Nối dài “mạch sống”
1/1/2024 3:33:00 PM
Ở những vị trí đắc địa, Vườn Quốc gia Tam Đảo được coi là lá phổi xanh cung cấp dưỡng chất cho cuộc sống, vừa là chiếc điều hòa khổng lồ mang đến không khí trong lành cho cư dân địa phương và vùng phụ cận. Chăm lo, gìn giữ, phát huy giá trị kho báu của những lá phổi xanh chính là bảo vệ “mạch sống”, sự sinh tồn của con người, trong đó, không chỉ là trách nhiệm của các chiến sĩ kiểm lâm mà cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Kỳ 1: Đại ngàn “rỉ máu…”
Chuyện kể bên bìa rừng của Vườn Quốc gia Tam Đảo quả là không có hồi kết. Song, đọng lại trong chúng tôi là những thanh âm của quá khứ và hiện tại, khi chúng ta đã vô tình hay hữu ý để “rừng rỉ máu- rừng đau - rừng than khóc!". Một nỗi đau của nhân thế mà chính con người cần phải xoa dịu.
Ông Nguyễn Văn Luận giờ đã trân trọng giữ gìn rừng xanh như một báu vật.
Sau một hành trình khá vất vả, cùng với cán bộ kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo, chúng tôi đến làng Hoàng Tân, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngôi làng vắng vẻ, thưa thớt, nép mình bên bìa rừng, số đông ở đây là người dân tộc ít người đã định cư lâu đời.
Dù không muốn nói ra nhưng có lẽ qua thời gian, rừng ở đây đã phải tự biết khiêm tốn thu mình, nhường lại chỗ cho con người để đổi lấy sự bình yên. Thế mà đôi khi rừng vẫn chưa được đền đáp xứng đáng! Không những vậy, bất ngờ, câu chuyện kể về những chuyến săn bắt, tàn sát thú rừng ngày xưa ám ảnh chúng tôi. Dù thời gian có phủ lấp đôi chút, nhưng hằn trong ký ức con cháu của họ vẫn không thể xóa nhòa, vẫn đau đáu vì những hành động quá đáng đối với rừng.
Ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Luận nằm sát bên cánh rừng già nhiều thương tích ngày ấy. Như những người thân lâu ngày không gặp, ông vồn vã tiếp đón mọi người bằng những chén rượu đặc biệt, bởi nó là sự kết hợp nhuần nhuyễn của các loài cây thuốc tinh túy thu hái từ trong rừng, có mùi thơm của chuối rừng, nồng nàn của sâm núi, ngọt thơm của lan kim tuyến, sự hòa trộn hoàn hảo của hương vị - sự ngọt ngào của núi rừng ban tặng. Lai rai về bao loài cây thuốc quý trong rừng, chuyện làm ăn, chuyện làng, bản, rồi đan xen trong những câu chuyện riêng tư tưởng như vô thưởng vô phạt, những ký ức đứt đoạn về chuyện “ăn của rừng” ngày ấy dần được hé mở. “Người con của rừng” nay đã cận kề tuổi 80, hồi tưởng:
- Ngày ấy, rừng còn rất nhiều muông thú, có cả hổ, báo, gấu, hươu, nai, voọc... chúng mò cả xuống tận dưới cánh đồng, hồ nước trong bản. Khi ấy, rừng rậm lắm, bạt ngàn, tới tận nơi chúng ta đang ngồi đây. Vùng này lúc đó thiếu đói lắm, cứ vào dịp cuối Xuân, đầu Hè (thời điểm nông nhàn, đồng thời, nhiều loài thú hoạt động mạnh) là vào rừng săn bắt thú.
Thợ săn thường là người trên 30-40 tuổi, có kinh nghiệm đi rừng. Người ta tổ chức thành từng nhóm nhỏ, chủ yếu là người nhà, anh em, mang súng tự chế, các loại cạm, bẫy, dụng cụ đi khắp nơi, leo lên núi cao, rừng rậm. Thú rừng ở Tam Đảo rất phong phú, việc săn bắt khá dễ dàng, thịt thú được xẻ phần chia nhau, làm thức ăn, còn bán mua chỉ đôi chút ít ỏi. Thú rừng ban đầu khá nhiều, sau vì săn bắt bừa bãi, nên cạn kiệt, ngày càng hiếm. Đến giờ, tuyệt nhiên không còn thấy hổ, gấu...
Anh Chuyên (cháu gọi ông Luận bằng cậu) kể: Có người đi săn đã bị gấu tát, xé nát cả mặt, vì thế, người trong làng gọi luôn ông ấy là Gấu, hiện giờ vẫn còn sống. Đen đủi hơn, có cánh thợ săn dồn, truy sát hổ về tận gần bìa rừng, mình mẩy hổ đầy thương tích, tưởng đã chết nên mò lại gần, ai dè, nó bật dậy, quật anh ta chết tươi. Cái chết tức tưởi của người thợ săn năm đó vẫn còn lưu truyền cho đến giờ, các bác ạ!.
Nhiều cây lim xanh hàng trăm năm tuổi ở Phủ Mây, thuộc khu vực xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đã bị lâm tặc hạ sát
Ngắm ngôi nhà mang dáng dấp của vùng Bắc Bộ, màu sơn còn khá mới, tôi gặng hỏi, sao ông không làm nhà gỗ cho đúng kiểu? Vì trong câu chuyện, sau tôi mới biết, ông Luận quê gốc ở xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, gia đình lên vùng này khai hoang từ những năm 60. Ông từng là Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, trong nhà treo hàng dãy Giấy khen, Bằng khen. Như chạm vào nỗi niềm, ông bộc bạch:
- Gỗ làm nhà trước ở vùng này không hiếm, gỗ tốt hẳn hoi. Song, vì đốn hạ làm nhà cửa, đóng vật dụng, một phần làm gỗ thương phẩm, tệ hơn là nạn đốt rừng làm nương, làm vườn của các hộ gia đình, nên chỉ còn lại đồi, núi “trơ gan cùng tuế nguyệt", ở rừng mà gỗ khan hiếm, nói các chú chê cười, có khi ít gỗ hơn cả dưới xuôi cũng nên. Tất nhiên, khi Vườn Quốc gia được thành lập, nạn chặt, đốn gỗ, phá rừng chỉ còn lác đác, nên ở trên núi cao may là vẫn còn nhiều cây gỗ quý hiếm lắm!.
Những trải lòng của ông Luận làm tôi nhớ sự việc xảy ra cách đây chưa lâu, nhiều cây lim xanh hàng trăm năm tuổi ở Phủ Mây, thuộc khu vực xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đã bị lâm tặc “hạ sát”. Khi chúng tôi cùng cán bộ Trạm kiểm lâm Tân Đồng đến vẫn thấy còn nguyên gốc lim to bị đốt cháy nham nhở để phi tang. Nhưng lũ lâm tặc không thể "hóa" được, gốc lim già vẫn trơ trơ giữa đất trời như một lời oán thán, thách thức con người. Sự việc rồi cũng sẽ được các ngành chức năng làm sáng tỏ, nhưng những cây lim bị đốn hạ một cách oan nghiệt đã đi đâu, về đâu?
Rời Ninh Lai, chúng tôi vẫn nhớ mãi những gương mặt như bà Dương Thị Xá, 60 tuổi, người dân tộc Dao, anh Đằng Văn Quý, anh Đằng Hoàng người dân tộc Sán Dìu (các chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng Vườn Quốc gia), những con người hiền lành, chân chất, tấm lòng thơm thảo để lại bao câu chuyện về rừng, về việc lấy thuốc cứu người, về đời sống, mưu sinh.
Trong suy nghĩ và hành động, họ luôn thường trực tình yêu với rừng mãnh liệt, coi rừng như nhịp đập của trái tim, như hơi thở của cuộc sống. Dường như hai từ rừng xanh đã ngấm vào máu thịt của họ. Thời gian chóng vánh, được tâm giao với các chủ rừng dịp cuối năm bên Vườn Quốc giaTam Đảo, chúng tôi tin ở họ - những chủ nhân đích thực của rừng sẽ giúp rừng xoa dịu những nỗi đau, trả lại cho rừng màu xanh vốn có. Đáng quý hơn, họ là những cánh tay nối dài của Vườn Quốc gia, biết trân quý những giá trị mà rừng đã hào phóng mang lại cho mình, biết nâng niu, biết gìn giữ nó.
Trò chuyện với họ làm tôi nhớ lại, có thời điểm, một số người dân ở xã Tam Quan, xã Đại Đình (huyện Tam Đảo cũ) đã lên rừng tận thu, tận diệt các loài cây trà hoa vàng, đem bán ồ ạt cho thương lái (nghe nói là ở bên kia biên giới). Sau này, mới ngộ ra, đó là loài cây dược liệu vô cùng quý giá. Rất may, có sự vào cuộc kịp thời của chính quyền, cơ quan chuyên môn, cây trà hoa vàng được hồi sinh, trả lại đúng giá trị của nó, trở thành cây làm giàu cho không ít hộ gia đình, doanh nghiệp trong tỉnh tại thời điểm này.
Rồi những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều nhóm người nước ngoài có quốc tịch khác nhau (không rõ là có được cấp phép, sự đồng ý hay không, có phải là các nhà khoa học như đồn đại hay không), một thời gian dài, đã săn tìm, bắt các loài bướm, côn trùng cánh cứng tại rừng Tam Đảo. Rồi cá cóc Tam Đảo (một loài đặc hữu trong sách đỏ), nay hầu như mất tăm mất tích. Và chim rừng Tam Đảo cũng cùng chung số phận, giờ thưa vắng, hãn hữu mới thấy xuất hiện.
Trong 8 năm trở lại đây (từ năm 2016-2023), Vườn Quốc gia Tam Đảo xảy ra hơn 100 vụ xâm hại đến tài nguyên rừng, trong đó có 44 vụ cháy rừng, xuất hiện lửa rừng; 63 vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép, săn bắt động vật, vận chuyển lâm sản trái phép. Năm 2023, vẫn còn tình trạng người dân xâm lấn, chiếm lại nương rẫy cũ diễn biến phức tạp, người dân có nương cũ đã bỏ hoang, nhưng nay quay lại tái lấn chiếm.
Chiều muộn, tiết trời giữa Đông mấy ngày nay bắt đầu rét đậm, mây đen sà xuống, mưa bắt đầu lắc rắc, bóng tối sầm sập giăng lối đi. Sau cái bắt tay thật chặt, hẹn ngày trở lại để có thời gian hàn huyên, thưởng lãm rượu quý, chúng tôi quay xe về xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Lo lắng vì anh em tôi phải đi lại nhiều, không thông thuộc đường, anh Nguyễn Xuân Nam, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đạo Trù, Vườn Quốc gia Tam Đảo trực tiếp cầm lái. Chiếc xe vặn vẹo, lượn theo cung đường bê tông ngoằn ngoèo.
Hồi chiều, cùng anh Nguyễn Văn Đức, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Ninh Lai phóng xe máy xuống bản, anh bảo: Hầu hết các trục đường chính ở đây được Vườn Quốc gia hỗ trợ đổ bê tông nên mới được như thế này. Một việc làm thật sự ý nghĩa, tạo gắn kết giữa các trạm kiểm lâm của Vườn Quốc gia với chính quyền và người dân bản địa.
Chuyện trên xe trở nên rôm rả, loanh quanh thế nào lại liên quan đến lũ “quặng tặc”. Thì ra, đi đến vùng này, anh Nam nhớ lại một trận chiến cách đây đã lâu với hàng trăm người khắp nơi đổ xô về khu vực Sơn Dương, Tuyên Quang khai thác quặng vonfram trái phép. Anh Nam nhớ như in:
- Ngặt nỗi, khu vực đó là đất của Vườn Quốc gia do trạm quản lý, bảo vệ, phải mất hàng năm trời thay phiên nhau cắm chốt, phối hợp với các lực lượng, căng mình, vừa vận động, tuyên truyền thuyết phục, vừa đánh đuổi giải tán đám người tham lam tứ xứ đổ về. Mà trông cái lũ ấy, xăm trổ đầy người, mặt mũi bặm trợn, đằng đằng sát khí, thấy có lợi chúng lao vào như thiêu thân.
Chúng băm nát cả rừng, mỗi nhát cuốc bổ xuống, quặng đâu chưa thấy, nhưng lòng anh em tôi đau quặn thắt. Chúng xẻ đất, rút ruột, làm rừng đau, rừng khóc, rừng chảy máu! Có lúc căng như dây đàn, buộc phải nổ súng răn đe. Anh em trong trạm, khỏi phải nói, vô cùng vất vả, có người đổ bệnh, có anh kiệt sức, trạm phải xin tăng cường lực lượng. Trận chiến khốc liệt ấy đã xảy ra dù không ai muốn và trong cơn bĩ cực mà anh kể lại, chúng tôi khó mường tượng hết những nguy hiểm, cam go của từng chiến sĩ kiểm lâm khi quần thảo với lũ quặng tặc năm ấy.
- Bây giờ, quản chặt hơn, quyết liệt hơn, song lác đác, ở Thiện Kế, khu vực Tam Đảo 2 vẫn xảy ra tình trạng đào bới đất rừng, khai thác quặng trái phép đấy - anh Nam thông tin thêm cho mọi người.
Và sự việc mới cách đây vài tháng, khu rừng Chùa, thôn Bàn Long, xã Minh Quang còn “rớm máu” bởi lũ lục lâm thảo khấu không biết nghe đồn đại thế nào, lén lút vào đào bới, thăm dò, tìm... vàng. Tiếng “than khóc của rừng” chạm sâu vào người dân, họ vượt qua mọi hiểm nguy báo với lực lượng kiểm lâm. Hôm nay, chúng tôi băng rừng tới đó, đất rừng vẫn nguyên những vệt trầy xước loang lổ, xen lẫn những tiếng nấc uất hận.
Đến Vườn Quốc gia Tam Đảo, cho dù đang là mùa hanh khô, nhưng trước mắt chúng tôi là một bức thảm xanh mướt mát trùng trùng, điệp điệp. Đại ngàn bao đời nay vẫn thế, cuốn hút đến mê hồn, bao la như lòng mẹ, giang rộng vòng tay ôm ấp, nâng niu, chiều chuộng, hào phóng dâng hiến những gì tinh túy nhất cho sự sống. Nhưng đâu biết rằng, thẳm sâu trong lòng rừng xanh dịu dàng ấy, bên những vách đá trầm mặc rêu phong, văng vẳng tiếng suối reo, vẫn rì rầm không ngớt tiếng vọng của rừng, về những thanh âm của một thời quá vãng, rừng đã từng đau đớn, than khóc, đã từng rỉ máu, hao gầy.
Thu Thủy-Giang Đình
(Còn nữa)
(/baovinhphuc.com.vn)
Lượt xem : 970