Khi mà hội nghị lớn nhất về biến đổi khí hậu COP21 sắp diễn ra vào cuối tháng 11 thì người ta giật mình khi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2015 đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Rõ ràng biến đổi khí hậu đã đảo lộn thời tiết khiến cho thiên tai, lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm… gia tăng, cướp đi sinh mạng nhiều triệu người mỗi năm trên thế giới.
WMO cũng cho biết, giai đoạn 2011- 2015 là giai đoạn nóng nhất trong lịch sử. Nền nhiệt độ trung bình của giai đoạn này cao hơn 0,57 độ C so với giai đoạn 1961-1990. Các nhà khoa học của WMO cũng phát hiện ra rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1 độ C so với giai đoạn 1880-1899.
Trước thềm Hội nghị lần thứ 21 Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) từ 30/11 – 11/12, Cơ quan Liên Hợp quốc về Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai (UNISDR) công bố báo cáo cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân cướp đi mạng sống của 606.000 người trong vòng 20 năm qua, trong đó trẻ em là những nạn nhân chính. Cùng với đó là 4,1 tỷ người bị thương, rơi vào cảnh vô gia cư hoặc ở trong tình trạng cần sự hỗ trợ khẩn cấp.
Riêng trong giai đoạn 2005-2014, các dữ liệu cho thấy đã xảy ra 335 thảm họa
thiên tai, tăng 14% so với thập kỷ trước và gần gấp đôi con số kỷ lục ghi nhận được trong giai đoạn 1985-1994. Bản báo cáo lưu ý, xét một cách tổng thể, thế giới đã ghi nhận số lượng các đợt bão lũ đang ngày càng gia tăng, trong khi hạn hán, các đợt nóng và cực lạnh cũng có chiều hướng tương tự. Cụ thể, lũ lụt chiếm 47% trong tổng số các thảm họa thiên tai 20 năm qua, ảnh hưởng tới hơn 2,3 tỷ người mà đa số đều tập trung ở châu Á.
Báo cáo của UNISDR cũng nêu chi tiết những thiệt hại nặng nề về tài sản và cơ sở hạ tầng do các hiện tượng
thời tiết cực đoan gây ra, trong đó có khoảng 87 triệu ngôi nhà bị phá hủy cùng hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện và các cơ sở trọng yếu khác trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. UNISDR ước tính tổng thiệt hại tài chính do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra lên tới 1.900 tỷ USD. Báo cáo cũng cảnh báo về nguy cơ tiếp tục xảy ra nhiều thảm họa thiên tai hơn nữa trong thập kỷ tới.
Song song với báo cáo trên, một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 24/11 cảnh báo, trẻ em là nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu chỉ rõ, có đến 690 triệu trẻ em sống tại những vùng bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi
khí hậu. Trong đó, khoảng 530 triệu trẻ em sống tại những quốc gia thường xuyên bị lụt lội nghiêm trọng, đa số ở châu Á, và 160 triệu trẻ em sống tại những vùng bị hạn hán nặng nề, chủ yếu là ở châu Phi.
Ô nhiễm không khí
Qua kết quả phân tích, đánh giá, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng,
ô nhiễm không khí trong nhà có liên quan đến 4,3 triệu ca tử vong do sử dụng bếp than, củi và sinh khối. Các con số đưa ra dựa trên các thông tin chính xác về mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong số 2,9 tỷ người sử dụng củi, than, khí ủ bàn cầu làm nhiên liệu để nấu nướng.
Theo một báo cáo mới đây của WHO, chỉ trong năm 2012, trên thế giới đã có 7 triệu người bị chết vì hậu quả của ô nhiễm không khí - chiếm tỷ lệ 1/8 tổng số người chết trên toàn cầu. Con số này gấp 2 lần so với dự tính trước đó và là bằng chứng khẳng định, ô nhiễm
không khí hiện là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người.
Theo tính chất của khu vực, các nước có thu nhập thấp và trung bình tại Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ô nhiễm với khoảng 3,3 triệu người chết do ô nhiễm không khí trong nhà và 2,6 triệu người chết do ô nhiễm không khí ngoài trời.
Lỗi lo bệnh tật
Mối lo ngại lớn nhất của các nhà nghiên cứu Liên Hợp quốc về hậu quả của biến đổi khí hậu chính là sự phơi nhiễm
bệnh tật. Các căn bệnh như: Sốt rét, viêm phổi, tiêu chảy và suy dinh dưỡng sẽ trở nên nguy hiểm hơn do biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, hạn hán kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các sản phẩm nông nghiệp, kéo theo tình trạng suy dinh dưỡng, nguyên nhân gây ra cái chết của một nửa trong số các trường hợp tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
Do vậy, UNICEF khuyến nghị là trong việc giúp các quốc gia nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, nên dành ưu tiên cho những thành phần dân cư dễ bị tổn thương nhất, trong đó có trẻ em. Bản nghiên cứu của UNICEF cho rằng, nếu kế hoạch cắt giảm lượng
khí thải gây hiệu ứng nhà kính đề ra mục tiêu nhiều tham vọng hơn, thì sẽ có nhiều trẻ em tránh được những hậu quả của biến đổi khí hậu hơn.
Các nước đang phát triển sẽ phải tiêu tốn thêm một khoản tiền 270 tỷ USD mỗi năm để có thể thích ứng với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nếu như không chịu cam kết cắt giảm thêm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, theo tổ chức Oxfam.
Các kế hoạch được hơn 170 quốc gia tham gia các vòng đàm phán về biến đổi khí hậu của LHQ được tổ chức ở Paris trong tuần tới hiện đang đặt ra mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức từ 2,7 đến 3 độ C. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Oxfam, kể cả có đạt được mức tăng giới hạn này, thì các nước đang phát triển vẫn phải chi khoảng 790 tỷ USD mỗi năm để thích ứng, tức đội lên đến 50% so với mức tăng giới hạn 2 độ C.
Nếu như các chi phí đội thêm này không được đáp ứng, thì ở mức tăng giới hạn 3 độ C, nền kinh tế của các nước đang phát triển có khả năng sẽ bị thua lỗ khoảng 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, tương đương 1,3% GDP; theo báo cáo trên.