Nhiều hoạt động bảo tồn thiết thực đã được VACNE thực hiện trong Thập niên Đa dạng sinh học 2010 - 2020
6/1/2021 11:32:00 AM
(VACNE) - Đấy là đánh giá chung của nhiều hội viên và tổ chức Hội nhân nhìn lại những hoạt động của Hội thời gian 10 năm qua.
Phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình, thời gian qua Hội đã huy động các tổ chức và hội viên chủ động tiến hành có kết quả nhiều hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học dưới dạng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu khoa học, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi,... Dưới đây xin điểm qua 3 hoạt động cụ thể, được toàn Hội tiến hành với sự đồng thuận và hỗ trợ của nhiều bộ ngành, địa phương và sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng.
Trước hết là việc phát động và tổ chức “Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu của Thập niên ĐDSH. Với ý nghĩa quan trọng, mục đích rõ ràng, tiêu chí cụ thể, Sự kiện đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và thực sự đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, bền vững. Đến nay đã có trên 5.400 cổ thụ thuộc 135 loài ở 54 tỉnh/ thành phố được VACNE công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Tác động tích cực của sự kiện về mặt môi trường, về mặt xã hội và cả về kinh tế là rõ ràng, luôn được các phương tiện truyền thông ở trung ương và các địa phương đề cập. Cây Di sản và còn hơn thế nữa là nhận xét chung của nhiều người về sự kiện này.
Một lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam được tổ chức tại An Giang
Tiếp đến là việc VACNE chủ động phối hợp tổ chức loạt các hội thảo khoa học với tên chung là “Bảo tồn đa dạng sinh học dẫy Trường Sơn”. Việc kết hợp mức độ cao tầm thế giới của ĐDSH với vị trí đặc biệt của dẫy Trường Sơn thành trọng tâm của loạt hội thảo đã thu hút đông đải các nhà khoa học trong và ngoài nước. Không chỉ nhằm tổng quan các kết quả điều tra nghiên cứu liên quan, dần dần các hội thảo đã đi vào những chuyên đề sâu hơn, trong đó phải kể đến Hội thảo “Bảo tồn loài Sao La” diễn ra ở Quảng Trị năm 2012; Hội thảo “Bảo vệ hệ sinh thái rừng Khộp” ở Đắc Lắc năm 2013; Hội thảo “Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng” ở Đà Nẵng năm 2014, và Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn - Nhìn từ góc độ cộng đồng” tại Hà Nội năm 2017. Loạt hội thảo này rất cần được tạo điều kiện để tiếp tục được tổ chức.
Một trong những Hội thảo khoa học “Bảo tồn đa dạng sinh học dẫy Trường Sơn” được tổ chức
Cuối cùng, phải kể đến việc VACNE đã rất nỗ lực, bằng việc huy động sự đóng góp của các hội viên và tổ chức hội, biên soạn, biên tập, in ấn và phát hành khối lượng lớn các ấn phẩn về ĐDSH trong Thập niên vừa qua. Không kể tới hàng nghìn tờ rơi, hàng trăm bài báo, tham luận, hàng chục các kỷ yếu hội thảo, toạ đàm, chỉ những đầu sách được các nhà xuất bản uy tín phá hành cũng đã phần nào phản ánh được những đóng góp của VACNE về mặt này:
- Bảo tồn ĐDSH dẫy Trường Sơn, NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ VN năm 2011;
- Cây Di sản Việt VN, NXB Khoa học và Kỹ thuật, tập I năm 2015, tập II năm 2017;
- Môi trường - Tuyển tập các công trình NCKH, NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ, năm 2018;
- Những không gian sinh thái đặc thù dãy Trường Sơn, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, năm 2020;
- Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, NXB Khoa hoc tự nhiên và Công nghệ, năm 2020.
Một ấn phẩn về ĐDSH mới được VACNE phát hành gần đây
Những đóng góp của VACNE về bảo tồn ĐDSH trong Thập niên 2010 - 2020 vừa qua đã được cộng đồng ghi nhận, được nhiều bộ ngành và địa phương tặng bằng khen, được nhận nhiều giải thưởng. Đặc biệt GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch VACNE, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã được vinh danh Anh hùng ĐDSH ASEAN năm 2017.
PV. VACNE
Lượt xem : 1872