Vietnamese English
Những thảm họa thiên nhiên kỳ lạ nhất

3/22/2014 8:50:00 AM

Nhân kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới (23/3), MTX xin điểm lại những thảm họa thiên nhiên kỳ lạ nhất trong lịch sử.





1. Sương dày làm chết 12.000 người



Tháng 12/1952, sương mù dày đặc khiến người dân London phải đốt rất nhiều than để sưởi ấm. Điều này khiến khói bốc lên trong không khí hòa vào sương. Trong 4 ngày, sương dày đến mức không thể lái xe ngoài đường được. Các khán giả trong các phòng hòa nhạc cũng không thể nhìn thấy sân khấu và diễn viên. 4.000 người đã chết vì bệnh hô hấp trong tháng đó và những tháng sau có thêm 8.000 người nữa cũng chết vì lý do tương tự.

2. Lốc xoáy lớn chưa từng có


Năm 1925, một trận lốc xoáy kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người đã xảy ra ở Mỹ. Lốc xoáy tràn vào 3 bang Missouri, Illinois và Indiana, trải rộng suốt 350 km. Theo tính toán của con người thì không thể xảy ra một trận lốc lớn đến như vậy, nhưng sự thực là nó đã xảy ra. Khoảng 700 người đã bị thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Thiệt hại về mặt kinh tế ước tính khoảng 16,5 triệu USD.

3. 1.800 người chết vì khí CO2 từ đáy hồ


Năm 1986, khoảng 1.800 người và hàng nghìn gia súc, động vật hoang dã đã chết gần hồ Nyos của Cameroon. Các nhà khoa học đã kết luận rằng nguyên nhân của những cái chết này là do luồng khí CO2 từ đáy hồ. Luồng khí này di chuyển với vận tốc 50 km/giờ trong vòng bán kính 23 km. Nó đi tới đâu là người và động vật chết đến đó.

4. Nổ không khí


Ngày 30/6/1908, một vụ nổ không khí xảy ra gần sông Tunguska, Nga. Chính phủ Nga dường như chẳng hào hứng lắm để điều tra vụ nổ này. Đến năm 1938, những bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy vụ nổ có hình con bướm, đồng nghĩa với việc có hai vụ nổ đã xảy ra theo đường thẳng. Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời rành mạch về hiện tượng này.

5. Đợt lạnh khủng khiếp ở châu Âu


Năm 1816, một đợt không khí lạnh khủng khiếp tràn vào miền Nam nước Mỹ, Canada và châu Âu, phá hủy mùa màng khiến sau đó lương thực thiếu trầm trọng. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do phun trào núi lửa trong vài năm trước đó.

6. Cách xa 5.000 km vẫn nghe thấy tiếng núi lửa phun trào


Núi lửa Krakatau (Indonesia) thường xuyên phun trào, nhưng đợt gây thiệt hại nặng nề nhất là năm 1883. Núi lửa phun trào khiến 2/3 quần đảo chứa núi lửa bị tàn phá. Một số quần đảo nhỏ xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Điều kỳ lạ là cách đó 5.000 km, người ta vẫn còn nghe thấy tiếng núi lửa hoạt động.

7. Mưa đá nặng 1 kg


Trận mưa đá khủng khiếp xảy ra vào năm 1986 ở Gopalgani, Bangladesh. Những viên đá nặng hàng kg đã khiến 92 người chết và phá hủy mùa màng.

8. Núi lửa phun trào, rắn độc hết chỗ ở bò ra cắn người


Năm 1902, do núi lửa Bald phun trào khiến không khí sặc mùi khí sulfur nên một loài rắn độc đã rời khỏi dãy núi, cắn chết 50 người cùng rất nhiều gia súc, gia cầm. Sau đó, mọi người đã bắt được một số con rắn và nhốt chúng trong những ngôi nhà ở thành phố Saint-Pierre.

9. Động đất làm thay đổi hình dạng các thành phố


Trong khoảng giữa năm 1811 - 1812, một trận động đất lớn đã làm thay đổi hình dạng của một số thành phố của Mỹ như New England, Boston và Washington DC.

10. Nắng nóng làm voi tàn phá làng mạc


Mùa xuân năm 1972, khu rừng Chandka của Ấn Độ nắng nóng làm voi thiếu thức ăn và nước. Tình trạng đó kéo dài đến tận mùa hè, khiến voi “nổi giận” tàn phá 5 ngôi làng quanh đó và làm 24 người thiệt mạng.


Tổ chức Khí tượng Thế giới (tên tiếng Anh: World Meteorological Organization, viết tắt tên tiếng Anh WMO) là tổ chức có 189 quốc gia thành viên, đây là tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này có tiền thân là Tổ chức Khí tượng Quốc tế thành lập năm 1873. Được thành lập năm 1950, WMO đã trở thành một tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc về khí tượng (thời tiết và khí hậu, thủy văn vận hành và các khoa học địa vật lý liên quan. Tổ chức này có trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ và là một thành viên của Nhóm Phát triển Liên Hiệp Quốc.
Tháng 10 năm 1947, Hội nghị Khí tượng thế giới lần thứ 12 đã họp tại Washington quyết định đổi tên Tổ chức Khí tượng Quốc tế thành Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và đến ngày 23 tháng 3 năm 1950, Quy chế chính thức của WMO mới có hiệu lực. Cũng từ đó, WMO lấy ngày 23 tháng 3 hàng năm làm Ngày Khí tượng thế giới. Trụ sở của WMO: 41 Avenue Giuseppe – Montta, Case Postale N0 5 CH-1211 Geneve 20, Thụy Sĩ. Ngày 20 tháng 12 năm 1951 WMO đã ký với Liên hợp quốc một Hiệp định và chính thức trở thành tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc.

Mai Anh
(MOITRUONG.COM.VN/tổng hợp từ 2leep/Wikipedia/Bưu Điện Việt Nam)




Lượt xem : 12029