Vietnamese English
Nhập khẩu hàng triệu triệu tấn chất thải điện tử

10/9/2014 7:18:00 AM

Riêng với chất thải điện tử, ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu tấn được xuất khẩu bất hợp pháp sang các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

 

 

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường năng lực kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất tại Việt Nam” do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) tổ chức ngày 6/10 tại Hà Nội.

Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Bùi Cách Tuyến cảnh báo, hiện tượng vận chuyển bất hợp pháp chất thải và hóa chất xuyên biên giới đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người tại các quốc gia đang phát triển đặc biệt là các quốc gia châu Á, một trong những điểm đến chính của chất thải.

Riêng với chất thải điện tử, ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu tấn được xuất khẩu bất hợp pháp sang các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát và đưa ra những quyết định xử lý kịp thời nhưng nhiều doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận vẫn cố tình nhập khẩu bất hợp pháp  những lô máy móc  không đạt yêu cầu, chất thải nguy hại vào Việt Nam và trốn tránh trách nhiệm khi bị phát hiện. Thành phố Hải Phòng, Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh là các địa phương đã phát hiện và xử lý nhiều nhất loại vi phạm này.

Số liệu thống kê của Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường cho thấy, chỉ tính riêng cảng Hải Phòng từ năm 2003 – 2006 đã có gần 2.300 container chứa khoảng 37.000 tấn ắc quy chì phế thải; năm 2008 – 2009 có 340 container rác phế liệu và hàng chục container ắc quy chì phế thải, vi mạch điện tử được nhập khẩu.

Từ tháng 5 năm 2009 đến tháng 5 năm 2011, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 37 vụ việc vi phạm, trong đó có 3.278 container chứa 56.618 tấn ắc quy chì phế thải và hàng hoá khác thuộc diện chất thải nguy hại đã nhập khẩu qua cảng biển, cửa khẩu Việt Nam.

Để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển bất hợp pháp chất thải và hóa chất, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu bất hợp pháp vào Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng, việc nắm rõ và thực thi hiệu quả các Công ước quốc tế cũng như các quy định quốc gia về môi trường là một trong những biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, sự phối hợp  vào cuộc của lực lượng Hải quan, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường  và Sở TN&MT tại các địa phương có cảng biển, cửa khẩu được xem là yếu tố quan trọng ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả công tác này.

Hiện nay, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2015 trong đó quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài  do Thủ tướng quy định trong đó chỉ cho phép nhập để làm nguyên liệu sản xuất; không nhập để buôn bán trong nước.

Để bảo vệ môi trường, phải có ký quỹ nhập khẩu phế liệu. Luật cũng quy định cụ thể, chặt chẽ về nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ sẽ góp phần giải quyết một phần vấn đề nguyên liệu cho sản xuất, nhất là thép phế liệu.

 

(MONRE)

Lượt xem : 2135