Những chiếc bướu trên các cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo
7/5/2011 10:51:00 AM
Những cây bàng cổ thụ 150 năm tuổi ở Côn Đảo chỉ tập trung trong sân các trại giam và mấy con phố xung quanh trại giam. Chúng có nhiều u bướu hình dạng kì lạ.
Nguyễn Đình Hòe VACNE
Chiếc bưới dạng đầu một người phương Tây có bộ ria mép rất đặc trưng (ảnh a), hình đầu lâu (ảnh b), hình 2 xác ướp (ảnh c) và hình chùm củ khoai tây (ảnh d).
1.Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo chỉ tập trung trong khuôn viên các trại giam Phú Sơn, Phú Hải và mấy con phố bao quanh các trại giam này (nay có tên là các phố Tôn Đức Thắng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Cừ). Hệ thống nhà tù Côn Đảo chính thức được thảnh lập năm 1862. Khi đó Côn Đảo chỉ có 2 làng chài : 1 ở gần sân bay Cỏ Ống bây giờ và 1 ở gần đền thờ bà Phi Yến – một bà phi của Nguyễn Ánh. Bà phi này khuyên Nguyễn Ánh không nên cầu viện Pháp để đánh lại nhà Tây Sơn vì “ có thắng cũng không vẻ vang gì, còn e lắm điều rắm rối về sau”. Vì câu nói đó mà Nguyễn Ánh giam bà trong một cái hang đá trên đảo cho đến khi bà tự vẫn.
Từ khi Pháp quyết định xây nhà tù Côn Đảo cho đến năm 1975, khu vực nhà tù (nay là thị trấn Côn Đảo) không hề có dân ở, chỉ có tù nhân và gia đình các quan quân coi giữ nhà tù. Việc quy hoạch phố xá, cây xanh chắc phải do các nhà quy hoạch Pháp, nhưng công sức xây dựng là của tù nhân. Không hiểu sao bàng lại được chọn để trồng làm cây xanh chủ đạo trong khuôn viên nhà tù và mấy dãy phố xung quanh nhà tù. Ở Côn Đảo trong các thảm thực vật tự nhiên bên ngoài thị trấn, hầu như không gặp bàng, nếu có cũng chỉ mấy cây bàng nhỏ, không có bàng cổ thụ. Rõ ràng bàng cổ thụ không phải thực vật bản địa trên đảo mà được di thực từ nơi khác về. Lí do bàng được trồng ở trong và quanh nhà tù Côn Đảo đến nay vẫn chưa ai hiểu.
2.Bàng (danh pháp khoa học: Terminalia catappa) là một loài cây thân gỗ lớn sinh sống ở vùng nhiệt đới, thuộc họ Trâm bầu (Combretaceae). Nguồn gốc của loài này hiện vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, nó có thể có nguồn gốc Nam Á,như Ấn Độ, bán đảo Mã Lai hay New Guinea.Đây là loài cây có lá sớm rụng về mùa khô; trước khi rụng thì các lá chuyển màu thành màu đỏ ánh hồng hay nâu vàng, do các sắc tố như violaxanthin, lutein hay zeaxanthin.Tại Đài Loan người ta dùng các lá rụng làm thuốc chữa một số bệnh liên quan tới gan. Tại Suriname, trà lá bàng được dùng để chữa các bệnh như lỵ và tiêu chảy. Có phải vì tính dược lí này mà bàng được chọn để trồng?
3. Bàng cổ thụ ở Côn Đảo nếu tính từ năm bắt đầu xây nhà tù (1862) đến nay cũng đã gần 150 năm. Có những cây gốc to 3-4 người ôm không kín. Đặc biệt, nhiều cây có nhiều u bướu hình thù kì dị. Có những cái bướu to ngang phần thân cây còn lại. Có những cái bướu hình đầu lâu, hình tử thi quấn vải,…
Thời tiết Côn Đảo lạ kì : đang nắng có thể đổ mưa rào, gió giật như bão, rồi lại trời quang mây tạnh ngay được. Những cành bàng có thể bị gió giật gãy. Từ vết sẹo ứ nhựa đó, về sau sẽ xuất hiện một cái bướu không biết có hình dạng gì. Hình dạng cái bướu có lẽ tùy thuộc vào nội dung câu chuyện mà các “cụ” bàng muốn kể lại cho hậu thế chăng?.
Các trại giam ở Côn Đảo nay đã trở thành Di tích lịch sử, ngày nào cũng đông du khách viếng thăm. Thời thế cũng đã thay đổi. Khách sạn du lịch 3 sao đã mọc lên trên bãi đất trống trước cổng trại giam Phú Sơn và Phú Hải. Chỉ có hàng bàng cổ thụ có vẻ vẫn như xưa. Chúng vẫn xanh tốt, vẫn ra hoa kết trái hàng năm. Người Côn Đảo có nghề phơi trái bàng cho khô, đập lấy nhân làm món hạt bàng rang muối hay đường, hàng ngày vẫn bày bán ở trước của nhà giam Phú Sơn cũ nay là cổng vào khách sạn 3 sao Sài Gòn – Côn Đảo. Nhưng chưa ai đọc được thông điệp mà các “cụ” bàng kể lại qua những cái bướu hình thù quái dị./.
Lượt xem : 5946