương tiện vệ sinh vào năm 2015.
·         Tăng 30% khả năng tưới cho cây lương thực bằng các công trình và nước mưa vào năm 2015.
·         Giảm rủi ro do lũ lụt cho 50% số người sống trong vùng ngập lũ vào năm 2015.
·         Tất cả các quốc gia phải có tiêu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái nước ngọt vào năm 2005 và chương trình cải thiện hệ sinh thái nước ngọt được thực hiện vào năm 2015.
 
Tổ chức Cộng tác vì nước Toàn cầu (GWP) đề nghị các quốc gia căn cứ chỉ tiêu chỉ dẫn trên để định ra chỉ tiêu phấn đấu tương ứng của quốc gia. Việc xây dựng khung hành động quốc gia đòi hỏi sự quan tâm và cộng tác giữa các cấp các ngành về nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển và quản lý trong lĩnh vực nước bao gồm cả quản lý tài nguyên nước và quản lý dịch vụ nước.
 
Trong các chỉ tiêu của Việt Nam về quản lý nước tổng hợp thì chỉ tiêu hệ sinh thái nước ngọt chưa rõ ràng. Trong luật tài nguyên nước chỉ đề cập khái quát đến bảo vệ môi trường mà chưa nói gì về các hệ sinh thái nước. Đây là vấn đề mà nhiều nước trên Thế giới rất quan tâm. Cân bằng sinh thái trong hệ sinh thái nước là sự bảo đảm chất lượng nước. Nhu cầu đầu tư hàng năm cho tài nguyên nước để thực hiện chiến lược nước Toàn cầu đến năm 2025 tăng đến 180 tỷ đô la trong tổng 4,5 ngàn tỷ đôla.Tầm nhìn nước thế kỷ 21 cũng kết luận có khủng hoảng nước, nhưng đó là sự khủng hoảng của quản lý. Nguồn nước phải được xử lý với công nghệ tốt nhất, quản trị tốt nhất, khích lệ nhất và sự phân phối tốt nhất.
 
4.Nước và an ninh môi trường
 
Sự khan hiếm về nước là cực kỳ nhạy cảm, nó dễ dàng tạo ra các bất ổn định đủ kiểu và rất có thể là cội nguồn của chiến tranh. Có nhiều kiểu mất an ninh môi trường liên quan đến nước.Phân tích về những cuộc chiến tranh nước, có thể chia ra các kiểu sau:
  1. Những cuộc xung đột vũ trang công khai (ít xảy ra)
  2. Thương thuyết, đàm phán căng thẳng giữa các quốc gia về chia xẻ nguồn nước quá cảnh.
  3. Tranh chấp cộng đồng về chiếm dụng nguồn nước: ở nhiều nước, nông nghiệp bị phê phán vì đã dùng quá nhiều nước nhưng đóng góp kinh tế lại không đáng kể. Nhiều nơi, các dịch vụ du lịch cũng bị tai tiếng vì chiếm dụng nước để phục vụ du khách. Ví dụ như nguồn nước sinh hoạt ở Đồ Sơn (Hải Phòng) chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn vì giá nước cao hơn (5.000 – 7.000đ/m3 so với 1.600 đ/m3 cung cấp cho dân). Những người nuôi trồng thuỷ sản nước lợ ở Nghĩa Hưng (Nam Định) cũng thường không hài lòng với những người trồng lúa về nguồn nước. Vào mùa sâu bệnh, nước từ vùng trồng lúa chứa rất nhiều dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật đã gây hại cho nghề nuôi tôm sú. Các chủ trang trại nuôi tôm trên cát ở phường Phú Thọ (Phan Rang – Ninh Thuận) đã bị cộng đồng không nuôi tôm phản ứng quyết liệt vì đã bơm sạch nước ngầm để pha loãng nước biển dùng cho hồ tôm, làm cho các giếng trong phường đều trở nên nhiễm mặn không dùng được.
  4. Sử dụng nguồn nước như một công cụ chiến tranh: xâm chiếm, ngăn chặn, phá huỷ các nguồn nước làm cho kẻ địch dưới hạ nguồn khốn đốn. Ví dụ trong chiến tranh vùng Vịnh, máy bay đồng minh tiến công liên tục vào hệ thống thuỷ lợi của Irak, hay quân Serbi đã phá huỷ đập Perusa của Croatia năm 1993 trong cuộc khủng hoảng Bancăng.
Cuộc chiến tranh giành nước là cuộc chiến không có hồi kết. Trong trường hợp mối quan hệ với các nước trong cùng lưu vực có vấn đề thì những nước ở đầu nguồn các dòng sông có rất nhiều ưu thế trong việc hạn chế khối lượng nước cho các nước (hay các vùng) dưới hạ lưu. Ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có ưu thế trong chuyện này với Syria hay Irak, Nepal với Ấn Độ, Ấn Độ với Bangladesh... như đã nói ở trên. Việt Nam cũng là một quốc gia dưới hạ lưu của hệ thống sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Mêkông... Những bài học về xung đột nguồn nước ở Trung Đông và Nam Á đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ về an ninh nguồn nước. Các chương trình hợp tác và quản lý chung trong lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ-Đáy và sông Sài Gòn-Đồng Nai là những điều kiện tốt trong việc tránh xung đột cộng đồng liên quan đến nước nếu các địa phương liên quan năng động hơn. Chiến lược quản lý lưu vực là rất quan trọng đối với vấn đề an ninh môi trường. Một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nước quá cảnh hay có ưu thế về nước quá cảnh thì nguy cơ mất an ninh nguồn nước càng cao. Trên thế giới có hơn 200 lưu vực sông hồ là biên giới quốc tế, làm tăng nguy cơ tranh chấp./.
 

Lượt xem : 1979