Những sự thật kinh hoàng về rác thải nhựa khiến chúng ta phải giật mình
5/30/2024 7:10:00 AM
Nhờ ưu điểm tiện lợi và giá thành sản xuất rẻ nên vật liệu nhựa đã trở nên rất phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, vì quá lạm dụng vào nhựa mà con người đã phải trả một cái giá rất đắt. Hàng triệu tấn rác thải nhựa thải ra mỗi năm đã phá hủy môi trường và hệ sinh thái. Giờ đây, nhựa đã trở thành vấn nạn môi trường gây nhức nhối nhất với nhân loại. Những sự thật gây sốc về nhựa dưới đây sẽ giúp cho chúng ta hiểu được lý do vì sao cả thế giới đang sôi nổi hướng tới một bản hiệp ước về nhựa toàn cầu.
Nhờ ưu điểm tiện lợi và giá thành sản xuất rẻ nên vật liệu nhựa đã trở nên rất phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, vì quá lạm dụng vào nhựa mà con người đã phải trả một cái giá rất đắt. Hàng triệu tấn rác thải nhựa thải ra mỗi năm đã phá hủy môi trường và hệ sinh thái. Giờ đây, nhựa đã trở thành vấn nạn môi trường gây nhức nhối nhất với nhân loại. Những sự thật gây sốc về nhựa dưới đây sẽ giúp cho chúng ta hiểu được lý do vì sao cả thế giới đang sôi nổi hướng tới một bản hiệp ước về nhựa toàn cầu.
400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm
Nhựa bắt đầu phổ biến trên thế giới từ những năm 1950. Kể từ đó, sản lượng nhựa hằng năm đã tăng lên gấp 200 lần. Tính đến nay, số lượng nhựa được sản xuất ra đã chiếm 70% tổng khối lượng của nhân loại cộng lại. Mỗi năm, con người thải ra khoảng 400 triệu tấn rác. Trong đó, 60% số rác nhựa bị thải ra môi trường tự nhiên hoặc bãi chôn lấp.
Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ năm 2021, Mỹ chính là quốc gia gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới. Quốc gia này thải ra khoảng 42 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, tương đương với 130kg nhựa/ người. Con số này gần gấp đôi Trung Quốc và nhiều hơn cả liên minh châu Âu cộng lại.
8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm
Rác thải nhựa bị vứt bỏ vô trách nhiệm tại các bãi rác, bãi chôn lấp mà không có bất kỳ cách xử lý chuyên nghiệp nào. Vì thế, một lượng lớn rác thải nhựa cũng bị rò rỉ vào môi trường tự nhiên. Theo ước tính, có ít nhất 8 triệu tấn nhựa trôi dạt ra đại dương mỗi năm. Số lượng rác thải nhựa khổng lồ đổ ra đại dương chính là nguyên nhân gây hại tới sự sống của động vật biển và hệ sinh thái biển.
Các nhà khoa học đã đo đạc thấy 40% bề mặt đại dương giờ đây đã bị bao phủ bởi các mảnh vụn nhựa. Nếu thế giới vẫn cứ tiếp tục sản xuất và tiêu thụ nhựa như hiện nay, số lượng nhựa sẽ nhiều hơn cả số lượng cá trong đại dương vào năm 2030. Có thể đến năm 2040, lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương sẽ tăng lên 29 triệu tấn mỗi năm.
100.000 động vật chết vì nhựa mỗi năm
Thứ gây hại với động vật biển chính là những chai lọ, cốc nhựa, ống hút, khẩu trang… và những ngư cụ đánh bắt cá bị rơi, vứt đi. Mỗi năm, cả thế giới thải ra khoảng 500 nghìn - 1 triệu tấn ngư cụ vào đại dương. Số lượng rác thải nhựa ở đại dương đã khiến ít nhất 100 nghìn động vật biển chết mỗi năm. Khi chúng vô tình ăn hay vướng phải rác thải nhựa đều có nguy cơ bị thương, bị mắc kẹt, rồi từ từ dẫn đến cái chết.
Mỗi người ăn phải 5 gram nhựa mỗi tuần
Rác thải nhựa còn có một mối nguy hiểm không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, đó là các hạt vi nhựa bé li ti. Chúng được tìm thấy khắp nơi trên thế giới như trong các sản phẩm làm sạch (sữa rửa mặt, kem đánh răng, sữa tắm….); chai, lọ nhựa, đồ dùng nhựa; trong đại dương, trong cơ thể các loài sinh vật biển, trong không khí; thậm chí trong cả thức ăn.
Việc chúng ta sử dụng đồ nhựa hằng ngày, cho tới việc ăn các loài động vật biển cũng khiến cho con người nạp khoảng 5gr hạt vi nhựa vào cơ thể mỗi tuần. Để cho tưởng tượng, số nhựa này tương đương với một chiếc thẻ ATM.
Rác thải nhựa có thể mất tới 1.000 năm mới phân hủy
Tùy theo thành phần mà mỗi loại rác thải nhựa sẽ mất từ 10 năm tới cả nghìn năm để phân hủy. Theo ước tính của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), tàn thuốc lá sẽ mất 10 năm, túi nilong mất 20 năm, còn cốc nhựa dùng 1 lần mất tới 50 năm để phân hủy; khủng khiếp nhất là tã lót và chai nhựa đều mất tới khoảng 450 - 500 năm để phân hủy.
Theo: Tổng hợp
Gia Tuệ
(Kinh tế môi trường)
Lượt xem : 879