Vietnamese English
Những con số về rác thải

5/26/2015 2:14:00 PM

MTX xin nêu ra những con số liên quan đến rác thải – một thách thức lớn không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang là mối đe dọa đến cuộc sống của cư dân trên toàn cầu.

>>> Lò đốt rác thải đầu tiên đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
>>> Cảng biển Việt Nam đã thành bãi rác của thế giới
>>> Lãng phí nguồn năng lượng từ rác thải

Việt Nam

Sự phát triển kinh tế cùng với sự gia tăng dân số không ngừng đang khiến rác thải sinh hoạt và y tế tại các thành phố lớn ở Việt Nam tăng nhanh hơn cả các nước khác trên thế giới.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Việt Nam phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh là 20 triệu tấn/ngày. Phần lớn lượng rác phát sinh chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… Việc quản lý và xử lý chất thải rắn đô thị nước ta đang còn rất lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp.


Hiện trên cả nước, phần lớn lượng rác thải, nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị và nông thôn đang được thu gom, vận chuyển và xử lý bằng biện pháp thủ công

Tại thành phố Hà Nội, khối lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15% một năm, tổng lượng rác thải ra ngoài môi trường lên tới 5.000 tấn/ngày. Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm cần tới 235 tỉ đồng để xử lý.

Xét về rác thải y tế, khoảng 50% số bệnh viện tại Việt Nam vẫn chưa áp dụng quy trình xử lý rác y tế đạt chuẩn. Mỗi ngày, ngành y tế thải ra từ 350 đến 450 tấn rác thải, trong đó có 40 tấn thuộc loại độc hại.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình xử lý chất thải rắn từ nay đến 2020 do Bộ Tài nguyên & Môi trường đệ trình. Theo đó, đảm bảo 70% lượng rác thải nông thôn, 80% rác thải sinh hoạt, 90% rác thải công nghiệp không nguy hại và 100% rác thải nguy hại phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

Đặc biệt, Đề án xác định, đến năm 2015 có 60% và lên đến 95% vào năm 2020 lượng rác này phải được tái chế, tái sử dụng. Để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực chung của toàn xã hội.

Thế giới

Với lượng rác gom góp được trên toàn thế giới từ 2,5 đến 4 tỉ tấn một năm, thế giới hiện có lượng rác ngang bằng với sản lượng ngũ cốc (đạt 2 tấn) và sắt thép (1 tỉ tấn), khẳng định của Viện nguyên vật liệu Cyclope và Veolia Propreté, công ty quản lý rác lớn thứ hai thế giới.


Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới WB, con người sẽ thải ra môi trường hơn 11 triệu tấn chất thải rắn mỗi ngày vào năm 2100

Theo các chuyên viên nghiên cứu của hai cơ quan trên, trong tổng số rác trên thế giới, có 1,2 tỉ tấn rác tập trung ở vùng đô thị, từ 1,1 đến 1,8 tỉ tấn rác công nghiêp không nguy hiểm và 150 triệu tấn rác nguy hiểm (mức tính toán thực hiện tại 30 nước).

Mỹ và châu Âu là hai "nhà sản xuất" rác đô thị chủ yếu với hơn 200 triệu tấn rác cho mỗi khu vực, kế tiếp là Trung Quốc với hơn 170 triệu tấn. Theo ước tính, tỉ lệ rác đô thị ở Mỹ ở mức 700 kg/người/năm. Và tỷ lệ này ở Hàn Quốc gần 2000 kg. Brazil là 20 kg. Đối với rác công nghiệp, Mỹ chiếm khoảng 275 triệu tấn.

Rác thải – một thách thức lớn không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu

Ngày 6/6/2012, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng rác thải đang ngày càng nghiêm trọng và tạo gánh nặng khổng lồ về tài chính cũng như môi trường cho chính phủ các nước.

Trong báo cáo "Đánh giá toàn cầu về quản lý rác thải rắn," WB nhận định khối lượng rác thải ngày càng lớn của cư dân đô thị đang là một thách thức lớn không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu, và chi phí xử lý rác thải sẽ là gánh nặng đối với các quốc gia nghèo khó, đặc biệt là ở châu Phi.


Theo The Economist, trong khi đã là một vấn đề toàn cầu nhưng rác thải vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Các chuyên gia WB ước tính đến năm 2025, tổng khối lượng rác cư dân thành thị thải ra sẽ là 2,2 tỷ tấn/năm - tăng 70% so với mức 1,3 tỷ tấn hiện nay, trong khi chi phí xử lý rác thải rắn dự kiến lên tới 375 tỷ USD/năm, so với mức 205 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.

Với sự bùng nổ dân số thành thị sử dụng than đá và gỗ làm nguồn cung cấp năng lượng, châu Phi có thể sẽ "đóng góp" ít nhất 55% trong tổng lượng chất thải gây ô nhiễm của thế giới vào năm 2030.

Theo WB, những số liệu này cần được nhìn nhận như hồi chuông cảnh tỉnh về một cuộc khủng hoảng rác thải trong tương lai, trong bối cảnh chất lượng cuộc sống đô thị đang ngày một được cải thiện và tình trạng bùng nổ dân số gia tăng.

Các chuyên gia của WB kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đưa ra các kế hoạch xử lý và tái chế rác thải nhằm hạn chế các khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời tăng cường xử lý chất thải rắn, đặc biệt là ở các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh và các quốc gia thu nhập thấp.

Chiến đấu với mối đe dọa sức khỏe

Nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Blacksmith và Hội Chữ thập xanh Thụy Sĩ tại hơn 3.000 địa điểm ở 49 quốc gia cho thấy hơn 200 triệu người trên thế giới có nguy cơ tiếp xúc với chất thải độc hại. Đồng nghĩa với việc họ phải chiến đấu với những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng gây ra nhiều căn bệnh xã hội nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ em – BBC dẫn theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp và Ivory-Coast cho biết.

Nghiên cứu chỉ ra bãi phế thải điện tử Agbobloshie ở thủ đô Accra của Ghana là nơi có mối đe doạ độc hại cao nhất với cuộc sống con người. Agbobloshie trở thành một bãi phế thải điện tử toàn cầu, nguyên nhân gây ra các vấn đề môi trường và sức khỏe nghiêm trọng.


Rác thải gây ra đủ vấn đề. Mùi khó chịu, vi trùng gây bệnh, điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh. Nghiêm trọng hơn nó thải vào nước, đất và không khí những hóa chất rất độc hại dù được xử lý bằng cách chôn hay đốt bỏ.

Tại Agbobloshie, nghiên cứu cho thấy chì xuất hiện trong đất ở mức độ rất cao, gây ra những mối nguy hiểm tiềm tàng nghiêm trọng đối với sức khỏe và môi trường cho hơn 250.000 người dân ở các vùng lân cận.

Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với Ngân hàng Thế giới ước tính 23% số ca tử vong ở các nước đang phát triển có nguyên do từ các yếu tố môi trường, bao gồm ô nhiễm; và các yếu tố rủi ro môi trường liên quan đến hơn 80 % các bệnh thường gặp.

Dẫn một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới và Học viện Hoạch định Môi trường Trung Quốc, nguyên Bộ trưởng y tế Trung Quốc xác nhận mỗi năm từ 350.000 - 500.000 người dân nước này chết sớm chỉ vì ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí đã trở thành “mối đe dọa lớn thứ tư đối với sức khỏe của người Trung Quốc” (sau bệnh tim, chế độ ăn uống và hút thuốc).

Theo đánh giá của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng các loại chất thải ô nhiễm nói trên có thể là nguyên nhân gây bệnh hen suyễn, dị ứng, bệnh đường hô hấp, tim mạch và đặc biệt là ung thư. Ước tính hơn 2 triệu người tử vong mỗi năm do hít phải không khí bị ô nhiễm trong nhà và ngoài trời.

(Còn nữa)

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 6749