Vietnamese English
Những lý lẽ của Thiên nhiên: 5 bài phần cuối

10/23/2023 10:10:00 PM

(VACNE) – Trong bài trước chúng tôi đã đưa ra 5 bài đầu trong mục “Những lý lẽ của Thiên nhiên” thuộc loạt bài chuyên đề “35 ý tưởng triết lý môi trường”. Trong bài này chúng tôi tiếp tục đưa ra 5 bài cuối trong mục Những lý lẽ của Thiên nhiên gồm (6) Cái lí của đỉnh núi già, (7) Cái lí của biển, (8) Cái lí của con cua, (9) Cái lí của khoảng đệm và (10) Cái lí của mùa thu.

Bài 6: Cái lí của đỉnh núi già

Có đỉnh núi già. Có đỉnh núi trẻ. Đỉnh loại nào cũng là sự suy ngẫm, cũng là chứng nhân những thăng trầm. Đỉnh loại nào cũng luôn biến động vô thường. Cần ngộ được những suy nghĩ của chúng.

1. Lão phu là một đỉnh núi, hơn nữa là một đỉnh núi già và trọc. Già thì đỉnh tròn và khá bằng phẳng. Bọn đỉnh núi trẻ ranh thì dù cao hay thấp cũng nhọn hoắt và lởm chởm. Trọc vì đỉnh cao trên 1000m nên ít khi có mây phủ, còn rừng thì chủ yếu là loại cây lùn lắm rêu (còn có tên là rừng rêu hay rừng thần tiên). Mây thường chỉ xuất hiện ở độ cao xấp xỉ 1000m thôi, nên đỉnh núi loại lão phu đây thường quang đãng, mát mẻ. Do vậy dù già nhưng lão phu khá minh mẫn và tỉnh táo.

Thật khó mà tưởng tượng sau gần cả ngày leo trèo vất vả, khi đến đỉnh du khách lại gặp một cảnh quan khá bằng phẳng, có chỗ như một sân đá bóng tự nhiên, với những đồi thoải, những dòng suối quanh co uốn lượn. Các nhà địa lí gọi cảnh quan đó là một dạng “ đồng bằng trên núi cao”. Thực ra cái gọi là “đồng bằng” đó là một loại bề mặt san bằng kiếp trước của lão phu chưa bị xâm thực bóc mòn hết. Đó là do lão phu bị dâng cao quá nhanh nên các quá trình xâm thực chưa kịp phá hủy hết bề mặt đó. Vài nét phác họa để quý vị thấy rằng lão phu thuộc hàng chín chắn trong tư duy và trong cả diện mạo đời thường.

2. Phong cảnh ngắm từ đỉnh núi rất lạ. Không thấy được người và xe cộ, thậm chí không thấy nhà cửa và phố xá. Con người và những thứ mà họ tự hào vì đã sáng tạo ra dường như biến mất trong cái nhìn của lão phu. Một danh họa đời Tống bên Tàu đã từng nói: “Núi nhìn từ xa không có đá, cây nhìn từ xa không có lá, người nhìn từ xa không có mắt”. Câu nói này đã trở thành nguyên tắc vẽ tranh thủy mạc, còn có tên là tranh thiền. Bỏ qua những cái vặt vãnh và biến đổi nhanh, cảnh quan dưới cái nhìn của lão phu là ít biến đổi hơn cả, trong một thế giới vô thường.

3. Du khách thích lên đỉnh núi không chỉ vì không khí mát mẻ và trong lành, mà còn vì họ được ngắm phong cảnh từ xa và trên độ cao lớn. Phong cảnh từ đỉnh núi luôn tĩnh lặng, luôn có đường chân trời và luôn có khoảng không gian mờ mờ ảo ảo. Không gian đó là cái Không. Chả thấy trong đó cái gì, nhưng có đủ mọi thứ. Không chính là Có, Có chính là Không, Không ở trong Có, Có ở trong Không,… chính là vì thế. Nếu không tin, du khách cứ ngắm cảnh qua một cái ống nhòm thì sẽ thấy ngay Không biến thành Có như thế nào !

Cây cối cảnh vật trở thành thứ yếu trong bức tranh thủy mạc nhìn từ đỉnh núi. Gần đó, vài ngôi chùa hay khách sạn hay nhà ở nom thật nhỏ bé. Con người nếu xuất hiện cũng nhỏ bé, không có diện mạo gì rõ rệt. Mọi vật nhỏ bé đi, mờ ảo đi chỉ để làm cho người ngắm cảnh đối diện trực tiếp hơn với những nguyên lí của Thực tại. Rằng kiếp người thật ngắn ngủi và phù du, thật chẳng mấy ý nghĩa trước Thực tại. Nếu như họ cho rằng họ rất ý nghĩa, họ rất quan trọng thì chỉ là do họ tự huyễn hoặc mình và đồng loại thôi. Với lão phu, một đỉnh núi già, vĩ nhân hay một con voọc chà vá chân đen cũng như nhau mà thôi (tất nhiên con người không phải đỉnh núi nên họ tư duy khác lão phu). Thời gian trôi đi, mọi cái mọi điều trở nên mờ ảo và chúng là cái gì tùy thuộc người đời sau nhớ và … tưởng tượng ra. Ngay cả lịch sử nước nhà là gì lũ trẻ bây giờ cũng chẳng buồn biết. Chúng rất thông minh và biết đủ thứ, nhất là những gì giúp chúng kiếm ra tiền, nhưng lịch sử nước nhà trong giai đoạn mấy chục năm gần đây thì chúng không cần quan tâm, mà thực ra dù có đứa muốn quan tâm cũng không biết làm cách nào để hiểu cho đúng. Trong khi đó những hiểu biết của lão phu là lịch sử hàng vạn năm, hàng triệu năm thử hỏi có tác dụng gì ?

4. Con người bây giờ hay đến với các đỉnh núi, nhưng không phải tất cả lên núi đều là để suy tư, mà còn để kiếm tiền. Nhiều doanh nghiệp du lịch biến nhiều đỉnh núi uy nghi và hoang sơ thành “tiểu đô thị” với những nhà hàng, những khách sạn, những resorrt. Nhiều nơi không còn đất dành cho đường đi dạo thiên nhiên mà phải đi nối từ hành lang khách sạn này qua hành lang khách sạn khác. Rồi các doanh nghiệp du lịch đã đầu tư lên đỉnh núi cấm đường, bắt du khách phải đi cáp treo của họ, “phi cáp treo bất thăng đỉnh núi” như Bà Nà chẳng hạn. Tổ hợp du lịch biến nhiều đỉnh núi thành một loại chợ. Cũng bởi con người là loài luôn nghĩ đến tiền. Quý vị cứ thử ra đường mà quên ví tiền ở nhà xem quý vị có giống “cái lốp xe xì hơi, đấu sĩ không gươm, kị sỹ không ngựa” không?

5. Vì thế cứ nhìn đỉnh núi là ngộ được ra rất nhiều thứ. Thực tại thực ra chỉ gồm hai loài : loài không biết tiền và loài - gắn - với - và - không - thể - sống - nếu - không - tiền (loài này có tên là loài người – Homo sapiens sapiens). Làm sao loài thứ hai lại có thể hiểu được loài thứ nhất để tiến hành bảo tồn loài thứ nhất ? Ý tưởng này là philosophy (triết lí) của cái Tổ chức có tên là VACNE (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam). VACNE đang cố gắng chứng minh tư duy của lão phu là sai lầm ! Nhưng hình như họ đang đúng. Lão phu già rồi.

 

Bài 7: Cái lí của biển

Biển là gì thì ai cũng nói được, nhưng đa phần là lí lẽ của những người đứng trên bờ ngắm biển mà thôi.

Biển là gì nhỉ? Mọi người bắt đầu quan tâm đến biển khi biển bắt đầu bị người khác dòm ngó và tranh cướp. Dưng mà biển là gì nhỉ?

1. Tiều phu nói: biển chẳng có giá gì! Có mấy cái cây ngập mặn chả bõ bèn, củi cũng khó cháy. Khai quang quách để xây dựng… gì đó còn hơn là để nguyên.

2. Nông phu nói: tiến ra biển! Lúa lấn cói, cói lấn cá, cá lấn biển ! Bãi bồi cửa sông ven biển là vùng hoang hóa, ai khai phá cũng được miễn thuế ít nhất là 5 năm đầu!

3. Mục đồng nói: biển không có bãi chăn thả. Biển là nơi không có cỏ. Biển chẳng đáng giá… 1 con dê còm !

4. Thi nhân ngâm lớn: Biển dịu êm, anh với em như thuyền và biển. Ngày xưa biển không có cát như bây giờ, ngày xưa biển không có sóng vỗ bờ,… (nhưng nói nhỏ: các nhà thơ sáng tác về biển chỉ khi họ đứng trên bờ thôi).

5. Ngư phủ nói: biển là kho tôm cá mực hàu hà nghêu sò sá sủng tảo cua ghẹ ốc ruốc… vô tận. Bắt! Vét! Nổ mìn!

6. Cai thầu xây dựng kiêm nhà quy hoạch: biển ven bờ nước nông thấy đáy, đất cát sẵn bên, lấp biển bán nền kiếm bộn! Lấp! San lấp! San lấp ngay! San lấp dưới 5 ha một dự án không phải lập báo cáo Đánh giá Tác động môi trường.

7. Nhà kinh doanh du lịch biển đảo: Đảo là “cái đinh gỉ”! Chẳng qua là phần đất liền trơ trọi bốn bề sóng nước. San lấp! Xây dựng tiểu đô thị trên đảo! Với khách sạn với nhà hàng với sân golf với sòng bạc với cáp ra đảo với đường ra đảo với hầm ra đảo. Bộn tiền!

8. Nhà Bảo tồn: Biển đẹp lắm quý lắm hiếm lắm! Bảo tồn! Bảo tồn! Bảo tồn!

Vấn đề là ở chỗ những “nhà” nói trên có lúc trúng số, trở thành những người có quyền lực, cầm cân nảy mực. Và những tư duy của họ trở thành chính sách hay quyết định pháp luật về biển đảo. Cứ như biển là cái ao lớn.

9. Cái lí của biển

Trước hết biển là mẹ của đất, chính xác hơn là mẹ của đa phần đất liền. Giới địa chất chứng minh rằng phần lớn diện tích địa cầu bị bao phủ bởi các tầng đá trầm tích chứa hóa thạch sinh vật biển, ngày xưa các đá này là trầm tích trên đáy biển. Họ còn chứng minh rằng dù bao biến đổi, tỉ lệ diện tích đất liền so với biển vẫn giữ nguyên hàng tỷ năm qua. Chỗ này biển lấn thì chỗ kia biển thoái. Chỗ này đất liền rộng ra thì chỗ khác chúng bị tiêu hủy theo các đới hút chìm để tan chảy bên dưới các mảng thạch quyển. Lục địa dịch chuyển, khép kín các đại dương cũ thì lại tạo ra các đại dương mới. Chính biển mới là cội nguồn của bề mặt trái đất. Biển quyết định phần lớn các biến cố địa chất trên mặt địa cầu. Biển không phải là cái ao nước mặn lớn, biển là … biển!

Biển mang lại giàu mạnh

Nước có biển có thể vẫn nghèo, nhưng các nước giàu bao giờ cũng là nước có biển. Từ những thế kỷ trước, Anh, Thụy Điển, Na Uy, Nga, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy,… là những nước có nền hàng hải mạnh và đã chi bộn tiền cho các đoàn thám hiểm đại dương. Đó là những nước có biển và biết tư duy biển. Những nước có biển nhưng tư duy theo kiểu đất liền thì đã bỏ qua cơ hội để trở thành nước phát triển. Bởi vì biển rất rộng nên biển là cơ hội giao lưu quốc tế, biển là sóng gió bão tố. Tư duy biển là tư duy rộng mở và biết thích ứng. Tư duy biển là tư duy dám và biết cách học hỏi.

Lí lẽ của biển toàn “Ôi”

Nền kinh tế biển là vương quốc của các tài năng thực sự (Ôi! Giá mấy ông quản lí Vinashin cứ làm tiều phu hay nông phu hay cai thầu hay thi nhân,… có phải đất nước đỡ mất hàng chục ngàn tỷ đồng vô tích sự không!).

Vì mang lại giàu có nên biển là khu vực tranh chấp dữ dội trên trường quốc tế và kẻ thắng phải là kẻ mạnh, mà trước hết sức mạnh là ở tính tự cường của đất nước có biển kết hợp với sự ủng hộ quốc tế. Đất nước có biển muốn tự cường phải hiểu biển (Ôi! Chúng ta có gần hai trăm trường Đại học nhưng không có một Đại học Biển nào!).

Sau đó phải có một nền kinh tế biển mạnh để giữ và bảo vệ biển bằng chính sức mạnh từ biển (Ôi! Chả lẽ chỉ mang sắn khoai lúa gạo heo nhãn vải măng cụt cà phê,… đi giữ và chung sống với biển; có hàng chục trường Đại học và khoa Kinh tế học nhưng chưa có ngành Kinh tế biển nào!).

Biến đổi khí hậu kéo theo biển tiến, nhưng biển tiến lại tạo cơ hội cho kính tế biển phát triển (Ôi ! Mấy ai biết trong họa luôn có phúc!).

Mới lí sự vài điều mà đã phải dùng mấy chữ “Ôi!” rồi. Cái lí của biển thật khó nghe lắm thay. Ôi! Biển xin lại được “tịch khẩu” (câm nín) vậy!

 

Bài 8: Cái lí của con cua

Cua bao giờ cũng bò ngang, nó không có khái niệm phía trước hay phía sau. Nhưng cái lí ngang của cua là cái lí của thiên nhiên, nên … rất có lí.

1. Cua là gì? Thực ra cua gồm rất nhiều loài “8 cẳng 2 càng” chuyên sống ở biển (cua huỳnh đế), sống lúc trẻ trên cạn lúc trưởng thành dưới biển (cua biển, cua bùn hay cua xanh), sống ở suối (cua đá) sống trên cạn trừ lúc đẻ (cua đá Cù Lao Chàm hay cua xe tăng Côn Đảo), sống ở ruộng (cua đồng). Nhưng cua khác với nhóm “phi cua” như cáy, còng còng, ba khía hay dã tràng chuyên sống ở nước lợ hay bờ biển, nhỏ con, thậm chí còn đầy lông, mặc dù cũng thuộc họ hàng 8 cẳng 2 càng như nhau. Vậy thì cua là một nhóm sinh vật hổ lốn, mỗi loài có tên khoa học khác nhau. Sự rắc rối này là do các nhà sinh học – tất nhiên rồi. Dân chúng chỉ dùng một chữ cua mà có ai nhầm đâu ! Trừ con “cua đinh” lại thuộc họ ba ba.

2. Cua chuyên đi ngang. Với một số loài cua thì phía trước có nghĩa là bên trái hay bên phải. Cái càng bên trái nhỏ, còn càng bên phải to hơn. Điều đó cũng có nghĩa bên trái tức là bên nhỏ, bên phải tức là bên to. Tuy nhiên nhiều loài cua có kiểu to nhỏ ngược lại. Vì vậy chúng rất hay cãi nhau về phải hay trái. Không hiếm gặp vết tích nhiều trận chiến cua để lại hàng vạn cái còng cua tại bãi chiến trường. Không có loài nào hay gây chiến tranh như cua (tất nhiên chúng không thể so với loài người về khoản chiến tranh). Khi con cua tướng quân hô “tiến lên”, đàn cua sẽ không hiểu tiến lên phía nào: phải hay trái. Chúng chắc là sẽ không thể hiểu được ngôn ngữ của con người, loài hay dùng chữ “tiến lên”, mặc dù tiến lên đến đâu nhiều khi cũng mù mờ như … cua mà thôi.

3. Đi ngang nhưng mắt lại ở phía trước. Dù mắt cua có cái cuống để nó nhìn rộng hơn, nhưng vì ở phía trước nên chắc chắn thị lực của cua không tinh. Chúng hình như có khoản thính giác rất khá để bù lại. Một số con cua bị gãy cuống mắt nhưng vẫn chạy rất nhanh. Như vậy thì rõ mắt của cua để nhìn thì ít thôi, chắc còn để làm dáng. Về khía cạnh nào đấy mắt cua cũng như mắt phụ nữ, còn dùng cho mục tiêu trang điểm, không chỉ để nhìn.

Những con cua sống trong vùng ô nhiễm nhiều khi có mắt to mắt bé, mắt ngắn mắt dài, còng to còng nhỏ dị dạng. Loại cua này bán rẻ hay cho không cũng không nên ăn. Chúng dễ gây tiêu chảy. Nhưng chúng sống rất dai vì chúng dễ thích nghi với vùng ô nhiếm. Thậm chí cua đá suối ở nhiều vùng Tây Bắc nước ta thường mang đầy sán lá phổi trong cái mai của nó nhưng nó vẫn sống nhăn… càng, rất vui vẻ. Nhiều loài cua đang suy giảm không phải vì ô nhiễm môi trường là chính, mà vì chúng bị con người săn bắt quá mức. Không hiểu sao con người lại khoái món cua đến thế, chắc ăn cua để bổ tính ngang rồi !

4. Triết lí ngang. Những dẫn giải rông dài trên đây để thấy cái lí của con cua là cái lí ngang, không giống cái lí của các loài khác. Thứ triết lí này cũng là một dạng triết lí của Thiên nhiên, nói ngang là ngang với loài khác mà thôi.

Tuy vậy con người rất thông minh nên học và áp dụng rất giỏi triết lí ngang của cua. Này nhé : tóc đen tự nhiên thì nhuộm thành màu đỏ râu ngô mới đẹp; không mặc gì hay mặc rất ít vải cho giống các cụ tổ khỉ - vượn thì bị chê là “lộ hàng”, phải mặc nhiều vải mới lịch sự; một thành phố phát triển về phía đất cao thì không chịu, cứ phát triển về phía đất thấp rồi suốt ngày kêu úng ngập cho nó …hiện đại; cây cổ thụ trong rừng thì bứng về trồng trong vườn cho …oai; lập cho nhiều khu bảo tồn thiên nhiên nhưng khi đi sâu vào trong thấy toàn resort du lịch; chuyển nước sông này sang sông khác để tiện phát điện cho doanh nghiệp đầu tư thủy điện, ai khô hạn mặc kệ; có tỉnh còn cấp phép cho dự án đắp đập ngăn một con sông lớn thành hồ cho … đẹp cảnh quan (nghe nói là để tiện cho bơi xuồng du lịch kiểu con vịt nhựa); nhà máy xử lí rác thì xin nhập phế liệu đã làm sạch và phân loại kỹ về …chạy thử máy “xử lí rác”, còn rác thật sự ở địa phương mình thì không thử máy được; một doanh nghiệp danh tiếng về xử lí chất thải thì đổ nước thải …tươi xuống sông Đồng Nai nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị vẫn ”không biết gì, lâu nay vẫn làm đúng”;… và vân vân rất nhiều.

Xem ra một bộ phận của cái loài lâu nay vẫn được gọi là con người - Homo sapiens sapiens - chắc chắn đã nhanh chân tiến hóa thành cua rồi.

 

Bài 9: Cái lí của khoảng đệm

Những khoảng “không – thời gian” chuyển tiếp giữa loại này với loại kia mang nhiều triết lí thú vị.

Bình minh hay hoàng hôn là khoảng đệm giữa ngày và đêm, cửa sông là khoảng đệm giữa sông và biển, savan là khoảng đệm giữa sinh cảnh rừng và sinh cảnh hoang mạc, xóm phố là trung gian giữa đô thị và nông thôn,… Thực tại có rất nhiều thứ vừa là cái này vừa là cái kia, vừa không phải là cái này vừa không phải là cái kia. Không có phân loại riêng, nhưng chúng vẫn đang hiện hữu và thay đổi.

1. Thiên nhiên không quá rạch ròi.

Thiên nhiên vốn không quá rạch ròi. Bằng môn phân loại học, con người chia thiên nhiên thành các đơn vị phân loại (taxon) để nhận thức, rồi sau đó lại cứ tưởng thiên nhiên rạch ròi như mình vẫn nghĩ. Vì vậy các khoa học gia bỏ qua hoặc lúng túng khi xem xét các dạng trung gian. Thực ra giữa các taxon vẫn tồn tại các dạng trung gian, chúng vừa là taxon này vừa là taxon kia.

Ví dụ trong vùng lõi của một khu bảo tồn thiên nhiên có một rừng tre. Khi già, măng tre lại bị khai thác sạch, tre ra hoa rồi chết hàng loạt. Rừng tre vốn thuộc vùng bảo tồn nghiêm ngặt biến thành vùng phục hồi sinh thái. Tuy tre chết hàng loạt nhưng nó không chết cùng một lúc tùy theo tuổi thọ từng loài. Cái chết của rừng tre là một quá trình nhiều năm tháng. Trong những năm tháng đó, rừng tre thuộc vùng nào? Vùng bảo tồn nghiêm ngặt hay vùng phục hồi sinh thái ?

Cũng như vậy, một sinh cảnh rừng biến thành savan cũng không phải trong một vài tháng. Quá trình suy thoái có thể rất lâu dài.

Trong thiên nhiên cũng có những cá thể động vật nửa đực nửa cái, rồi đực có lúc biến thành cái hay ngược lại. Con người vậy. Tại sao cứ phải rành rọt là đực hay là cái thì mới là một sinh vật có chỗ đứng trong thiên nhiên. Cứ phải hoặc là người đực hoặc là người cái mới có chỗ đứng trong xã hội ? Tại sao những dạng trung gian lại ít được để ý, ít được quan tâm ?

Hoàng hôn và bình minh là ban ngày hay ban đêm ? Cà xáy là ngan hay là vịt ? Các taxon rạch ròi chỉ là số đông nhưng không phải tất cả. Nhưng điều đó không thực quan trọng. Quan trọng hơn là tư duy quản lí, bảo tồn cũng cứ theo kiểu rạch ròi như vậy sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Tại sao cứ phải là cái này hay cái kia, mà không phải vừa là cái này vừa là cái kia ?

2. Khoảng đệm: tiền đề và điều kiện cho sự thay đổi

Thực ra khoảng đệm hay taxon trung gian rất quan trọng cho sự tiến hóa, vì tại đó sự kiểm soát tự nhiên được nới lỏng, mọi vật có nhiều điều kiện để thay đổi. Thực tại là vô thường nhưng vô thường nhanh nhất là tại các khoảng đệm.

Các loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hại cũng xuất hiện trước hết tại các khoảng đệm, nơi chúng ít bị các loài bản địa cạnh tranh : ven đường đi, trên các vùng rừng bị chặt phá hay vùng nương rẫy, tại các hồ thủy lợi thủy điện khi điều kiện nước đứng thay chỗ điều kiện nước chảy, lúc giao mùa,…Khoảng đệm là nơi nhiễu loạn cao nhất của một hệ sinh thái. Mà nhiễu loạn chính là điều kiện cho sự thay đổi.

Khoảng trung gian giữa các ngành khoa học kinh điển đã tạo điều kiện xuất hiện hàng loạt những ngành khoa học mới, mà chỉ cần nghe tên đã có thể biết chúng là sản phẩm phát sinh từ các khoảng đệm; Hóa sinh, Hóa dược, Địa hóa học, Sinh địa tầng học, Địa chất môi trường, Sinh thái môi trường, Địa lí kinh tế, Địa chính trị, Địa văn hóa, Toán tin,…

3. Khoảng đệm gửi thông điệp gì? Thiên nhiên và cuộc sống vốn có nhiều khoảng đệm. Đã vậy thì tư duy quản lí và cả tư duy sống cũng vậy: hãy rạch ròi một cách không rạch ròi.

 

Bài 10: Cái lí của mùa Thu

Mùa thu có cái lí ở chỗ nó chẳng có cái lí nào cả. Con người không thể hiểu được mùa Thu mà chỉ yêu được nó thôi.

1. Mùa Thu rất đặc trưng ở các vùng vĩ độ cao trên Trái Đất. Miền Bắc nước ta nhờ có gió mùa đông bắc lạnh nên có sắc thu khác biệt hẳn mới vùng đất phía Nam Tổ quốc. Nhưng mùa Thu xứ Bắc chỉ thật sự Thu vào cuối Thu thôi, cái khoảng thời gian được gọi là Thu muộn (Deep Autumn). Trời rất xanh, nắng rất vàng, gió heo may và lá đỏ của những loài cây có thói quen rụng lá sau khi đã nhuộm đỏ lộng lẫy cả một góc phố, góc rừng. Lá rụng đặc trưng cho Thu muộn đến mức người Mỹ gọi mùa Thu là mùa lá rụng (the Fall). Vào Thu, mọi thứ của nó bên cạnh nhau, đan xen trong nhau, lồng vào nhau. 2 trong 1, 3 trong 1, n trong 1. Gió heo may không còn nóng nhưng chưa hẳn lạnh, áo khoác không dày không mỏng nhưng đủ dáng đủ kiểu, gò má chưa hồng nhưng chưa nứt nẻ vì hanh lạnh,… khiến không ai có thể vô tình với mùa Thu muộn xứ Bắc.

2. Rất nhiều thi phẩm và nhạc phẩm bất tận về mùa thu, nhưng dường như vẫn còn thiếu. Người ta rất yêu mùa Thu vì thật ra không thể hiểu kỹ càng được nó. Nó là gì vậy? Nó là mùa Thu, vậy thôi! Thu là lúc người có tuổi trầm tư về sự đi quá nhanh của thời gian, người trẻ tuổi nghĩ về sự lẻ loi cần được khỏa lấp. Con người có một đặc tính rất lạ: khi hiểu kỹ cái gì thì không yêu nữa! May mà họ chẳng bao giờ hiểu hết mùa Thu. Hạnh Thu, Giang Thu, Hoài Thu, Tuyết Thu, Hồng Thu, Minh Thu, Kim Thu, rồi Thu Cúc, Thu Hằng, Thu Hà… mỗi tên người là một nét Thu mà người ta yêu nhất để chọn làm tên. Nhưng sao đa phần Thu lại là tên con gái vậy? Hay vì ngay sau mùa Thu chính là mùa Đông lạnh giá? Hay vì tình yêu chẳng bao giờ chỉ là vui? Có lẽ vậy! Lửa chài soi bóng trên sông, lửa tình soi bóng sầu trong mắt người!

Lỡ quên nhau suốt một ngày bận rộn

Hãy nhớ nhau phút quạnh vắng đêm dài

Dòng sông mùa Thu, dòng sông của ai?

Ta lữ khách, thuyền trôi không bến đỗ

3. Nhạc phẩm Nhìn những mùa Thu đi của Trịnh Công Sơn là một trong những “thì thầm mùa Thu”. Xin hãy nhấp chuột vào đường link dưới đây để nghe giai điệu mùa Thu của Trịnh Tiên Sinh do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện.

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Nhin-Nhung-Mua-Thu-Di-Hong-Nhung/IW6IEODZ.html

 

Để tham khảo thêm về các bài trong chuyên mục xin xem các link bên dưới

Bài đề dẫn “35 ý tưởng triết lý môi trường”

Những lý lẽ của thiên nhiên: 5 bài phần 1

Dr. Cà Xáy VACNE

Lượt xem : 1480