Những cây đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong năm 2024
4/7/2024 8:50:00 AM
(VACNE) – Đó là 03 cây tại xã Hà Lai, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa được Chính quyền và nhân dân xã Hà Lai long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cùng với Lễ công bố quyết định thôn Vân Cô đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đúng vào ngày lễ hội truyền thống (Lễ hội rước Nghè, Lễ hội Đền thờ Mẫu) của địa phương ngày 28 tháng 2 âm lịch (ngày 06/4/2024).
03 cây được công nhận Cây Di sản Việt Nam tại xã Hà Lai đợt này gồm: cây Đa (Ficus benghalensis L.) hơn 170 tuổi nằm trong khuôn viên Trường Trung học cơ sở Hà Lai, thôn Mậu Yên 2 cùng với cây Đa (Ficus benghalensis L.) hơn 120 tuổi và cây Bàng (Terminalia catappa L.) hơn150 tuổi trong khuôn viên Đền Mẫu, thôn Vân Cô. Cả 3 cây hiện nay vẫn xanh tốt và được nhân dân địa phương và nhà trường quan tâm bảo vệ.
Tham dự buổi lễ long trọng này có Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Hà Trung; Ông Vũ Xuân Hoá, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra huyện uỷ; Ông Lê Tất Thành, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thể thao và Du lịch huyện; Ông Mai Thanh Dung, Viện Phó Viện Chiến lược Chính sách TNMT – Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hà Lai cùng các đại biểu lãnh đạo phòng, ban, cơ quan chuyên chuyên môn xã Hà Lai, các chi hội đoàn thể nhân dân, tổ an ninh xã hội thôn Vân Cô, đại diện các gia đình, cá nhân, các doanh nghiệp tiêu biểu, một số xã lân cận, phóng viên Báo, Đài, các con em ở xa quê và đông đảo bà con trong vùng.
GS.TS.NGND. Trần Hiếu Nhuệ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đến tham dự và trao bằng công nhận Cây Di sản Việt nam cho đại diện địa phương. Phát biểu tại buổi lễ Giáo sư rất vui mừng và vinh dự, được thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về dự và trao “Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam” những cây đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được tổ chức lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam trong năm 2024. Giáo sư cũng khẳng định Sự kiện này được các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương tổ chức, không chỉ là hoạt động Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường, mà còn thể hiện sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân; đồng thời cũng là hoạt động: khơi dậy niềm tự hào cho người dân địa phương và hướng cộng đồng cùng bảo vệ tốt hơn cây cổ thụ - một phần không thể thiếu của nhân dân xã Hà Lai, chúng ta có nghĩa vụ phải giáo dục các thế hệ con cháu, các thế hệ học sinh giữ gìn bền vững cho hậu thế.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hà Lai cho biết: rải qua suốt chiều dài của lịch sử cùng với quá trình phát triển không ngừng của xã hội nhưng xã Hà Lai nói chung và thôn Vân Cô nói riêng vẫn giữ được những cây cổ thụ có niên đại trên hàng trăm năm tuổi, những cây cổ thụ ấy không chỉ góp phần tạo cảnh quan, giá trị sinh thái mà còn là chứng nhân lịch sử, nét đẹp văn hoá, niềm tự hào của bao thế hệ con em người Hà Lai. Nguyện ước của nhân dân là muốn bảo vệ cây cổ thụ để nhân dân trong làng, các thế hệ học sinh xã Hà Lai dù đi xa vẫn nhớ về cội nguồn của văn hoá là động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của tình yêu làng xóm, yêu quê hương, yêu Tổ quốc và niềm tự hào của người dân Hà Lai. Qua đó cũng góp phần động viên, khích lệ nhân dân cùng chung tay góp sức, chăm sóc, bảo tồn Cây Di sản, nâng cao giá trị của các di tích lịch sử địa phương.
Lãnh đạo và toàn thể nhân dân trong xã Hà Lai xin hứa sẽ làm tốt công tác bảo tồn, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc cải tạo cảnh quan, bảo tồn cây di sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn xã. Nâng cao hiệu quả kinh tế, quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững, quan tâm củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo tính bền vững các tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu.
PV. VACNE
Lượt xem : 1571