Vietnamese English
Nỗ lực làm sạch những dòng kênh

4/3/2021 7:38:00 AM

Thực hiện cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, chính quyền cùng người dân thành phố đang chung tay nỗ lực chỉnh trang, “xanh hóa” các tuyến kênh, rạch...

 

TP Hồ Chí Minh đang chú trọng phát triển mảng xanh trên các tuyến kênh, rạch.


Thay “áo mới” cho các tuyến kênh, rạch

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 2.000 km kênh, rạch. Các dòng kênh còn gánh thêm nhiệm vụ thoát nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hệ thống kênh rạch bị ô nhiễm trầm trọng và chứa quá nhiều rác thải.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị TP Hồ Chí Minh, ý thức kém của một bộ phận người dân là một trong những nguyên nhân khiến rác rưởi, mọi thứ bị tống xuống các dòng kênh, rạch, gây ra tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm các dòng kênh, rạch nhiều năm qua.

Trước tình hình trên, ngay từ năm 2016, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp cải tạo, làm xanh, sạch hệ thống kênh, rạch trên địa bàn. Trong đó, thành phố đã đưa ra cả kế hoạch di dời hàng nghìn hộ dân sinh sống ven kênh, rạch. Cùng với đó là trồng nhiều cây xanh dọc các tuyến kênh, rạch. Đặc biệt, những năm gần đây, các cấp chính quyền thành phố đã nỗ lực từng bước cải tạo, xanh hóa, làm sạch những dòng kênh, các con rạch…

Đến thời điểm này, với người dân TP Hồ Chí Minh thì hình ảnh những dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm… được “hồi sinh” bằng những hàng cây rợp bóng mát, dòng nước xanh mát không còn là hình ảnh quá xa lạ. Không những vậy, dọc hai bên những dòng kênh này còn có những công viên được trang bị đầy đủ các dụng cụ và máy tập thể dục phục vụ người dân rèn luyện sức khỏe. “Nếu như trước đây, người dân phải sống chung với ô nhiễm, bốc mùi hôi thối quanh dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì nay mọi thứ đã lột xác kỳ diệu khi người dân đều được hưởng không khí trong lành”, bà Lê Thị Hường (67 tuổi, ngụ đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1) chia sẻ.

Tương tự, với tổng vốn đầu tư hơn 167 triệu USD, kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 7,5 km, các nhánh phụ dài 1,2 km, chạy qua các quận 6, 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân cũng đã được thành phố cải tạo, nâng cấp và khánh thành năm 2015. Quận 12 cũng là một trong những điểm sáng trong thực hiện cải tạo, “xanh hóa” các dòng kênh trên địa bàn. Mới đây, UBND quận 12 đã gắn biển chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cho công trình kè rạch Sơ Rơ (giai đoạn 2). Công trình được khởi công vào tháng 4-2019, có chiều dài gần một km, dọc tuyến được bê-tông hóa kiên cố, lan-can thép kẽm chắc chắn, hai bên được thảm cỏ và trồng cây xanh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, với đặc thù sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, thành phố cùng với các địa phương đã, đang và sẽ cùng nhau nỗ lực chỉnh trang, nạo vét và đưa các dòng kênh này trở nên đẹp đẽ hơn. Tính đến nay, thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét hơn 81 km sông, kênh, rạch với tổng số 229 tuyến; khơi thông 193 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài gần 60 km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, giảm ngập nước, cải thiện vệ sinh môi trường, tô điểm thêm cho hình ảnh xanh - sạch - đẹp của thành phố.

Tăng diện tích mảng xanh…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, kế hoạch năm 2021, thành phố sẽ thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) và kênh Tham Lương - Bến Cát (quận Tân Bình và Bình Tân); khôi phục kênh Hàng Bàng (quận 5 và 6), kênh A41 (quận Tân Bình)..., nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan, tạo môi trường sống xanh, sạch cho người dân thành phố.

Theo PGS, TS Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), không gian cây xanh quanh mặt nước phải được xem là xương sống trong việc phát triển mảng xanh đô thị TP Hồ Chí Minh. Để triển khai hiệu quả, việc xác định ranh dự án để ưu tiên quỹ đất và chỉ tiêu quy hoạch là hết sức quan trọng nhằm tăng sức hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội. “UBND thành phố cũng cần sớm xây dựng, ban hành quy định về hành lang pháp lý, kỹ thuật để tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp cùng chính quyền chung tay nạo vét, cải tạo để biến nhiều hành lang sông, rạch ô nhiễm thành công viên cây xanh”, PGS, TS Chế Đình Lý góp ý.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, Sở đang hoàn thiện đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, giai đoạn 2020 - 2045. Mục tiêu nhằm cải tạo, hoàn thiện không gian khu vực kè bờ sông, bảo tồn và phát huy giá trị môi trường tự nhiên, cảnh quan văn hóa và đặc trưng đô thị. Cùng với hệ thống kênh, rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng. 

UBND TP Hồ Chí Minh vừa thông qua đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, đặt ra chỉ tiêu tăng thêm ít nhất 150 ha đất công viên công cộng, 10 ha mảng xanh công cộng. Trước mắt, năm 2021, thành phố phấn đấu đầu tư xây dựng mới 2 ha mảng xanh và 10 ha công viên công cộng, đồng thời trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư 26 công viên tại TP Thủ Đức.

PV/Thoinay

Lượt xem : 961