Rừng nhập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên ở các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên năm 2014, tổ chức ngày 20/11 tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng).
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay, tại 30 vườn quốc gia và 30 khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nước đã phát hiện và xử lý 1.770 vụ vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, giảm 19,5% so với năm ngoái. Trong đó có 1.472 vụ khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 207 vụ săn bắt động vật hoang dã; 70 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 53ha.
Tại 30 vườn quốc gia xảy ra 1.202 vụ vi phạm và các vườn quốc gia xảy ra nhiều vụ vi phạm là Yok Don (280 vụ), Cát Tiên (178 vụ), Bình Châu-Phước Bửu (93 vụ), Núi Chúa (89 vụ), Phong Nha-Kẻ Bàng (88 vụ), Mũi Cà Mau (77 vụ), Tràm Chim (66 vụ)…
Riêng tình trạng phá rừng, khai thác rừng đã xảy ra tại 22 vườn quốc gia và 2kKhu bảo tồn thiên nhiên, tập trung chủ yếu tại các khu bảo tồn thiên nhiên như Cát Tiên, Bình Châu-Phước Bửu, Núi Chúa, Mũi Cà Mau, Núi Ông, Phong Nha-Kẻ Bàng… Trong đó, Vườn quốc gia Cát Tiên là “điểm nóng” về phá rừng, khai thác rừng trái phép trong năm nay với 125 vụ.
Đại diện các vườn quốc gia cho biết, hiện nay, việc săn bắn và giết động vật hoang dã, quý hiếm diễn ra phức tạp, gay gắt và manh động hơn; tình trạng chống người thi hành công vụ cũng diễn ra phức tạp. Trong đó, khu vực Tây Nguyên được xem là “điểm nóng” về tình trạng mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ và lâm sản trái phép, nhất là tình trạng phá rừng, xâm canh, xâm chiếm đất rừng trái phép...
Bên cạnh đó, việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn diễn ra ở khu vực biên giới, các khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh như vùng giáp ranh giữa Lâm Đồng với Bình Thuận, Đắk Lắk với Khánh Hòa, Phú Yên và Gia Lai với Bình Định…
Đại diện các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên cũng đề xuất nhiều giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, săn bẫy bắt động vật hoang dã trong rừng đặc dụng.
Bên cạnh đó, đại diện Vườn quốc gia Cát Tiên kiến nghị Tổng cục Lâm nghiệp có ý kiến với các địa phương, xem xét hạn chế trong việc cấp phép mở các cơ sở chế biến lâm sản cũng như cấp phép cho các cơ sở nuôi nhốt động vật rừng ở địa bàn giáp ranh với các khu rừng đặc dụng.
Đại diện Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đề nghị cần có quy chế, chế tài cụ thể nhằm đảm bảo các điều kiện để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ tài nguyên rừng đặc dụng./