Vietnamese English
Những điều cần biết về thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên

10/7/2021 6:03:00 AM

Thiên nhiên là một danh từ quen thuộc được chúng ta sử dụng nhiều trong các hoạt động học tập và lao động hằng ngày. Tuy nhiên, mấy người trong chúng ta có thể hiểu “Thiên nhiên là gì?” ,”Thiên nhiên bao gồm những gì?”, “Các dạng tài nguyên thiên nhiên?” và “Vai trò của thiên nhiên?”.


Nếu bạn còn chưa biết điều đó thì hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu từng vấn đề một trong bài viết dưới đây nhé.
 

Thiên nhiên là gì, thiên nhiên bao gồm những gì?

Theo định nghĩa của bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì
thiên nhiên hay còn được gọi là tự nhiên, thế giới vật chất vũ trụ…tiếng Anh được gọi là nature. Nó bao gồm tất cả các dạng vật chất và năng lượng tồn tại từ cấp độ bé là hạt nguyên tử đến cấp độ to lớn như ngôi sao, thiên hà, ngân hà…

Đấy là định nghĩ cách hiểu từ “thiên nhiên” theo ngôn ngữ khoa học, còn nếu nói theo cách hiểu đơn giản, thông dụng thì thiên nhiên bao gồm tất cả những gì bao quanh
con người mà không do bàn tay con người tạo nên. Thiên nhiên bao gồm không khí, khí hậu, nguồn nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn động thực vật, các yếu tố địa lý, địa hình…

Vai trò của thiên nhiên?

Để hiểu một cách đầy đủ về vai trò của thiên nhiên nhất, chúng ta hãy cùng xem thiên nhiên tác động như thế nào đến môi trường
tự nhiên và đời sống sinh hoạt sản xuất của con người.

Vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống tự nhiên

Có thể nói, thiên nhiên là cái nôi sản sinh ra sự sống, cũng là nơi kết thúc của sự sống. Ví dụ, khi một vùng nào đó phải chịu thiên tai, bão lụt thì hàng trăm, hàng ngàn sự sống bị hủy diệt, môi trường sống bị tàn phá nặng nề, đó chính là kết thúc của sự sống.

Tuy nhiên, điều đó không phải là chấm hết, khi cơn bão qua đi, từ những thân cây đổ sẽ mọc nên những mầm cây mới. Nguồn phù sa chảy về sẽ cung cấp dưỡng chất cho cỏ cây phát triển, cây cỏ phát triển sẽ thu hút các loài động vật ăn cỏ, động vật gặm nhấm di chuyển về. Số lượng động vật ăn cỏ đông thì các loại động vật ăn thịt cũng kéo nhau di chuyển về, tạo nên một sự cân bằng trong sinh thái.

Đây chính là vai trò đầu tiên của thiên nhiên, đó chính là tạo ra sự sống và giúp cân bằng hệ sinh thái.

Vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống của con người

Thiên nhiên là nơi cung cấp các nguồn tài nguyên để phục vụ cho cuộc sống và sản xuất sinh hoạt của con người. Đơn giản là chúng ta hít thở không khí từ tự nhiên, uống nước từ tự nhiên, khai thác các loại khoáng sản, lâm sản, thổ sản, hải sản… để phục vụ cho nhu cầu của mình.

Thiên nhiên quyết định đến các đặc điểm hình thái và hình thức quần cư, sinh sống của con người. Ví dụ như chủng người sống ở khu vực Đông Á, nơi quanh năm có khí hậu nóng ẩm, đồng bằng nhiều, nguồn nước nhiều thì họ sẽ định cư dọc các con sống lớn, nơi phát triển được nghề lúa nước.

Ngược lại, đối với người da trắng sống ở khu vực châu Âu, nơi khí hậu ôn đới mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm thấp thì họ phải trồng các loại cây thực phẩm là lúa mì, để thích ứng được với khí hậu nơi đây.

Thiên nhiên cũng cung cấp cho chúng ta lượng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản lớn như nguồn nước, nguồn khoáng sản, nguồn hải sản, lâm sản… Nơi nào càng tập trung nhiều nguồn tài nguyên thì mật độ dân cư sinh sống càng đông đúc.

Tuy nhiên, các hoạt động sinh sống và khai thác của con người ở một số vùng hiện nay đang phá hủy thiên nhiên và môi trường tự nhiên, do đó cần chung tay để giải quyết nhanh chóng vấn đề này.

Các dạng tài nguyên thiên nhiên

Về định nghĩa một cách đơn giản, tài nguyên thiên nhiên là những thứ có sẵn trong tự nhiên, mà con người khai thác, sử dụng chúng để phục vụ các nhu cầu sống của mình.

Phân loại tài nguyên thiên thiên dựa theo bản chất

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể được phân loại ra làm 6 loại chính là:

– Tài nguyên đất: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất để sản xuất công nghiệp(như làm gạch, làm gốm…)

– Tài nguyên rừng: gồm động vật, thực vật, lâm sản, địa điểm du lịch…

– Tài nguyên nước ngọt: nước uống, nước sản xuất, thủy sản nước ngọt, các loài thực vật thủy sinh, năng lượng thủy điện…

– Tài nguyên gió: sức gió, vận tải…

– Tài nguyên biển: hải sản, muối, thực vật thủy sinh, địa điểm du lịch…

– Tài nguyên khoáng sản: than đá, quặng, đá vôi, dầu khí…

Phân loại tài nguyên thiên nhiên dựa theo khả năng tái tạo

Nếu dựa theo khả năng tái tạo, tài nguyên thiên nhiên được chia thành 3 loại chính là:

Tài nguyên tái tạo được

Là các loại tài nguyên mà tự bản thân nó có thể duy trì, bổ sung thêm được như nước ngọt, đất đai, động thực vật… Tuy nhiên, với việc khai thác và sử dụng quá mức như ngày nay thì nhiều loại tài nguyên thiên nhiên không có khả năng hồi phục được nữa.

Tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được

Đây là những nguồn tài nguyên được biến đổi qua hàng triệu năm dưới tác động của thiên nhiên. Các loại tài nhiên này một khi đã sử dụng hết thì không còn khả năng tái tạo được nữa ví dụ như khoáng sản, các loại than đá, quặng đồng, chì, sắt, nhôm, đá vôi…

Tài nguyên năng lượng vĩnh cửu

Là nguồn tài nguyên từ tự nhiên không bị cạn kiệt như ánh sáng mặt trời, gió, thủy triều, sóng biển… Ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, họ đã dần dần thay thế dần cách hoạt động sản xuất sử dụng tài nguyên năng lượng vĩnh cửu thay vì tài nguyên hóa thạch.

Thực trạng nguồn tài nguyên ở nước ta hiện nay

Cũng giống với nhiều quốc gia trên thế giới, nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam đang dần bị thu hẹp và cạn kiệt dần. Thủ phạm đứng sau các vấn đề này lại chính là con người.

Theo các số liệu thống kê thì diện tích rừng đang bị thu hẹp từng ngày, từng giờ do các hoạt động khai thác trái phép. Diện tích rừng thu hẹp khiến cho động thực vật mất đi môi trường sống, đẩy chúng dần đến nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên.

Nguồn nước bị ô nhiễm khiến nhu cầu nước sạch cũng càng trở lên cấp bách. Khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất đai, sông ngòi ao hồ và tính trạng hoang mạc hóa ngày càng tăng cao.


Từ chính điều này đòi hỏi chúng ta phải có ý thức trong việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên hơn nữa, không chỉ tốt cho cuộc sống của mình mà còn cho các thế hệ con cháu sau này nữa.

(Theo CỨU SAO LA)

Lượt xem : 5981