Những ý kiến tư vấn của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) rất quan trọng và thiết thực với huyện Tây Giang (Quảng Nam)
(VACNE, 27/5/2015) - Đây là nhận định của ông Bh’riu Liếc, Ủy viên dự khuyết BCHTƯ Đảng CSVN, Bí thư huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) khi nghe ý kiến tư vấn, sau chuyến khảo sát vừa diễn ra của các chuyên gia VACNE.
Mục tiêu của chuyến khảo sát thực địa tại vùng rừng núi Tây Giang của các nhà khoa học và chuyên gia môi trường trong những ngày vừa qua, nhằm kiểm định hồ sơ để xét công nhận Cây Di sản Việt Nam, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia của Hội không chỉ đo đạc thực tế, khoan xác định tuổi của 2 cây đa cổ thụ và một số cá thể điển hình trong tập đoàn cây Pơ mu khổng lồ tại xã A San; mà còn khảo sát và phát hiện nhiều tiềm năng khác trong vùng. Nhất là những phát hiện về tiềm năng du lịch, dựa vào sự đa dạng về sinh học, cảnh quan môi trường, kiến tạo địa chất, cùng những nét đặc thù về lịch sử và văn hóa của người Cơ tu ở Tây Giang.
Những ý kiến tư vấn tâm huyết của các chuyên gia, dựa trên những dẫn liệu cụ thể vừa phát hiện được trong quá trình khảo sát và những căn cứ khoa học có sức thuyết phục, đã nhận được sự đồng thuận của địa phương. Và thật bất ngờ, các vị đứng đầu Tây Giang (Bí thư Bh’riu Liếc và ông Bh’Ling Mia, Chủ tịch UBND) đã yêu cầu Đoàn, trực tiếp truyền đạt ngay những ý tưởng này cho cán bộ chủ chốt của địa phương đang dự Đại hội Đảng bộ cơ quan chính quyền huyện Tây Giang nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo gợi ý của các chuyên gia: nếu các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương biết dựa vào cộng đồng, biết tổ chức khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người và những Di sản của cha ông, để phát triển Du lịch thì nó sẽ trở thành lợi thế, là động lực để người dân Tây Giang nhanh chóng thoát nghèo, đồng thời cũng là nền tảng, để phát triển kinh tế -xã hội địa phương theo hướng bền vững.
Có rất nhiều loại hình du lịch như: Du lịch Cây Di sản, Du lịch Địa chất, Du lịch Lịch sử, Du lịch Môi trường…có thể đưa vào áp dụng ở địa phương, để phát triển kinh tế và tạo sinh kế cho người dân. Chính những đới địa chất xáo trộn ở Tây Giang được hình thành do sự dồn ép giữa 2 mảng thạch quyển cổ cách đây hàng triệu năm, cùng những vách đá còn in dấu khắc phân định ranh giới của người xưa, những con đường mòn vận chuyển muối sẽ là những điểm hút khách du lịch. Bên cạnh đó, còn có những khu rừng nguyên sinh, mà ở đó còn lưu giữ hàng nghìn cây Pơ mu khổng lồ bậc nhất Việt Nam, trong đó có những cây giống hệt khủng voi (có vòi, có chân), có cây cao vút, chu vi thân hơn 7,5 mét. Nơi đây còn lưu lại một số đoạn đường Hồ Chí Minh lịch sử, địa đạo A Xò sâu hút, có vị Anh hùng bằng xương bằng thịt Alăng Bhuôch ở xã Bha Lê – một người bị mù cả hai mắt từ khi mới sinh, nhưng vẫn băng rừng lội xuối, vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, lương thực hỗ trợ bô đội, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, nơi đây còn có nhiều trống đồng cổ và những ngôi nhà Gươl của đồng bào Cơ tu – một tộc người có màu da trắng, tóc đen, ngữ âm gần giống các tộc người phía Bắc, mà không giống bất cứ tộc người nào xung quanh; có điệu múa “tung tung, ya yá” đặc sắc.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội BVTN&MT Việt Nam; đồng thời là thỉnh giảng lâu năm của khoa Du Lịch (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: cùng với tiết trời mát lạnh của vùng núi trên độ cao hơn 1.000 mét, có những loại rượu ngon như Ba kích – Đẳng sâm; rượu Tà vạt, rượu Tr’đin…những thứ kể trên chính là những “món ăn” hấp dẫn, trong thực đơn Du lịch của Tây Giang; đồng thời nơi đây cũng chính là kho báu để các nhà khoa học khai thác, phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy lâu dài ./.