Vietnamese English
Nhìn lại 20 năm bảo tồn đa dạng sinh học

2/19/2015 10:01:00 AM

Kế hoạch hành động (KHHĐ) đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 1995 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 845-TTg ngày 22/12/1995 được xem là một chính sách nền tảng đầu tiên của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và tài nguyên ĐDSH, nhất là sau khi trở thành quốc gia thành viên Công ước ĐDSH năm 1994. Kể từ đó đến nay, trải qua 20 năm thực hiện và phát triển, sự nghiệp bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam đã đạt được một số thành quả quan trọng. Tuy nhiên, tài nguyên ĐDSH và nỗ lực bảo tồn của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức bởi xu hướng suy giảm, suy thoái trước áp lực của gia tăng dân số, đánh đổi cho ưu tiên phát triển kinh tế và cải thiện tình trạng nghèo đói của dân cư khu vực nông thôn, miền núi. Bài viết này tóm tắt một số thành tựu và thách thức chính của công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một số kiến nghị cho việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược về bảo tồn ĐDSH trong giai đoạn mới.

 

Một số thành tựu chính của bảo tồn ĐDSH

Phát triển hệ thống khung luật pháp và chính sách quốc gia về bảo tồn ĐDSH

KHHĐ ĐDSH năm 1995 do Chính phủ ban hành đã xác lập các dự án hành động cần đầu tư thực hiện trong giai đoạn 1996-2000. Đến năm 2007, để phù hợp với mục tiêu và bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Chính phủ đã phê duyệt KHHĐ quốc gia ĐDSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 nhằm thực hiện Công ước ĐDSH và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học. Tiếp đó, với tầm nhìn mới về ĐDSH là nền tảng của nền kinh tế xanh, bảo tồn ĐDSH là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành vào năm 2013.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất chính là Luật ĐDSH đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Đây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH với cách tiếp cận ĐDSH là một đối tượng tổng thể thống nhất (các hệ sinh thái, loài và nguồn gen). Luật ĐDSH được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn ĐDSH. Bên cạnh đó, các khung luật khác điều chỉnh công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển các thành phần ĐDSH cũng được hoàn thiện như Luật BV-PTR (2004), Luật Thủy sản (2003), Luật Tài nguyên nước (2012). Luật BVMT sửa đổi (2013) tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện so với Luật ban hành năm 1995, 2005 đã cung cấp các chế tài hỗ trợ cho công tác bảo vệ ĐDSH, nhất là về đánh giá tác động môi trường. Các quy định của Bộ Luật Hình sự sửa đổi (2009) cũng đã có một số quy định xử lý vi phạm hình sự liên quan đến ĐDSH.

Hệ thống văn bản dưới luật liên quan đến bảo tồn và phát triển ĐDSH cũng đã được nhà nước xây dựng và ban hành khá đầy đủ. Chỉ tính riêng từ năm 2009 khi Luật ĐDSH có hiệu lực, đã có 08 Nghị định, 09 Quyết định và 12 Thông tư được ban hành, thể chế hóa các chiến lược, quy hoạch, cơ chế về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH Việt Nam. Ví dụ: Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng (RĐD), Khu bảo tồn (KBT) biển, KBT vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống KBT biển Việt Nam; hay Quy hoạch hệ thống RĐD cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hệ thống các khu BTTN tiếp tục được quy hoạch, thành lập, nâng cấp và mở rộng

Việt Nam đã quy hoạch và thành lập được 164 KBT RĐD, trong đó có 30 VQG, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 11 KBT loài và sinh cảnh, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng thực nghiệm nghiên cứu khoa học với tổng diện tích gần 2,2 triệu ha. Dự kiến đến năm 2020 hệ thống này sẽ mở rộng đến 2,4 triệu ha với 176 khu (34 VQG, 58 KBT thiên nhiên, 14 KBT loài và sinh cảnh, 61 khu bảo vệ cảnh quan và 09 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm. Với các hệ sinh thái khác, nhà nước cũng đã quy hoạch 16 KBT biển và 45 KBT vùng nước nội địa. Ngoài ra, trong hệ thống cũng đã có 09 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 02 khu di sản thiên nhiên, 04 khu di sản ASEAN và 06 khu đất ngập nước Ramsar được quốc tế công nhận. Bên cạnh đó, các hình thức bảo tồn chuyển chỗ về ĐDSH cũng được phát triển trong cả nước mang lại hiệu quả cao về bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật quý, hiếm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương. Đó là những thành tựu lớn, cho thấy sự thay đổi nhận thức về cân bằng giữa BTTN và phát triển kinh tế, mà quan trọng hơn đó chính là sự nỗ lực, quan tâm, cam kết và hành động của nhà nước vì các lợi ích chung của xã hội, trước mắt và lâu dài.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ĐDSH được củng cố và tăng cường

Luật pháp Việt Nam quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ĐDSH và giao trách nhiệm cho Bộ TN-MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước này. Bộ NN-PTNT và các bộ, cơ quan ngang bộ khác cũng được Chính phủ phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo lĩnh vực ngành dọc do mình phụ trách, trong khi UBND các cấp được phân cấp quản lý ĐDSH trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn theo địa bàn. Nhìn chung, bộ máy quản lý nhà nước về ĐDSH ở cấp trung ương khá đầy đủ, rộng và toàn diện, trong đó Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT là những đầu mối quản lý chính thông qua Tổng cục Môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Thủy sản. Với hệ thống thuộc ngành TN-MT, Cục Bảo tồn ĐDSH là cơ quan quản lý đầu mối ở cấp trung ương và đã có cơ cấu chức năng đến cấp tỉnh trực thuộc Sở TN-MT. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp và thủy sản đã có bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên rừng, thủy sản khá đầy đủ từ trung ương đến tỉnh, huyện và cả xã (đối với lâm nghiệp), nhất là lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư và ban quản lý các KBT. Hệ thống này đã cho phép nhà nước tổ chức triển khai các chính sách và luật pháp về bảo tồn ĐDSH từ trung ương đến địa phương, là động lực góp phần vào các thành tựu bảo tồn ĐDSH Việt Nam.

Nâng cao nhận thức xã hội và sự tham gia của các bên liên quan vào bảo tồn ĐDSH

Hệ thống tổ chức quản lý và luật pháp được củng cố, phát triển cho thấy nhận thức, mối quan tâm và sự đồng thuận của nhà nước cũng như toàn xã hội về bảo tồn, phát triển ĐDSH ở Việt Nam ngày càng nâng cao. Không chỉ được lồng ghép vào trong hệ thống giáo dục, đào tạo chính thức của nhà nước, nhất là bậc phổ thông và đại học, ĐDSH đã được thông tin và truyền bá qua nhiều kênh, hình thức không chính thức khác như các diễn đàn, hội thảo, tập huấn và giáo dục môi trường. 20 năm qua đã chứng kiến sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của báo chí vào công tác quản lý bảo tồn ĐDSH, thu hút sự quan tâm của người dân đối với việc bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quy hiếm, phản biện các dự án phát triển có ảnh hưởng đến các VQG/KBT hay các dòng sông. Quan trọng hơn, sự kết nối giữa cơ quan lập pháp (Quốc hội), cơ quan hành pháp (quản lý nhà nước) và nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về bảo tồn ĐDSH đã được thể hiện.

Một thành tựu quan trọng khác của công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam trong 20 năm qua chính là huy động được nguồn lực tài chính, kỹ thuật và sự tham gia tích cực của các tổ chức đa phương, tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước. UNDP, WB, JICA, UNEP, GIZ, IUCN, WWF, FFI, WCS, Birdlife International, TRAFFIC là những tổ chức đã có những đóng góp đáng kể cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về bảo tồn ĐDSH, cũng như hỗ trợ thiết lập và quản lý nhiều VQG/KBT có giá trị ĐDSH toàn cầu. Thông qua các dự án hỗ trợ, nhiều loài động, thực vật mới có giá trị cho khoa học đã được phát hiện, phát hiện lại và được đầu tư bảo tồn như Sao la, Mang lớn, một số loài linh trưởng, Chim trĩ… Bên cạnh đó, sự hình thành các tổ chức xã hội trong nước như VACNE, ENV, PanNature, MCD, GreenVIET, Wildlife At Risk… cũng đã gia tăng nỗ lực đóng góp cho bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam từ cả hiện trường đến diễn đàn chính sách của quốc gia, quốc tế. Xu hướng các doanh nghiệp và tổ chức cộng đồng tham gia TBTN cũng đang được hình thành, hứa hẹn tạo nhiều nguồn lực cho bảo vệ các giá trị và di sản ĐDSH của Việt Nam.

Ảnh minh họa: Trịnh Lê Nguyên

Ảnh minh họa: Trịnh Lê Nguyên

Thách thức, bất cập và khuyến nghị hướng khắc phục, cải thiện

Đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá và bàn luận về bất cập và thách thức của công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam. Chiến lược quốc gia về ĐDSH của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã đề ra các nhiệm vụ và hành động chiến lược để giải quyết các thách thức và bất cập đó. Từ góc độ khoa học, tác giả bài viết xin nhấn mạnh một số vấn đề cần tiếp tục được quan tâm như sau:

Cải thiện và tăng cường hiệu quả bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH ở Việt Nam chỉ có thể được thực hiện khi có các cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương bên cạnh các đầu tư và hành động can thiệp có tính hệ thống, chiến lược và nhất là sự đồng thuận đi kèm với sự tham gia đầy đủ của các bên có trách nhiệm và lợi ích liên quan. Một số khuyến nghị sau đây nên được xem xét nhằm cải thiện hiệu quả của bảo tồn ĐDSH:

 Giáo sư TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch hội Động vật học Việt Nam

Theo Bản tin Chính sách Quý IV/2015, PanNature

Lượt xem : 2622