Những đợt “nắng nóng thế kỷ”
5/27/2015 10:42:00 AM
Nhân đợt nắng nóng lịch sử khiến hơn 1.000 người chết ở Ấn Độ, MTX xin điểm lại những đợt “nắng nóng thế kỷ” đã giết chết hàng triệu người và còn khiến gia tăng các bệnh truyền nhiễm, tội phạm, bạo hành…
Nếu như thời gian đầu, những trận nóng do thiên tai xuất hiện rất ít, thì càng ngày, do sự phát triển không đồng bộ của công nghiệp, khí thải, hóa chất và hiệu ứng nhà kính khiến cho Trái Đất ngày một nóng lên. Như một hệ quả tất yếu, nhiệt độ tăng rất nhanh trong vòng 50 năm trở lại đây đã kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Những năm tiếp theo là kỷ nguyên công nghiệp phát triển của con người, điều này đồng nghĩa với tần suất nắng nóng ngày một tăng lên. Tại Liên Xô, giai đoạn 1921-1922 đã có tới 5 triệu người chết khát vì không chịu nổi cái nóng và hạn hán kéo dài. Con số này còn lớn hơn tổng số người đã chết trong Chiến tranh Thế giới I (1914-1919).
Khoảng 20 năm sau, thế giới tiếp tục ghi nhận kỷ lục khủng khiếp được xác lập tại Trung Quốc: trong vòng 5 năm từ 1936 tới 1941, tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã có tới 2 trận nắng nóng khủng khiếp dẫn tới hạn hán, “kết liễu” sinh mạng của 2,5 triệu người. Đây cũng là tỉnh hiếm hoi ở Trung Quốc mà quanh năm hầu như không có mưa.
Nửa sau thế kỷ XX chưa ghi nhận thêm trận nắng nóng nào. Song, Trái Đất nóng lên với tốc độ đáng báo động, phát tín hiệu cảnh cáo với các nhà chức trách trên toàn thế giới. Đỉnh điểm là năm 1998, người ta ghi nhận kỷ lục mới về tăng nhiệt độ mặt đất là 0,55 độ C so với mức trung bình 0,45 độ C trong những năm 1960-1990.
Năm 2003, Châu Âu chứng kiến đợt nóng bất thường và Pháp là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Không thể tưởng tượng được nhiệt độ cao nhất lúc ấy là 40 độ C. 70.000 người dân Châu Âu đã không qua khỏi mùa hè năm ấy.
Một trận gió nóng khủng khiếp nữa diễn ra tháng 2/2009 tại khu vực Victoria thuộc đất nước chuột túi Australia cũng đã gây ra nhiều trận cháy rừng cực kì nguy hiểm. Tại thành phố cảng Melbourne, có tới 3 ngày liền, nhiệt độ lên trên 43 độ C. Cái nóng gây ảnh hưởng trực tiếp tới người dân đô thị: hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị thiêu cháy, dân cư khu vực lân cận bị buộc phải sơ tán.
Ngay tới cả xứ sở bạch dương lạnh lẽo cũng đã phải chịu cơn phẫn nộ của thiên nhiên 1 năm sau đó. Đợt nắng nóng 2010 được coi là đợt nóng nhất tại Nga trong vòng 130 năm. Thành phố Moscow chìm trong làn khói mù mịt bởi các vụ cháy tự phát. Ước tính. có khoảng 2.000 người chết trong đợt nắng nóng này.
8. Ngày 27/05/2015: Số người chết trong đợt nắng nóng mới của Ấn Độ đã lên đến con số hơn 1000 người với nhiệt độ gần 50 độ C ở một số khu vực. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở các bang miền nam Telangana và Andhra Pradesh, nơi có ít nhất 1.118 người thiệt mạng kể từ tuần trước. Đây là đợt nắng nóng tệ hại nhất ở miền nam Ấn Độ kể từ giữa tháng tư. Andhra Pradesh là nơi tình trạng diễn ra tồi tệ nhất, nhiệt độ đã tăng lên 47 độ C vào thứ hai và trong tuần vừa qua đã có 852 người thiệt mạng vì nắng nóng. Trước đó trong đợt nắng nóng năm 2002 và 2003, hàng ngàn người đã thiệt mạng trên khắp Ấn Độ.
Bệnh truyền nhiễm, tội phạm gia tăng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các dịch bệnh nguy hiểm lan tràn ở khắp thế giới nhiều hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới.
Mỗi năm có khoảng 150.000 người chết, năm triệu người gặp các chứng bệnh do nhiệt độ cao gây ra. Con số này nhiều khả năng có thể tăng lên gấp đôi trong năm 2030.
Hạn hán và cháy rừng là hai hệ quả điển hình nhất của những trận nắng nóng kéo dài. Nó gây ra những tác động xấu tới đời sống nông nghiệp tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa màng cũng như hệ thống động - thực vật. Thậm chí, ở nhiều nơi, đó là sự đe dọa trực tiếp tới tính mạng của hàng triệu con người, nhất là các nước còn nghèo đói ở Châu Phi.
Không những vậy, nhiều năm trở lại đây, các nhà khoa học chú ý đến mối liên hệ nhân quả giữa nắng nóng và hiện tượng tăng mạnh các hành vi phạm tội. Những lập luận khoa học được đưa ra để chứng minh cho giả thiết này.
Ở Mỹ, Anh, New Zealand... đều có những nhóm nhà khoa học nghiên cứu độc lập về vấn đề này. Năm 2001, Đại học Iowa (Mỹ) từng thực hiện đề tài "Sức nóng và bạo lực".
Kết quả chỉ ra, số vụ ám sát, xâm phạm bạo lực ở Mỹ trong mùa hè tăng gấp 2,6 lần so với mùa đông. Những mùa hè càng có nhiệt độ cao thì số vụ phạm pháp càng tăng.
Một nghiên cứu khác thực hiện năm 2010, đánh giá tình hình tội phạm ở thành phố Cleveland (bang Ohio, Mỹ) trong giai đoạn 1999-2004 có tựa đề "Thời tiết, nhiệt độ và xã hội" đã rút ra kết luận là thời tiết nóng nực dẫn đến bạo hành gia đình và các vụ xô xát không đáng có.
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo, nếu không thay đổi quy trình sản xuất công nghiệp gây hiệu ứng nhà kính, chính loài người tự đẩy mình đến viễn cảnh nhiệt độ trung bình tăng 5°c trong thế kỷ tới.
Những cảnh báo tưởng chừng còn xa vời với cuộc sống hiện tại, nhưng thực tế đáng sợ lại đến quá nhanh, ngoài tầm kiểm soát của con người. Không chỉ ở Ấn Độ, quốc gia quá quen thuộc với cái nóng ngột ngạt mà ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, người ta cũng cảm nhận được sự thay đổi thời tiết qua từng ngày.
Theo các chuyên gia khí hậu, các đợt nắng nóng khủng khiếp diễn ra thường xuyên hơn gấp khoảng bốn lần so với trước đây. Dự đoán trong vòng 40 năm tới, mức độ thường xuyên của chúng sẽ gấp 100 lần so với hiện nay.
Lượt xem : 3851