Những người đội nắng, “canh gác” không công, bảo vệ khỉ Sơn Trà
3/7/2021 7:29:00 AM
Vừa thấy một chiếc xe máy dừng bên lề đường, cạnh Miếu Đôi đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, anh Lê Khả Thiện theo dõi không rời mắt. Và chỉ cần thấy bất kì ai bước xuống xe mà mang theo thức ăn hay tìm khỉ là anh nhanh nhẹn chạy đến nhắc nhở ngay. Cứ như vậy, gần nửa tháng nay, nước da của anh đã sạm đi vì rám nắng, canh gác cho những đàn khỉ vàng Sơn Trà.
“Ông chủ” đi làm tình nguyện viên
Từ sau Tết Nguyên đán 2021, nhiều người dân Đà Nẵng đã dần quen với sự xuất hiện của những tình nguyện viên trong màu áo trắng xanh với những dòng thông điệp “Hãy dừng ngay hành động cho khỉ ăn”. Họ làm việc không công, thậm chí là gác lại công việc riêng để canh gác, bảo vệ đàn khỉ vàng Sơn Trà trước sự tác động của con người.
Việc người dân và khách du lịch cho khỉ ăn những năm qua diễn ra rất nhiều. Trong khi đó, từ Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển thành phố đến kiểm lâm dù có nhiều biện pháp nhưng một phần vì ý thức người dân còn chưa cao, phần vì nhân lực của mỗi đơn vị đều có hạn nên Ban quản lý đã kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ. Thời gian làm việc của các nhóm tình nguyện viên là từ 8h đến 10h sáng, chiều là 15h đến 17h chiều.
Biết thông tin này, dù đang là chủ của một cửa hàng điện tử viễn thông nhưng anh Lê Khả Thiện, sinh năm 1983, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng bàn với vợ đăng ký tham gia. Bất ngờ hơn, anh Thiện nhận được sự ủng hộ của gia đình. Vậy là từ sau Tết, anh gác công việc lại, từ ông chủ chuyển nghề sang làm “ông vác tù và hàng tổng” với nhiệm vụ nhắc nhở người dân không cho khỉ ăn.
Đến nay, nhắc đến việc bảo vệ khỉ, anh Thiện cho biết: “Cứ giờ tan trường, nhiều phụ huynh lại đưa con đến đây xem khỉ, mang theo thức ăn như bánh kẹo, trái cây để dụ bầy khỉ ra cho ăn để trêu ghẹo, chụp ảnh. Đoạn đường khu vực Miếu Đôi trải dài theo mép rừng, người dân bị nhắc nhở ở đây lại chạy đi đoạn khác. Tôi cũng phải lấy xe chạy theo, nhắc nhở một lần không được thì nhắc đến khi nào họ đi thì thôi”.
Đang trò chuyện nhưng thấy bóng xe máy nào lướt qua mà giảm tốc độ, anh Thiện quay nhìn theo. Một gia đình đưa theo 2 con nhỏ đang chỉ trỏ bầy khỉ gần đó, trên tay một em có mang theo bánh kẹo, anh Thiện liền đến nhẹ nhàng nói: “Con đừng cho khỉ ăn, sẽ làm mất tập tính của nó. Con khỉ sống ở trên rừng đã tự biết kiếm ăn rồi. Hôm nay con cho khỉ ăn mà lần sau người khác không cho thì có lúc, khỉ hung dữ lên sẽ làm con bị thương”. Đứa trẻ nghe anh nói xong liền cất bánh kẹo, ngoan ngoan theo ba mẹ lên xe rời đi.
Thế nhưng, cũng không ít lần anh Thiện và các tình nguyện viên nhận được cái nhìn khó chịu hay có lời qua tiếng lại của người dân. Những lúc như vậy, anh Thiện vẫn kiên nhẫn giải thích.
Bảo vệ những điều quý giá cho thành phố
Một trong những tình nguyện viên đáng chú ý trong hoạt động nhắc nhở người dân không cho khỉ ăn ở Sơn Trà là chị Thanh Ngọc Trúc, sinh năm 1985. Trước khi Ban quản lý kêu gọi tình nguyện viên thì chị Trúc đã có hơn 3 năm gắn bó với các hoạt động bảo tồn tại Sơn Trà và là thành viên của nhóm cứu hộ động vật hoang dã tại đây.
Từng chứng kiến và chính tay cứu giúp những chú khỉ bị thương do tai nạn xe khi tràn xuống đường chờ thức ăn, chị Trúc hiểu rõ sự nguy hiểm của hành động cho khỉ ăn một cái bánh hay quả táo. Chính vì vậy, ngay khi có thông báo của Ban quản lý, chị ủng hộ nhiệt tình.
Là thành viên nữ nhưng chị Trúc chẳng ngại nắng gió dù là ca trực sáng hay chiều. Thậm chí, hết ca trực nhưng biết ở địa điểm nào hay có người dân cho khỉ ăn, chị Trúc cũng tự mình lên đến nơi để “canh chừng”. Việc cứu hộ và bảo vệ khỉ Sơn Trà gần như chiếm toàn bộ thời gian của chị Trúc.
Thế nhưng chia sẻ về Sơn Trà, về khỉ, chị Trúc lại có thể kể hàng giờ: “Mặc dù bảng hiệu, quy định đã được đặt khắp nơi nhưng một lời nhắc nhở, giải thích của tình nguyện viên lại khiến người dân hiểu rõ hơn.
Tôi muốn mọi người biết rằng chúng ta cần tôn trọng tự nhiên. Thời gian qua chúng ta căng mình chống dịch COVID-19, một bệnh viêm phổi nhưng lại không biết rằng Sơn Trà cũng là một lá phổi xanh cần được bảo vệ bằng một hành động rất nhỏ là đừng cho khỉ ăn, hãy để chúng sống với tự nhiên, với tập tính của mình. Đừng vì một bức ảnh mà khiến những con khỉ rời bỏ núi rừng để trông chờ vào con người”.
Thùy Trang/Báo Lao Động
Lượt xem : 1651