Vietnamese English
Nối dài “mạch sống”- Kỳ 3: Những “chiến binh" của rừng xanh

1/3/2024 7:12:09 AM

Trên những đỉnh núi chót vót mây vờn, hay dưới vực thẳm, khe sâu... đại ngàn Tam Đảo lưu giữ hình ảnh những chiến sĩ kiểm lâm như một sự hàm ơn không thể diễn tả. Còn với chúng tôi, họ là những chiến binh thực thụ, mang trong mình tình yêu với rừng mãnh liệt, là động lực vượt mọi khó khăn, gian khó, không quản hiểm nguy, bảo vệ, gìn giữ màu xanh trường tồn của Vườn Quốc gia.

  


Nhiều hộ dân sống lâu năm trong Vườn Quốc gia Tam Đảo, khu vực rừng thông Bản Long, xã Minh Quang đã di dời ra ngoài

Y hẹn, chúng tôi đến làm việc với Trạm kiểm lâm Minh Quang, Tam Đảo. Trạm được xây mới khá khang trang ở vị trí trung tâm xã. Ngắm qua một lượt, thấy cách sắp xếp đồ đạc, bếp núc, đã hình dung được 4 chiến sĩ trong biên chế của trạm ăn ở cùng nhau chẳng khác gì trong một gia đình.

Đón chúng tôi vào trạm, nhấp chén trà nóng cho đỡ lạnh, nhìn ra ngoài trời thấy nóng ruột, vì lúc này, mưa không những không ngớt, mà hình như còn trêu ngươi khi mỗi lúc lại thêm nặng hạt. Cũng đã từng giáp mặt nhau, biết nhau sơ sơ, nhưng lần này, do tính chất và sự cần kíp của công việc được giao nên Trưởng trạm Nguyễn Tá Quyền đâm ra lo lắng.

Mưa quá nhà báo ạ! Bây giờ theo kịch bản tiến quân vào khu rừng Thông Bàn Long, vượt qua đoạn dốc Chùa thật sự nan giải đấy. Mà phải đi xe máy, ô tô không vào được, đi bộ thì lâu mới tới - anh Trần Khánh Dương, cán bộ của trạm vừa đến, đoán được băn khoăn của trạm trưởng thổ lộ ngay với chúng tôi.

Thấy vậy, tôi đề nghị: Ta ngồi đây uống nước, có gì cần trao đổi, phỏng vấn thì tranh thủ làm, chờ ngớt mưa đã. Nhưng tinh thần là dù thế nào, vẫn lên đường đấy, các anh chuẩn bị giúp, tôi lên dây cót.

Vào việc, anh Quyền vắn tắt cho chúng tôi biết: Trạm của các anh có 4 biên chế cán bộ kiểm lâm và có 29 chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng, chủ yếu là người địa phương. Thuận lợi là anh em đều khỏe mạnh, bề dày kinh nghiệm, hiểu và nắm chắc địa bàn, yên tâm công tác. Nhiều năm, trạm được cấp trên khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Khó khăn là lực lượng thì mỏng, diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc rộng (hơn 3.162 ha), nhiều phân khu, với địa hình khác nhau; nhân dân quanh khu vực chủ yếu là đồng bào dân tộc Sán Dìu, chiếm 61%, đời sống chưa được dư giả cho lắm, nhận thức nói chung, một bộ phận có mặt hạn chế... Tôi ngang lời anh Quyền:

- Nếu làm một phép tính cơ học, thì mỗi cán bộ của trạm “gánh” trên vai ngót 800 ha rừng? Một sự chênh lệch quá lớn nếu đem so sánh. Khó mà mường tượng những đôi chân vạn dặm của các anh sẽ phải bươn bả như thế nào trong rừng sâu, núi thẳm để cáng đáng, để làm tròn nhiệm vụ với một khối lượng khổng lồ như vậy?

Anh Quyền chỉ cười, bảo tôi: Nhà báo cứ từ từ, hồi sau sẽ rõ, chè mới pha, mời anh em uống, em sẽ báo cáo thêm, rồi đi thực tế cùng với chúng em nữa, vẫn còn thời gian mà! Vừa dứt lời, thấy anh Dương đề nghị:

- Bây giờ mời các nhà báo lên xe vào rừng, em đã chuẩn bị xong. Cũng may, trời đã ngớt mưa. Nhưng để cho chắc ăn, chúng tôi khoác áo mưa, thay giày đặc chủng, nai nịt gọn gàng và xuất phát.

- Bắt đầu leo dốc Chùa (gọi là vậy, bởi đoạn đó gần một ngôi chùa nhỏ), bám chặt vào em nhé, đừng có nhảy ra, cứ yên tâm, đoạn đường này mình thuộc như trong lòng bàn tay, từng hòn đá, đoạn dốc, khúc cua. Đường hôm nay dính tý mưa trơn hơn mọi ngày, nhưng không sao, đi là đến... Dương dặn dò tôi một tràng dài.

Chiếc xe Wave lúc chồm lên, lúc dúi xuống, lúc trượt đi như không kiểm soát, Dương ghì chặt tay lái, chân xoạc ra như hai chiếc nạng sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra sự cố, cả tài xế và khách ngồi sau lắc lư như say sóng... cứ thế, mất độ gần một giờ mới vượt được hai cây số khò khoăm nhất.

Qua rồi - Dương nói, dừng xe nghỉ, chờ anh Quyền cũng đang “biểu diễn” trên đường đua địa hình phía sau. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, từ nay, chẳng thể nào quên một pha tốc hành đỉnh cao của cảm giác mạnh. Và vô cùng ấn tượng với những tay lái lụa, đã trình diễn, chứng minh tài nghệ một cách đi rừng thật vô tiền khoáng hậu. Tôi giãi bày những điều đó với Dương và Quyền, hai anh chỉ cười và nói: Chuyện thường ngày mà các nhà báo!

Bên một khu đất khá bằng phẳng, rộng rãi, anh Quyền nói với chúng tôi về việc vận động 20 hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc), do lịch sử để lại, họ định cư ở trong khu rừng thông Bàn Long, xã Minh Quang thuộc Vườn Quốc gia đã ngót 30 năm.

Bởi theo quy định, trong Vườn Quốc gia, không cho phép người dân được sinh sống, canh tác, phải vận động họ rời đi. Biết bao khó khăn, phải kiên trì thuyết phục, vận động, năm này qua năm khác, với đủ “bài”, dần dần chỉ còn vài hộ chưa chấp hành.

Như hộ bà Tạ Thị Mói người dân tộc Sán Dìu đây, ông bà đều ngoài 70 tuổi, sống trong một căn nhà tuềnh toàng, tạm bợ, không điện, không đường, không hàng xóm, khi được hỏi, tại sao đến giờ 2 ông bà vẫn chưa ra ngoài phố ở với con, dù đã được giao đất ở, thì câu trả lời vẫn loanh quanh, kiểu cho qua chuyện. Thế là vẫn trắc trở, là chưa hoàn thành, còn vất vả với 2" Robinson” này. Anh Quyền chia sẻ thêm:

-Không chỉ riêng bà Mói, ở khu vực rừng thông này, có vài hộ dân cũng vào đây, rào dậu, căng dây, chiếm đất rừng một cách ngang nhiên. Nói đoạn, các anh dẫn chúng tôi đi thị sát. Đó là khu đất rộng, kề bên bờ suối lớn, cây cối xanh tươi, đẹp mắt. Anh Quyền giải thích:

Đây là dạng tái lấn chiếm đất rừng, vì trước đây, họ đã trồng trọt rồi, song, bỏ hoang hóa không canh tác đã nhiều năm... tất cả các trường hợp như thế này chúng em kiên quyết dẹp, không cho tái diễn. Mà phải kết hợp các lực lượng, vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, kiên trì, không thì như vết dầu loang, một người làm được sẽ có nhiều người theo chân, thế thì nguy lắm.

- Quản dóc làm sao được hơn 3.600 hộ dân vùng này các anh, chị. Cái khó nhất vẫn là con người, muốn giữ được rừng, thì trước hết, phải “rào dậu” được lòng người đã. Chúng em xác định, đó là yếu tố cốt tử nên tổ chức tuyên truyền, vận động mạnh trong dân, lấy 29 hộ nhận khoán bảo vệ rừng ở tất cả các phân khu là những cốt cán, là cầu nối, là cánh tay nối dài của trạm, phải phối hợp đa ngành, liên lực lượng mới ổn được.

Bây giờ không có cảnh vào rừng để lấy củi, để kiếm cái ăn qua ngày đoạn tháng như trước đây, hay việc săn bắt thú rừng cũng đã hạn chế hẳn. Vì phần lớn con em vùng này có công ăn việc làm ổn định, đa số vào các nhà máy ở các khu công nghiệp. Cái lo nhất là khu vực này chủ yếu là rừng thông dễ cháy, nên mùa hanh khô vất vả hơn, phải quản chặt hơn.

Mưa ngớt hẳn, đã trưa muộn, chúng tôi tạm biệt cánh rừng thông ngút ngàn đẹp tựa như ở đất trời Đà Lạt vậy, lại toát mồ hôi vật lộn với quãng đường sinh tử. Chúng tôi xả hơi, ghé thăm nhà ông Lâm Văn Hai, xóm Chùa, thôn Bàn Long, một hộ gia đình đã di dời từ trong lõi rừng ra khu mới định cư. Được hỏi về gia cảnh, ông tỏ ra phấn khởi, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Còn anh Bảy, hàng xóm sang chơi thì nhanh nhảu nói:

- Các nhà báo trời mưa mà lên rừng may mà không bị vắt cắn (mà gặp vắt xanh chui vào người, bám, hút máu thì khó đỡ lắm). Các anh có biết không, ở khu vực dốc Chùa còn có đôi rắn hổ mang chúa đấy, có hôm tôi vào rừng, thấy nó nằm phơi nắng, vắt mình ngang lối rẽ, trông to, dài, đen xì, chết khiếp! Giống này cắn chết cả trâu, người nào không may bị nó bổ, vô phương cứu chữa, chỉ vài phút là chầu trời... Thật là rùng rợn, mà sao không thấy mấy anh kiểm lâm phổ biến gì, cứ đi là đi, liều thật! Tôi nảy lên suy nghĩ nhưng chẳng dám tỏ ra trách móc.

Đang đúng mạch, tôi mở máy cho mọi người xem mấy bức ảnh mà anh Khoa, cán bộ của Vườn chụp được chuyển cho xem những hung thần của đại ngàn Tam Đảo. Đó là những con rắn lục cườm xanh (tự đổi màu sắc ngoài da giống như môi trường nó sống) dài hàng mét, vắt vẻo trên cây; rắn mèo hai hàm, đầu hình tam giác, hai bên mang bạnh to, mắt lồi dữ tợn, như các anh nói, nó cắn đâu chết đó. Rắn hổ mang chì màu đen, dài hơn 2 mét, bình thường nhìn như mơ ngủ, nhưng động vào là đùa với tử thần!? Và sốc hơn là bức ảnh đặc tả một cán bộ kiểm lâm bị ong đốt trên đỉnh đầu máu chảy be bét; rồi cận cảnh lủng lẳng đám vắt đen, to tròn, mọng căng máu mà vẫn chưa chịu buông tha cái chân tội nghiệp của khổ chủ; còn nữa, đây là đôi chân vạn dặm của các anh bị bầy vắt hành hạ thành một đám tím đen lỗ chỗ...

Những bức ảnh thật quá nhiều cung bậc cảm xúc, ghi lại những khoảnh khắc rất hy hữu, trong một môi trường làm việc rất đặc biệt của các chiến sĩ kiểm lâm ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, quả là ám ảnh tất cả mọi người. Vẫn biết, đến với rừng xanh yêu thương chúng ta sẽ được tận hưởng vô vàn hương vị ngọt ngào, được thả hồn vào những bức ảnh đẹp, được và được rất nhiều không thể kể xiết. Nhưng đổi lại, mấy ai biết, được chứng kiến nỗi vất vả, hiểm nguy, những gian truân mà các chiến binh kiểm lâm hằng ngày phải đối mặt.

Thấy chúng tôi trầm ngâm, anh Quyền trấn an: Lính kiểm lâm là thế, phải bản lĩnh, kiên gan, chủ động với những tình huống hiểm nguy có thể ập tới bất kỳ lúc nào. Những chuyến đi kiểm tra rừng, tuần rừng, hoặc xử lý sự cố thì vô vàn tình huống bất trắc. Như Đào Đức Chung, lính trẻ nhất của trạm, trong một lần được điều động khẩn cấp tham gia đội cứu hộ, không may cây đổ đè lên người, tính mạng bị đe dọa, phải đi cấp cứu, điều trị hàng năm trời mới bình phục. Hiện, Chung đang được hưởng chế độ phụ cấp thương tật 4/4 đấy... Còn hôm ở Trạm kiểm lâm Đạo Trù, tôi hỏi anh Nam: Rừng thì rộng, núi thì cao, hiểm trở, suối sâu... gần 30 năm gắn bó với công tác kiểm lâm, anh nhẩm giúp tôi đã đi được mấy dông, một năm đi rừng tính ra bao nhiêu cây số?

- Anh cười, bảo: Thú thật, cứ lao vào làm việc thôi, có nghĩ gì đâu, mãi nó thành quen như cơm bữa. Nói vậy, nhưng anh cũng áng cho tôi mấy dữ liệu, tôi “nạp” và cho ra một đáp số thú vị. Kết quả là riêng anh Nam quãng đường đi tuần tra rừng, tất nhiên là đi bộ, một năm, ước tổng cây số dài đến tận Đà Nẵng! Quả là một con số giàu ý nghĩa, đáng ngợi ca.

Kết thúc một hành trình hóa thân làm lính kiểm lâm đầy kỷ niệm ở Trạm Đạo Trù, Trạm Minh Quang, Trạm Ninh Lai (Tuyên Quang), Trạm Tân Đồng, Trạm thị trấn Tam Đảo, trên đường trở về trạm, vẫn miên man, không có hồi kết, chuyện các anh ở các trạm đi kiểm tra dài ngày trong rừng sâu vất vả không tả siết, phải ngủ lại trong rừng, khổ nhất là chữa cháy rừng, chuyện về đời sống, sinh hoạt hằng ngày trong “hộ gia đình” của trạm...

 

Chúng tôi chia tay các anh cán bộ kiểm lâm với bao chộn rộn trong suy nghĩ, cảm thông, san sẻ trước những khó khăn, vất vả hằng ngày đối mặt, cùng trăn trở với các anh về gia cảnh, thu nhập, cuộc sống còn vơi đầy bộn bề. Và có lẽ, chưa thể phác họa được một cách hoàn chỉnh chân dung những chiến sĩ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Tam Đảo, những chiến binh kiêu hùng của đại ngàn, ngày đêm căng mình gìn giữ, bảo vệ kho vàng xanh cho cuộc sống, cho rừng Tam Đảo mãi mãi một màu xanh trường tồn.

Thu Thủy-Giang Đình

( Còn nữa)

(baovinhphuc.com.vn)

Lượt xem : 1015