Vietnamese English
Những ngư dân chọn sống xanh

3/30/2021 6:29:00 AM

Cháy bỏng niềm mong mỏi biển luôn trong xanh, phía bờ không còn rác, nhất là rác thải nhựa, nhiều ngư dân ở một số làng chài ven biển Khánh Hòa xem việc tự nguyện làm sạch biển như làm sạch chính ngôi nhà của mình. Với họ, thói quen ấy đã trở thành mục tiêu, giúp chất lượng đời sống tăng lên đồng thời có thể hòa quyện với tự nhiên.

 

Tình nguyện viên dọn rác ở Ninh Hòa. Ảnh: THÁI THỊNH


“Thôn chài không rác”

Trước đây đến những bãi biển ven thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), tôi có ấn tượng không tốt bởi rác thải nhựa tràn lan. Giờ đến thôn Bá Hà 1, xã Ninh Thủy, điều đó không còn nữa. Tôi đã gặp những người dân đẩy lùi… rác thải. Một trong số đó là ông Lê Văn Tám. Đã gần hai năm nay, cứ bình minh ló rạng hay trời chuẩn bị tối, ông Tám cần mẫn dành thời gian nhặt nhạnh từng cọng rác quanh nhà mình và trên bãi biển. Ông Tám chia sẻ: “Giữ cho sạch thôn, sạch biển là trách nhiệm của người dân chúng tôi. Khách đến thôn sẽ cảm thấy vẻ sạch sẽ, sự tinh tươm. Nhiều người tặng thôn Bá Hà 1 danh hiệu “Thôn chài không rác”. Chúng tôi rất tự hào với tên gọi này”.

Hướng về phía những con thuyền gần bờ, những chiếc tàu xa xa, ông Tám bày tỏ, ngày nay cả thôn Bá Hà 1 xem biển như người mẹ lớn bao bọc và mang lại ân huệ, cho dân những vụ mùa bội thu tôm, cá. Niềm vui ấy tôi cũng nhận thấy trên khuôn mặt ngư dân Nguyễn Thành. Ngồi bên tấm lưới vá dở trong bóng chiều thanh mát, chỉ tay ra phía bãi cát, anh bộc bạch: Trước kia vẫn có người xả rác, chất thải. Nhưng rồi, có những trận bão biển cuồng nộ, nước dâng cao, chính chất thải, rác thải nhựa mình đổ ra lại trôi ngược về thôn hoặc các thôn lân cận. Nguy cơ bệnh tật phát sinh. Từ đó, người nọ nói với người kia và cam kết với thôn giữ cho biển sạch nhất có thể. “Ai có nhiều thời gian thì đóng góp nhiều thời gian, ai ít thì đóng góp phần nhỏ. Trách nhiệm mà. Ăn của biển, sống bởi biển thì phải bảo vệ biển chứ!”, ông Thành nhấn mạnh.

Một cách đóng góp khác, như thói quen tập rèn sức khỏe, chiều nào ngư dân Nguyễn Thị Lệ cũng cần mẫn phân loại các chất thải và hướng dẫn con em trong thôn bỏ ngay ngắn vào những thùng nhựa cho lực lượng thu gom rác đến mang đi chứ không còn vứt bừa bãi như trước. Bà Lệ đúc rút: “Làm sạch biển cũng phải có kinh nghiệm. Dọn rác thải ở biển khác với rác thông thường vì có khi rác vùi trong cát, mình phải có cào, nĩa sắt xới cát lên mới lấy ra được. Có những mùa bão tố, mưa lớn, rác khắp nơi tràn về đen kín cả một dải dài. Nhiều người cũng tỏ ra ân hận khi không làm việc này sớm hơn”. 

Để nhắc nhở nhau, ở con đường chính từ thôn Bá Hà 1 dẫn ra biển, các lão ngư dân còn dựng tấm biển lớn ghi rõ các quy định cấm đánh bắt hủy diệt, cấm xâm hại biển, cấm làm biển ô nhiễm... Tấm biển lớn ấy cũng như lời nhắc nhở cháu con, giúp phong trào dọn rác được lan tỏa. 

Ông Trần Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy cho biết: Không chỉ thôn Bá Hà 1 mà nhiều thôn khác cũng được vận động làm sạch cho biển như thôn Ngân Hà, Thủy Đầm, tổ dân phố Mỹ Á... và vài xã lân cận. Làm nghề ngư, lượng chất thải khá nhiều. Nhưng nếu ai cũng thay đổi nhận thức xem làm sạch biển là hành động cần có mỗi ngày thì tình trạng ô nhiễm sẽ được đẩy lùi, nguy cơ dịch bệnh từ ô nhiễm sẽ không còn nữa. 

Tạo phong trào, thay đổi ý thức

Giờ đây, đến thôn Ngân Hà (phường Ninh Thủy) chúng tôi cũng được người dân vui mừng chia sẻ, thôn đã được mệnh danh là “Thôn chài không rác” bởi bãi biển, đường ven đã sạch sẽ. Trước đây, người dân trong xã thường bị đau mắt đỏ, mắc bệnh ngoài da vì ngụp trong làn nước ven bờ để đánh bắt. Giờ đây, rác và ô nhiễm không còn, bệnh cũng lui. Điều thú vị, mỗi ngư dân như một “công nhân” nhặt rác. 

Những ngư dân chọn sống xanh -0

Hội Phụ nữ phường Ninh Thủy tích cực đẩy lùi rác thải nhựa. 

Anh Trần Anh Tuấn, cán bộ Đoàn phường Ninh Thủy chia sẻ: Từ những đợt nước dâng cao hay sau mỗi trận bão, rác hình thành như núi, nếu chỉ lực lượng công nhân môi trường đô thị thu gom thì không xuể. Từ ba năm trước, địa phương kêu gọi tổng lực các thanh niên và chiến sĩ biên phòng, người dân trong thôn… cùng làm sạch môi trường biển. Có người làm xuyên từ ngày nọ sang ngày kia, sau khi nhìn lại thành quả và sự sạch đẹp quanh nơi mình sinh sống đã cảm thấy phấn chấn. Sau vài đợt như thế, Đoàn Thanh niên phường Ninh Thủy quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Thanh niên vì môi trường, chống rác thải nhựa”. 

Lúc đầu, CLB chỉ có chưa đến chục người tham gia. Vì lực lượng mỏng nên CLB chọn thôn Ngân Hà, một trong bốn thôn biển làm điểm và vận động người dân chung quanh cùng tham gia. CLB “Thanh niên vì môi trường, chống rác thải nhựa” hằng tuần đều tổng dọn vệ sinh ven biển, tuyên truyền vận động sâu sắc đến các ngư dân bảo vệ biển như bảo vệ cuộc sống. Thấm vào ý nghĩ, nhiều ngư dân cũng lập thành các nhóm vệ sinh và hưởng ứng nhiệt tình các phong trào làm sạch  môi trường. Thấy việc làm của CLB mang lại nhiều lợi ích, người dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều tổ, đội tình nguyện cũng nhanh chóng hình thành và hoạt động có hiệu quả. Bà Hồ Thị Dưng (thôn Ngân Hà) nói: Phong trào là một chuyện, quan trọng là qua mỗi phong trào, người dân thấy mình được hưởng lợi từ cảnh quan, môi trường sạch sẽ và tự ý thức gìn giữ môi trường chung.

Như trường hợp ngư dân Lê Văn Tr. (thôn Ngân Hà), trước đây vẫn bỏ rác bừa bãi. Sau khi được tuyên truyền đã từ bỏ thói quen xấu được hơn một năm qua. Ngư dân Lê Văn Tr., tâm tình: Giờ nếu vứt rác bừa bãi, tôi sẽ cảm thấy có lỗi với người chung quanh. Mà có khi rác mình vứt ra, thủy triều lên lại đánh rác vào chính nhà mình hoặc người thân. Không chỉ tôi mà cả họ hàng, bạn bè cũng từ bỏ thói quen xấu ấy rồi. Hăng hái tham ra dọn dẹp cùng các “chiến sĩ” áo xanh tôi thấy khỏe khoắn hơn và như được tiếp thêm năng lực tích cực. 

Sạch thôn, sạch bãi biển và sạch trong cách nghĩ, cách phục vụ nên khách du lịch đã đến với miền biển này đông hơn. Đó là hiệu quả rõ ràng từ những việc làm thân thiện với biển. Ông Nguyễn Duy Hiệu, khách du lịch thường xuyên đến Ngân Hà chia sẻ thêm: Thấy biển sạch đẹp, ngư dân mến khách nên mỗi lần đến dã ngoại ở đây, chúng tôi còn tổ chức cho các nhóm khách hòa mình cùng ngư dân trải nghiệm việc dọn vệ sinh. Dọn xong rồi thưởng thức các món ăn địa phương rất thú vị. Trong tương lai kết nối được các “Làng chài không rác” với các tour du lịch sẽ kích thích thêm sự phát triển kinh tế cho địa phương. Hay ông Pie Thomas, du khách Anh, thường xuyên nhặt rác ở Khánh Hòa, cũng thích thú cho biết: Đến các làng chài ở Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng tôi rất ấn tượng với sự cần mẫn, chịu khó và nghĩa tình của người Việt Nam. Được hưởng môi trường trong lành, tôi rất cảm kích và tự tay nhặt rác cùng ngư dân như thể góp chút sức nhỏ của mình vào nơi đến. Có nơi đến rồi lưu luyến mãi.  

Ấy thế nhưng, Ninh Thủy vẫn còn gặp khó khăn về công tác thu gom, xử lý rác. Trao đổi với chúng tôi, ông Mông Trung Khoa, Trưởng thôn Ngân Hà, kiến nghị: “Hiện nay các xe rác chưa thực hiện đúng cam kết lấy rác thường xuyên. Thôn đề nghị khi nhân rộng mô hình, phường Ninh Thủy cần làm việc với đơn vị hợp đồng để lấy rác thường xuyên, vì nếu người dân không thấy xe chở rác đi qua thì sẽ quay lại vứt rác như cũ”.

Bà Đoàn Thị Lực, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ninh Hòa: 

Không chỉ các ngư dân, thanh niên mà các cấp hội phụ nữ ở thị xã Ninh Hòa cũng đẩy mạnh việc làm sạch biển, xóa bỏ rác thải nhựa thành các phong trào ở địa phương. Chúng tôi luôn khích lệ các cơ sở hội, các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, hội viên chung tay hành động, tập trung loại bỏ rác thải nhựa, nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong tham gia bảo vệ môi trường. Có những thời điểm, hội viên và nhân dân các phường trọng điểm về biển như: Ninh Hải, Ninh Thủy, Ninh Diêm… đã đồng loạt ra quân thu gom rác thải trên các tuyến đường; dọc bãi biển; các khu dân cư. Môi trường sạch góp phần không nhỏ trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống.

ĐÔNG HƯNG/Nhandan

Lượt xem : 1029