Những nguyên lý của Thực tại: 5 bài phần 1
12/5/2023 4:24:00 PM
(VACNE) – Tiếp theo loạt bài chuyên đề “35 ý tưởng triết lý môi trường”. Trong bài này chúng tôi tiếp tục đưa ra 5 bài đầu trong mục Những nguyên lý của Thực tại gồm (1) Nguyên lí 1 + 1 > 2, (2) Bản chất của Thực tại là gồ ghề, (3) Nguyên lí Bông bí, (4) Nguyên lí Vô thường và (5) Nguyên lí Tương cầu.
Những nguyên lí của Thực tại 1: Nguyên lí 1 + 1 > 2
1. Lão nạp sống trong khuôn viên Trúc Lâm Thiền viện Yên Tử, là nơi vua Trần Nhân Tông tu hành trước khi lên núi Yên Tử. Tương truyền lão nạp sinh từ thời đó, đến nay đã trên 700 năm rồi. Có điều Quý vị không nên gọi lão nạp đơn giản là đa, vì trong gốc của lão nạp còn có một cây Lão Thị trước cả lão nạp. Khi cây Thị này đã xanh tốt, chim trời (có lẽ theo lệnh Đức Phật) đến thả một hạt đa lên cành, từ đó mọc ra lão nạp. Có người nói rằng sinh thời, Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn ngồi tham Thiền dưới gốc lão nạp, và nhờ Cơ duyên Diệu hữu mà Ngài đã sáng tạo ra Thiền phái Trúc Lâm. Đến nay lão Thị trong lòng lão nạp vẫn xanh tốt, hàng năm vẫn đơm hoa kết trái. Tốt nhất nên gọi lão nạp là Đa – Thị hay Thị - Đa. Bởi lẽ không có Thị chẳng có Đa và không có Đa chắc gì đã còn Thị?
2. Nhưng vấn đề lão nạp muốn tham luận ở đây là: cái tổ hợp Đa – Thị này lại nói lên một điều khác hơn chỉ là sự sống chung đơn thuần.
Vâng thưa Quý vị, khi đến chiêm ngắm lão nạp, một nhà khoa học gọi lão nạp là cây đa “bóp cổ”, ý nói lão nạp mọc đè và bóp cổ chết cây thị như rất nhiều cây đa khác. Khoa học gia này còn giải thích cho đám học trò những vấn đề về cây kí sinh (cây đa) và vật chủ (cây thị), về nguyên tắc cạnh tranh sinh tồn,…
Một nhóm nhà cảm xạ lại cho rằng mảnh đất lão nạp mọc là nơi tập trung năng lượng vũ trụ, là mảnh đất có lợi cho sức khỏe và tu tập nên có hai lão thụ mọc tranh ăn với nhau mà vẫn sống nhăn răng (ý nói là nhăn …lá), lại còn to lớn kềnh càng nữa! Họ còn khuyên ai muốn tu thiền hay muốn khỏe mạnh thì cứ tọa thiền dưới gốc lão nạp (?).
Một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách rằng đây là Song Đại thụ hiếm có của vùng Thánh địa Yên tử, là sự phản ánh “truyền thống đoàn kết tương thân tương ái của các loài cây cũng như con người Việt Nam” (lão nạp ghi nguyên văn câu thuyết minh của vị hướng dẫn viên nọ, mong quý vị thông cảm là không ít hướng dẫn viên du lịch nói rất hay những điều họ không mấy khi hiểu là gì)
Một quan chức VACNE tuyên bố rằng sớm hay muộn cặp song lão thụ này cũng sẽ được VACNE ưu tiên vinh phong là cây di sản Việt Nam vì chỉ cần phong 1 lần mà được cả 2 cây, nếu mỗi cây mọc một nơi thì phải vinh danh hai lần, sẽ tốn kém lắm vì VACNE là tổ chức phi lợi nhuận, đâu có nhiều tiền (!) Vốn là một nhà sinh thái học, vị quan chức VACNE nọ còn quả quyết “Có lẽ 2 cây đa –thị này phải sống dựa vào nhau theo kiểu cộng sinh chăng, đa ăn chất này, thị ăn chất kia. Đa bảo vệ thị khỏi gió bão, thị chăm sóc đa bằng vẻ …dịu dàng của mình”. Lão nạp chẳng thể hiểu được nhà sinh thái học nọ nghiên cứu đến đâu về “vẻ dịu dàng” của cây thị. Nghe nói người Việt chuyên đặt tên phụ nữ là Thị này Thị nọ nên ông ta cho rằng lão Thị tất nhiên phải là phái nữ, tất nhiên phải dịu dàng (?).
3. Còn lắm chuyện không thể kể hết được. Nhưng vấn đề là ở chỗ những chuyện ấy phản ảnh những tính chất, những chức năng, có thể lí giải hay chưa/ không/ lí giải được bằng khoa học hiện nay, chỉ có được khi lão nạp và lão thị chung sống cùng một gốc. Những tính chất xuất hiện do tương tác giữa các yếu tố cấu thành một hệ thống được các khoa học gia gọi là “tính trồi” nghĩa là hệ thống thì có các tính chất này nọ, nhưng từng yếu tố riêng lẻ của hệ thống đó lại không có. Cũng như cái đồng hồ có chức năng chỉ giờ, nhưng tất cả chi tiết tạo ra cái đồng hồ lại không hề có chức năng đó. Hay nước (H2O) có tính chất rất đa dạng của một chất quyết định sự sống trên trái đất, nhưng các nguyên tố Oxy (O2) và Hydro (H2) tạo ra phân tử nước lại không hề có tính chất của nước.
Lão nạp và lão Thị ngoài tính chất của đa và thị, còn có tính chất chung của một hệ thống, lão nạp gọi là “chúng mình”, mà Quý vị đã nghe tranh luận ở mục 2 trên đây. Hơn 700 năm chung sống cùng một chỗ như thể là cùng một gốc, lão nạp và lão Thị không bao giờ cãi nhau cả, vì lão nạp thắng thì chúng mình cùng thắng, lão nạp thua thì chúng mình cùng thua. Mong các cặp vợ chồng khi chung sống với nhau cần áp dụng nguyên lí “tính trồi” này để giữ yên gia thất. Nếu hai vợ chồng chia tay, cả hai vẫn sống nhăn răng nhưng gia đình (cái gọi là chúng mình) không còn, con cái sẽ bơ vơ.
4. Mở rộng những điều trên, một hệ thống không chỉ có 2 yếu tố như lão nạp và lão Thị, hay như nguyên tử Hydro và Oxy, mà có thể có rất nhiều yếu tố, rất đa dạng và phức tạp, ví dụ như một hệ sinh thái chẳng hạn. Mọi loài trong hệ sinh thái đều có vai trò, đều tương tác với nhau theo những cách thức mà con người chưa thể hiểu hết. Thêm một vài loài lạ theo kiểu các vị kiểm lâm phóng thích thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng động vật hoang dã vào rừng sau khi bắt được một vụ buôn lậu; bớt đi dăm bảy loài mà con người chặt phá hay săn bắt, đều tạo ra hệ thống mới có tính chất và chức năng mới, nhiều khi không giống như hệ thống ban đầu. Hệ thống mới có thể gây hại cho con người ngoài sự tính toán của họ. Vì tính trồi không phải bao giờ cũng có ích cho con người.
Vì vậy mọi tác động vào hệ sinh thái nguyên sơ ban đầu do ông Trời sinh ra, đối với con người, đều là sự đánh đổi vì riêng lợi ích của con người, hay tệ hại hơn, vì lợi ích của một nhóm người. Nếu như sự đánh đổi này là buộc phải làm vì lợi ích của cả cộng đồng thì còn có thể hiểu và chấp nhận được, vì cộng đồng sẵn sàng trả giá cho sự đánh đổi đó. Trên thế giới đã từng có hàng loạt nền văn minh bị hủy hoại chỉ vì lí do khủng hoảng sinh thái. Con người tự coi mình là trung tâm thế giới, muốn làm gì thì làm, vì “khoa học và công nghệ có thể giải quyết tất cả”. Nhưng danh vị đó là do họ tự phong chứ các loài khác đâu có phong cho họ!
Vì vậy lão nạp tạm gọi nguyên lí này là nguyên lí 1+1>2, hay còn gọi là “nguyên lí tính trồi”. Chúng ta vẫn hưởng thụ hay chịu tác động xấu từ tính trồi của các kiểu hệ thống (thực tại chỉ toàn là các hệ thống mà thôi) nhưng khi suy xét vấn đề lại thường chỉ chú ý vào các yếu tố cấu trúc riêng lẻ của hệ thống. Đó là cái chết của loài người đã được báo trước.
Những nguyên lí của thực tại 2: Bản chất của Thực tại là gồ ghề
Thực tại luôn luôn gồ ghề méo mó, không có đường thẳng, hình tròn, hình lập phương hay hình cầu tuyệt đối. Gồ ghề tạo ra thiên hình vạn trạng của Thực tại. Gồ ghề là cội nguồn của thi ca, nghệ thuật, tình yêu và là nguyên tắc của Bảo tồn Thiên nhiên.
1. Các đường cong, hình cầu, hình trụ, hình nón, hình đa giác, hay lục lăng,... chỉ là những trường hợp lý tưởng. Những trường hợp lí tưởng đó có số chiều (còn gọi là thứ nguyên) chẵn. Ví dụ một điểm có thứ nguyên là 0, đoạn thẳng hay đường thẳng có thứ nguyên là 1,0, hình phẳng (ví dụ hình tròn, hình tam giác hay mặt phẳng) có thứ nguyên là 2,0; khối hộp có thứ nguyên là 3,0.
Thực tế trong thiên nhiên lại tồn tại chủ yếu những hình dạng gồ ghề, gãy góc, lồi lõm như đám mây, ngọn núi, bờ biển, con sao biển, thậm chí trái đất, mặt trăng, mặt trời,… và ngay tia sáng cũng cong.Năm 1982, nhà toán học thiên tài Benoit Mandelbrot phát hiện ra môn "Hình học của tự nhiên", còn gọi là Hình học Gồ ghề hay Fractal Geometry. Ông khẳng định rằng: "Các đám mây không phải là hình cầu, các ngọn núi không phải là hình nón". Và chính ông đã là người đã đề xướng từ Gồ Ghề hay "Fractal” để chỉ các đối tượng có hình dáng gồ ghề, không trơn nhẵn trong tự nhiên.
Đó là những hình dạng có thứ nguyên lẻ, không chẵn. Ví dụ hình bông tuyết có thứ nguyên là 1,2618. Hình lá phổi hoặc khối bọt biển có thứ nguyên xấp xỉ 2,7. Chỉ cần thay đổi chút xíu, ví dụ một phần tỉ tỉ tỉ giá trị của thứ nguyên ban đầu là thiên nhiên lại tạo ra một hình dạng khác. Chỉ cần vuốt nhọn và uốn cong đầu chiếc lá chút ít là ông Trời đã tạo ra cây sanh từ cây si.
Trong tự nhiên, Quý vị không thể nào nhặt được một chiếc lá phẳng tuyệt đối: nó không gồ chỗ này thì lõm chỗ kia hoặc khía răng cưa chỗ khác. Quý vị cũng không thể tìm đâu ra một sản phẩm tự nhiên có hình tròn, hình cầu, hình lục lăng, hình nón,… tuyệt đối. Có nghĩa là đại bộ phận nếu không nói mọi thành tạo tự nhiên luôn có thứ nguyên lẻ.
2. Do có thứ nguyên lẻ nên thiên nhiên cực kì đa dạng. Quý vị không thể nào tìm được hai chiếc lá hoàn toàn giống nhau trên cùng một cây. Hai anh em sinh đôi cũng không bao giờ giống nhau tuyệt đối. Bản chất thiên nhiên là xù xì, ghồ ghề và vì thế mỗi sản phẩm của tự nhiên chỉ là một sản phẩm duy nhất. Nếu nó bị tiêu diệt, bị phá hủy có nghĩa là không bao giờ có được nó nữa.
Đặc điểm quan trọng nhất của sản phẩm tự nhiên là dù chia nhỏ đến đâu thì nó vẫn gồ ghề. Ví dụ chia nhỏ một đọan bờ biển ra nhiều lần thì lần nào cũng chỉ được những đoạn bờ gồ ghề. Tính chất đó của vật thể gồ ghề được gọi là “tính bất biến không phụ thuộc tỷ lệ”; nghĩa là dù to hay nhỏ thì vẫn gồ ghề mà thôi. Gồ ghề tạo ra là thiên nhiên, tạo ra thực tại, và chính thực tại có bản chất là gồ ghề.
Vì vậy bảo vệ rừng phải bảo vệ từng gốc cây ngọn cỏ, yêu con phố phải là yêu từng căn nhà, con hẻm…Mỗi gốc cây, ngọn cỏ, căn nhà nhìn riêng có vẻ chẳng có gì đáng chú ý, nhưng nó là duy nhất trên đời nên nó là đẹp nhất. Nếu Quý vị không tin điều này thì cứ nhìn những ngôi nhà trong tranh Phố Phái xem chúng đẹp hay xấu? Chúng rất đẹp vì chúng rất …xấu! Thị Nở vẫn được coi là mẫu hình của người phụ nữ xấu xí, nhưng hình tượng Thị Nở là duy nhất trên văn đàn Việt Nam. Thị Nở đâu có xấu! Bởi vì nó phản ánh chân thật, mộc mạc, không tô son vẽ phấn một con người cụ thể. Nếu có chăng cái xấu thì chỉ là những cái giả dối do con người “phịa” ra. Thiên nhiên không biết giả dối. Không có Thị Nở thứ hai trên đời. Và nếu không có Thị Nở - Chí Phèo thì chắc cũng không có Nam Cao.
3. Độ gồ ghề của đường bờ biển giúp cho triệt tiêu năng lượng sóng vỗ bờ và tạo ra các ổ sinh thái đa dạng. Tính đa dạng loài trong một khu bảo tồn thiên nhiên góp phần tạo ra xích thức ăn hoàn hảo hơn và khu bảo tồn có tính đàn hồi cao hơn trước biến động môi trường. Sự đa dạng hoá các lĩnh vực kinh doanh khiến doanh nghiệp không bị phá sản. Việc phân quyền quản lý môi trường cho các cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã) làm cho môi trường được quản lý tốt hơn là việc tập trung nhiệm vụ vào cơ quan cấp tỉnh/thành phố như thời gian trước đây. Nhận thức về môi trường khác nhau của các cá nhân tạo điều kiện cho các sáng kiến, giải pháp độc đáo của mỗi cộng đồng v.v…
Đa dạng sinh học và biến động của chúng trong một khu bảo tồn thiên nhiên; quy mô và năng lực bảo vệ môi trường của các ngành trong một tỉnh; mức độ tham gia bảo vệ môi trường của các đoàn thể chính trị tại một địa phương; nhận thức về môi trường của mỗi người trong cộng đồng; độ khoẻ mạnh của các rạn san hô tại một vùng biển, sự khác nhau trong hình dạng và tính các của anh/chị em ruột,...đều cho các hình ảnh về sự gồ ghề của thực tại xã hội
4. Gồ ghề tạo ra sự đa dạng. Đó là cội nguồn vô tận của nghệ thuật, của thi ca, của cái đẹp. Bởi lẽ tia nắng vàng chiều nay khác tia nắng vàng chiều qua, cái lá rơi mỗi lúc một kiểu, và hàng ngàn thác nước trên đất nước ta chẳng có ngọn nào giống ngọn nào. Con người cũng mỗi người một tính cách một hình thể. Xin mời quý vị hãy tạm quên đi những lo toan hàng ngày để ngắm nhìn nụ cười bé thơ mỗi khi mẹ đón tan trường: nụ cười nào cũng hạnh phúc nhưng mỗi cháu cười mỗi kiểu. Ngay vẻ ngập ngừng ngọn gió trên con phố quen cũng chẳng bao giờ giống nhau khiến cho thi hứng mãi vẫn còn:
Ngập ngừng sợi gió mong manh
Để cho cánh én bồng bềnh lãng du
Ngập ngừng lá đỏ chiều thu
Ngập ngừng trái bưởi đánh đu đầu cành
Ngập ngừng bờ cát chông chênh
Ngập ngừng con sóng dập dềnh bãi ngang
Ngập ngừng, ánh mắt Nha Trang
Khiến cho cơn gió lang thang… ngập ngừng.
5. Con người tưởng tượng ra các hình dạng có thứ nguyên chẵn chỉ để cho dễ nhận thức và phân loại mà thôi. Nhưng sau khi tạo ra mô hình lí thuyết để mô phỏng thực tại, thì con người lại vô tình hay cố ý coi thực tại chỉ là đồng nghĩa với mô hình lí thuyết đó. Những hình dạng chệch ra ngoài mô hình lí thuyết được gộp chung vào cái gọi là “dạng lệch chuẩn”. Rất nhiều vật thể, ý tưởng hay hành vi tốt đẹp sau này được coi là hữu ích, nhưng ban đầu khi xuất hiện lại được cho là lệch chuẩn. Nhiều loài sinh vật bị tiêu diệt vì cho rằng chúng vô tích sự hay nguy hiểm cho con người, chúng “lệch chuẩn”.
Ví dụ điển hình của cái “lệch chuẩn mà không lệch chuẩn” là gốm méo Phù Lãng - Bắc Ninh. Khoảng chục năm trước, khi gốm tròn đang chiếm lĩnh thị trường thì người dân Phù lãng bắt đầu sản xuất gốm méo. Những bình, những lọ, những hộp đèn méo mó dẹo dọ. Mỗi sản phẩm gốm Phù Lãng vì thế trở thành duy nhất trên đời. Ngày nay gốm méo Phù Lãng đã chiếm lĩnh thị trường gốm nghệ thuật không chỉ ở trong nước. Gốm méo Phù Lãng chứng minh rằng một cá thể hoàn hảo chính vì nó không hoàn hảo; chính sự không hoàn hảo của mỗi cá thể tạo ra sự hoàn hảo của tổng thể.
Một ví dụ khác là việc vinh danh cây di sản Việt Nam của VACNE. Chỉ có rất ít tiêu chuẩn cứng để xem xét công nhận cây di sản và kích thước tấm bia đá là ổn định, mọi việc đăng kí và tổ chức lễ công nhận là tùy thuộc vào sáng kiến của cộng đồng nơi có cây di sản. Vì thế lễ công nhận cây di sản mỗi nơi tổ chức mỗi kiểu nhưng đều rất cảm động, hào hùng và được cộng đồng tham gia ngày càng đông đảo. Sáng kiến cây di sản Việt Nam của VACNE đã trở thành một phong trào xã hội rộng rãi chỉ sau 1 năm. Đó cũng chính là sự tôn trọng tính gồ ghề của thực tại.
Thừa nhận tính gồ ghề của thực tại khiến chúng ta từ tâm hơn với thiên nhiên và con người, dễ thông cảm và dễ chia sẻ hơn, không có những đòi hỏi quá đáng để rồi sau đó lại thất vọng tràn trề. Các cuộc cãi vã, xung đột hay chiến tranh cũng xuất phát từ việc muốn áp đặt đối phương phải tuân theo một mô hình được phía này hay phía kia cho là chuẩn.
Bởi thế một mô hình bảo tồn thiên nhiên thành công nơi này có thể thất bại nơi khác nếu nó không phù hợp với nơi mới. Một giống cây cho sản phẩm tốt nơi này đưa ra trồng nơi khác có thể không cho thu hoạch.
Nếu chấp nhận thực tại là gồ ghề như Benoit Mandelbrot đã khẳng định trong “Hình học của Tự nhiên”, thì cái gọi là sự tròn trịa, sự thẳng thớm, sự phẳng phiu, sự vuông vắn, sự giống nhau, sự đồng nhất, sự nhất trí tuyệt đối, sự hoàn hảo,… chỉ là mô hình lí thuyết do con người tự nghĩ ra. Nó không phải thực tại. Nó chỉ là công cụ mô phỏng thực tại. Nó rất hữu ích cho việc nhận thức một khía cạnh của thực tại, nhưng nó sẽ là của giả nếu coi những mô hình đó đồng nghĩa với thực tại. Đây cũng chính là cái hạn chế nếu không nói là dở của một lĩnh vực toán học khi nó được áp dụng vào bảo tồn thiên nhiên – lĩnh vực được gọi là Mô hình hóa hay Modeling môi trường.
Những nguyên lí của thực tại 3: Nguyên lí Bông bí
Bông bí không phải là bông bí vì nó chính là bông bí. Đây là nguyên lí Thực tại số 3, còn được gọi là nguyên lí “vô ngã”.
1. Xin hãy nhìn bông bí này: nó là một bông bí cái xinh đẹp. Nhiều người nhìn thấy nó nghĩ ngay đến món canh cua đồng nấu bông bí non, món bông bí tẩm bột chiên dòn, món bánh xèo bông bí, hay món lẩu mắm có rau bông bí…Chính bông bí vàng rực cũng tự hào về mình nên không ít lần nó rung rinh trên cành xanh một cách tự mãn, rằng nó nếu không là nữ hoàng thì cũng là Đệ nhất phu nhân của khu vườn.
Nhưng nghĩ kỹ: bông bí từ đâu ra mà xinh đẹp vậy?
2. Chẳng khó cũng nhận ra nó còn là sản phẩm của một hệ thống gồm đất, nước, thời tiết và mùa vụ, côn trùng thụ phấn, sâu bệnh, hạt giống, AND di truyền từ họ hàng nhà bí, sự chăm sóc của người trồng, thời gian, ánh nắng mặt trời, và đôi khí còn có sự tham gia của mấy loại hóa chất bảo vệ thực vật nữa…Chỉ một trong những yếu tố trên thay đổi thì bông bí chắc chắn cũng thay đổi : ít thì thay đổi về hình dạng, màu sắc; nhiều thì thay đổi cả kích thước và độ tươi; thậm tệ nữa nó có thể chết yểu hoặc không mọc ra được.
3. Vì thế nó là bông bí và đồng thời không phải là bông bí. Bông bí chỉ là phần nổi, phần thấy được, đo đếm được của một hệ thống rất nhiều điều kiện tạo ra bông bí. Hệ thống đó cũng còn gồm những phần chìm (hay các chiều ngầm) gồm các yếu tố có thể phân tích bằng khoa học được và những yếu tố khác chỉ có thể cảm nhận được. Phần nổi và phần chìm tương tác rất chặt chẽ. Nhưng phần chìm dễ bị bỏ qua khi quan sát bông bí. Vì thế, nếu nhìn nhận thật thấu đáo, Quý vị sẽ thấy cả phần nổi của hệ thống - cái gọi là bông bí, và phần chìm tạo ra nó – cái không phải là nó. Bông bí vừa là chính nó, vừa là sự hiện hữu và đại diện của những cái không phải là nó. Tách bông bí ra khỏi những chiều ngầm của nó, liệu có còn nó không?
4. Trong thực tại, nếu thay bông bí bằng một con người, dù đó là Chí Phèo hay một vĩ nhân, thì ta có thể hoàn toàn theo quy tắc bông bí trên để nói rằng: “Chí Phèo không phải là Chí Phèo, bởi chính anh ta là Chí Phèo”. Người xưa cũng đã từng nói: “thoạt nhìn núi là núi, sông là sông; nhưng lại gần soi kỹ thì núi không phải núi, sông chẳng phải sông; nhưng soi kỹ nữa thì núi lại chính là núi, sông chính là sông” cũng tương tự như vậy.
5. Nếu thay bông bí bằng cái Tôi, cái Ngã, để mà nhiều khi tự hào về mình, để mà nhiều khi tự vênh váo với đời vì được thiên hạ tung hô hay nể sợ, để tự phân biệt rạch ròi giữa Tôi với cô A anh B, thì cũng chỉ đúng nửa phần thôi. Bởi vì cũng như bông bí, cái Tôi trên đời vừa là Tôi, vừa chẳng phải là Tôi. Cái Tôi, còn gọi là cái Ngã, chỉ là sự tạm thời, chỉ là kết quả tương tác của những cái Không - Phải - Tôi nhưng tạo ra Tôi. Vậy Tôi là ai? Ta là ai? Vấn đề này thiên hạ đã suy nghĩ cả ngàn năm mà vẫn còn phải suy nghĩ nữa để có thể tự trả lời. Nhưng câu trả lời thật đơn giản: Chẳng có cái gì là cái Tôi tuyệt đối. Tôi vừa hiện hữu vừa không hiện hữu. Điều này thật mâu thuẫn với những lí thuyết hay niềm tin vào bản thân vĩnh cửu. Nhưng chính vì tin vào việc có cái Tôi tách biệt với cái Không – Phải - Tôi nên người ta vẫn muốn có thuốc trường sinh để không phải chết, dù là chết về mặt xã hội, mặc dù vẫn có thể vẫn sống về mặt sinh học. Và khi phải rời khỏi vũ đài, khi sự kính trọng của người xung quanh với cái Tôi không còn như mong đợi, người ta rất dễ bị trầm cảm hay stress. Vì vậy nguyên lí bông bí còn được các Thiền sư gọi là nguyên lí Vô Ngã. Ở đây Vô vừa là không vừa là có.
6. Cũng như vậy, việc bảo tồn một cây di sản hay một loài động vật quý hiếm, không thể là bảo tồn riêng cái cây hay cái con đó mà quên bảo tồn những cái Không – Phải – Cây, Không – Phải – Con nhưng lại rất quan trọng để giúp cho cái Cây hay Con đó tồn tại, trong đó có văn hóa truyền thống bản địa của cộng đồng đã mấy trăm năm qua chung sống và bảo vệ cây di sản.
Thành phố Nha Trang cứ vào dịp tháng 5 lại tổ chức săn bắt sao biển gai, tên khoa học là Acanthaster planci, sống ở rạn san hô có độ sâu từ 5 - 20 m nước biển. Sao biển gai là loài tàn phá rạn san hô. Trong vòng đời khoảng 3 năm, 1 con sao biển gai có thể ăn hết khoảng 25 mét vuông san hô. Tuy nhiên nếu rạn san hô khỏe mạnh và các loài thiên địch của sao biển gai như ốc tù và, các loài cá chuyên ăn trứng sao biển còn đông đảo thì sao biển gai không thể bùng phát để trở thành mối đe dọa hủy diệt rạn san hô được. Chính sự đánh bắt cạn kiệt các loài thiên địch của sao biển gai đã làm nó bùng phát mạnh, trở thành hung thần của rạn san hô. Năm nay 2011 Khu bảo tồn biển Hòn Mun - Nha Trang có thành tích bắt diệt gần 6000 con sao biển gai. Khu Bảo tồn biển Hòn Mun còn có sáng kiến thu mua 5.000 đồng một con sao biển gai gom về tiêu diệt để động viên phong trào lặn bắt loài thủy sinh vật xinh đẹp này. Rõ ràng sao biển gai không phải sao biển gai vì chính nó là sao biển gai vậy.
Những nguyên lí của Thực tại 4: Nguyên lí Vô thường
Không ai có thể tắm hai lần như nhau trong một dòng sông. Thực tại luôn thay đổi, chỉ có thay đổi liên tục mới là không thay đổi.
Kính thưa Quý vị
1. Xin Quý vị cứ tưởng tượng rằng bức ảnh trên đây không phải là ảnh mà là phong cảnh mà Qúy vị đang nhìn qua ô cửa. Hãy bớt chút thời gian ngắm phong cảnh trên đây trong giây phút rồi nhắm mắt lại, sau đó mở mắt ra thật nhanh. Trước mắt quý vị đã là một phong cảnh khác với rất nhiều thay đổi: hai cô gái đã chuyển sang vị trí khác, tia nắng đứng bóng hơn, dăm chiếc lá già đã rụng khỏi vòm lá xanh, và làn gió ban nãy làm tán cây xào xạc đã bay đi để lại một không gian ngập tràn tiếng ve,… Mọi thứ của thực tại đều luôn thay đổi, vấn đề là tốc độ thay đổi nhiều khi không làm chúng ta chú ý.
2. Chúng ta không sinh sống trong một thế giới tĩnh, mà là một thế giới tràn ngập sự vận động, đổi thay. Các sự kiện mới đang nảy sinh để thay thế cho các sự kiện vừa kết thúc. Thực tại rất nhạy cảm với các điều kiện ban đầu nhỏ bé không ai để ý. Nhưng chính những thay đổi nhỏ bé đó một khi được tích lũy lại sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao không ai có thể cản được. Các nhà khoa học gọi đó là hiệu ứng con bướm: một cánh bướm vỗ nhẹ ở đỉnh Fanxipăng có thể gây ra một trận bão khủng khiếp ở rừng Amazon tận Nam Mỹ. Dẫn giải này thật khó hiểu nhưng nếu ta chú ý rằng mọi thay đổi dù to lớn đến đâu cũng xuất phát từ những thay đổi nhỏ xíu ban đầu nếu những thay đổi nhỏ xíu đó là thay đổi tất định. Những gì không hiểu được thì vẫn có thể cảm nhận được.
Cái mà chúng ta tưởng là bất động thực ra gồm vô số vận động: những dích dắc, những lộn xộn, những phân rã hay ngược lại, những thu hẹp, dao động xung quanh những trạng thái cân bằng tạm thời (chính sự cân bằng tạm thời ấy tạo ra các vật thể). Chỉ có hiện tượng thay đổi liên tục và không ngừng mới là không thay đổi thôi. Hay nói theo cách nói của các thiền sư: Mọi chuyện đều vô thường, chỉ có vô thường mới thường hằng. Nhận thức vô thường là điều duy nhất chúng ta có thể sở hữu lâu bền. Trái Đất có vẻ như vẫn thế, bầu trời có vẻ như vẫn thế, đôi khi có cả động đất hay sóng thần - nhắc rằng không thể xem bất cứ điều gì là không thay đổi. Sự sống là gì nếu không phải vũ khúc nối tiếp nhau của những hình thái nhất thời? Thực tại là “sự toàn vẹn liên tục trong vòng biến dịch”. Cuộc sống hay cái chết chỉ là những khía cạnh khác nhau của “cái toàn vẹn trong vòng biến dịch đó”.
Những đam mê cuồng si, nhiệt tình cháy bỏng, cố gắng không ngừng, danh tiếng lẫy lừng,… cũng giống như những làn sóng. Chúng phải tan đi để truyền năng lượng sang những làn sóng mới. Chỉ còn lại chút hoài niệm. Quá khứ mãi còn vì chúng đã không còn, tương lai bắt nguồn từ đâu đó trong những ngày qua – tức là từ quá khứ; nhờ có mặt trong tương lai mà quá khứ đã chết mà vẫn sống.
3. Sự biến dịch không loạn hướng mà thường theo hướng ngược lại những cái đang hiện hữu, quy luật mà các nhà triết học vẫn gọi là sự chuyển hóa của các mặt đối lập. Ví dụ: cái gì muốn trường tồn thì phải mất đi - cái mất đi nếu là quá lớn lao thì cái hiện hữu cũng thực sự lớn lao nếu xét đến cả những kế thừa từ cái đã mất; điều gì sinh ra tất sẽ chết đi; điều gì được gom góp tất sẽ tan tác; điều gì được tích luỹ tất sẽ cạn kiệt; cái mới sẽ thành cũ; cái gì được ca ngợi sẽ có lúc bị chê bai; cái thành công sẽ dẫn đến thất bại; muốn giận phải yêu, muốn bắt phải thả (binh pháp Tôn Tử); muốn lấy nhiều thì lấy ít thôi,…và ngược lại.
4. Trong biến dịch của thực tại, mọi việc không bao giờ diễn ra 2 lần theo cùng một cách thức. Mỗi thay đổi dù nhỏ xíu ở biến lượng này cũng sẽ gây ra những thay đổi ở các biến lượng khác, vì lẽ chúng đều tác động qua lại, đều thay đổi trong thế đối ứng lẫn nhau. Người ta không thể tắm 2 lần (như nhau) trên cùng một dòng sông vì dòng sông luôn chảy và luôn thay đổi về chất lượng cũng như thành phần sinh vật trong nước.
Sự biến dịch của thực tại được một lí thuyết toán học làm rõ, đó là lí thuyết Nhiễu loạn còn gọi là Chaos.Những luận lí ban đầu của Chaos được đề xuất bởi nhà toán học Henri Poincaré vào thập niên 1880, sau đó được hàng loạt nhà khoa học khác hoàn thiện, đáng chú ý có nhà khoa học Mỹ Edward Lorenz vào năm 1961 khi ông nghiên cứu sự nhiễu loạn của thời tiết. Chaos chính là lý thuyết nhằm miêu tả ứng xử của các hệ hỗn độn, phi tuyến. Chaos chính là cơ chế để khởi phát và tổ chức sự thay đổi. Nó là phương pháp để thực tại sáng tạo nên tính đa dạng, phong phú mà chúng ta đang chứng kiến ở xung quanh.
5. Thế giới có bản chất là sự lộn xộn, vô trật tự. Nhưng dưới cái vô trật tự đó có một “trật tự”. Thuật ngữ “trật tự” này không liên quan với các đặc tính như yên bình, tĩnh lặng hay tốt đẹp, mà thực chất là phương thức, hình dạng, hay cơ cấu tự tổ chức, liên quan đến trạng thái cân bằng tạm thời của hệ thống. Nếu thực tại biến dịch là một cơn bão thì cái gọi là “trật tự” chính là mắt bão. Bão càng lớn thì mắt bão càng rõ. Mắt bão là “sự yên bình” của những luồng gió xoáy dữ dội. Vấn đề sai lầm của chúng ta là khi ngắm mắt bão cứ tưởng là bão đã tan, cũng như khi xem xét các sự vật cứ tưởng là chúng không có biến đổi gì.
6. Nguyên lí biến dịch liên tục là phương cách tồn tại của thiên nhiên. Vấn đề là ứng dụng nguyên lí này vào công tác bảo tồn thiên nhiên như thế nào. Bảo tồn thiên nhiên cũng phải là bảo tồn thích ứng, có nghĩa là lí thuyết và phương pháp bảo tồn cần luôn luôn được thay đổi để thích ứng với những biến đổi của các đối tượng được bảo tồn. Nếu trước đây loại hình khu bảo tồn thiên nhiên của IUCN là một tiến bộ thì nay nó đã trở thành lạc hậu hơn so với hình thức khu dự trữ sinh quyển của UNESCO. Chúng ta biết rất rõ các loài đang chống chọi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng hình như các lí thuyết bảo tồn thiên nhiên hiện có vẫn khá khô cứng, vẫn giống như cả mấy chục năm trước đây khi vấn đề biến đổi khí hậu còn chưa đủ rõ. Trong bối cảnh đó khái niệm hành lang xanh trong bảo tồn để cho phép động vật hoang dã tự do di cư có thể là một mô hình bảo tồn mới và thích hợp, nhưng không chắc đã khả thi do sự ham thích đến bệnh hoạn của con nguòi đối với động vật hoang dã.
Chúng ta ít chú ý đến những biến đổi nhỏ trong tự nhiên, thường thì các nhà quản lí chỉ hành động khi những biến đổi đó đã trở thành sự cố. Vai trò của dự báo khoa học trong công tác bảo tồn vì vậy cần được chú ý đúng mức. Trong quá khứ, nếu chú ý đủ mức đến các cảnh báo về ốc bươu vàng, hay virus taura đi theo tôm thẻ chân trắng, thì tình hình sẽ khác. Cũng như vậy, sự thiếu chú ý đến cây bìm bôi hiện nay chắc chắn sẽ là sự trả giá đắt trong tương lai. Thực tại biến động không phù hợp với cách quản lí khô cứng.
Xin một lời nhắn nhủ cuối cùng: Do thực tại biến đổi không ngừng, xin hãy quý những phút giây của cuộc sống này. Mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười mà quý vị nhìn thấy, mỗi miếng cơm mà quý vị ăn,… là cái mà quý vị gặp duy nhất 1 lần trong đời. Chúng sẽ khác đi ở lần gặp sau.
Những nguyên lí của thực tại 5: Nguyên lí Tương cầu
Mọi tập hợp gồm từ 2 yếu tố trở lên sinh ra đều là nhờ tương cầu giữa các yếu tố, còn được gọi là cơ duyên. “Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng” (ca dao).
1. Tương cầu hay cơ duyên. Tấm ảnh trên đây được chụp từ “tiểu sa mạc”, một cồn cát đỏ trơ trụi ở khu du lịch Mũi Né tỉnh Bình Thuận. Trước đây đã có rất nhiều dự án đầu tư vào trồng cây phủ xanh dãy cồn cát trơ trụi này nhưng đều thất bại. Một doanh nghiệp du lịch đưa ra ý tưởng: giữ nguyên trạng thái trơ trụi của dãy cồn cát đỏ này, thậm chí còn nhổ cả một số khóm cây rải rác để làm du lịch và giáo dục môi trường về các vấn đề sa mạc hóa. Tiểu sa mạc ra đời và thu hút ngày càng đông du khách từ mọi miền đất nước.
Nhưng xin hãy để ý đến mấy cây rất xanh tốt trên tiểu sa mạc này. Tại sao chúng vẫn rất xanh tốt trong khi hàng ngàn cây khác cùng trang lứa đã chết héo hay bị vặt trụi? Tại sao chúng mọc chỗ đó mà không mọc chỗ khác? Câu trả lời thường là: ngẫu nhiên thôi.
Chúng ta vẫn thường học một ngành nhưng thành danh được lại nhờ cái nghề học sau này; anh A rất yêu …mấy chị kiểu như thế này nhưng kết cục lại lấy chị kiểu kia; anh B rất thích con gái nhưng đẻ mấy đứa lại toàn con trai; trời mưa tầm tã mấy ngày đêm nhưng khi làm lễ vinh danh một cây di sản thì lại hửng, rồi khi lễ kết thúc lại mưa tiếp,… tất nhiên chuyện đó vẫn là ngẫu nhiên thôi. Vấn đề là tại sao chuyện ngẫu nhiên ngoài dự tính lại nhiều đến thế. Cái gì thường xảy ra cũng phải có một quy luật gì đó chi phối chứ?
May mắn thay những cái gọi là ngẫu nhiên quả thật không hề ngẫu nhiên. Xin Quý vị hãy xem xét các thông tin dưới đây về hai phát hiện khoa học nổi tiếng mà không mấy người để ý: định lí Bell và nguyên lí Foucault.
2. Định lý Bell. Cho hai điện tử vào 2 buồng phát điện tử, kín, không tương tác được với nhau; 2 điện tử lúc đầu quay loạn xị với spin (trục quay) không định hướng; nếu chúng ta định hướng trục quay 1 trong 2 điện tử thì lập tức điện tử kia cũng định hướng theo nhưng ngược chiều. Năm 1964, nhà vật lý J.S. Bell đã cho công bố một bằng chứng toán học gọi là định lý Bell: “Vũ trụ là một chỉnh thể, các bộ phận của nó đều liên quan với nhau”. Theo định lý này, các hạt hạ nguyên tử liên kết với nhau một cách phi thời gian và phi không gian, thể hiện ở chỗ bất kỳ điều gì xảy ra cho một hạt cũng tác động đến các hạt khác ngay lập tức. Mối tương tác này không hề được thực hiện nhờ lực hay năng lượng. Nhờ cái gì?
3. Thí nghiệm con lắc Foucault: Nhà vật lý Pháp Léon Foucault, 1851, gắn một con lắc vào đỉnh vòm điện Panthéon ở Paris. Sau khi thả cho dao động, ông thấy mặt phẳng dao động của con lắc quay hết 1 vòng sau nhiều giờ. Ông chứng minh rằng mặt phẳng dao động của con lắc thực ra không thay đổi mà là Trái Đất quay. Mặt phẳng dao động của con lắc hoàn toàn trùng với và được khống chế bởi đám thiên hà xa nhất, ở tận rìa vũ trụ, cách Trái đất hàng tỷ năm ánh sáng. Rõ ràng cái được chuẩn bị xảy ra trên Trái Đất được quyết định trong khoảng không vũ trụ, phụ thuộc vào tổng thể cấu trúc vũ trụ - hệ thống lớn của chúng ta mà không qua bất cứ lực hay năng lượng nào thuộc loại đã biết.
Thí nghiệm về con lắc Foucault cho thấy tồn tại một mối tương tác khác hoàn toàn với các định luật vật lý hiện có: tương tác này hoàn toàn không xuất hiện lực hay trao đổi năng lượng, nhưng gắn kết toàn bộ vũ trụ của chúng ta với nhau thông qua một cách thức lạ lùng. Mỗi một bộ phận của vũ trụ đều mang tính tổng thể và đều phụ thuộc vào những bộ phận khác.
Các bộ phận phụ thuộc lẫn nhau vì chúng cùng tồn tại trong một thực tại mang tính thống nhất, vận hành theo quy luật Tương cầu hay Duyên Khởi : cái này chỉ tồn tại khi cái kia tồn tại, chỉ thay đổi khi cái kia thay đổi.“Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”- Đó cũng chính là một nguyên lí Thiền học thường được gọi là nguyên lý “Duyên Khởi” (Cơ Duyên) mà các Thiền sư đã “ngộ” được bằng con đường Thiền tập, không phải thực nghiệm khoa học, từ rất lâu.
4. Vậy thì ngẫu nhiên tức là không ngẫu nhiên, chúng ta cho là ngẫu nhiên chỉ vì chẳng biết chúng được vận hành ra sao, chỉ vì chúng ngoài tầm kiểm soát và dự định của chúng ta. Liệu chúng ta có cơ duyên gì với cái bụi cây mọc trước cửa, với con suối chảy róc rách mé rừng, với chú gà gáy le te đâu đó mỗi sáng? Chúng ta vẫn được dạy rằng chẳng có liên quan gì cả. Chúng ta cần chặt thì cứ chặt, cần thịt thì cứ thịt, cần phá thì cứ phá. Con người được dạy dỗ là chủ nhân, là trung tâm của thế giới. Ý muốn của chúng ta là tối cao, nhất là những ý muốn được khoa học công nghệ chứng minh là hay, là an toàn.
Mọi thứ sinh ra trên đời đều do cơ duyên của chúng, đều do sự tương cầu với các thứ khác. Định lí Bell, con lắc Foucault, hay nguyên lí Cơ duyên liệu có nói lên điều gì để cảnh tỉnh con người không?
Để tham khảo thêm về các bài trong chuyên mục xin xem các link bên dưới
Bài đề dẫn “35 ý tưởng triết lý môi trường”
Những lý lẽ của thiên nhiên: 5 bài phần 1
Những lý lẽ của thiên nhiên: 5 bài phần cuối
Dr. Cà Xáy VACNE
Lượt xem : 1073