Nổi tiếng nhờ khoác áo “cây di sản Việt Nam”
11/13/2013 4:44:00 PM
Nhờ được khoác thêm chiếc áo mới “Cây di sản Việt Nam”, nhiều cổ thụ đã trở nên nổi tiếng, được cộng đồng trong nước và quốc tế biết đến, góp phần làm tăng nguồn thu cho du lịch – GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản – Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, đánh giá.
Sau gần ba năm Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE) phát động sự kiện vinh danh cây di sản Việt Nam, ngày càng nhiều người trong và ngoài nước biết đến những kỷ lục về cây cổ thụ cũng như ý nghĩa lịch sử, lợi ích do phát triển du lịch mang lại.
Theo vị đại diện Bảo tàng Quang Trung, việc công nhận cây me 200 năm tuổi do cụ Hồ Phi Phúc, thân sinh ba anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, và Nguyễn Lữ trồng trong vườn nhà là cây di sản Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ Việt Nam và cùng là hoạt động nhằm quản bá du lịch cho tỉnh Bình Định.
Còn ông Lê Minh Thưởng, đại diện gia tộc Họ Lê ở xóm 2, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cho biết từ khi đón bằng công nhận năm cây thị 670 năm tuổi, từ đó đến nay khách đến tham quan du lịch ngày càng đông. Đặc biệt ngày 30/4 và 1/5, và các ngày lễ hội lớn của tỉnh, tiếng hát làng Sen, múa hội du lịch Cửa Lò ngày nào cũng có đoàn đến tham quan, có ngày 3/5 đoàn mỗi đoàn từ 10 – 30 người các đoàn đến tìm hiểu về giá trị lịch sử của năm cây thị, có đoàn đến tham quan du lịch, quay phim chụp ảnh làm phóng sự chuyên đề khám phá Việt Nam nên chủ nhân của năm cây thị phải thuyết minh, giới thiệu, hướng dẫn khách rất vất vả tốn nhiều thời gian công sức. Đặc biệt trong thời gian khách đến thăm vào mùa hè nên phải đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh sạch đẹp để khách đến tham quan được vui vẻ lịch sự. Ông phải huy động lực lượng con cháu và thuê một số người vào làm vệ sinh môi trường.
TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam, kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước tạo hành lang pháp lý và ban hành những quy định cụ thể cho phong trào bảo tồn cây di sản phát triển; đồng thời gợi mở việc bảo tồn cây di sản Việt Nam bền vững, thông qua các phương thức khai thác du lịch, hoạt động văn hóa lịch sử, tâm linh.
Khoác áo không đơn giản
Cái áo “Cây di sản" đem đến nhiều lợi ích như vậy song việc khoác áo cho cây không hề đơn giản vì khó khăn nhất là vấn đề kinh phí và sự hiểu biết chưa thấu đáo của một số người trong cộng đồng.
“Nhiều người không biết rằng từ kinh phí phát động sự kiện này cho đến hôm nay, không có nhà tài trợ nào hỗ trợ về tài chính. Toàn bộ chi phí là do nội lực của Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, các đơn vị và các chủ thể đang quản lý những cây này.", ông Huỳnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, bày tỏ “Chúng tôi cũng muốn nói lên thông điệp là mọi người, mọi tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đặc biệt là các nhà khoa học của VACNE chung tay góp sức, đầu tư kinh phí giúp đỡ quê hương nghèo chúng tôi, đặc biệt là về kinh phí và thiết kế làm cho cây thị nghìn tuổi có khuôn viên, vẻ đẹp hấp dẫn đối với mọi người, đáp ứng lòng mong mỏi của toàn thể nhân dân địa phương”
Theo ông Thưởng, khách đến tham quan du lịch được nhiều điểm Nghệ An quảng bá được nhiều hình ảnh của địa phương, khách lưu trú được lâu Nghệ An thu kinh phí càng nhiều. Từ suy nghĩ đó mà ông đã viết thư cho Ban Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao&Du lịch tỉnh Nghệ An xin hỗ trợ kinh phí nhưng chưa được ủng hộ.
“Muốn bảo tồn cây di sản được lâu dài phải có sự quan tâm ưu đãi của nhà nước mới động viên được nhiều người, nhiều tầng lớp, nhiều tổ chức tham gia mới bảo vệ được thiên nhiên môi trường bền vững”, ông Thưởng nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trịnh Xuân Nam, Chủ tịch Xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đề nghị nhà nước nên hỗ trợ ngân sách cho công tác nghiên cứu, bảo tồn cây di sản để VACNE tiếp tục phát triển sự kiện bảo tồn cây di sản.
Đại diện Bảo tàng Quang Trung mạnh dạn đề nghị VACNE ngoài việc vinh danh công nhận cây di sản Việt Nam cho các địa phương về mặt tinh thần nhằm cố kết cộng đồng cùng nhau chăm sóc bảo vệ sự xanh tốt ngàn đời cho cây và đó là niềm tự hào của địa phương, Hội cũng nên quan tâm hỗ trợ về mặt vật chất và kỹ thuật chăm sóc cây để giúp địa phương hoàn thành tốt sự mệnh còn lại của mình.
“Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có một dự án về cây di sản Việt Nam trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được Đảng và các cấp chính quyền ủng hộ”, GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Hà Nội, bày tỏ “Chúng tôi cũng tin tưởng rằng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên&Môi trường có sự phối hợp, khuyến khích, đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam có nhiều nguồn lực để tiếp tục thực hiện hoạt động cao cả này vì môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam.”
Trong số gần 300 cây đã được vinh danh và phát hiện, đáng chú ý những kỷ lục cây được ghi nhận như cây cao tuổi nhất 2100 năm có từ thời An Dương Vương ở TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ); cao nhất là cây samu dầu ở Vườn Quốc gia Pù Mát của tỉnh Nghệ An; cây đơn thân lớn nhất là cây tung ở Đắk Lắk có đường kính 6,5 mét; cây đa ở đền Thượng (tỉnh Lào Cai) tính cả rễ phụ có chu vi là 45 mét; cụm chín cây muỗm gần 1000 năm tuổi ở đền Voi Phục (TP Hà Nội); cây chò hơn 1000 năm tuổi ở vườn quốc gia Cúc Phương; cây nghiến trên 1000 năm tuổi ở Lũng Tủng (Cao Bằng); cây sấu hơn 300 năm tuổi cách cột mốc Việt Trung khoảng 6m; tập đoàn 79 cây bàng, bằng lăng, thị rừng, điệp vàng ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
|
Minh Phúc
(Diễn đàn các NHà bào Môi trường, Hội Bảo vệ TN&MT Thủ Đô)
Lượt xem : 1208