Vietnamese English
Những sáng kiến từ không khí bẩn

2/24/2018 8:05:00 AM

Khi mà nhiều thành phố trên toàn cầu đang dần “thua cuộc” trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm không khí thì đã có những sáng kiến thực tế đã mang lại giá trị cho cuộc sống của chúng ta như Đóng gói không khí sạch; Biến không khí bẩn thành mực; Chế tạo chiếc bình có thể "biến" không khí thành nước sạch, v.v…

 Đóng gói không khí sạch


Giữa lúc thế giới còn loay hoay tìm giải pháp chống 
ô nhiễm không khí thì xuất hiện nhiều doanh nghiệp thực hiện ý tưởng thu, lọc và đóng gói không khí sạch tại các vùng thôn quê, sau đó bán cho cư dân thành thị.


Một trong những công ty thành công nhất trong “ngành công nghiệp 
không khí sạch” là Vitality, có trụ sở tại Edmonton, Alberta, Canada. Công ty này đóng gói không khí được thu nhận tại vùng núi đá Rockies, Canada, chất vào các container và cung cấp ra toàn cầu. Một túi khí 8 lít không khí sạch từ Canada, đi kèm với bình bơm và mặt nạ thiết kế đặc biệt, tương đương 160 lượt hít thở, có giá 24 USD/gói.

Moses Lam, CEO Vitality, bắt đầu công việc kinh doanh của mình khi bán 
túi khí sạchnhư một trò đùa. Không ngờ nhu cầu với sản phẩm này lớn tới mức khiến công việc kinh doanh cất cánh. Ông cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đang trở thành thị trường chủ lực của Công ty.

“Thị trường mục tiêu của chúng tôi là những khu vực ngột ngạt vì ô nhiễm 
không khí, khiến con người gặp phải các vấn đề sức khỏe. Sản phẩm không khí sạch của chúng tôi mang tới trải nghiệm mà rất nhiều khách hàng tại Trung Quốc và Ấn Độ chưa từng được tận hưởng”, Moses Lam cho biết.

Hiện nayVitality đang bán hơn 10.000 túi khí/tháng tại Trung Quốc và kỳ vọng con số này sẽ sớm tăng lên 40.000 túi khí/tháng. Vitality cũng vừa bắt đầu tổ chức hoạt động tại Ấn Độ với dự báo có thể bán khoảng 10.000 sản phẩm/tháng.

“Rất nhiều người mua sản phẩm của chúng tôi như một món quà tặng cho người thân, bạn bè. Điều này nhắc nhở chúng tôi rằng đây là sản phẩm đáng giá và là công việc kinh doanh có ý nghĩa. Sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển sang các gói bán nước sạch”, Moses Lam chia sẻ.

Không riêng Vitality nhận ra đây là một thị trường với tiềm năng phát triển ấn tượng, rất nhiều doanh nghiệp nhanh chóng nhập cuộc vào lĩnh vực này. Aethaer, một doanh nghiệp Anh, cũng đang thu nhận không khí từ các vùng thôn quê Vương quốc Anh và bán sản phẩm với giá 103 USD/bình.

Biến không khí bẩn thành mực

Trong khi đang dự một hội nghị tại Ấn Độ, Anirudh Sharma chợt để ý thấy những hạt màu đen dính trên chiếc áo sơ mi trắng của mình. Với góc nhìn khác biệt, vấn đề ô nhiễm không khí đối với Sharma đã trở thành một cơ hội kinh doanh rất sáng tạo.


Bầu không khí ô nhiễm chứa đựng rất nhiều các hạt vật chất và khí độc hại. Sharma đã tới MIT Media Lab tại Cambridge, Massachusett, nơi anh học tập để bắt đầu quá trình nghiên cứu biến các vật chất trong không khí ô nhiễm thành mực. Sau đó, năm 2016, anh trở lại Ấn Độ và đồng sáng lập công ty khởi nghiệp mang tên Graviky Labs để tiếp tục tiến hành các công đoạn sản xuất Air-Ink (mực từ không khí) và nhiều ý tưởng khác.

Công ty phát triển thiết bị được gắn với các ống xả khí thải, thu nhận các chất thải từ việc đốt nguyên liệu hóa thạch, dầu diesel. Với nguyên liệu đầu vào này cộng với chất hòa tan, Graviky Labs sẽ tạo nên sản phẩm mực và cung cấp ra thị trường.

Sau khi công bố chiến dịch huy động vốn cộng đồng trên Kickstarter đầu năm ngoái, Công ty đã nhận được 41.000 USD, gần gấp 3 lần khoản cần thiết để có thể bắt đầu sản xuất sản phẩm theo số lượng lớn. Thông qua sự bảo trợ và tài trợ từ một doanh nghiệp sản xuất bia, Graviky Labs đã bắt đầu cung cấp loại mực này cho các nghệ sỹ, những người thực hiện các tác phẩm nghệ thuật tại London, Singapore và nhiều thành phố khác.

Lợi ích của việc tạo mực từ không khí không chỉ là giúp thanh lọc lượng khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, mà còn góp phần làm giảm các nguyên liệu khác được sử dụng trong quá trình làm mực. Đây được đánh giá là một hoạt động kinh doanh xanh đầy sáng tạo và sẽ nhận được sự ủng hộ hết mình từ người tiêu dùng, với nhận thức ngày càng cao về vấn đề môi trường.

Chiếc bình có thể "biến" không khí thành nước sạch

Fontus là chiếc bình sử dụng công nghệ tích tụ nước từ không khí, sản phẩm này là của một hãng start-up nhỏ đến từ California, Mỹ. Với Fontus, bạn không phải lo về những bình nước dự trữ nặng nề, nguồn nước bẩn cùng nạn chặt chém tại các địa điểm du lịch, và thậm chí có thể cứu sống bạn khi bị lạc giữa chốn hoang vu.


Nguyên lý vận hành của nó khá đơn giản – thu thập các giọt nước đọng trên thành bình đựng nước. Sở dĩ Fontus có thể tích tụ được một lượng nước đáng kể là do nó sử dụng cơ chế nhiệt điện. Một máy làm mát sẽ giữ cho thành bình luôn lạnh, khi gặp hơi nước, nước sẽ tích tụ lại và chảy thành giọt.

Nhà sáng tạo ra Fontus, Kristof Retezár giải thích: “Trong không khí luôn có một lượng hơi ẩm nhất định, bất kể bạn ở đâu, thậm chí kể cả sa mạc. Vì thế bạn luôn có thể hút được lượng hơi ẩm đó, và biến hơi nước ở dạng khí tích tụ lại thành dạng lỏng”. Thời gian để máy Fontus có thể tạo ra nửa lít nước trong khoảng một giờ, nhưng chỉ khi nào điều kiện môi trường thuận lợi, tức là khoảng 30 đến 40 độ C, độ ẩm không khí là 80 đến 90%.

Thực tế, Kristof đã phải thử đi thử lại 30 lần mới có thể khiến cho Fontus đạt mức công suất 1 giọt mỗi phút như bây giờ. Phần nước cũng sẽ được lọc sạch nhờ có màng lọc ở phần đầu thiết bị, giữ cho bụi bẩn và bọ khỏi làm ô nhiễm nước, nhưng ngoài ra thì tạm thời chưa có cách nào đảm bảo lọc sạch một trăm phần trăm cả. Kristof nói: “Nước trong bình là sạch, trừ phi không khí bị nhiễm bẩn nặng. Chúng tôi đang tính đến việc bổ sung lớp màng lọc cacbon dành cho vùng đô thị nơi không khí có thể bị ô nhiễm. Tuy nhiên, chiếc bình này được vốn được thiết kế để sử dụng ngoài thiên nhiên, những nơi không khí trong lành”.

Chiếc bình Fontus có hai phiên bản Airo cầm tay và Ryde gắn trên xe đạp. Bình có dung lượng 0,8 lít, hoạt động bằng điện lấy từ tấm pin mặt trời cuốn quanh thân, để nỗi lo điện nước của bạn hoàn toàn tan biến. Bạn cũng có thể dùng nguồn pin này để sạc điện thoại và đồ điện tử khác.

Hiện tại, dự án Fontus đang rất thành công trong quá trình hút vốn cộng đồng với gần 240 nghìn USD (khoảng 5,3 tỉ VND), gấp 8 lần so với dự kiến ban đầu. Bạn đọc có thể sở hữu chiếc bình thần kì này bằng cách ủng hộ dự án từ 165 USD (khoảng 3,7 triệu VND).

Anh Tuấn (moitruong.com.vn/TH theo tin nước ngoài)

Lượt xem : 2764