Hồ Gươm - Hà Nội
Trong lãnh thổ Thủ đô Hà Nội với diện tích 3.344 km2 bao gồm nhiều đô thị và một vùng ngoại thành rộng lớn, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà nội không thể coi việc quy hoạch vùng ngoại thành tương đương như việc quy hoạch đô thị trung tâm, đúng ra là phải tập trung quy hoạch cho đô thị trung tâm (TP Hà Nội).
CÁC THIẾU SÓT VÀ BẤT CẬP
1.Muốn Thủ đô Hà Nội là “Xanh - Văn hiến - Văn minh và Hiện đại” thì trước hết TP Hà Nội (đô thị trung tâm) phải là 1 đô thị “Xanh - Văn hiến - Văn minh và Hiện đại”, trong đó tiêu chí “Xanh” là hết sức quan trọng, còn tiêu chí “Hiện đại” chỉ nên ở mức phù hợp; Đồ án Quy hoạch chưa đạt được mục đích này
Đồ án Quy hoạch chưa coi trọng đúng mức quy hoạch đô thị Trung tâm (TP Hà nội) trở thành đô thị “Xanh - Văn hiến - Văn minh và Hiện đại”, quy hoạch thiếu cụ thể, một số phương án quy hoạch đến năm 2030 chỉ là định hướng, đặc biệt là chưa có các giải pháp đầy đủ và phù hợp để giải quyết các vấn đề nổi cộm và bức bách về môi trường vật lý và môi trường xã hội của Hà Nội, thiếu các giải pháp quy hoạch cụ thể về cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP Hà nội hiện nay.
Chúng tôi thấy cần phải nhấn mạnh tiêu chí “xanh”, là không gian cây xanh và môi trường xanh (không khí sạch, nước sạch và đất sạch), trước hết là “xanh” ở trong đô thị; còn tiêu chí “Hiện đại” thì chỉ nên ở mức phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta.
Cần phải thừa nhận một thực tế là bất cứ một khách quốc tế nào, bất cứ một người dân Việt Nam nào, nếu họ chưa đặt chân đến 36 phố phường cổ, hồ Hoàn Kiếm hay quảng trường Ba Đình thì họ vẫn tự coi là chưa đến Hà Nội, không bao giờ lại coi việc đã đến các đô thị vệ tinh của Thủ đô, dù có hiện đại, văn minh đến mấy, là đã đến Thủ đô Hà Nội.
2.Chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa lạc - chân núi Ba vì là thiếu coi trọng giá trị nghìn năm lịch sử Thăng long - Hà nội
- Trung tâm hành chính quốc gia là hạt nhân quan trọng nhất của một Thủ đô. Chuyển Trung tâm hành chính quốc gia (trụ sở chính phủ, các bộ/ngành, các sứ quán, trung tâm hội họp quốc gia và quốc tế, kéo theo sẽ là các trung tâm khác như văn hóa, dịch vụ, khách sạn, thương mại, tài chính,v.v...) lên Hòa lạc -chân núi Ba vì, là không phù hợp với nghìn năm lịch sử của Thủ đô Thăng long - Hà nội, là thiếu coi trọng chiếu dời đô của Hoàng Đế Lý Công Uẩn, chiếu dời đô của Hoàng Đế Lý Công Uẩn thực chất là chiếu dời trụ sở bộ máy đầu não điều hành hành chính của quốc gia (nay ta gọi là trung tâm hành chính quốc gia) từ Hoa lư ra mảnh đất thiêng Hoàng thành, Thăng long, chứ không phải là di chuyển cả đô thành Hoa lư ra Thăng long. Nay quy hoạch chuyển trung tâm hành chính quốc gia từ Hà nội lên Hòa lạc - chân núi Ba vì, xét cho cùng thì cũng chẳng khác nào là sự dời đô lần thứ 2.
- Chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa lạc - chân núi Ba vì, là sự chưa kế thừa các quy hoạch Hà nội trước đây đã được phê duyệt, đặc biệt là trong mấy chục năm gần đây đã xây dựng trung tâm hành chính Quốc gia ở Ba đình và mở rộng sang khu Mỹ đình, gắn bó hữu cơ với trung tâm chính trị, lịch sử và văn hóa Thủ đô. Đúng ra là phải mở rộng trung tâm hành chính quốc gia ở ngay Hà nội, tại khu đất phía Tây Nam Hồ Tây, đất rất đẹp, điều kiện địa chất - thuỷ văn rất tốt, như là quy hoạch Hà nội trước đây đã lựa chọn.
- Chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa lạc - chân núi Ba vì là chuyển dịch trọng tâm Thủ đô lên phía Tây, làm sai lệch Thủ đô Hà nội là trung tâm của “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” quốc gia và quốc tế, quá xa với trục phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc “Hà nội - Hải dương - Hải phòng - Quảng ninh” và định hướng phát triển kinh tế của thời đại là “Hướng ra biển”.
- Không tuân theo nguyên tắc rất cơ bản của việc xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển là “Ngắn hạn phải phù hợp với định hướng dài hạn”. Gây bất ổn định về quy hoạch: quy hoạch xây dựng trụ sở chính phủ, các bộ/ngành, các sứ quán ở Hà nội hiện nay chỉ có tính tạm thời đến năm 2030, sau năm 2030 phải thay đổi mục đích sử dụng, còn ngược lại ở đô thị Hòa lạc - chân núi Ba vì thì phải quy hoạch giành đất hàng trăm ha đẹp nhất, dự trữ cho xây dựng trung tâm hành chính quốc gia, phải xây dựng đường giao thông nối Hà Nội với Hòa lạc - chân núi Ba vì với quy mô lớn và hiện đại, trong khi chưa rõ có chắc chắn cần dùng đến nó trong tương lai không. Các điều kể trên sẽ dẫn đến sự lãng phí kinh tế lớn.
- Chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa lạc - chân núi Ba vì, sau năm 2030 sẽ gây ra sự xáo trộn hệ thống giao thông, thị trường bất động sản, cuộc sống của hàng vạn người và sẽ dẫn đến chi phí vận hành (chi phí hoạt động) của Thủ đô Hà nội là lớn hơn nhiều so với giữ nguyên trung tâm hành chính quốc gia ở Hà nội hiện nay. Cần phải cân nhắc thận trọng về vấn đề này.
- Khu vực chân núi Ba vì chỉ thích hợp là khu vực bảo vệ thiên nhiên, du lịch sinh thái và là vùng tâm linh quan trọng của Hà Nội mở rộng, không phù hợp để xây dựng đô thị trung tâm hành chính Quốc gia. Khu vực chân núi Ba Vì là vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba vì, là thảm sinh thái thiên nhiên và thảm sinh thái nông nghiệp, rừng đầu nguồn, rất quý giá và rất cần được bảo tồn.
- Xét về mặt an ninh quốc phòng, quy hoạch tập trung các cơ quan đầu não Quốc gia vào một địa điểm hẹp là điều rất bất lợi về mặt an ninh quốc phòng, các hậu quả bất an ninh chưa thể lường hết được.
3.Quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng là mạo hiểm và nhiều rủi ro; Quy hoạch tránh Hà nội phát triển “lan toả”là đúng, nhưng khó thực hiện được.
Về thành phố hai bên bờ sông Hồng
Việc chỉnh trị dòng sông Hồng qua khu vực Hà nội, nạo vét dòng sông, cũng như củng cố và bê tông hoá hệ thống đê 2 bên bờ sông nhằm đảm bảo an toàn cho TP HànNội, tăng lưu lượng giao thông thuỷ và phát triển du lịch trên sông Hồng và sông Đuống là đúng đắn.
Nhưng việc tận dụng dải đất ngoài đê hiện nay để phát triển đô thị, phố hoá bờ sông như hai bờ sông Hàn ở Seoul, Hàn quốc, có thể là việc mạo hiểm, nhiều rủi ro, không kinh tế (chưa tính đến phải di chuyển hàng vạn dân đang sống ở đây). Định hướng này càng không phù hợp, sau khi mở rộng Thủ đô Hà Nội, vốn không thiếu quỹ đất để phát triển đô thị ở các vùng an toàn hơn;
- Trong thời kỳ biến đổi khí hậu (BĐKH), chúng ta chưa thể lường hết được hậu quả của biến đổi các điều kiện khí hậu – thuỷ văn của lưu vực sông Hồng, dù đã có các đập thuỷ điện ở phía đầu nguồn, các thiên tai lũ lụt cực đoan, bất thường xẩy ra, đặc biệt là điều kiện địa chất của sông Hồng liên quan đến vết đứt gẫy sâu của sông Hồng với chiều dài 1.500 km từ Vân nam, Trung Quốc, tới Vịnh Bắc Bộ;
- Bản chất của dòng chảy sông Hồng là không ổn định, mang theo một lượng phù sa rất lớn và tốc độ dòng chảy rất lớn, khiến tình trạng xói lở, bồi lắng, luôn thay đổi, dẫn đến chuyển lạch, chuyển dịch các bãi bồi giữa sông;
- Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc chống xói lở, chỉnh trị dòng sông Hồng sẽ vô cùng tốn kém. Với trình độ kỹ thuật và điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay thì chưa thể làm được ngay;
- Phố hoá hai bờ sông Hồng là làm tăng số lượng dân cư của nội thành Hà nội, trái với định hướng giảm dần dân số nội thành.
Tất cả các điều kiện kể trên chưa được xem xét cẩn thận trong Đồ án. Vì vậy chúng tôi kiến nghị nên giữ theo phương án Quy hoạch Hà nội trước đây do chuyên gia Liên Xô giúp đỡ là quy hoạch dải đất ven sông Hồng thành thảm cây xanh, xây dựng các công viên vui chơi, giải trí, các công trình du lịch nhỏ, xinh đẹp và nâng cấp giao thông đường thuỷ, nhưng không gây ra cản trở thoát lũ lụt cực hạn.
Về quy hoạch tránh “lan tỏa”
Quy hoạch Thủ đô theo định hướng tránh “lan tỏa” là chính xác, nhưng phải lường hết thực tế khách quan phát triển đô thị có thể không theo ý chí của nhà quy hoạch, vẫn phát triển theo quy luật khách quan, phát triển theo kiểu “lan tỏa”. Chúng tôi dự đoán rằng trước mắt Hà nội vẫn tiếp tục phát triển “lan toả” nối liền Hà nội với Bắc ninh và nối liền Gia lâm với Trâu quỳ và sẽ tiếp tục “phố hoá” đường 5. Nếu Quy hoạch này không dự phòng đáp ứng được xu thế này thì nhiều vấn đề môi trường và xã hội sẽ nảy sinh bức xúc ở đây.
Di dời 400 nghìn dân ra khỏi nội thành Hà nội là khó thực tế.
4.Đến năm 2030 di dời 400 nghìn dân ra khỏi nội thành Hà nội là chưa thực tế.
Quy hoạch giảm dân cư ở 4 quận nội thành cũ đến năm 2030 còn 80 vạn người đã được đề ra trong Quy hoạch Hà nội năm 1998, nhưng thực tế hiện nay dân số ở 4 quận nội thành cũ đã tăng lên gần 1 triệu 200 nghìn người. Do đó Quy hoạch này lặp lại chỉ tiêu trên cho thấy càng khó có tính khả thi;
Rất nhiều công trình cao tầng đồ sộ, các trung tâm dịch vụ, các khách sạn, cửa hàng, các trung tâm thương mại, các chung cư cao tầng, đã được xây chen trong 4 quận nội thành trong thời gian qua, đã đè nặng lên hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu của Hà Nội, là nguyên nhân làm tăng dân số và làm tăng đột biến số lượng khách vãng lai, là nguyên nhân cơ bản làm tăng ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí và tình trạng căng thẳng về giao thông cuả Hà nội.
Tỷ lệ số dân trong nội thành hiện sống với điều kiện nhà cửa chật hẹp, thiếu điều kiện vệ sinh là ít, chủ yếu chỉ gồm một số gia đình sống ở 36 phố cổ và ở “xóm liều, xóm bụi”. Có nghĩa là trong số dân nội thành, số người tự nguyện chuyển ra ngoại thành để có điều kiện sống tốt hơn là rất nhỏ, nếu cưỡng chế di chuyển nơi cư trú đối với dân cư nội thành để đạt chỉ tiêu di chuyển 400 nghìn dân là không thể được.
Vì vậy, chỉ tiêu di dời 400 nghìn dân ra khỏi nội thành là không khả thi, chúng tôi kiến nghị Quy hoạch phải nghiên cứu kỹ chỉ tiêu giảm số dân nội thành này để có tính khả thi hơn. Kiến nghị phải triệt để chấm dứt tình trạng quy hoạch xây dựng ở nội thành bất hợp lý như trên đã nêu. Mặt khác phải tích cực đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật đô thị cho số dân hiện có.
5. Quy hoạch cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải chưa kinh tế, thiếu khả thi
- Về cấp nước
Đồ án Quy hoạch Thủ đô có viết “Giảm dần khối lượng khai thác nước ngầm Hà nội, giai đoạn 2020 còn là 400.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 còn là 265.000 m3/ngày đêm”. Đây là phương án chưa kinh tế, thiếu khả thi. Theo chúng tôi nên tăng khả năng bổ cập nước mặt cho nước ngầm, duy trì công suất khai thác nước ngầm như hiện nay đến năm 2030 và lâu hơn nữa, mới là phương án khả thi và kinh tế nhất. Nguồn nước mặt lấy từ sông Đà , sông Hồng, sông Đuống là phù hợp. Tuy nhiên không nên sử dụng nguồn nước sông Lô vì nguồn nước này về mùa khô tương đối nhỏ và rất cần cấp cho các đô thị và các khu công nghiệp, khu dân cư thuộc lưu vực của nó.
- Về thoát nước mưa và chống úng ngập
Đồ án Quy hoạch viết “ Các lưu vực trong nội đô Hà nội (lưu vực sông Tô lịch) về cơ bản tuân thủ như quy hoạch đã được duyệt (QH thoát nước do JICA lập)”. Thực tế thực hiện quy hoạch thoát nước theo phương án của JICA 15 năm qua chứng tỏ không đạt được mục tiêu, Hà nội vẫn bị úng ngập trầm trọng, nước sông hồ Hà nội vẫn bị ô nhiễm trầm trọng. Quy hoạch Thủ đô Hà nội cần phải đánh giá lại quy hoạch thoát nước này, tìm đúng nguyên nhân không thành công và đề ra phương án quy hoạch thoát nước mới cho Hà nội một cách hoàn chỉnh và có hiệu quả thực sự.
Việc tính toán lưu lượng thoát nước mưa cũng cần xem xét lại, khi mà năm 2008 Trạm bơm Yên sở không bơm được hết nước úng ngập. Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng với kịch bản BĐKH trung bình đến năm 2100 ở vùng đồng bằng Bắc Bộ ( trong đó có Hà nội) lượng mưa trong mùa mưa sẽ tăng lên 15,1%, lượng mưa trong mùa khô sẽ giảm đi 6,8%. Điều đó có nghĩa là ở vùng Thủ đô Hà nội úng ngập trong mùa mưa có thể trầm trọng hơn, hạn hán mùa khô có thể gay gắt hơn. Quy hoạch cấp nước và thoát nước của Đồ án Quy hoạch Thủ đô dường như chưa tính đến sự biến đổi khí hậu này.
- Về xử lý nước thải chống ô nhiễm môi trường
Phương án của JICA trước đây là phân chia nội thành Hà Nội thành 7 khu vực, mỗi khu vực sẽ xây dựng 1 trạm xử lý nước lớn tập trung. Thực tế đến nay chỉ mới xây dựng được 2 trạm thử nghiệm: trạm xử lý nước thải ở khu vực hồ Trúc Bạch với công suất 2300m3/ngày, rất nhỏ, rất đắt tiền và trạm xử lý nước thải ở Kim Liên (Quận Đống Đa), công suất 3500m3/ngđ. Cho đến nay các trạm xử lý nước thải theo phương án của Quy hoạch của JICA vẫn chưa được thực hiện do không tìm ra các khu đất nội đô để xây dựng trạm xử lý nước lớn. Đấy là chưa kể không dễ dàng thu gom nước thải về các trạm xử lý nước thải tập trung này. Trong khi đó ở các khu đô thị mới hầu như người ta lại không đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải riêng cho mình, tất cả đều chờ dẫn về các trạm xử lý nước thải lớn tập trung, khiến sông hồ Hà nội sẽ ngày càng bị ô nhiễm.
Vì vậy cần phải đánh giá lại phương án của JICA và nghiên cứu xây dựng quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải cho TP Hà nội phù hợp với tình hình thực tế, không thể giữ nguyên phương án quy hoạch của JICA được.
6. Quy hoạch quản lý chất thải rắn và quy hoạch nghĩa trang cần theo hướng văn minh hơn
- Về quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR)
Theo chúng tôi thì cần phải tập trung vào việc phát triển công nghệ và các nhà máy tái chế, tái sử dụng và chế biến chất thải rắn thành sản phẩm hữu ích, đảm bảo chỉ tiêu chôn lấp khoảng 15% chất thải rắn không thể tái chế, tái sử dụng và chế biến được. Đồ án quy hoạch thiếu phần quản lý phân bùn.
Việc quy hoạch số lượng bãi và diện tích các bãi đổ phế thải xây dựng chưa có căn cứ khoa học. Đặc biệt là quy hoạch bãi đổ phế thải xây dựng lại là vùng không gian xanh với lý do sẽ trồng cây xanh sau khi đổ phế thải xây dựng là chưa hợp lý.
Nhiều số liệu trong bản Quy hoạch về quản lý CTR không chính xác. Chẳng hạn, khu xử lý CTR Nam sơn hiện tại có diện tích 83,5 ha, dự kiến mở rộng đến 160 ha. Nhưng trong đồ án Quy hoạch lại quy hoạch đến năm 2020 là 68,1 ha, đến năm 2030 cần 98,3 ha?
Cần triển khai xây dựng khu xử lý CTR Tiến sơn (Lương sơn, Hoà bình) sớm hơn chứ không phải đến năm 2030 như Quy hoạch đề ra, để giảm bớt CTR từ phía Nam sông Hồng đưa đến khu xử lý CTR Nam sơn. Trong bản thuyết minh cần bổ sung quy hoạch, bố trí các trạm trung chuyển CTR.
Phần dự trù kinh phí chi phí cho quản lý CTR của bản Quy hoạch chỉ tính đến các bãi chôn lấp rác đô thị, chưa tính đến phát triển công nghệ chế biến, tái chế, tái xử lý CTR.
- Về quy hoạch quản lý nghĩa trang
Quy hoạch quản lý nghĩa trang ở Thủ đô vẫn theo phương án truyền thống là hung táng, chôn cất 1 lần và cát táng, chưa coi trọng đúng mức đến phưong án hoả táng, nên chiếm diện tích đất rất lớn và là một nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước.
Một đô thị văn minh là phải giải quyết vấn đề này theo hướng phát triển hoả táng, hạn chế hung táng và chôn cất 1 lần, bằng các giải pháp quy hoạch, kỹ thuật và phong trào tuyên truyền vận động, xây dựng nếp sống, tập tục thân thiện với môi trường.
7. Quy hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông vận tải nội đô chưa cụ thể
Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà nội đã coi quy hoạch cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông đô thị trung tâm là vấn đề bức xúc nhất, quan trọng nhất, với định hướng quy hoạch là chính xác. Tuy vậy chúng tôi đóng góp một số ý kiến cụ thể sau đây.
- Tại đô thị trung tâm (TP Hà Nội) tỷ lệ đất giao thông là dưới 8%, Thuyết minh quy hoạch đề ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ đất giao thông lên 20-26%. Đây là chỉ tiêu không thể thực hiện được.
- Một trong những yếu kém nhất của hệ thống giao thông Hà nội là thiếu hệ thống giao thông tĩnh (các bãi đỗ xe, các trạm gửi xe). Cần phải có giải pháp quy hoạch xoá bỏ tình trạng xe đỗ trên đường, trên vỉa hè và tạo thuận lợi cho hành khách gửi xe để chuyển đổi dễ dàng sử dụng các loại phương tiện giao thông khác nhau, nhất là từ phương tiện cá nhân chuyển sang dùng phương tiện giao thông công cộng và đi bộ. Nhưng trong Quy hoạch không đưa ra phương án nào để giải quyết vấn đề bức xúc này.
- Quy hoạch giao thông Hà nội đến năm 2030 cần phải đồng bộ, liên kết một cách hài hoà giữa hệ thống giao thông ở mặt đất , giao thông trên cao, giao thông ngầm, giao thông đường ô tô, giao thông đường sắt và giao thông đường thuỷ cụ thể. Cần kịp thời khắc phục tình trạng quy hoạch giải quyết theo kiểu tình thế, tạm thời, có tính chắp vá.
- Xây dựng đường ô tô trên cao 2 -3 tầng sẽ ảnh hưởng xấu đến mỹ quan thành phố, ô nhiễm môi trường không khí, và tiếng ồn, ảnh hưởng đến sức khoẻ của dân cư, do đó nên hạn chế. Nếu phát triển tuyến đường sắt nhẹ trên cao thì sẽ giảm bớt tác động xấu này. Chú trọng tổ chức các nút giao thông trong đô thị, đặc biệt là các nút giao thông chuyển đổi từ hệ thống này sang hệ thống khác.
- Trên các trục giao thông cao tốc phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng phố hoá đường quốc lộ.
- Về vị trí sân bay quốc tế thứ hai: Theo chúng tôi, trước hết là quy hoạch phát triển mở rộng sân bay Nội bài, kể cả sát nhập diện tích sân bay quân sự vào sân bay quốc tế Nội bài. Phải tính toán dự báo chính xác về nhu cầu phát triển giao thông hàng không, nếu cần thì mới quy hoạch sân bay quốc tế thứ hai theo hướng thuận tiện cho phát triển vùng KT-XH trọng điểm Bắc bộ, thuận tiện cho cả Hải phòng và Hà nội, tức là nên đặt sân bay thứ hai ở phía Đông Nam thành phố Hà nội, không nên đặt ở phía Nam Hà nội, như đồ án Quy hoạch đã xác định.
8. Quy hoạch phát triển các khu /cụm công nghiệp và các làng nghề phải phù hợp với bảo vệ môi trường, bảo tồn đất nông nghiệp và phát triển nông thôn (quy hoạch đến năm 2030 đã lấn chiếm 73,5% đất nông nghiệp chuyển thành đất khác).
- Không nên phát triển mở rộng các khu/cụm công nghiệp ở Thường tín, Phú xuyên, vì vùng đất này là vùng đất trũng, vùng nông nghiệp có sản lượng cao, lại nằm ở phía Nam đầu hướng gió, dễ dàng làm lan toả ô nhiễm môi trường vào TP Hà nội. Nói chung, nên điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tập trung về phía Bắc sông Hồng, nơi có quỹ đất đồi cao ráo, điều kiện địa chất công trình tốt, không xâm lấn đất nông nghiệp có sản lượng cao.
- Theo Quy hoạch việc di chuyển các khu/cụm công nghiệp cũ, lạc hậu từ nội thành ra ngoài là hoàn toàn đúng, nhưng định hướng sử dụng quỹ đất này là “ Một phần để khai thác phát triển các khu dân cư, thương mại dịch vụ”, đây là một nguy cơ làm tăng dân số và tăng nguồn thải ô nhiễm môi trường nội thành (khi quy hoạch nói khai thác 1 phần để phát triển khu dân cư, thì thực tế thực hiện có thể sẽ là khai thác 100%). Vì vậy chúng tôi đề nghị 100% quỹ đất giải phóng công nghiệp chỉ dùng cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển diện tích cây xanh, vườn hoa, không gian vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao v.v…phục vụ chung cho cộng đồng.
- Đối với quy hoạch các làng nghề cần tiến hành rà soát, kiểm tra cẩn thận để chọn lọc phát triển các làng nghề truyền thống thực sự, tạo ra nhiều sản phẩm thủ công nghiệp đặc sắc cung cấp cho xã hội và phát triển du lịch, cần quy hoạch đô thị hoá các làng nghề này, ngược lại phải xoá sổ các làng nghề không phải là làng nghề truyền thống và đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Quy hoạch rất coi nhẹ vấn để phát triển nông nghiệp và nông thôn, coi nhẹ giải quyết các vấn đề Tam nông (nông dân, nông nghiệp và nông thôn), giảm bớt khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, trong khi hiện nay 60% dân số Thủ đô Hà nội là nông dân.
- Thuyết minh Quy hoạch nêu rõ cần phải bảo tồn đất nông nghiệp, nhưng thực tế có vẻ ngược lại, theo số liệu cho trong Quy hoạch, hiện nay Thủ đô Hà nội có diện tích nông nghiệp là 189 nghìn ha, đất trồng lúa là 117 nghìn ha, thế mà Quy hoạch đến năm 2030 đã lấn chiếm tới 73,5% - 66% diện tích đất nông nghiệp và diện tích đất trồng lúa, theo đó, diện tích đất nông nghiệp chỉ còn bảo tồn 50 nghìn ha và đất trồng lúa chỉ còn 40 nghìn ha.
9. “Hành lang xanh” không đúng sự thật, bảo tồn ĐDSH chưa được quan tâm đúng mức và quy hoạch du lịch chưa cập nhật thông tin
- “Hành lang Xanh” được xem là tâm điểm sáng tạo của Quy hoạch này, nhưng thực chất “Hành lang Xanh” chiếm 70% đất Thủ đô lại là đất đồng ruộng, đất nông nghiệp và làng mạc nông thôn, đất rừng và đất bảo tồn ĐDSH hiện có. Thực tế diện tích này hiện nay của Thủ đô còn lớn hơn 70% nhiều. Khái niệm “hành lang xanh” ở đây không phù hợp với khái niệm “không gian xanh” thường dùng trên thế giới.
- Đáng lẽ Thuyết minh trình thẩm định phải nói rõ đã lấn chiếm hàng ngàn ha đất nông nghiệp để xây dựng đô thị, giao thông và công nghiệp. Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà nội chưa bảo tồn đất nông nghiệp màu mỡ, có sản lượng cao, chưa đảm an ninh lương thực, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu? Vì vậy Quy hoạch 70% đất Thủ đô là “Hành lang xanh” và nói rằng đây là tỷ lệ lớn nhất so với các thủ đô các nước trên thế giới là không đúng thực tế.
- “Không gian xanh đô thị ” đúng ra là phải tạo lập được không gian xanh (cây xanh) công cộng xunh quanh và bên trong thành phố, có tác dụng cải thiện môi trường, hấp thụ khí CO2, nhả khí oxygen, cải thiện vi khí hậu, giảm úng ngập trực tiếp cho đô thị, ứng phó với thiên tai và BĐKH, bảo tồn ĐDSH. Có nghĩa là “Hành lang xanh” trong Đồ án Quy hoạch này không phải là “Hành lang xanh đô thị” thực sự. Trong Đồ án Quy hoạch này không có giải pháp làm tăng diện tích cây trong nội đô để TP Hà nội (đô thị trung tâm) trở thành đô thị xanh (hiện nay diện tích cây xanh ở Hà nội chưa đạt 2m2/người, quy chuẩn yêu cầu tối thiểu là 10m2/người).
- Thủ đô Hà nội có Vườn Quốc gia Ba vì, khu bảo tồn thiên nhiên Sóc sơn và Hương tích, là môi trường sống của nhiều loài hoang dã quý hiếm (thực vật và động vật), có nhiều cảnh quan thiên nhiên hiếm có, là điều kiện không thể thiếu được để phát triển du lịch. Tuy vậy, tổng diện tích đất phủ xanh (chủ yếu là đất rừng) mới chiếm 7% đất tự nhiên, trong khi yêu cầu độ che phủ rừng tối thiểu phải đạt 12 – 15% diện tích tự nhiên. Trong bản Quy hoạch này không có mục nào nói đến phát triển rừng và bảo tồn ĐDSH.
- Phát triển du lịch phải là một mũi nhọn của phát triển kinh tế Thủ đô, nhưng rất tiếc rằng định hướng không gian du lịch trong bản Thuyết minh trình thẩm định này lại sử dụng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà nội năm 2002-2010, được xây dựng từ năm 2001, khi đó chưa nhập tỉnh Hà Tây vào Hà nội.
10. Quy hoạch Thủ đô Hà nội cần phù hợp với điều kiện địa chất - thuỷ văn, địa hình, địa mạo của Hà nội
Thủ đô Hà nội có cấu trúc địa chất khá phức tạp, vừa nằm trong vùng trũng Bắc Bộ, vừa liên thông với vùng núi Tây Bắc, nằm trên đứt gẫy sâu kéo dài 1.500 km từ Vân nam, Trung Quốc tới Vịnh Bắc Bộ. Về mùa mưa, nước trên các hệ thống sông lớn (sông Hồng, sông Đuống) cao hơn mực nước trong đê, gây khó khăn cho việc thoát nước. Đô thị trung tâm có nhiều khu vực nằm trên miền đất yếu (bùn sét và cát bở rời). Giữa vùng đồi núi phía Tây và khu vực đô thị phía Đông có nhiều dải địa hình thấp dọc theo lưu vực các sông Đáy, sông Tích thuận lợi cho việc thoát nước. Tuy nhiên, Quy hoạch Thủ đô Hà nội chưa tận dụng điều đó, nhiều địa điểm quy hoạch chưa hợp lý như trung tâm hành chính quốc gia Mỹ đình được xây dựng trên vùng đất trũng, rất khó thoát nước, khu vực đất yếu phía Nam Hà nội thuộc huyện Thanh trì lại được quy hoạch mở rộng xây dựng đô thị, khu vực đất bở rời dễ bị xói lở ngoài đê sông Hồng cũng được quy hoạch để xây dựng phát triển đô thị. Quy hoạch thoát nước mưa ra sông Nhuệ chỉ giải quyết được một phần, không đảm bảo thoát nước cho Hà nội tương lai. Hay vùng Mai lĩnh không thể là vùng chứa nước cho Thủ đô Hà nội.v.v....
Chúng tôi đề nghị cơ quan tư vấn nghiên cứu kỹ địa hình sông Đáy để làm hướng chủ đạo cho việc quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà nội mở rộng, trong đó cả việc tiêu nước cho các sông thoát nước chính hiện nay của Hà nội (sông Nhuệ, sông Tô Lịch), hạn chế địa điểm xây dựng trung tâm hành chính quốc gia ở Mỹ đình và chuyển lên vùng đất “Đô thị mới Tây Hồ Tây”, do đây là vùng đất có cấu trúc địa chất tốt nhất ở nội thành trong vành đai 3 (lớp sét rắn dày, móng đá gốc nông, địa hình và giao thông thuận lợi), bỏ phương án xây dựng đô thị ở vùng đất ngoài đê sông Hồng.
Cải tạo, nâng cấp sông Đáy trở thành dòng sông chính trong lòng Thủ đô, nối với sông Tích và các sông nội thành Hà nội tạo thành một hệ thống sông thống nhất. Ven theo 2 bờ những sông này là đường giao thông và hành lang cây xanh.
11. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội còn thiếu tính khả thi
Xét cả về các mặt kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật, chúng tôi cho rằng Quy hoạch này còn thiếu tính khả thi.
- Về kinh tế: Theo bản tổng hợp khái toán của bản thuyết minh Quy hoạch thì kinh phí chỉ tính đầu tư cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030 đã là khoảng 60 tỷ USD. Thông thường, đối với công trình xây dựng, chi thực tế đều cao hơn dự toán. Chúng tôi ước tính phải đầu tư cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030 mất khoảng 100 tỷ USD, tức là mỗi năm trung bình phải đầu tư 5 tỷ USD. Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị thường là tiền ngân sách, e rằng ngân sách nước ta không thể đáp ứng được. Bản thuyết minh có diễn giải kinh phí dựa vào nguồn vốn ODA, FDI, vay tín dụng, trái phiếu chính phủ. Suy cho cùng, tất cả các nguồn vốn đó đều là vốn vay. Liệu có vay được không, trong khi ai cũng biết, vay nước ngoài thì sẽ bị lệ thuộc về kinh tế và chính trị. Mặt khác, đầu tư cho phát triển sản xuất thường có lãi để trả dần, nhưng lợi tức đầu tư cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị không lớn và rất chậm thu hồi so với sản xuất. Như vậy nền kinh tế nước ta có thể sẽ gặp khó khăn và phát triển sẽ không bền vững.
- Về xã hội, tất cả các quy hoạch Hà nội qua nhiều giai đoạn trước đây đều đã đề ra chỉ tiêu giảm dân đô thị lõi Hà nội (trong vành đai 2) xuống còn 800 nghìn dân, nhưng thực tế dân số nội thành của Hà nội vẫn cứ tăng dần, không theo ý chí chủ quan của người làm quy hoạch, nay đã là khoảng 1 triệu 200 nghìn người rồi. Việc di dời 400 nghìn dân 4 quận nội thành Hà nội và di chuyển khoảng 30 vạn dân để xây dựng đô thị bờ sông Hồng sẽ là vấn đề xã hội rất lớn, thiếu tính khả thi. Mặt khác, phải thấy bản chất của phát triển quy hoạch đô thị là đô thị hóa nông thôn, biến nông dân thành thị dân, nhưng Quy hoạch này chỉ tập trung lấy đất của nông thôn để xây dựng các đô thị mới, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại và xây dựng các khu công nghiệp v.v... Người nông dân mất đất canh tác, không được trở thành thị dân, cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy quy hoạch đô thị hoá đi theo hướng phát triển không bền vững.
- Về khoa học kỹ thuật, các bản đồ quy hoạch không gian này phần lớn đều là định hướng, thiếu bản đồ quy hoạch cụ thể, thiếu cơ sở khoa học về điều kiện tự nhiên, nhất là điều kiện về địa chất, địa mạo, thuỷ văn của vùng thủ đô Hà nội. Vì thế các bản đồ đó chưa thể dùng làm cơ sở để quy hoạch chi tiết áp dụng vào thực tế.
KẾT LUẬN
Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng Thẩm định Quốc gia như sau:
- Khi thẩm định đồ án “quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” chú ý xem xét ý kiến nhận xét 11 thiếu sót của đồ án mà Hội chúng tôi đã nêu ở trên.
- Yêu cầu Liên danh Tư vấn Quốc tế PPJ nghiên cứu sửa chữa các thiếu sót nêu trên, điều chỉnh phương án quy hoạch để Quy hoạch đạt được yêu cầu về độ tin cậy, hợp lý, có cơ sở khoa học và có tính khả thi hơn, trong đó giai đoạn 1- đến năm 2030- phải là các phương án quy hoạch cụ thể để có thể triển khai quy hoạch chi tiết dùng cho thực tế, giai đoạn 2- đến năm 2050 - mới là quy hoạch định hướng, quy hoạch ngắn hạn phải thống nhất với quy hoạch dài hạn.