1. Pamukkale (Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh 1)
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tên gọi Pamukkale có nghĩa là Lâu đài Hoa và dễ thấy tại sao nó được gọi như thế. Kỳ quan địa chất này cũng là địa điểm của thành phố cổ Hierapolis và qua nhiều thế kỷ hai kỳ quan này dường như hòa hợp với nhau làm một, và một số ngôi mộ cổ của thành phố đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cho kỳ quan này.
Những khối đá vôi trắng muốt ở đây có những gợn sóng đồng tâm và khiến cho khu vực có vẻ đẹp thoát tục. Những suối nước nóng càng tôn lên vẻ đẹp lung linh của kỳ quan.
2. Các tháp băng ở núi lửa Erebus (Nam Cực, ảnh 2)
Erebus là một trong những ngọn núi lửa còn hoạt động lớn nhất trên trái đất. Núi cao hơn mặt biển đến 4km, và nổi tiếng với hồ dung nham thường xuyên hoạt động ở đỉnh miệng núi lửa. Khí nóng len lỏi qua những khe nứt của đá núi lửa bao quanh Erebus tạo thành hệ thống chằng chịt những hang băng trên khắp bề mặt núi lửa.
3. Suối nước nóng bay (Nevada, Mỹ, ảnh 3)
Hình ảnh cho thấy giống như được chụp trên hành tinh khác hay ít ra cũng là sản phẩm của một bộ phim khoa học viễn tưởng. Nhưng thực ra đây là ảnh chụp của Suối nước nóng bay (Fly Feyser) ở Nevada, Mỹ. Suối nước nóng được tìm thấy ở thung lũng Hualapai gần Gerlach.
Trở về năm 1916, những người sở hữu khu vực tìm kiếm nước với hy vọng tạo ra được vùng đất nông nghiệp trong vùng sa mạc này. Họ đã làm việc cật lực trong nhiều thập niên, và tình cờ họ khoan trúng một túi nước địa nhiệt. Kết quả là suối nước nóng bay xuất hiện.
4. Những khối đá lều Kasha Katuwe (New Mexico, Mỹ, ảnh 4)
Những khối đá độc đáo này hình thành do những đợt phun trào núi lửa trong khoảng 6 và 7 triệu năm trước đây. Chúng có nhiều độ cao khác nhau từ vài mét cho đến vài chục mét trải dài trong khu vực có diện tích hơn 100 hécta.
5. Thung lũng Mặt trăng (Argentina, ảnh 5)
Ischigualasto là một thung lũng hẻo lánh ở Argentina. Rải rác khắp thung lũng là những tảng đá bị hiện tượng xâm thực mài mòn và vô số những hòn đá trông tựa như những viên bi khổng lồ. Vùng đất từng một thời màu mỡ này hiện đã khô cằn và chứa quá nhiều hóa thạch động thực vật đến mức các nhà khảo cổ học trên khắp thế giới đổ về đây để nghiên cứu.
Những tảng đá cao trông giống như những người khổng lồ đang chơi với những viên bi bên dưới.
6. Địa hình Danxia (Trung Quốc, ảnh 6)
Hiện tượng địa chất độc đáo này - được gọi là "Địa hình Danxia" - có mặt ở vài nơi ở Trung Quốc. Ví dụ như địa hình ở tỉnh Cam Túc như trong ảnh.
Danxia, có nghĩa là "mây hồng", là địa hình đặc biệt hình thành từ sa thạch đỏ bị xói mòn thành dãy núi nằm lọt trong những vách đá tròn trịa và nhiều hình dạng đá khác thường.
7. Giếng Mê hoặc - Công viên quốc gia Chapada Diamantina (Brazil, ảnh 7)
Poco Encantado, hay giếng Mê hoặc, nằm trong Công viên quốc gia Chapada Diamantina ở bang Bahia của Brazil, cách thủ phủ Salvador của bang chừng 400km. Bể nước khổng lồ sâu 36,5m và nước trong suốt đến độ nhìn thấy rõ những khối đá và thân cây ở dưới đáy.
Khi ánh sáng mặt trời rọi xuống xuyên qua khe nứt tạo thành một màu xanh huyền ảo trên mặt nước. Giếng được bảo vệ đặc biệt do hệ sinh thái tinh tế và hiếm hoi của nó.
8. Rừng đá (Trung Quốc, ảnh 8)
Shilin (tiếng Hoa có nghĩa là rừng đá) là ví dụ ấn tượng về địa hình đá vôi. Những cột đá vôi cao ngất hình thành do nước lọc qua mặt đất.
Dưới triều đại nhà Minh (1368 - 1644), Rừng đá nổi tiếng là "Kỳ quan đầu tiên của thế giới".
9. Wullingyan, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc, ảnh 9)
Wullingyan là một trong những nơi thu hút du khách nhất của tỉnh Hồ Nam. Kỳ quan địa chất này hình thành với 3.000 cụm đá vôi.
Ngoài ra còn có những thác nước như tranh vẽ và nhiều hang động đá vôi.
10. Salar de Uyuni (Bolivia, ảnh 10)
Salar là một trong những hình ảnh biểu tượng của Bolivia - một sa mạc muối khổng lồ nằm giữa Altiplano. Đó là sa mạc gần như bằng phẳng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Có nhiều hồ trong sa mạc có màu sắc khá kỳ lạ. Cách đây khoảng 40.000 năm, khu vực là một phần của Hồ Minchin - một hồ tiền sử khổng lồ. Sau khi khô cạn, hồ để lại hai hồ Poopo và Uru Uru, cùng với 2 sa mạc muối bao la là Salar de Coipasa và Uyuni rộng hơn.
Ước tính Salar chứa khoảng 10 tỉ tấn muối, nhưng mỗi năm người ta chỉ khai thác chưa đến 25.000 tấn muối