Vietnamese English
Những nguyên lý của Thực tại: 5 bài phần cuối

1/8/2024 12:06:00 PM

(VACNE) – Tiếp theo loạt bài chuyên đề “35 ý tưởng triết lý môi trường”. Trong trước chúng tôi đã đưa ra 5 bài đầu trong mục Những nguyên lý của Thực tại. Trong bài này chúng tôi tiếp tục đưa ra 5 bài cuối trong mục Những nguyên lý của Thực tại gồm (6) Nguyên lí Vô sở cầu, (7) Không và Có, (8) Nguyên lí Bất toàn với Triết lí Six Senses Hideaways trong ngành Du lịch, (9) Nhất nguyên luận và Nhị nguyên luận và (10) “Vô vi nhi vô bất vi”.

A collage of different pictures of natureDescription automatically generated

Những nguyên lí của Thực tại 6: Nguyên lí Vô sở cầu

Hầu hết những điều chúng ta mong đợi, kỳ vọng đều không được như ý muốn. Thực tại, vì phải thỏa mãn muôn loài, muôn người, nên không thể thỏa mãn riêng một ai đó. Phần lớn những rủi ro là ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

1. Có lẽ nỗi khổ nhất trên đời của mỗi chúng ta là rất nhiều mong muốn của mỗi cá nhân hay của cộng đồng, dù là những mong muốn rất hợp lí, cũng không được toại nguyện hoặc chỉ đạt được một phần nhỏ. Chẳng hạn, là một công chức cần mẫn và nhiều sáng tạo nhưng thu nhập lại thấp; chuyến bay đột nhiên bị hoãn giờ,  thậm chí hủy chuyến; đến lúc thuyết trình lại bị khàn tiếng; một cô gái rất xinh đẹp chỉ tội cặp dò ngắn khiến cô ta khổ sở vô cùng; sắp đi gặp người yêu theo hẹn hò thì trời lại đổ mưa; đường và cầu đều mới khánh thành nhưng cứ mỗi lần lên xuống cầu, con xe cứ phải nhẩy lên một cái vì mấy tay thợ cầu không bao giờ làm đường lên cầu cho nhẵn; lúa sắp gặt thì lũ đổ về, nhiều khi không phải ông Trời mưa to mà chỉ là do cái đập thủy điện xả nước theo cách mà họ vẫn gọi là… “đúng quy trình”,…

Những vụ thảm họa hạt nhân như Chernobyl ở Ucraina, Fukushima ở Nhật, vụ 11/9 ở Mỹ hay nứt đất Di Linh hồi đầu tháng 3/2011 là những thảm họa lớn hơn, thậm chí có không ít vụ tầm cỡ châu lục hay toàn cầu.

Những điều không vừa ý có tên gọi chung là “vô sở cầu”, nghĩa là không như ý muốn, thường rất nhiều, rất đa dạng, khiến nhiều người luôn khó chịu đến mức thường bị stress, thậm chí dù có học đến mấy cũng có lúc phải chửi đổng kiểu Chí Phèo.

2. Những vô sở cầu đó đều là những rủi ro không đoán định được. Khi con người khôn ngoan hơn, khoa học công nghệ cao hơn, dự báo và phòng tránh tốt hơn, thì vẫn còn đó những vô sở cầu loại khác lại xuất hiện. Vấn đề là ở chỗ chúng ta quen tư duy trên cơ sở những điều chúng ta được dạy hay tự học từ vốn hiểu biết của nhân loại tích lũy ngàn đời trao cho. Nhưng thật tiếc, cái mà chúng ta biết lại là rất nhỏ bé so với Thực tại chứa đầy những điều mà chúng ta không hay chưa biết.

Con người nhận thức Thực tại qua 5 giác quan và các công cụ hay kỹ thuật do chúng ta sáng tạo ra để nối dài 5 giác quan đó. Nhưng như vậy vẫn chưa biết hết 0,5% vật chất tạo ra thế giới. Vẫn còn đó 99,5% thực tại là loại vật chất tối và năng lượng đen, theo kết luận của Vật lí học hiện đại, mà giác quan dù sẽ được nối dài đến đâu cũng không thể quan sát đo đếm được. Những luận giải của Định lí Bell và con lắc Foucault đã nói ở nguyên lí Tương cầu (nguyên lí số 5) cho thấy chúng ta đang bị điều khiển bởi mối tương tác phi năng lượng và phi lực vốn không thể hình dung được.

Chúng ta chỉ biết một không gian 3 chiều. Các phát minh mới nhất của ngành Vật lý đều cho rằng Thực tại có nhiều chiều hơn thế giới của con người. Con người không thể dùng phân tích logic để nhận thức được cái mà ta gọi là “thực tại” (theo Kant, 1775). “Thực tại” hiện ra trước mắt con người chỉ là hiện tượng xuất hiện với chúng ta, dựa trên khả năng của chúng ta. Đó là một thế giới cho chúng ta và vì chúng ta. “Thực tại” của con người là sự phản ánh của thế giới 10 chiều (lý thuyết dây), 11 chiều (lý thuyết siêu trọng trường), 18 chiều…vào trong thế giới 3 chiều của con người - một thế giới mang đầy tính chủ quan. Cái mà chúng ta nhận thức được chỉ là những sự kiện vì lí do nào đó rơi từ thực tại nhiều chiều vào thế giới 3 chiều của chúng ta. Đó là những “tiểu thực tại méo mó” mà con người lầm tưởng chúng là toàn bộ thực tại. Những vấn đề không tiên kiến được ở các chiều khác luôn rình rập để nhảy vào không gian 3 chiều, khiến con người luôn ngỡ ngàng và chỉ biết kêu Trời. Đó chính là lí do của vô sở cầu.

3.Vậy con người thực ra còn quyền hành gì hơn ngoài các thành tựu khoa học công nghệ mà chúng ta tuyệt đối tin tưởng và kì vọng? Quyền hành đó bao chứa trong các cụm từ có ý nghĩa vô định nhưng rất hay được dùng trong xã hội như: sự tin tưởng, lời thề thốt, sự hứa hẹn, sự cam kết,… Thật tiếc là những từ vô định và rất gợi cảm đó không ít trường hợp lại chính là những rủi ro, những vô sở cầu lớn nhất.

Vấn đề còn lại là phải biết cách sống chung với rủi ro, với cái vô sở cầu, như sống chung với thiên tai vậy. Khi có được sự hiểu biết về tính chất thật của Thực tại, chúng ta bắt đầu cởi trói cho chính chúng ta khỏi những ràng buộc tham đắm. Chúng ta tuy có quyền đòi hỏi, ham muốn, nhưng chúng ta sẽ không còn hối tiếc hay chán nản, đau buồn khi chúng ta không đạt được những gì chúng ta muốn. Nhưng chả lẽ sống trên đời không có kì vọng gì, không có ham muốn gì?

Chẳng ai cấm quý vị có kì vọng hay ham muốn, nhưng cần “ham muốn một cách không ham muốn” về bất cứ điều gì vốn có sinh và có diệt. Bạn cứ ham muốn, cứ mơ tưởng, cứ nỗ lực, cứ hoạch định,… và hãy kiên trì để đạt được chúng, nhưng nếu vẫn không đạt được do các rủi ro bất khả tiên kiến, thì hãy chấp nhận và dự tính sẵn cách ứng phó với kết quả mà đừng tham đắm. Vì kết quả là cái xảy ra có duyên cớ riêng. Đó chính là cách “ham muốn một cách không ham muốn”. Những nỗi khổ đau của con người đều bắt nguồn từ những ham muốn quá đáng, muốn được hết những gì mình đòi hỏi (cái gọi là tham đắm). Khi chúng ta ngộ được rằng những ham muốn thường hằng cần phải được đặt dưới quy luật bất thường hằng (vô thường), chúng ta bắt đầu thấu hiểu Thực tại.

Trong Thực tại vô thường này, chẳng có điều gì là chắc chắn. Họ hàng nhà Tre Trúc chúng tôi vẫn được coi là Quân tử. Nhưng xin thưa, Tre Trúc lại là loài rỗng ruột, chỉ có vỏ thôi. “Tin” vào Tre Trúc, nhưng xin quý vị đừng tin vào các loại bánh mì hay bánh rán “quân tử” nhé, vì bây giờ nhờ công nghệ làm bánh cao siêu, nhiều loại bánh mì hay bánh rán chỉ có vỏ mà không có ruột. Chúng cũng giống như những điểm trang, những lời hứa, những cam đoan hay thề thốt ngày càng nhiều trên đời vốn thoạt nghe hay thoạt nhìn đều rất quyến rũ. Chúng thực ra đa phần là vô sở cầu.

 

Những nguyên lí của Thực tại 7: Không và Có

Không tức là Có, Có tức là Không, Không chẳng phải Không, Có chẳng phải Có, Không ở trong Có, Có ở trong Không,…

1. Vật thể nếu chia nhỏ mãi sẽ là không có gì. Năm 1927 là một mốc thời gian quan trọng nhất trong lịch sử tư duy hiện đại: đó là năm Einstein đưa ra lý thuyết về trường thống nhất và nhóm khoa học Copenhagen công bố chính thức về lý thuyết lượng tử. Theo thuyết lượng tử, nếu chia nhỏ một vật thể bất kỳ đến cùng thì chỉ còn các “hạt” quark vốn không có khối lượng.

Các hạt cơ bản (proton, electron, notron, photon) không chỉ ứng xử như các hạt rắn, chúng còn ứng xử với tư cách những thực thể trừu tượng. Proton là đại dương mênh mông các hạt hadron - hạt tạo ra hạt nhân - bản thân hadron lại được tạo ra từ các “hạt” quark. Thế giới khách quan không gì khác hơn là sự chuyển động của các "hạt" quark có kích thước 10 -18 met. Tuy nhiên cái gọi là "hạt" quark này là không tồn tại như những vật thể, mà chỉ là hệ quả của các mối tương tác giữa các trường phi vật chất. Quark – vật liệu cơ bản tạo ra thế giới vật chất - thực ra chỉ là hư cấu toán học, nửa cụ thể nửa hư vô, là một thứ trung gian giữa hai thế giới vật chất và phi vật chất. Từ các "hạt" quark, những vi hệ thống đầu tiên được hình thành (proton và nơtron) để sau đó xuất hiện hạt nhân nguyên tử có đường kính 10 -14 met, Sự kết hợp giữa hạt nhân với các electron đã làm nảy sinh các hệ thống khác nhau: đó là các nguyên tử (d=10 -10 met), rồi từ đó hình thành nên thế giới vật chất, trong đó có lão nạp và quý vị đang ngồi đây. Từ đó mà suy đến cùng thì chúng ta chỉ là cái Không mà thôi, hay chính xác hơn chỉ là một chùm năng lượng tạm thời dưới dạng cái hình thể mà chúng ta đang được thấy.

Nếu các nguyên tử tạo ra cơ thể một người co tụ lại để chúng đụng vào nhau, thì một người sẽ co lại thành một hạt bụi nhỏ li ti vài phần ngàn milimet (rõ ràng về cơ bản con người là rỗng…tuếch). Quark không tồn tại như những vật thể, mà chỉ là hệ quả của các mối tương tác. Quark là bằng chứng cuối cùng của sự tồn tại “một cái gì đó “giống như một hạt. Nhỏ hơn cái đó là một cái gì đó phi vật chất được vật lý học gọi là trường (có 4 loại trường: điện từ, hấp dẫn, proton và electron).

2. Hạt chính là trường, trường chính là hạt. Trong vật lý cổ điển, vật chất hiện ra dưới dạng các hạt, trong khi các lực thì được mô tả ở các trường. Thuyết Lượng tử xoá bỏ sự phân biệt giữa trường và hạt, giữa cái vật chất và cái phi vật chất. Không thể mô tả một trường bằng những biến đổi của các cấu trúc không - thời gian ở những vùng nhất định. Cái chúng ta gọi là hiện thực chỉ là sự kế tục của những đứt đoạn, những biến động, những tương phản và những sự cố…Toàn bộ chúng tạo thành và chỉ là một hệ thông tin.

Thuyết lượng tử cho rằng một hạt không thể tồn tại bởi tự bản thân nó, mà chỉ tồn tại nhờ các tập hợp do nó tạo ra, tập hợp ấy gọi là một “trường”. Như vậy những vật thể bao quanh ta chỉ là những tập hợp trường, tác động lẫn nhau thường xuyên. Một trường không có thực chất nào khác ngoài thực chất dao động. Đó là một tập hợp những dao động tiềm tàng mà các quanton, tức là những hạt cơ bản có bản chất khác nhau tụ lại. Các hạt này chính là những biểu hiện “vật chất” của trường, có thể di chuyển trong không gian và đi vào sự tương tác. Các hạt cơ bản không phải là các hạt như chúng vốn có, với tư cách là những vật thể, mà là những tương tác không ngừng, nhiều vô số, giữa các trường với nhau.

Mọi tương tác trong hạt nhân nguyên tử gồm có sự huỷ diệt và tái tạo các hạt hạ nguyên tử mới. Thế giới bên trong một nguyên tử là một bản luân vũ của sinh và diệt, của vật chất biến thành năng lượng và năng lượng biến thành vật chất. Những hình thái nhất thời hiện hữu chớp nhoáng, gây ra một thực thể bất tuyệt mãi mãi được tái tạo. Điều này được minh chứng bằng công thức dưới đây của Einstein:

E=mC2

Trong đó E là năng lượng của một vật thể, m là khối lượng của nó còn C là tốc độ. C bằng tốc độ ánh sáng thì m tiến tới Không (0) vì E không đổi. Rõ ràng một vật thể chỉ có khối lượng khi tốc độ của nó giảm. Nếu tăng quy mô và giảm tốc độ, thì hạt nhân nguyên tử giống như trái đất mà mỗi vật thể, mỗi sinh vật giống như một hạt hạ nguyên tử.

Như vậy bản chất thực tại là năng lượng và cách tổ chức của nó trong không – thời gian.

3. Vật nói cho đơn giản, Có và Không là gì? Sóng điện từ chỉ có thể là dạng rung động cùa một yếu tố mà ta gọi là năng lượng. Đó là thời điểm mà người ta phải từ bỏ khái niệm cho rằng thực tại vật lý phải có một chất liệu. Thực tại không hề có chất liệu! Đây là một trong những phát kiến làm cho vật lý tiến rất gần với Triết học Phật giáo. Triết học Phật giáo cho rằng các Sắc (tức là cái Có) đều lưu xuất từ Thức, mà Thức được coi là mặt tích cực của cái Không. Thực tại phi chất liệu của Vật lý và tính Không của Phật giáo có thể gợi mở nhiều điều đáng suy nghĩ.

Một lượn sóng ngoài biển cả dường như là một cá thể riêng biệt có đầu có cuối, có sinh có diệt…Thực ra nó là một cái gì đó tạm thời có được nhờ gió hoặc năng lượng động đất, và nước, và lệ thuộc vào một loạt những điều kiện thường xuyên thay đổi. Mỗi lượn sóng đều có liên quan đến mọi lượn sóng khác. Khi lượn sóng này mất năng lượng do truyền cho một lượn sóng khác hay bị chuyển thành sự mài mòn bờ, nó sẽ bị triệt tiêu và biến mất.

Vậy thực chất cái Không chính là năng lượng và những quy luật để biến năng lượng đó thành sự vật hay hiện tượng cụ thể mà ta gọi là cái Có. Con người còn chưa thể “ngộ” hết cái Không nhưng phải thừa nhận là có một cái Không đang điều hành Thực tại. Cái Có là một bình diện khác, là sự hiện hữu của cái Không. Nó là hiện thân của cái Không trong một điều kiện nhất định đồng thời chắng phải là cái Không. Cái Không thì hình như vĩnh hằng, còn cái Có chỉ là tạm thời vì nó có sinh và có diệt. Trong Không có Có, trong Có có Không. Có chính là, đồng thời không phải Không. Không chính là, đồng thời không phải Có.

4. Hàng hóa và logo – Danh và Thực. Vật được phân loại theo các danh (tên hay danh hiệu, logo, nhãn mác). Nếu dựa vào danh mà tìm kiếm đến vật, thì vật không phải vì danh của nó mà trở thành đúng như danh được; nếu dựa vào vật mà tìm đến danh gọi thì danh không phản ánh hết tính chất của vật, danh không đúng như vật. Vật không vì danh của nó mà nó trở nên thật như danh, nên chẳng phải vật như ta nghĩ. Danh không phản ánh đúng bản chất của vật nên vật chẳng phải thật là danh như ta vẫn nghĩ. Vật cần có danh để gọi, để nhận diện. Danh cần có vật để tồn tại. Cả 2 chỉ là tương đối, có mà không thực có. Vật và danh cũng giống như hàng hóa và logo của nó.

Ví dụ khi xóm Sườn Đồi vinh phong Văn Gạo tiên sinh là một Danh nhân hay Hiệp sĩ, dựa theo một nhóm tiêu chí do xóm xây dựng nên, thì có thể tạm coi bộ tiêu chí và cách tuyển chọn là cái Không, cái danh, còn Danh nhân hay Hiệp sĩ Văn Gạo là cái Có. Cái danh còn mãi, có thể dùng cho nhiều tiên sinh khác vào những không - thời gian khác nhau, còn cái Có tức là chính thân tiên sinh Văn Gạo với nhiều tính chất mà danh không bao gồm hết, thì tạm thời và luôn biến đổi, có sinh có diệt. Đồng nhất Văn Gạo tiên sinh với Hiệp sĩ Văn Gạo là vừa đúng vừa sai. Văn Gạo không phải là Văn Gạo vì tiên sinh này chính là Văn Gạo, và chỉ duy nhất, không có Văn Gạo thứ hai. Đồng nhất Văn Gạo tiên sinh với Văn Gạo Hiệp sĩ chính tà thần thành hóa Tiên sinh theo bộ tiêu chí mà xóm tạo ra (nhiều khi là gán ghép), để rồi cư dân xóm Sườn Đồi tự huyễn hoặc mình. Đó là cái hay đồng thời cũng là cái dở.

Thực tế có nhiều khu rừng gọi là rừng phòng hộ nhưng trong ruột đã bị phá nát bởi lâm tặc hay thủy điện, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên nhưng bên trong toàn là resort du lịch, nhiều nơi gọi là khu du lịch sinh thái nhưng lại nuôi nhốt động vật hoang dã để kinh doanh,… cũng là một kiểu như vậy. Xã hội con người còn nhiều thứ danh hơn, nhưng không mấy khi danh giống thực, cũng chẳng bao giờ có thực đúng như danh. Những ham muốn đồng nhất thực với danh cũng giống như ham muốn sự bất tử vậy, vì nhiều người không hề muốn chết theo kiểu chuyển hóa thành một chùm năng lượng theo thuyết lượng tử, mà muốn chuyển hóa thành cái danh vốn được gán cho. Thiện tai! Thiện Tai!

 

Những nguyên lí của Thực tại: 8. Nguyên lí Bất toàn với Triết lí Six Senses Hideaways trong ngành Du lịch

Cảm nhận là một cách nhận thức Thực tại. Thực tại là gì phần lớn do cảm nhận, chứ nó là gì thì … hết biết.

1. Chắc là Quý vị đã từng ăn phở Hà Nội. Ai cũng có thể hiểu phở nếu tiến hành lấy mẫu phân tích xem nó được làm ra từ bao nhiêu gram bột bánh phở, bao nhiêu gram thịt bò nạc, bao nhiêu hành tỏi dấm ớt muối nước,… Nhưng cái ngon của phở thì không ai phân tích được, mà chỉ biết được thông qua cảm nhận. Và sự cảm nhận đó không chỉ bằng vị giác của cái lưỡi, mà còn do mũi - mắt - văn hóa ăn, cảm giác khi đói, cảm giác nhớ phở,… Không chỉ vị ngon của phở, trên đời còn có bao nhiêu cái khác chỉ cảm nhận được mà không sao hiểu được. Ví dụ như vị đắng của tình yêu, vẻ đẹp buồn của hoàng hôn tím ngắt, một cánh bướm trong họ nhà chúng tôi, sự khó chịu trước một hành vi hay một lời nói khiếm nhã, nỗi buồn trước cuộc chia li, nỗi đau trước một mất mát,…

2. Định lí Bất toàn. Trong Thực tại có rất nhiều vấn đề chỉ có thể cảm nhận được mà không thể dùng logic khoa học để chứng minh hay bác bỏ được. Nhà toán học Godel đã tuyên bố như vậy. Năm 1932, Godel phát biểu một định lý được coi là bí hiểm nhất trong toán học được gọi là định lí Bất toàn: “Một hệ thống số học nhất quán và phi mâu thuẫn chắc chắn chứa những mệnh đề không giải quyết được, tức là không thể bằng logic để nói chúng là đúng hay sai”. Có nghĩa là các hệ thống dù hoàn hảo đến đâu cũng luôn luôn bất toàn vì có những vấn đề tự nó không phán xét được, muốn phán xét phải đi ra ngoài hệ thống.

Không chứng minh hay bác bỏ được thì chỉ còn cách cảm nhận thấy chúng và chấp nhận chúng. May thay con người cũng như muôn loài qua một quá trình tiến hóa dài dằng dặc mà có được khả năng cảm nhận khá nhanh nhạy. Cảm nhận trong trường hợp khẩn cấp được gọi là trực cảm.

Bộ nhớ ý thức có được nhờ học tập và trải nghiệm. Nhưng mọi quyết định hợp lý, nhất là sáng tạo đều có liên quan đến trực cảm. Đó là những trường hợp người quyết định không có thời gian để suy nghĩ (tư duy logic), như người thủ môn trước cú phạt penalty, cầu thủ bóng đá di chuyển không bóng, võ sĩ đang đấu quyền, nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, những ngẫu hứng bột phát khi sáng tác thơ ca nhạc họa…Trực cảm khác đoán mò ở độ chính xác cao, còn đoán mò thì hay sai. Cần kết hợp trực cảm với tư duy logic. Trực cảm là thiên bẩm, tư duy logic có được nhờ học tập và trải nghiệm. Người ta vẫn gọi trực cảm là giác quan thứ 6.

3. “Six senses” (6 giác quan) là triết lí sau đó trở thành một trường phái du lịch nổi danh trên thế giới vốn xuất phát từ Ấn Độ, quê hương của Phật giáo và Thiền học. Triết lí này cho rằng ngoài 5 giác quan gồm thính (tai nghe), vị (lưỡi nếm), xúc (da sờ) thị (mắt nhìn) và khứu (mũi ngửi) thì con người cũng như sinh vật luôn luôn có giác quan thứ 6, có tên là “body sense” có nghĩa sâu xa là sự cảm nhận hay trực cảm. Cảm nhận hay trực cảm không có cơ sở thần kinh từ vỏ đại não nên không thể học hay truyền dạy được. Tuy nhiên có thể khơi dạy được khả năng này vào những khi, những nơi mà vỏ đại não, nơi khởi phát tư duy logic được nghỉ ngơi hay không kịp huy động do tình hình quá khẩn cấp.

Các loài động vật không biết tư duy logic như chúng ta, nhưng chúng biết cảm nhận rất tinh tế. Cảm nhận là khả năng mà con người được thừa kế từ tổ tiên động vật nhưng đã bị lãng quên do học tập và khoa học công nghệ, nói cách khác là do tư duy logic. Nếu có cách nào đó khôi phục khả năng này thì con người sẽ trở nên khiêm nhường trước Thực tại, thấu hiểu được Thực tại và có sức sống mãnh liệt và cân bằng hơn, khả năng sáng tạo lớn hơn.

4. Trường phái du lịch Six sensens của Ấn Độ đã thành công trong việc xây dựng những resort theo triết lí này. Resort Ninh Vân Six senses Hideaways Khánh Hòa là resort đầu tiên, tiếp đó là những resort cùng triết lí khác ở Ninh Bình, Côn Đảo. Trên thế giới những resorts theo triết lí six sensens có mặt ở nhiều nơi tại Thái Lan, Mandive.

Tại resort Ninh Vân Khánh Hòa, để du khách tạm quên thói quen tư duy logic, mọi cố gắng đã được thực hiện để du khách hòa mình vào thiên nhiên, ẩn mình đi (hideaways). Tất cả những gì của tự nhiên có thể bắt chước hay sử dụng đều được bảo vệ. Mái lá, ngõ nhỏ, đường đi không lát đá, không bê tông, đồ đạc bằng gỗ trần không sơn, rừng cây mát mẻ,… Không điện thoại để bàn, không sóng điện thoại, không có net và TV (nếu yêu cầu mới có nhưng được khuyến cáo là hãy tạm xa chúng. Ít phải sử dụng máy lạnh do không khí mát mẻ và kiến trúc thông thoáng. Đồ dùng ít thứ bằng nhựa, bút bi làm bằng cành cây. Vườn rau hữu cơ (khách có thể hái rau để ăn). Nhà hàng không bán thịt rừng. Nhân viên phục vụ đi bộ là chính. Không nhìn xa được quá 50 m trên đường đi, để khách cảm nhận được tính đa dạng của thiên nhiên và không cảm thấy mệt mỏi khi đi dạo. Một số nhân viên cần thiết mới được đi xe đạp. Chở khách bằng xe con chạy điện. Buổi chiều, voọc chà vá, sóc, chuột núi, kỳ nhông, gà rừng, cheo, mang, bìm bịp sống tự do, vào cả khu khách ở và cantin chơi đùa, leo lên cả ghế để giao tiếp bằng cảm nhận với du khách. Yêu cầu của du khách là không nuôi nhốt kể cả cá lẫn động vật dưới mọi hình thức. Như đã biết, Resort Ninh Vân là doanh nghiệp du lịch làm ăn tốt nhất Việt Nam trong nhiều năm liên tục cho đến nay.

5. Cảm nhận không mâu thuẫn với tư duy logic mà bổ sung cho nó trên bước đường tìm hiểu Thực tại của con người. Những gì khoa học công nghệ chưa hay không với tới được thì cảm nhận thay thế. Những gì cảm nhận đem lại, sau này có thể được khoa học chứng minh hoặc không, nhưng tất cả đang góp sức làm cho cuộc sống thêm đáng yêu và đáng sống.

Bạn có muốn khám phá xem khả năng cảm nhận của mình còn bao nhiêu không? Hãy hideaways (tự ẩn mình đi) như Ninh Vân vẫn khuyên du khách của họ. Khi mà bạn còn thích và có thể làm thơ, ca hát, yêu và hiểu nhạc, họa; khi mà bạn còn biết vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu; khi mà bạn còn hiểu được tại sao nỗi cô đơn cũng là niềm an lạc; hay đơn giản hơn, khi mà bạn vẫn thấy phở Hà Nội, hay cao lầu Hội An, hay bánh giò bánh chưng Bờ Đậu - Thái Nguyên, hay bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng,…còn rất ngon, thì khi đó khả năng cảm nhận của bạn còn chưa mất hết.

Sợi gió mong manh

Tình như sợi gió mong manh

Ta chiêm bao buộc với mình chiêm bao

Đời như thác chảy ào ào

Mong manh bóng liễu ngả vào dòng trôi

Vấn vương câu hát “người ơi…”

Cánh cò đánh dậm cuối trời chân mây

Nhớ ai nâng chén rượu đầy

Thơ nghiêng sóng rượu, trăng say một mình

Tình là sợi gió mong manh

Ta chiêm bao buộc với mình chiêm bao

(Trích dẫn bài thơ của Dr. Cà Xáy tặng Phó Hội Viên VACNE)

 

Những nguyên lí của thực tại 9: Nhất nguyên luận và Nhị nguyên luận

Thực tại là gì ư? Chủ yếu là cái ta muốn thấy, là cái hiện ra dưới sự vấn hỏi của ta qua cách nhìn của ta. Vì thế mà con người luôn cần phải thảo luận, tranh luận để tăng đồng thuận.

1. Xin quý vị hãy bớt chút thời gian ngắm bức ảnh vịnh Nha Trang trên đây rồi cho biết Quý vị nhận thấy cái vịnh xinh đẹp đó là gì. Sau đây là một số phương án trả lời theo kết quả phiếu điều tra mà Bọ Ngựa tôi nhận được.

Vịnh Nha Trang là:

- Một thiếu nữ (một Thi nhân)

- Một bức tranh thủy mặc (một Họa sĩ)

- Một khu bảo tồn biển (một nhà Môi trường)

- Nhiều cảng nước sâu (một nhà Hàng hải)

- Một thắng cảnh Quốc gia, 1 trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới (một  nhà Du lịch)

- Vùng tôm hùm giống (một Ngư phủ)

- Ráng chiều trên vịnh Nha Trang, không buồn như ánh mắt nàng nhìn tôi (một chàng trai si tình)

- Là vịnh Nha Trang (một Thiền sư).

Vậy thì trên thực tế có bao nhiêu vịnh Nha Trang? Nếu có n người quan sát thì có “n + 1” vịnh Nha Trang khác nhau. Sẽ có n vịnh dưới quan sát của n người, và thêm “+1” vịnh là chính cái vịnh đó khi chẳng có ai quan sát nó. N cái vịnh đầy màu sắc và cảm xúc, còn cái vịnh “ +1” chẳng hiện hữu với màu sác, hình dạng, tính chất và cảm xúc gì. Nó có đó nhưng là gì thì chẳng ai biết. Cái vịnh “+1” tồn tại khách quan ngoài ý muốn của nhà quan sát và tuân theo nguyên lí “Nhị nguyên luận”, còn n cái vịnh được quan sát tuân theo nguyên lí “Nhất nguyên luận”. Thực tại đa phần tuân theo nguyên lí Nhất nguyên và một chút xíu theo nguyên lí Nhị nguyên.

2. Nhị nguyên luận. Plato (427-347 tr CN) khởi thuỷ thuyết Nhị nguyên luận, cho rằng:1.Có một thực thể tồn tại bên ngoài, độc lập và khách quan đối với đầu óc con người, 2. Ý thức của con người có thể tiếp cận thực tại đó, 3. Thực tại đó có thể biểu diễn bằng toán học . Chúng ta và thực tại không phải là 1, mà rõ ràng là 2. Đó chính là Nhị nguyên luận. Nhị nguyên luận tách con người khỏi thực tại, tạo tiền đề xuất hiện kiểu tư duy cho rằng con người là trung tâm và đứng trên tự nhiên, không phải chính là một phần hữu cơ của tự nhiên. Nên con người muốn làm gì thì làm, làm gì cũng đúng.

Nhị nguyên luận gần 2500 năm qua vẫn là cơ sở triết học mà Quý vị và Bọ Ngựa tôi phải mài đũng quần trên ghế nhà trường mà học cho thuộc. Rằng thực tại là khách quan, tồn tại ngoài ý muốn của chúng ta, rằng chúng ta có thể nhận thức được thực tại, rằng…Vì Thực tại là khách quan với chúng ta nên nó được hậu thuẫn bởi Luận thuyết Quyết định luận và Hiệu ứng Vòm tuyết hơn 400 năm qua.

Quyết đinh luận cho rằng mọi thứ đều có thể tính toán và tiên đoán được. Sự ngẫu nhiên không có chỗ trong Thực tại. Laplace P. (1740-1827) – nhà toán học và thiên văn học Pháp là người đại diện của luận thuyết này (nhưng buồn cười thay chính ông lại sáng tạo ra phép tính xác suất!). Quyết định luận cho rằng thực chất tương lai chỉ là sự kéo dài thêm quá khứ mà thôi, nhờ toán học có thể biết trước được hết thảy mọi việc sẽ diễn ra miễn là biết rõ các điều kiện hiện hữu ở một thời điểm trước đó để dự phóng (projecting) vào tương lai. Toán học Mô hình hóa là tuyệt đỉnh và toàn năng.

Descarte R. (1644) trong cuốn “Nguyên lý Triết học” đã phân chia dứt khoát giữa vật chất và ý thức. Con người là chủ thể, thế giới còn lại là khách thể. Chủ thể không thể tác động gì lên khách thể.

“Hiệu ứng vòm tuyết” (snow dome effect): theo quan niệm châu Âu, thế giới có tính trật tự cao nên có thể tiên kiến được, kiểm soát được, hiểu biết được, tại đó các thảm họa của thiên nhiên, nạn dịch hạch, tình trạng nổi dậy trong xã hội, các hình thức hỗn loạn khác…, tất cả chỉ là biểu hiện lệch lạc, sai trái của một thế giới vốn có kỷ cương và trật tự. Thế giới ấy nếu có bị rung chuyển dưới bàn tay của định mệnh thì rồi lại trở về với thứ trật tự quá tỷ mỷ của nó dưới một vòm nóc vững vàng, chắc chắn, được duy trì bằng khoa học, tôn giáo và nhà nước.

Cái Vòm cứng rắn nay hóa ra lại là cái vòm bằng tuyết. Nó nhanh chóng tan chảy dưới sức nóng của lý thuyết lượng tử.

Dưới ánh sáng của Nhị nguyên luận và Quyết định luận, các phương trình tuyến tính xấp xỉ (làm tròn) quả thật đã cung cấp cho các nhà khoa học một vũ khí tư duy hùng mạn và dẫn đến nhiều khám phá lớn của khoa học. Nhưng chính nó cũng tạo ra niềm tin vào một thế giới cứng, tiên kiến được, tuyến tính và phục tùng quy luật nhân quả, trong đó bỏ qua những sai biệt nhỏ bé để chú trọng đặc biệt đến phép xấp xỉ toán học. Sai lầm của Nhị nguyên luận và Quyết định luận chính là ở cái sai biệt nhỏ bé đã bị bỏ qua đó, cái hiệu ứng cánh bướm đó, cái nhiễu loạn tất định đó, lại chính là những cái xác lập thực tại (để hiểu các khái niệm này xin mời Quý vị xem lại các nguyên lí đã đăng trước đây trên web vacne.org.vn, mục Tản mạn môi trường).

3. Nhất nguyên luận

Với Lí thuyết Lượng tử Copenhagen, thực tại chỉ có khi ta quan sát đo lường nó. Bài tập ngắm vịnh Nha Trang trên đây đã minh họa cho điều đó. Khi ta không quan sát một vật thì vật đó không tồn tại (đối với người quan sát). Không có người quan sát thì không có vật được quan sát, không có chủ thể thì không có khách thể. Heizenberg nhà vật lí Trường lượng tử khẳng định rằng “điều mà ta quan sát được không phải tự tính đích thực của thiên nhiên mà là cái cách mà thiên nhiên hiện ra dưới cách vấn hỏi của chúng ta”. Như vậy thực tại chính là ở chúng ta, là cái ta muốn thấy và có khả năng thấy. Đó chính là Nhất nguyên luận.

Theo Nhất nguyên luận, thế giới chúng ta đang sống có thể đồng thời được xem là một thế giới hay nhiều thế giới. Là một thế giới duy nhất nếu lấy cái chung của mọi tâm thức làm nền tảng, là nhiều thế giới nếu lấy cái riêng của tâm thức mỗi cá nhân làm nền tảng. Ta không bao giờ biết chính xác người khác thấy vịnh Nha Trang có giống ta thấy hay không.

Xét cho rạch ròi và công bằng, thì Nhất nguyên luận đúng với n người quan sát, còn Nhị nguyên luận đúng với “+1” đối tượng quan sát. Cái đối tượng “+1” ấy không xuất hiện trước mắt n người quan sat, nhưng nó vẫn tồn tại để chờ đợi và xuất lộ hình ảnh và tính chất mới khi có người quan sát mới. Đối với con người, đối tượng “+1” này vừa tồn tại (để chờ đợi) vừa không tồn tại (vì chưa có người quan sát mới). “n+1 vịnh Nha Trang” cũng chính là cái được gọi là “Thực tại khách quan” theo Nhị nguyên luận hay “Thực tại chủ quan” theo Nhất nguyên luận.

Các thành tố cơ bản của vật chất - như các electron chẳng hạn - là những thực thể 2 mặt, chúng hiện ra khi thì như những hạt vật chất, khi thì như những sóng phi vật chất. Tính bổ sung lẫn nhau giữa trạng thái hạt và trạng thái sóng đã vĩnh viễn chấm dứt Nhị nguyên luận của Descarte về sự phân đôi giữa vật chất và tinh thần: cả hai thứ đều là những thuộc tính của cùng một hiện thực duy nhất – cái được gọi là Thực tại. Điều này làm xuất hiện một quan niệm triết học mới có tên là chủ nghĩa Siêu Duy Thực (Metarealism) – sự hợp nhất giữa vật chất và tinh thần. Không thể nói tinh thần và vật chất cùng tồn tại: chúng tồn tại cái này thông qua cái kia.

4. Vậy thì Nhất nguyên hay Nhị nguyên xét đến cùng cũng không tồn tại độc lập và không phản bác lẫn nhau như các nhà triết học cực đoan vẫn nghĩ, chúng là hai mặt của Thực tại, chúng cũng tồn tại cái này thông qua cái kia. Cần phải có 1 vịnh Nha Trang có sẵn đó để chờ đợi các quan sát viên, nhưng cái vịnh Nha Trang dưới quan sát của các quan sát viên lại không giống nhau. Vịnh Nha Trang vì thế tồn tại mà thực không tồn tại như một thực thể duy nhất. Nó có nhiều khuôn mặt. Thực tại luôn là cái có nhiều khuôn mặt. Nó vẫn đấy nhưng không thực có đấy! Vậy vịnh Nha Trang là gì? Với mỗi con người, nó là cái ta muốn thấy, là cái hiện ra dưới sự vấn hỏi của ta qua cách nhìn của ta. Với ta nó là vịnh Nha Trang Nhất nguyên, bởi vì nó chính là vịnh Nha Trang Nhị nguyên.

5. Tại sao phải trao đổi, thảo luận và phản biện?

Vịnh Nha Trang Nhị nguyên vẫn đấy dù bạn có quan sát nó hay không. Nhưng mỗi khi bạn quan sát, quản lí hay bảo tồn nó, thì nó lại là vịnh Nha Trang Nhất nguyên. Cái sai lầm chết người chính là ở chỗ nhà quản lí luôn coi cái vịnh Nhất nguyên xuất hiện dưới cách vấn hỏi của anh ta lại được anh ta coi là cái vịnh Nhị nguyên, khách quan với anh ta và với cộng đồng. Cho nên cái vịnh Nhất nguyên của riêng anh ta thường được anh ta dùng quyền lực ép cộng đồng phải coi là cái vịnh duy nhất trên đời, là cái vịnh Nhị nguyên.

Vì vậy mọi quyết định bảo tồn kiểu mệnh lệnh, kiểu hành chính bao cấp chẳng bao giờ đạt được sự đồng thuận cao, do đó chẳng được mấy người thực hiện, có chăng chỉ được thực hiện tốt trong các báo cáo của nhà quản lí.

Để đạt được sự đồng thuận cao, để cộng đồng các nhà quan sát lựa chọn một hình ảnh phù hợp cho công tác bảo tồn vịnh Nha trang nói riêng hay bất cứ đối tượng cần quản lí nào, cần tạo điều kiện tiếp cận thông tin rộng rãi cho cộng đống, tổ chức thảo luận trao đổi rộng rãi và nếu cần thì tiến hành phản biện xã hội. Những việc trên nhằm tiến tới sự đồng thuận cho khái niệm có tính tương đồng cao về cái gọi là đối tượng, mục tiêu, cách thức quản lí và bảo tồn.

 

Những nguyên lí của Thực tại 10: “Vô vi nhi vô bất vi”

Bảo tồn là tự bảo tồn vì bảo tồn có gốc là vị nhân sinh

1. Vô vi nhi vô bất vi

Đây có thể coi là nguyên lí thứ 10 của Thực tại, còn được Lão Tử 600 năm trước trong Đạo Đức kinh gọi là “vô vi nhi vô bất vi”, có nghĩa là làm thuận theo quy luật của Thực tại thoạt nhìn có vẻ như không làm gì mà thực ra cái gì cũng làm hết.

Đạo Đức kinh là quyển sách do Lão Tử - một nhà Hiền triết Trung Quốc viết ra vào khoảng năm 600 TCN. Đạo Đức kinh chỉ 5000 chữ, nhưng những cuốn sách bình giảng, chú thích về nó suốt hàng ngàn năm qua thì nhiều không kể xiết. Khái niệm vô vi là khái niệm xuyên suốt trong Đạo Đức kinh được Lão Tử ví von với cách hành xử của nước. Vô vi theo Đạo Đức Kinh có 3 ý nghĩa: Bất ngôn phân biệt, Để cho vạn vật tự nhiên và Làm không kể công.

"Bất ngôn" không phải là không nói mà là không nói kiểu thị phi phân biệt, túc là không nói vu khống, không nói tiền hậu bất nhất. Đó là cái nghĩa thứ nhất của Vô vi. "Để cho vạn vật nên mà không cản" là để cho vạn vật vận hành theo quy luật của Thực tại, không dụng tâm xen vào sự tự sinh tự hóa của nó, không áp đặt cái con người thích, đó là cái nghĩa thứ hai của Vô vi. Giúp cho vạn vật sống theo chúng, hành động tự nhiên giúp đời mà không chiếm đoạt, không cho đó là công riêng của mình, không cho rằng ngoài mình thì trong thiên hạ không ai làm được. Làm mà không kể công. Đó là nghĩa thứ ba của vô vi.

Lão Tử nói: nếu làm theo lẽ tự nhiên thì không cái gì không làm. (Đạo thường vô vi nhi vô bất vi). Lo việc khó từ khi còn dễ, làm việc lớn từ khi còn nhỏ. Vì vậy, không bao giờ làm ngay việc lớn nào mà có thể hoàn thành được việc lớn. Vâng nhận một cách khinh suất tất nhiên ít được đúng lời, coi là dễ bao nhiêu thì càng khó khăn bấy nhiêu. Vô Vi không phải là không làm, không trị, nhưng phải làm từ lúc chưa có việc gì xảy ra, trị lúc chưa loạn. (Vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn).

2. Bảo tồn là tự bảo tồn

Những lời nói của Lão Tử từ 2600 năm trước vẫn đúng với công tác bảo tồn thiên nhiên ngày nay. Nó dựa trên những hiểu biết thấu đáo về Thực tại khi mà phần lớn nguyên lí Thực tại khi đó mới được Lão Tử cảm nhận mà chưa được khoa học chúng minh như bây giờ.

Trong số những cây di sản đã được VACNE công nhận, có những cây hay cụm cây 600 – 700 năm tưổi, có những cây cả ngàn tuổi. Trong thời gian dài dằng dặc đó, bao nhiêu triều đại đã thay đổi, bao nhiêu thế hệ đã mất. Vậy cái gì khiến cho các “cụ” cây đó vẫn xanh tươi? Vẫn đơm hoa kết trái? Đó chính là công việc bảo tồn được chính cộng đồng thực hiện. Những cộng đồng bảo tồn các “cụ” cây di sản cho đến hôm nay phần lớn đều là những cộng đồng nghèo, thậm chí nhiều nơi cái sở học còn chưa cao. Nhưng vốn tri thức bản địa và văn hóa bảo tồn thiên nhiên của họ thì nhiều nơi khác còn phải học tập dài dài.

Muốn thành công, mọi quyết định bảo tồn của nhà quản lí cần phải biến thành hoạt động tự bảo tồn của cộng đồng. Cộng đồng tự bảo tồn thành công nếu kiến thức bản địa của họ được ứng dụng, nếu danh dự và quyền lợi chính đáng của họ đối với đối tượng bảo tồn được công nhận và tôn trọng. Những nguyên lí Thực tại nếu được ứng dụng đầy đủ thì bảo tồn bao giờ cũng là bảo tồn vị nhân sinh. Chính những “cụ” cây di sản sống cả ngàn năm qua cho thấy một chân lí “hoạt động bảo tồn của cộng đồng xuyên suốt hàng trăm thế hệ dù theo cách gì thì vẫn đúng”, vì nếu nhà khoa học, nhà quản lí còn chưa hiểu được, thì thực tế đã chứng minh hùng hồn cho sự đúng đắn đó. Không cần đi học đâu xa, cứ học hỏi các cộng đồng bảo vệ thành công các “cụ” cây di sản ở Việt nam, dù mỗi nơi mỗi kiểu, nhưng đều là những bài học tốt cho công tác bảo tồn.

 

Để tham khảo thêm về các bài trong chuyên mục xin xem các link bên dưới

Bài đề dẫn “35 ý tưởng triết lý môi trường”

Những lý lẽ của thiên nhiên: 5 bài phần 1

Những lý lẽ của thiên nhiên: 5 bài phần cuối

Những nguyên lý của Thực tại: 5 bài phần 1

Dr. Cà Xáy VACNE

Lượt xem : 1280