Vietnamese English
Những “biệt đội” xanh

5/10/2020 5:50:00 AM

Xót xa khi gành biển, bãi dài lấp đầy rác thải ô nhiễm, cộng đồng người dân vùng biển Quảng Ngãi cùng các đội nhóm tình nguyện quyết tâm “tìm lại bờ biển xanh”. Những sáng kiến, hành động đầy tính nhân văn, sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ và góp phần mang lại mầu xanh cho miền đất mặn.


“Tử tế với Sa Cần”

 

Gần nửa năm qua, cứ mỗi sớm tinh sương, ông Trần Văn Ðờn ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) lại thong thả một vòng quanh cửa biển Sa Cần. Sống ở làng chài gần 70 năm, thói quen dạo biển của ông mới quay trở lại, khi cửa biển quê ông đã xanh sạch hơn trước. Nhiều năm liền, làng chài cửa biển Sa Cần, nơi sông Trà Bồng đổ ra biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng chục tấn rác của cư dân ở thượng lưu sông Trà Bồng và quanh vùng vứt đổ tràn ngập. Lượng rác khổng lồ ở gành cửa, bãi biển khiến ông Ðờn và bà con sống chung với ô nhiễm.



Nhóm “Vì Lý Sơn không rác thải nhựa” lặn biển vớt rác.

Xót xa trước cảnh cửa biển quê hương bị bồi lấp dần bởi rác độc hại, tháng 8-2019, anh Huỳnh Văn Thương quyết định vận động bạn bè thành lập nhóm tình nguyện “Tử tế với Sa Cần”. Khởi đầu từ tay không, Thương cùng 14 thành viên nhóm bắt đầu chiến dịch vì môi trường cửa biển Sa Cần với hành động cụ thể. Gõ cửa từng nhà, gặp từng người có uy tín trong làng chài, thôn xã để chia sẻ “chuyện rác”. Các thành viên nhóm mỗi người mỗi việc, từ hướng dẫn bà con thu gom, phân loại rác, cấp phát bảng biểu chỉ dẫn, các biện pháp bảo vệ sức khỏe nguy cơ dịch bệnh được trao tận tay bà con…

Sau ba tháng triển khai, nhóm tình nguyện “Tử tế với Sa Cần” và cộng đồng dân cư thu gom, xử lý 20 tấn rác thải; 2km bờ biển Sa Cần xanh thoáng. Từ sự chung tay hỗ trợ, 800 thùng rác được cấp phát cho bà con vùng biển Sa Cần, 30 thùng rác bố trí tại các điểm tập kết, thu gom, trồng cây xanh để duy trì nếp sống sạch. “Với người dân rác là chuyện của chính quyền. Có dọn thì vài ngày sau đâu lại vào đấy. Vì vậy, mình cùng các tổ nhóm tình nguyện dọn rác ngay cửa biển để bà con thấy đó là chuyện của chính mình chứ không phải ai khác. Và phải thay đổi, nếp nghĩ, thói quen đó”, anh Huỳnh Văn Thương thổ lộ.

Sự tận tình, tinh thần quyết liệt của “Tử tế với Sa Cần” đã tạo nguồn cảm hứng, lay động cộng đồng chung tay tiếp sức. Những đợt thu dọn, xử lý chất thải ngày càng đông đảo bà con tham gia. Tại xã Bình Thạnh, ba tổ tình nguyện do cộng đồng cư dân thành lập tiếp tục giám sát môi trường, thu gom rác thải, duy trì nếp sống xanh sạch. Sáu ca-mê-ra đặt ở những vị trí trọng điểm người dân trước đây từng xả rác gây ô nhiễm, các khu vực ít người sinh sống, các bến cá tàu thuyền cập bến, neo trú. Có ca-mê-ra bà con tự giám sát, nhắc nhở nhau, không xả rác dưới sông, bãi biển. “Trước đây bà con xả nhiều lắm, tiện đâu vứt đó. Nay có người hướng dẫn, vị trí, địa điểm nơi chứa nên không đổ rác lung tung nữa”, ông Trần Văn Ðờn vui mừng.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Ðảng ủy xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn cho hay: “Những hành động cụ thể, rõ ràng như đi từng hộ từng nhà đã thật sự thay đổi nếp nghĩ, chuyển biến nhận thức của bà con miền biển. Ðấy là kết quả lớn nhất của các hội, nhóm góp sức cho địa phương”.

Lan tỏa những hành động đẹp

Quảng Ngãi có bảy huyện, đảo ven biển là nơi sinh sống, làm ăn của cư dân các làng chài. Hàng trăm tấn rác thải khổng lồ ứ đọng trên các vùng biển Bình Sơn, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Sa Kỳ từ nhiều năm là nỗi ám ảnh của cư dân xứ chài. Nhiều hoạt động, phong trào thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh được thực hiện nhưng chỉ được một thời gian đâu lại vào đấy. Không cam lòng, nhiều nhóm tình nguyện được hình thành với cùng tâm huyết hướng đến vùng biển xanh.

Cách thức hành động của các nhóm cũng rất đa dạng, cuốn hút người dân như cách mà bốn bạn trẻ, sáng lập viên của nhóm “Vì Lý Sơn không rác thải nhựa” lựa chọn. “Rác thải nhựa, bao ni-lông chìm dưới đáy biển vòng quanh đảo Lý Sơn là một nguy cơ lớn, gây hại cho môi trường, nhưng lại khó thu gom”, anh Lê Xuân Thọ, thành viên nhóm chia sẻ tâm tư.

Tự sắm thiết bị lặn, vật dụng thu gom rác dưới đáy biển, mỗi tháng, các thành viên “Vì Lý Sơn không rác thải nhựa” cùng nhau lặn sâu vớt rác. Dưới độ sâu từ 2 đến 5m, từ các gành biển, bến cảng, những kình ngư lặn vớt rác dưới đáy bờ biển đưa lên bờ. Chất thải nhựa, ni-lông, rác khó phân hủy… dọc bờ biển được vớt đưa lên bờ xử lý.

Chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa đó đã thu hút sự tham gia của bà con, du khách trên đảo và các đội nhóm tình nguyện vì đất đảo Lý Sơn, cũng như góp phần thiết thực vào việc tuyên truyền cho người dân, du khách hạn chế sử dụng đồ nhựa như bao ni-lông, các loại rác vải…

Từ những khởi đầu của các nhóm tình nguyện, nhóm hoạt động cộng đồng bảo vệ môi trường tại Quảng Ngãi đã truyền cảm hứng, cộng hưởng tinh thần bảo vệ môi trường biển xanh sạch. Tại các huyện thượng nguồn, ven biển như Trà Bồng, Bình Sơn, Mộ Ðức, Lý Sơn, TP Quảng Ngãi… nhiều đội nhóm cộng đồng được hình thành tiếp tục nhân rộng, duy trì nếp nghĩ gìn giữ, bảo vệ môi trường, sức khỏe cư dân. Các chiến dịch tử tế với môi trường, cấp phát thùng rác, trồng cây xanh, xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu… được phát động với sự chung tay của người dân ven biển để gìn giữ môi trường xanh sạch hơn.

“Sự thay đổi không chỉ ở vấn đề giải quyết rác thải tại đó, mà là sự thay đổi về “chất” từ trong cộng đồng cư dân. Cùng với các phong trào được tổ chức hằng năm, các chiến dịch do hội, nhóm tình nguyện thực hiện cũng đã đóng góp rất thiết thực vào việc bảo vệ môi trường ở địa phương. Từ đó, bà con tiếp tục duy trì các hoạt động này để có thể gìn giữ, bảo vệ được môi trường sống”, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ðỗ Thiết Khiêm khẳng định.

Đông Huyền/Nhandan

Lượt xem : 1887