Vietnamese English
Nhiều việc làm được tạo ra từ quá trình sản xuất sản phẩm OCOP

4/14/2021 7:40:00 AM

Sau 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018- 2020 đã tạo ra cơ hội để vùng nông thôn liên kết, hợp tác sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm thế mạnh. Đặc biệt, quá trình sản xuất các sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.


HTX chè Hảo Đạt giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương


HTX chè Hảo Đạt giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương

Gia tăng lao động 

Hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vài năm trở lại đây trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Bởi nơi đây có phong cảnh hùng vĩ, hữu tình với những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi, cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao.

Từ năm 2015, nhiều hộ gia đình trong thôn bắt đầu làm dịch vụ lưu trú cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Năm 2019, HTX được xã Thông Nguyên chọn tham gia Chương trình OCOP,  được tỉnh đánh giá xếp hạng 4 sao. Nhờ đó, đã giúp cho nhiều hộ dân trong xã chuyển từ làm nông nghiệp sang làm du lịch, có thu nhập ổn định.

 Hiện nay, ngoài 7 thành viên HTX, trong bản đã có 7 hộ người Dao làm mô hình du lịch cộng đồng có thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng /tháng/người.

Với thành tích được đánh giá xếp hạng 4 sao OCOP, HTX du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp thôn Nậm Hồng, không chỉ tạo ra việc làm cho nhiều hộ dân, mà ngược lại chính người dân ở đây đã phải tự trau dồi, nâng cao kỹ năng để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng của mình. 

Theo đó, các hộ kinh doanh du lịch được học cách quản lý điều hành, bày trí không gian cho homestay, kỹ năng nấu ăn, giao tiếp, học tiếng anh...; Nhờ vào các kỹ năng phục vụ khách du lịch của các chủ hộ homestay, giờ đây HTX này đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch, cũng như nâng tầm chất lượng của các homestay.

Hay nhìn vào hoạt động của HTX chè Hảo Ðạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ thấy rõ, hiệu quả gia tăng lao động tại địa phương. Nếu trước đây, người dân ở địa phương có nhiều thời gian nông nhàn, thì giờ đây đã có thêm việc làm, thu nhập nhờ tham gia vào HTX.

Với tổng diện tích hai nhà xưởng hơn 2.000 m2, dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín, HTX cần tới cho 20 đến 30 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ.

HTX du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp thôn Nậm Hồng giúp đoàn viên, thanh niên trong thôn, xã có thêm nghề mới


HTX du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp thôn Nậm Hồng giúp đoàn viên,
thanh niên trong thôn, xã có thêm nghề mới.


Hay tại tỉnh Lào Cai, sau 03 năm triển khai, hiện số lao động làm việc thường xuyên trong các địa phương có sản phẩm OCOP là 674 người, trong đó có 299 lao động là đồng bào DTTS tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, với thu nhập từ 4 triệu đồng - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Khắc phục hạn chế

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, việc phát triển các sản phẩm chủ lực cấp địa phương, đã thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Chương trình OCOP đã tạo sự hưởng ứng lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các chủ thể sản xuất. Đến hết năm 2020, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch OCOP cấp tỉnh. Số lượng lao động địa phương tham gia và chất lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng.

Không thể phủ nhận, những tác động tích cực từ Chương trình OCOP mang đến cho các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, số lao động thường xuyên làm việc tại các cơ sở sản xuất còn ít so với nguồn lực lao động tại khu vực; thu nhập của người lao động tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP còn thấp, so với bình quân thu nhập của các ngành khác… 

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, người dân còn chưa thực sự nhận thức đầy đủ được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP dẫn tới tình trạng chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sản phẩm làm ra chạy theo phong trào…

Để phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025, ngoài tìm giải pháp khắc phục những hạn chế trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương cần tập trung xây dựng các giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương về nguyên liệu, lao động và ngành nghề truyền thống nông thôn.

PV/Dantoc

Lượt xem : 983