Những giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam
6/13/2024 7:29:00 AM
Để thúc đẩy phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, hiện nay, Chính phủ đang xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon để thí điểm vào năm 2025.
Tiềm năng và thách thức phát triển thị trường carbon ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển và xuất khẩu tín chỉ carbon. Mua bán tín chỉ carbon không chỉ là việc làm cấp thiết giúp bảo vệ môi trường thông qua giảm lượng khí thải carbon mà đồng thời còn giúp quốc gia, doanh nghiệp tăng tài chính hướng đến phát triển xanh, tuần hoàn và bền vững.
Thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải.
Theo báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về số lượng dự án triển khai theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), với 258 dự án được Ban điều hành Cơ chế phát triển sạch phê duyệt và 13 chương trình hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch, tiềm năng gần 140 triệu tấn CO2 tương đương trong thời hạn tín chỉ.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon, điều này cho thấy tiềm năng rất lớn từ nguồn thu này. Đặc biệt, năm 2023, lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).
Để thúc đẩy phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Chỉ thị nêu rõ, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực; phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon là rất cấp thiết để bảo đảm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 của Việt Nam theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bao gồm: Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỉ lệ che phủ trên 42%. Việc chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam được WB đánh giá rất cao.
Theo đánh giá từ các chuyên gia rừng khu vực Bắc Trung Bộ là vùng rừng có trữ lượng carbon rừng rất cao. Hiện nay khu vực có 16,21 triệu tấn CO2, lượng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải theo ERPA đã ký là 10,3 triệu tấn CO2, lượng giảm phát thải còn dư: 5,91 triệu tấn CO2.
Để thúc đẩy phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, hiện nay, Chính phủ đang xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon để thí điểm vào năm 2025, tiến tới vận hành chính thức vào năm 2028.
Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay thị trường carbon trên thế giới cơ bản được vận hành theo hai cách sau: Thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc). Tại Việt Nam, hiện nay chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon. Do đó việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện.
Những giải pháp thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon
Tại kỳ họp thứ bảy ngày 29/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn thành phố Hà Nội) kiến nghị đề xuất 3 giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam.
Theo đó, đại biểu Nguyễn thị Lan cho rằng, cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ giá trị cũng như thách thức của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường tín chỉ carbon bằng cách giao các trường đại học, học viện nông nghiệp xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức cơ bản về thị trường tín chỉ carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, giảng dạy cho sinh viên đại học và học sinh phổ thông.
Thứ hai, cần nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường tín chỉ carbon của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Được biết, từ tháng 1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản vào một số thị trường cần chứng minh hàng hóa đó không xuất phát từ việc phá rừng. Từ tháng 1/2026, hàng rào kỹ thuật về phát thải carbon sẽ được áp dụng ở một số thị trường của nông sản Việt Nam.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cũng cho rằng, Chính phủ cần sớm có hướng dẫn chi tiết về thị trường carbon rừng bởi phát triển các dự án tín chỉ carbon rừng là cơ hội lớn cho các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng tại Việt Nam.
Theo bà Lý Thị Lan, hiện Chính phủ mới có quy định chung về thực hiện chi trả dịch vụ hấp thụ carbon và lưu trữ carbon của rừng, nhưng chưa có khung pháp lý quy định chi tiết về thực hiện thị trường carbon rừng. Đơn cử như, những hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về chuyển nhượng, xác định giá tín chỉ carbon rừng, cách tính toán lượng hấp thụ carbon rừng.... Do đó, các tỉnh, thành chưa có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo để tiếp cận thị trường carbon rừng.
Ngoài việc kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn chi tiết về thị trường carbon rừng, đại biểu Lý Thị Lan cũng cho rằng cần có các giải pháp quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; hằng năm quan tâm cân đối, bố trí mục riêng kinh phí cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi bổ sung một số quy định về thực hiện các dự án phát triển kinh tế nông lâm nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng bổ sung các nhiệm vụ chi như: hỗ trợ cho trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; hỗ trợ nâng cao chất lượng rừng, điều tra rừng, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, giao rừng.
Hà My
(Kinh tế môi trường)
Lượt xem : 671