Vietnamese English
Nhiều ý kiến tâm huyết của VACNE đóng góp xây dựng Luật BVMT sửa đổi

5/21/2020 11:28:00 AM

(VACNE, 21/5) - Đây là bộ Luật rất quan trọng nên Hội BVTN&MT Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng dự thảo Luật ngay từ đầu, gửi nhiều kiến nghị bằng văn bản tới các cơ quan chức năng; đồng thời cử chuyên gia đóng góp ý kiến tại các cuộc Hội thảo. Đặc biệt, Hội đã hoàn thành việc đóng góp ý kiến cho dự thảo Chương XIII (Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường).


Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật bảo vệ môi trường


Website VACNE xin trân trọng giới thiệu ý kiến tâm huyết của một số vị lãnh đạo trong những cuộc họp gần đây do VUSTA, Ủy ban KHCN&MTcủa Quốc hội và Văn phòng Chính phủ tổ chức để bạn đọc tham khảo.


Cần có những dự báo lâu dài về nguồn thải và quy định chi tiết trong những văn bản liên quan tới luật BVMT

 GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch VACNE cho rằng: đối với giấy phép môi trường, quy định thời hạn cụ thể như thế nào. Ví dụ lĩnh vực nhập khẩu phế liệu có bất cập là phụ thuộc vào thời gian giấy phép nhập khẩu phế liệu có giá trị, khi thành phần tính chất phế liệu thay đổi thì sao. Ví dụ nhựa sạch không cần rửa thì giấy phép một kiểu, nhưng nhựa cần rửa thì xuất hiện nước thải thì giấy phép điều chỉnh thế nào. Do đó, thời hạn của giấy phép tuỳ thuộc điều kiện hoạt động của giấy phép đó… Ngoài ra, môi trường làng nghề là vấn đề phức tạp nhưng trong dự thảo luật lại xây dựng quá đơn giản, còn chung chung. Vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn cũng chưa được quan tâm thực sự xứng đáng.

“Tôi dự báo gần như chắc chắn rằng chỉ 3 – 5 năm nữa chất thải điện tử sẽ là vấn đề cực kỳ nan giải ở Việt Nam và trên thế giới. 5 – 10 năm nữa, chất thải do các hoạt động tái tạo năng lượng sẽ là nguồn chất thải khó xử lý. Nếu muốn Luật BVMT kéo dài được 10 năm hoặc lâu hơn phải tính toán đến các nguồn thải này. Cần nghiên cứu bài bản ứng dụng công nghệ vào kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh”.

Cần có nhiều nội dung mới trong Luật mang tính cách mạng trong quản lý môi trường.


Theo TS Hoàng Dương Tùng, Ủy viên Thường vụ VACNE: cần giảm các thủ tục hành chính hơn nữa, cương quyết áp dụng công nghệ thông tin, công khai tất cả trên mạng, xây dựng các hướng dẫn, nghị định trên mạng để người dân được biết mà thực hiện. Phải công khai hồ sơ, công khai giấy phép môi trường để người dân có thể theo dõi.


Chưa bao giờ chúng ta có khái niệm giấy phép môi trường, dù luật qua nhiều lần sửa đổi. Nguyên tắc gây ô nhiễm phải trả tiền là công cụ kinh tế cần thực hiện. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, giảm bớt thủ tục hành chính thể hiện trong luật, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm… sẽ khiến môi trường tốt hơn nhiều.


“Suốt bao năm qua, cứ nói đến môi trường là nói đến ĐTM, nó là công cụ phân tích dự báo để quyết định xem có nên triển khai những dự án lớn hay không. Nhưng khi thực hiện nó lại gần như là giấy phép, thủ tục hành chính, các xử phạt vi phạm đều dựa trên ĐTM. Không có nước nào trên thế giới dùng công cụ ĐTM để quản lý cả. Quyết định ĐTM từ năm 1993 đến giờ vẫn tồn tại là quá lạc hậu. Rồi chất lượng đánh giá ĐTM hiện không tốt, đối tượng quá rộng, mức độ công khai không có, trình độ tư vấn, trình độ hội đồng rất yếu kém, đặc biệt ở các địa phương. Cần trả ĐTM về đúng vị trí là công cụ dự báo, phục vụ cho quy hoạch, không dựa vào ĐTM để thanh kiểm tra mà chỉ dựa vào giấy phép môi trường. Đã đến lúc phải phải thống nhất quản lý môi trường về một mối chính là giấy phép môi trường và do một cơ quan quản lý cấp để giảm thiểu thủ tục hành chính.


Cần cụ thể hơn tới nội dung Phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường.



Đây là ý kiến của Tổng thư ký VACNE tại cuộc họp ngày 18/5/2020, do Văn phòng Chính phủ triệu tập.


Tại cuộc họp quan trọng này, ông Phạm Văn Sơn đề xuất ý kiến cần chỉnh sửa liên quan đến nội dung Chương X, Mục 1 của Luật BVMT. Cụ thể như: hiện nay các doanh nghiệp phải lập quá nhiều loại kế hoạch ứng phó sự cố. Và tại Điều 5, khoản 1, trong Quyết định 09/2020 của Thủ tướng chính phủ về “Qui chế ứng phó sự cố chất thải” ban hành ngày 18/03/2020 cũng đã nêu: "Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải có thể được lồng ghép vào kế hoạch ứng phó sự cố khác” nhưng trong đó, chưa nêu rõ có thể lồng ghép được với các kế hoạch nào. 


Vì thế, cần quy định: Cấp cơ sở/doanh nghiệp chỉ phải lập 01 "Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường". Kế hoạch này bao trùm tất cả các sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất, sự cố chất thải, sự cố hỗn hợp khác do con người gây ra.


Việc lập 01 “Kế hoạch” sẽ giúp cho:


-         Doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý dễ nhận diện được tổng thể các nguy cơ sự cố tại cơ sở, với một, một số, hoặc nhiều nguy cơ tiềm ẩn (sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất, sự cố chất thải rắn/lỏng/khí…) trong 01 Kế hoạch. Căn cứ vào loại hình sản xuất/kinh doanh/dịch vụ, doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra các sự cố nào thì xây dựng Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với các sự cố đó. Ví dụ: Kho xăng dầu: nguy cơ sự cố tràn dầu; Nhà máy Nhiệt điện: nguy cơ sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất, sự cố chất thải rắn-lỏng-khí; Nhà máy sản xuất nước sạch: Nguy cơ nguồn nước thô đầu vào bị nhiễm độc bởi dầu/hóa chất/chất thải do hoạt động của phương tiện thủy nội địa trên sông, nước thải của các cơ sở công nghiệp trên bờ sông, hoặc do khủng bố phá hoại,…


-         Trên cơ sở nhận diện và lường trước được các loại nguy cơ, doanh nghiệp có thể xây dựng phương án ứng phó hiệu quả, thực tiễn đối với từng sự cố; sự cố hỗn hợp; sự cố khó xác định là sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất hay sự cố chất thải; sự cố bên ngoài từ các cơ sở, khu vực lân cận khác tác động gây ảnh hưởng.


-         Giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp trong việc phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiều Kế hoạch riêng biệt. Đồng thời giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp trong việc đầu tư mua sắm chồng chéo trang bị ứng phó cho từng loại sự cố theo yêu cầu của các Hội đồng thẩm định khác nhau.


-         Doanh nghiệp lập "Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường" là tuân thủ đúng theo Luật BVMT. Các loại Kế hoạch khác: Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải vẫn không phải là "Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường". Thực tế còn phát sinh sự lúng túng khi xảy ra sự cố khó xác định là sự cố gì thì vận dụng theo Kế hoạch nào. Các loại sự cố này vẫn là "sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người", có nguy cơ "gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng", về thực chất và theo giải thích từ ngữ thì vẫn là sự cố môi trường.


-   Ngoài ra, đại diện Hội còn đóng góp một số ý kiến cụ thể, bổ sung vào Dự thảo luật BVMT lần này nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, cũng như tăng cường quyền lực cho các cơ quan quản lý trong trường hợp ứng cứu khẩn cấp tình trạng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng, theo phương châm "4 tại chỗ"./.

Văn phòng VACNE

Lượt xem : 2109

TIN KHÁC

Bảo mẫu của voi (27/01/2025 10:24 )
DÀI NGẮN (27/01/2025 08:17 )
Thơ Xuân quên (24/01/2025 18:41 )