Vietnamese English
Những sự kiện thời tiết – khí hậu nổi bật năm 2017

1/1/2018 6:45:00 AM

Biến đổi khí hậu diễn biết phức tạp đã tác động đến khí hậu toàn cầu dẫn đến những thảm họa mà nhân loại đang phải đối mặt như Nhiệt độ bề mặt Trái Đất năm 2016 đạt mức cao nhất mọi thời đại; Thiên tai khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 300 tỷ USD mỗi năm; Nhiệt độ tăng khiến máy bay khó cất cánh trong những thập kỷ tới; 25% dân số thế giới đối mặt với các đợt nắng nóng gây chết người…

 Nhiệt độ bề mặt Trái Đất năm 2016 đạt mức cao nhất mọi thời đại


Trong báo cáo quốc tế về "Tình trạng khí hậu" công bố ngày 10/8/2017, Chính phủ Mỹ khẳng định năm 2016 là năm nóng kỷ lục trên toàn cầu trong vòng 137 năm qua, với nhiệt độ bề mặt Trái Đất được ghi nhận ở mức cao nhất mọi thời đại. Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA), phần lớn các chỉ số về biến đổi khí hậu trong năm 2016 đều trong xu hướng ấm dần lên.


Mức tăng nhiệt độ được ghi nhận là từ 0.45-0.56 độ C so với giai đoạn 1981-2010. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình mặt nước biển cũng ở mức cao nhất trong năm 2016 với mức tăng từ 0,36-0,41 độ C so với giai đoạn 1981-2010, thậm chí vượt 0,01-0,03 độ C so với mức kỷ lục ghi nhận được trong năm 2015.Theo báo cáo trên, mực nước biển trung bình toàn cầu cũng đạt kỷ lục mới với mức tăng khoảng 82 mm so với năm 1993 và là năm thứ sáu tăng liên tiếp.

2017 có thể là một trong 3 năm nắng nóng nhất trong 137 năm

Năm 2017 có thể sẽ là một trong 3 năm nóng nhất trong 137 năm qua. Đó là nhận định mới nhất mà Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) đưa ra trong ngày 18/10. Theo báo cáo của NOAA, tính từ đầu năm đến nay, nhiệt độ trên bề mặt đất liền và các đại dương trên toàn cầu cao hơn 0,87 độ C so với mức nhiệt trung bình 14,1 độ C của thế kỷ 20. Đây là mức tăng nhiệt độ cao thứ hai của 9 tháng đầu năm trong giai đoạn 1880 –  2017 sau mức tăng kỷ lục 0,13 độ C của năm 2016.

Kể từ năm 2005, thế giới đã ghi nhận tới 9 trong số 10 lần nền nhiệt trung bình của Trái đất trong 9 tháng đầu năm nóng nhất, ngoại trừ năm 1998. Căn cứ vào những số liệu trên có thể thấy rằng 2017 có thể sẽ là một trong 3 năm có nhiệt độ nóng nhất trong vòng 137 năm qua. Mật độ CO2 trung bình toàn cầu trong năm 2016 là 402,9 ppm (phần triệu), tăng 3,5ppm so với năm 2015 và là mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 58 năm qua.

Ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Sáng 22/4, đúng vào Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sự kiện này quy tụ khoảng 170 đại diện các chính phủ trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đại diện cho Việt Nam tham dự lễ ký kết văn kiện này. Phát biểu khai mạc lễ ký kết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định Hiệp định Paris là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và "là cách thức duy nhất để chúng ta cứu Trái Đất."

Theo ông Ban Ki-moon, Hiệp định Paris kết hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới. Lễ ký kết được đánh giá là một sự kiện đáng nhớ của ngành ngoại giao quốc tế bởi chưa bao giờ quy tụ được cùng lúc nhiều quốc gia ký kết một hiệp định chỉ trong vòng một ngày như vậy. Kỷ lục trước đó được lập vào năm 1982, khi 119 quốc gia cùng ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Dự kiến, Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.

Thiên tai khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 300 tỷ USD mỗi năm

"Sự tàn phá của thiên tai làm nền kinh tế toàn cầu tổn hại đến 300 tỷ USD mỗi năm", Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon cho biết. Theo Sputnik, phát biểu tại phiên họp về các thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu tại Hội nghị nhân đạo quốc tế cấp cao ở Istanbul, Tổng Thư ký LHQ đã cho biết như vậy và ghi nhận sự thiệt hại đã có phần giảm sút.

"Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đô thị hóa và những yếu tố khác, tần suất và cường độ của thảm họa tự nhiên sẽ tăng thêm… Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu rủi ro, chứ không bao giờ loại bỏ được chúng", ông nói. "Trong hơn hai thập kỷ qua, mỗi năm có khoảng 218 triệu người bị ảnh hưởng bởi  thảm họa tự nhiên, hậu quả của điều này mang lại tổn thất kinh tế trong khoảng 250-300 tỷ USD mỗi năm", — ông Ban Ki-moon tuyên bố.

Nóng lên toàn cầu làm gia tăng các bệnh do muỗi lây truyền

Giới chuyên gia gần dây đã cảnh báo tình trạng nóng lên trên toàn cầu sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các dịch bệnh do muỗi lây truyền phát triển và lan rộng. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh dịch Zika do muỗi vằn Aedes lây truyền đang diễn biến phức tạp tại khu vực Nam Mỹ trong khi châu Âu và Mỹ đang chuẩn bị đối phó trong trường hợp xuất hiện virus Zika trong mùa Hè này. Theo chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm đến từ Đại học Oxford (Anh) Moritz Kraemer, nhiệt độ tăng cao có thể gây ra nhiều hiểm họa trong đó có tình trạng gia tăng số lượng các loài muỗi.

Các chuyên gia cảnh báo nhiệt độ cao là môi trường tốt để thúc đẩy quá trình sinh sản của loài muỗi, trứng muỗi cũng phát triển và nảy nở nhanh hơn. Cụ thể, ở nhiệt độ 25 độ C, trứng muỗi cần 2 tuần để nở thành con muỗi trong khi chỉ cao hơn 3 độ C tức là 28 độ C thì chỉ trong 10 ngày quá trình này sẽ hoàn tất. Không những thế, trong điều kiện nhiệt độ cao, quá trình truyền virus từ muỗi sang người cũng nhanh hơn so với khi nhiệt độ thấp, khiến trong một vòng đời một con muỗi mang virus gây bệnh có thể lây lan cho nhiều người hơn, làm gia tăng nguy cơ và số lượng người bị nhiễm virus Zika.

Nhiệt độ tăng khiến máy bay khó cất cánh trong những thập kỷ tới

Nhiệt độ tăng do hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ khiến các máy bay khó cất cánh hơn trong những thập kỷ tới. Cảnh báo này được đưa ra trong một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu Mỹ công bố trên tạp chí “Climatic Change” (Biến đổi khí hậu) ngày 13/7. Các nhà khoa học cảnh báo nếu Trái Đất tiếp tục ấm lên, vào những ngày nóng nhất, một số máy bay sẽ phải giảm tới 4% tải trọng và lượng nhiên liệu trước khi cất cánh. Tải trọng giảm 4% có thể tương đương với việc giảm 12 hoặc 13 hành khách trên một máy bay chở khách trung bình 160 ghế ngồi hiện nay.

Vào những thời điểm nóng nhất trong ngày, 10-30% số máy bay chở đủ tải trọng có thể phải rút bớt lượng nhiên liệu, hành khách hoặc hàng hóa, hoặc phải chờ đến khi nhiệt độ hạ xuống mới có thể cất cánh. Theo nghiên cứu, khi nhiệt độ tăng, không khí sẽ trở nên loãng hơn và lực đẩy lên nhờ không khí tác động vào máy bay giảm đi. Tùy vào nhiều yếu tố như loại máy bay và chiều dài đường băng, một máy bay chở đầy hành khách hoặc hàng hóa có thể không cất cánh được một cách an toàn nếu nhiệt độ tăng quá cao. Vấn đề này sẽ đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong những đợt nắng nóng kéo dài. Nghiên cứu trên dự báo đến năm 2080, nhiệt độ ban ngày tối đa hàng năm tại các sân bay trên thế giới sẽ tăng 4-8 độ C.

25% dân số thế giới đối mặt với các đợt nắng nóng gây chết người

Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change số ra ngày 16/8, các nhà khoa học cảnh báo trong những năm tới, 50% dân số thế giới sẽ phải đối mặt với những đợt nắng nóng ít nhất mỗi năm một lần, trong đó 25% phải hứng chịu các đợt nắng nóng có thể gây chết người. Giáo sư Camilo Mora thuộc Đại học Hawaii cho biết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nhân loại là "không thể tránh khỏi" ngay cả khi đạt được mục tiêu chính của Hiệp định Paris là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.

Cũng theo báo cáo trên, ngày nay, khoảng 30% cư dân địa cầu trải qua các đợt nắng nóng tồi tệ tại một số thời điểm trong năm. Kể từ đầu thế kỷ 21, nắng nóng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người. Riêng trong mùa Hè 2003 đã có hơn 70.000 người tử vong ở Tây Âu. Cùng ngày, Ủy ban liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo nêu rõ, trong tương lai, nhân loại sẽ phải đối mặt với ba kịch bản gây ô nhiễm bởi khí carbon, trong đó các vùng nhiệt đới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

1,2 tỷ người bị đe dọa bởi nước biển dâng

Theo báo cáo nghiên cứu của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về sự biến đổi khí hậu (GIEC) vừa được công bố, từ nay tới năm 2060, dự kiến sẽ có khoảng 1,2 tỷ người bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu gây ra. Trước đó, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết nếu năm 2008 mới có một nửa dân số thế giới sinh sống tại các thành phố thì tới năm 2060 sẽ có 6,4 tỷ người dân thành thị, chiếm tới 75% dân số toàn cầu. Do vậy, số người sinh sống ở đô thị có thể lên tới 9 tỷ người. Báo cáo trên còn cho biết ước tính thiệt hại kinh tế do tình trạng nước biển dâng tại các thành phố ven biển có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2060.

Đặc biệt, châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó 5 nước chịu tác động nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam. Những khu đô thị và dân cư ven biển bị tác động nhiều nhất là Calcutta (Ấn Độ) có thể sẽ có 14 triệu người bị tác động vào năm 2060, tiếp sau là Mumbai (Ấn Độ - 11,4 triệu người), Dhakar (Bangladesh - 11,1 triệu người), Quảng Châu (Trung Quốc - 10,3 triệu người), tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam - 9,2 triệu người), Thượng Hải (Trung Quốc - 5,4 triệu người), Bangkok (Thái Lan - 5,1 triệu người), Yangon (Myanmar - 4,9 triệu người).
    
Hơn 7.100 thành phố thành lập liên minh chống biến đổi khí hậu

Ngày 22/6, các thành phố tại 6 châu lục đã cùng nhau thành lập liên minh lớn nhất thế giới về chống biến đổi khí hậu. Hơn 7.100 thành phố tại 119 nước đã thành lập “Thỏa thuận các Thị trưởng Toàn cầu vì Khí hậu và Năng lượng” - mạng lưới nhằm giúp trao đổi thông tin về các mục tiêu nhưng phát triển năng lượng sạch – theo VOV.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các thành phố chịu trách nhiệm về 75% khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính và tiêu thụ 70% năng lượng trên toàn cầu. Liên minh mới sẽ hỗ trợ 195 nước thực hiện cam kết đưa ra ở Paris vào năm 2015 về kiềm chế trái đất nóng lên. Thỏa thuận Paris về giảm khí thải sẽ trở thành văn kiện mang tính ràng buộc đối với các chính phủ nếu ít nhất 55 nước (đóng góp 55% lượng khí thải toàn cầu) phê chuẩn thỏa thuận.

 

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 5384