Vietnamese English
Những người giữ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

6/25/2021 7:21:00 AM

Là khu bảo tồn thiên nhiên thứ 5 của tỉnh Sơn La được thành lập từ năm 2016, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (KBTTN) nằm trên đỉnh Sam Síp, thuộc bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Nơi đây đang lưu giữ hệ sinh thái rất đa dạng, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ, cung cấp nguồn nước trực tiếp cho các nhà máy thủy điện trong khu vực, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, PCCCR.

Giữ gìn tính đa dạng sinh học

Nằm cách biệt trên đỉnh Sam Síp, không khí nơi đây luôn mát mẻ, khác hẳn cái nắng oi bức tháng 6 tại trung tâm huyện Mường La. Trạm chính của Ban quản lý KBT chỉ cách trung tâm huyện khoảng 20km, nhưng con đường gập ghềnh, nhiều sỏi đá rất khó đi, do bị tàn phá nghiêm trọng từ đợt lũ lịch sử tại huyện Mường La năm 2017.

Ông Hoàng Trọng Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý KBT, cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La trải rộng trên địa bàn 3 xã Ngọc Chiến, Hua Trai, Nậm Păm của huyện Mường La. Tổng diện tích quy hoạch KBT hơn 17.000ha, gồm 3 phân khu: Khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 8.000ha, khu phục hồi sinh thái 9.000ha, khu dịch vụ hành chính hơn 31ha. Theo đánh giá của các chuyên gia, KBTTN Mường La là một trong các khu có tính đa dạng cao về giá trị sinh thái và loài của khu vực Tây Bắc Việt Nam.

Để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban quản lý KBT đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, PCCCR. Từ năm 2020 tới nay, đã tổ chức 82 cuộc họp với trên 8.000 lượt người nghe, quán triệt tới 4 xã vùng đệm khu bảo tồn. Ký cam kết bảo vệ, PCCCR với hơn 2.000 hộ dân thuộc 29 bản vùng đệm khu bảo tồn. Tổ chức 3 buổi tuyên truyền về bảo vệ rừng và thiên nhiên gắn với sinh hoạt ngoại khóa của học sinh khối THCS của 3 xã.

Đặc biệt, để bảo vệ tính đa dạng sinh học nơi đây, Ban quản lý KBT đã thực hiện đầy đủ các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, hỗ trợ các bản vùng đệm để tăng thu nhập, sinh kế cho người dân để không tác động tới KBT. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất bằng việc cấp cây giống ăn quả, cây công nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng.

Thường xuyên phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động điều tra đa dạng sinh học.

Cùng với đó, đã phối hợp với Trường Đại học Tây Bắc, Viện lâm sinh thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam điều tra đa dạng sinh học, các loài thực vật quý hiếm tại KBT, là cơ sở cho việc nghiên cứu, nhân giống và trồng lưu giữ nguồn gen.

Trong năm 2020, đã tiếp nhận và chăm sóc 4 cá thể khỉ, tiếp nhận và tái thả về rừng 4 cá thể dúi. Tổ chức nghiên cứu, nuôi dưỡng, thuần hóa 2 cá thể hoẵng F1. Sưu tập và trồng thử nghiệm một số loài lâm sản ngoài gỗ quý hiếm như đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân tím, ba kích, hoàng tinh…

Theo dõi quan sát đặc tính sinh học và tình hình sinh trưởng của loài vượn đen tuyền. Kết quả, đã ghi nhận được các cá thể vượn tại 1 số khu vực và 4 loài thực vật là thức ăn của vượn.

Triển khai các phương án bảo tồn, phát triển rừng bền vững.

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, Ban quản lý KBT có 20 cán bộ, viên chức, chia thành 3 tổ bảo vệ rừng đóng trên địa bàn 3 xã. Ban cũng đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho 19 cộng đồng bản, 1 tổ bảo vệ rừng và 1 hộ gia đình, với tổng diện tích đất có rừng gần 12.000ha.

Bản Ít, xã Nặm Păm là một trong các cộng đồng bản được Ban quản lý KBT giao khoán bảo vệ rừng. Anh Tòng Văn Bương, Phó Trưởng bản kiêm Công an viên bản chia sẻ: Bản Ít có 15 người trong đội quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, được giao khoán bảo vệ trên 800ha rừng. Diện tích rừng này được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm, do đó, mọi người dân trong bản đều có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng, không xâm hại đến rừng. Người dân bản bảo nhau cùng chung tay bảo vệ rừng, không săn bắt, giữ gìn các loại động, thực vật quý hiếm trong rừng.

Triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, PCCCR tới người dân.

Nỗ lực bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với các tổ đội bảo vệ rừng của bản tổ chức tuần tra rừng; kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng của các cộng đồng bản nhận khoán để kịp thời phát hiện các trường hợp xâm phạm trái phép đến khu bảo tồn.

Trong quá trình tuần tra, cũng đã phát hiện có trường hợp một số hộ dân tự ý vào rừng khai thác lâm sản phụ để chế biến thức ăn, mang dụng cụ trái phép vào rừng. Tổ công tác đã kịp thời nhắc nhở và ký cam kết với các hộ dân, ban quản lý bản không được tái phạm. Trong năm 2020, đã phát hiện 2 vụ xâm hại trái phép đến rừng, 4 vụ vận chuyển lâm sản trái phép… Từ đầu năm 2021 đến nay, đã kiểm tra, xác minh hiện trường, báo cáo và đề nghị Hạt kiểm lâm Mường La xử lý nghiêm 7 trường hợp có hành vi xâm hại trái phép đến rừng.

Tại KBT đã tiếp nhận và chăm sóc 4 cá thể khỉ.

Chia sẻ thêm về những khó khăn, vất vả trong quá trình giữ rừng nơi đây, Phó Giám đốc Ban quản lý KBT Hoàng Trọng Thắng nói: Do địa hình trải dài trên địa bàn 3 xã, và là điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, địa hình dốc, chia cắt mạnh, nhiều suối, vực sâu nên gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm tra quản lý bảo vệ rừng. Vùng lõi khu bảo tồn nằm giáp ranh với khu chăn thả gia súc của các bản thuộc các xã của huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái) nên việc quản lý, bảo vệ rừng, kiểm soát các tác động tiêu cực đến rừng, quản lý lửa rừng các khu vực nói trên gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, do chưa được thành lập Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn nên việc chấp hành pháp luật về quản lý bảo vệ rừng tại đây còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là công tác kiểm soát vận chuyển lâm sản, xử lý, điều tra các vụ xâm phạm trái phép đến rừng.

KBTTN Mường La có tính đa dạng cao về giá trị sinh thái và loài.

Qua thống kê sơ bộ, về dạng thực vật rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La hiện có 622 loài thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, có 27 loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới IUCN 2010 và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Về đa dạng động vật, KBT đã thống kê được 323 loài thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp: Thú, chim, bò sát, lưỡng cư. Trong đó, có 51 loài quý hiếm.

Đặc biệt, một số loài có giá trị bảo tồn cao như: Vượn đen tuyền, niệc cổ hung, niệc nâu, sóc bay, khỉ, cầy vằn bắc, sơn dương, báo đốm, gấu… Ngoài ra, còn một số loài lưỡng cư quý hiếm khác.

Nguyễn Nga

Nguồn: Báo Tài Nguyên và môi trường

Lượt xem : 1662