Những năm gần đây và nhất là mùa xuân Kỷ Hợi 2019, số lượng các đàn Voọc ngũ sắc tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tăng lên nhanh chóng bởi điều kiện môi sinh tốt, được kiểm lâm bảo vệ chặt chẽ…
Trong đó có 3 đàn có từ 6 đến 8 cá thể/đàn, 1 đàn từ 12 đến 15 cá thể, và 2 đàn từ 18 đến 20 cá thể/đàn. Các đàn Voọc này tập trung ở khu vực trên đỉnh Bạch Mã là 4 đàn, dưới kilomet 12-14 là 2 đàn. Tổng cộng 6 đàn Voọc ở Vườn Quốc gia Bạch Mã có tổng số lượng từ 66 đến 79 cá thể Voọc.
1 đàn Voọc ngũ sắc nhiều cá thể tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (ảnh: Phan Doãn Vọng)
“Những đàn Voọc này nhiều hơn hồi trước rất nhiều. Nguyên nhân là do công tác tuần tra kiểm soát quản lý bảo vệ rừng của kiểm lâm chúng tôi được tăng cường. Bên cạnh đó là việc nắm bắt thông tin để ngăn chặn kịp thời các vụ bắt thú rừng quý hiếm được đẩy mạnh. Nhờ đó không những các đàn Voọc mà các thú rừng khác số lượng ngày càng tăng” – ông Vọng cho biết.
Cũng theo ông Trương Cảm, “chuyên gia” giả tiếng chim chóc và động vật tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, mới đây ông và các đoàn khách du lịch đã nhiều lần thấy các đàn Voọc rất dạn dĩ, chuyền cành và đứng nhìn người mà không sợ sệt, khu vực nhìn thấy nhiều ở tại đoạn giữa Bưu điện Bạch Mã và khách sạn Morin bỏ hoang. Du khách rất thích chụp ảnh các bầy Voọc ngũ sắc vì màu sắc đẹp sặc sỡ của chúng.
Voọc ngũ sắc với đặc trưng bộ lông 5 màu. Chính nhờ vẻ đẹp khác thường, loài động vật này được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB – mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam.
Có thân hình thon nhỏ, Voọc ngũ sắc nặng khoảng 8-13,5kg; lưng và phía trước thân màu xám, phần trên của chân có màu đen, phần dưới của chân có màu đỏ; phần dưới tay màu trắng, mặt có màu kem xung quanh mồm có viền trắng, có “râu” cằm dài màu trắng; trán màu xám đen, đuôi trắng. Voọc ngũ sắc sống thành bầy đàn do 1 con đực to khỏe nhất dẫn đầu. Khi rừng bị tàn phá, số lượng Voọc trong 1 đàn thường giảm chỉ còn 4-6 con.
Tại Việt Nam, Voọc ngũ sắc sống chủ yếu tại vùng sinh thái Trung Trường Sơn bao gồm các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận. Loài này thường sống trong rừng già, rừng nguyên sinh trên núi cao, nhưng có thể kiếm ăn cả ở rừng thứ sinh, rừng hỗn giao, nương rẫy. Thức ăn ưa thích của chúng là các loại lá cây.
Hiện ở rừng phòng hộ Bắc Hải Vân ở Thừa Thiên Huế có khoảng 80 cá thể Voọc ngũ sắc đang sinh sống.
Gia đình nhà Voọc ngũ sắc
1 chú Voọc thiếu niên
Voọc cha
Đàn Voọc đang vui đùa trên cây nhìn thấy người chớp ảnh liền hướng ánh mắt về nhìn
Cha con nhà Voọc
Chuyền cành
Bộ lông 5 màu rất đẹp
Và cái đuôi trắng đặc trưng
Trên đỉnh Bạch Mã có nhiều đàn Voọc đến sinh sống, và ngày càng phát triển về số lượng
Mùa xuân này nhiều đàn Voọc hơn, báo hiệu môi sinh rất tốt tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế
1 chú Voọc đang ăn lá cây rừng
Voọc cha cúi người bứt lá cho mẹ và con ăn
Phút suy tư
Nguồn lá rừng nguyên sinh dồi dào là thức ăn tuyệt vời cho Voọc
Voọc đang đùa giỡn và la hét
Đoạn giữa Bưu điện Bạch Mã và Khách sạn Morin bỏ hoang xuất hiện nhiều đàn Voọc được khách du lịch nhìn thấy và chụp ảnh