Vietnamese English
Nhân ngày Môi trường Thế giới 5-6-2009: CHUNG SỨC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TOÀN CẦU

8/26/2009 5:04:00 PM

Nhân dịp Môi trường Thế giới năm 2009, ngày 4/6/2009, Báo Nhân dân đã đăng bài viết "CHUNG SỨC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TOÀN CẦU". VACNE xin đăng lại nội dung bài viết này để bạn đọc tham khảo.

 
 
TS. Nguyễn Ngọc Sinh
Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam
 (Nội dung chính đã đăng trên báo Nhân dân ngày 4/6/2009)
Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp, Ngày Môi trường Thế giới 5.6 do Chương trình Môi trường của Liên hiệp Quốc (UNEP) phát động, lấy chủ đề về biến đổi khí hậu. Năm 2008, với thông điệp "Hãy thay đổi thói quen: Hướng tới một nền kinh tế ít cácbon", UNEP kêu gọi các quốc gia, các cộng đồng và mỗi con người hãy điều chỉnh hành vi đã trở thành thói quen có hại của mình và cũng là của chung nhân loại. Năm 2009 này, UNEP đề cập tới vấn đề lớn hơn cũng do nguyên nhân biến đối khí hậu: đó là Trái đất, cái nôi sự sống đang rất cần đến sự chung lưng đấu cật của loài người. Theo UNEP, thông điệp của Ngày Môi trường Thế giới năm nay phản ánh tình trạng khẩn cấp mà các quốc gia cần hướng tới nhằm giải quyết ở quy mô toàn cầu. Một trong những việc phải làm ngay là các nguyên thủ quốc gia cần phải nhất trí về một văn kiện quốc tế mới cắt giảm khí nhà kính, chống lại biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh sẽ họp ở Copenhagen Đan Mạch vào cuối năm nay.
Với thông điệp "Trái đất cần chúng ta, hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu", UNEP đã chọn nước chủ nhà tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm nay là Mêhicô. Việc này được quyết định từ cuối năm 2008, khi chưa biết gì về nạn dịch cúm A/H1N1 (cúm gà như tên gọi lúc ban đầu phát hiện) vừa xảy ra. Việc chọn Mêhicô làm nước chủ nhà phản ánh vai trò không ngừng tăng cao của nước này trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu. Mêhicô tham gia ngày một tích cực vào thị trường khí cácbon, đang dẫn đầu phong trào Một tỷ cây xanh của UNEP với cam kết trồng 25% tổng số cây nói trên. Tổng thống Mêhicô Felipe Calderon coi việc đối phó với biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất của Thế kỷ 21 và cam kết quyết tâm tiến hành thắng lợi cuộc chiến này.
Từ sau Hội nghị Môi trường và Con người ở Stoc-Kholm năm 1972 đến nay, Liên hợp quốc, thông qua UNEP, liên tục đưa ra các lời cảnh báo về thảm họa môi trường do mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm, về tính chất không bền vững của sự phát triển của nhân loại do không cân đối được mối tương quan giữa kinh tế, xã hội và môi trường và về hàng loạt các vấn đề môi trường bức xúc khác liên quan đến Trái đất. Cái nôi sự sống của chúng ta đã bị thương tổn nghiêm trọng và đang gồng mình chống trả. Hàng năm, hơn 13 triệu hecta rừng bị triệt hạ, trên 500 triệu hecta đất vẫn đang bị sa mạc hoá và thoái hoá, bầu không khí phải hứng chịu hàng triệu tấn chất thải độc hại.
Nghiên cứu 400 con sông lớn trên thế giới, các nhà khoa học Mỹ thấy rằng, ngoài việc gia tăng ô nhiễm, tổng lượng nước đổ ra biển của các dòng sông này ngày càng ít hơn. Trong khi đó, biển Aran sắp cạn, biển Caspi đang lùi dần và đại dương đang kêu cứu.
Đa dạng sinh học, sự đa dạng của cuộc sống trên trái đất đã tiến hoá từ hơn 3,8 tỷ năm so với lịch sử sấp xỉ 5 tỉ năm của Trái đất. Mặc dù với nhiều biến cố huỷ diệt lớn được ghi lại trong thời kỳ này, nhưng số lượng lớn và sự đa dạng về gen, về loài và hệ sinh thái trong sự sống ngày nay là điều mà con người phụ thuộc vào và cùng với nó, xã hội loài người phát triển. Thế nhưng, rất tiếc rằng, sự tăng lên của dân số Trái đất và sự vươn cao của văn minh nhân loại đang tỷ lệ thuận với tốc độ diệt chủng của các loài và sự suy giảm của đa dạng sinh học. Người ta ước tính rằng, cứ mỗi giờ lại có 3 loài bị biến mất, và hàng năm trên 25.000 loài mãi mãi ra đi. Tốc độ này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong tương lai.
Sự chịu đựng của Trái đất sẽ chỉ có giới hạn. Những gánh nặng vừa nêu đã là khủng khiếp, trong khi đó, Trái đất phải chịu đựng sự biến đổi khí hậu toàn cầu mà ngày nay, ít người còn mơ hồ hoặc cho rằng chỉ là nguy cơ. Ngày càng có nhiều bằng chứng xác thực về sự nóng lên của nhiệt độ Trái đất, sự tan băng ở 2 cực và sự dâng cao của mực nước biển và đại dương. Ở Mỹ đã xác định được trên 40 loài cây quan trọng đang lùi lên phía Bắc hàng trăm km để "tránh nóng", thêm một dấu hiệu rất rõ ràng nữa của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Sẽ không thừa nếu phải đưa ra đây những con số nêu lên tác hại nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, vừa qua, tại Hội nghị Đại dương quốc tế ở Indonêxia hàng chục quốc gia - đảo ở Thái Bình Dương như Kiribati, Tuvalu,.... yêu cầu cộng đồng quốc tế cần đấu tranh thật mạnh mẽ và có hiệu quả để chống lại biến đổi khí hậu vì sự tồn tại của các quốc gia này. Họ sẽ bị xoá tên trên bản đồ thế giới chứ không chỉ đơn thuần là bị ngập một phần đất đai như một số nước trong lục địa. Dưới áp lực của các quốc gia đảo, 70 quốc gia tham dự Hội nghị đã kiến nghị Hội nghị thượng đỉnh sắp họp tại Copehanghen phải đưa ra được những mức cắt giảm mạnh mẽ nhất đối với khí nhà kính và có cơ chế bắt buộc các nước phải tuân thủ.
Liên quan đến việc này, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon đã nêu lên 3 thách thức chính trị quan trọng phải được giải quyết để Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen thành công: các nước phát triển có cam kết cắt giảm đủ mức việc phát thải khí nhà kính theo mục tiêu cần đạt hay không; có tạo được nguồn tài chính cần thiết cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu hay không; và có đưa ra được cơ chế quốc tế quản lý có hiệu quả các nguồn tài chính này hay không.
Đương nhiên, không phải chỉ có một số quốc gia nào đó chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là cuộc chiến của nhân loại và đòi hỏi sự liên kết của tất cả các quốc gia, các ngành nghề, các tầng lớp người. Đã có nhiều đề xuất về sự phối hợp, liên kết chung này, chẳng hạn, theo Tạp chí Khoa học Mỹ, 10 giải pháp liên kết ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu dưới đây nên được áp dụng ở khắp nơi:
Hạn chế sử dụng nhiên liệu hoá thạch, trước hết là việc sử dụng than, dầu và khí thiên nhiên; cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở, nơi chứa tới gần một phần ba lượng phát tán khí gây hiệu ứng nhà kính; giảm sử dụng nhiên liệu khi giao thông; giảm chi tiêu; ăn uống thông minh tăng cường rau, hoa quả; triệt để chống chặt phá rừng; tiết kiệm điện năng; hạn chế sinh đẻ có kế hoạch; tìm kiếm nguồn năng lượng mới; và tăng cường ứng dụng công nghệ môi trường trong sản xuất và đời sống.
Để chống lại biến đổi khí hậu, ngay cả các tổ chức quốc tế cũng phải điều chỉnh các hoạt động của mình. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu mới đây, người ta đã phát hiện Ngân hàng Thế giới, WB một trong 3 tổ chức chủ chốt của Quỹ Môi trường toàn cầu GEF, đang "góp phần đưa thế giới chìm sâu hơn vào năng lượng hoá thạch", nghĩa là làm cho biến đổi khí hậu tăng lên. Một trong những lý do chính để đưa ra kết luận này là do WB đã tăng khoản cho vay đối với ngành nhiên liệu hoá thạch trong năm 2008 lên 102%, trong khi lĩnh vực năng lượng tái tạo chỉ tăng có 11% trong cùng thời kỳ. Người ta đòi hỏi WB, phải có trách nhiệm hơn đối với biến đổi khí hậu và phải thể hiện được bằng các hành động phù hợp.
Nhằm liên kết chống lại biến đổi khí hậu, từng quốc gia phải thống nhất hành động theo những chiến lược rõ ràng, những kế hoạch khả thi, tính đến các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế liên quan.
Mới đây, tại báo cáo "Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á" Ngân hàng phát triển Châu Á ADB nhận định trong tương lai không xa Việt Nam sớm đối mặt với các tác động xấu của biến đổi khí hậu. Sản xuất lúa gạo giảm, hàng chục nghìn hecta đất canh tác bị ngập dưới mực nước biển dâng, đời sống cư dân ven biển bị ảnh hưởng mạnh. ADB cho rằng, nếu Việt Nam và các nước Đông Nam Á tập trung tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất năng lượng, thực hành tiết kiệm năng lượng ở tất cả các khâu từ truyền tải tới tiêu dùng thì có thể giảm tới 40% lượng khí cácbon vào năm 2020 với mức chi phí thực âm, phù hợp với xu thế hướng tới nền kinh tế ít cacbon. Còn có rất nhiều khuyến nghị tương tự được đưa ra và đã được xử lý trong hoạch định chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Trong thời gian qua, theo tinh thần của Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu. Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 02.12.2008 và trở thành định hướng và chiến lược cơ bản của cả nước để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng cácbon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình bao gồm: đánh giá được mức độ biến đổi của khí hậu Việt Nam do biến đổi khí hậu toàn cầu và mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương; xác định được các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường được các hoạt động khoa học công nghệ nhằm xác lập các cơ sở khoa học và thực tiễn cho các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố và tăng cường được năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu; nâng cao được hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu; tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương; xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai các dự án, trước tiên là các dự án thí điểm.
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu có 9 nhiệm vụ cơ bản được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo ba giai đoạn: giai đoạn Khởi động (2009-2010), giai đoạn Triển khai (2011-2015) và giai đoạn Phát triển (sau 2015). Để Chương trình được triển khai mạnh mẽ khắc phục 2 thách thức - khó khăn chính sau đây:
Khó khăn trước tiên là sự yếu kém về nhận thức đối với biến đổi khí hậu của toàn xã hội, ở mọi cấp, từ các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ ở các ngành và địa phương, các tổ chức xã hội cũng như bản thân các cộng đồng. Trong nghiên cứu của Tổ chức Đông Tây hội ngộ (EMWF) vừa công bố, một cuộc phỏng vấn 125 gia đình ở một tỉnh miền Trung cho thấy, 49% người được hỏi không biết gì về các chính sách và 72% không biết gì về các kế hoạch phòng chống thiên tai. Vì thế, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu rõ ràng là hoạt động cần được ưu tiên đầu tiên, phải được làm ngay và làm một cách hệ thống đối với mọi tầng lớp trong xã hội.
Khó khăn thứ hai là khả năng tích hợp các vấn đề biến đổi khí hậu vào các quá trình hoạch định chính sách: các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển và sự phối hợp điều hành thực hiện giữa các ban ngành, giữa các cấp từ trung ương tới địa phương. Đây chính là vấn đề xây dựng năng lực gồm năng lực tổ chức, năng lực khoa học công nghệ, năng lực con người.... Các hoạt động này cần phải đi trước một bước và phải làm ngay từ bây giờ.
Theo thông tin ban đầu, vừa qua, sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia (đặt tại Cục Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), khá nhiều việc đã được thực hiện trong như thành lập Văn phòng Chương trình, thành lập Hội đồng đánh giá các kịch bản biến đổi khí hậu, thành lập Nhóm soạn thảo Thông tư liên tịch "Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu", tổ chức Hội thảo "Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam", xây dựng danh mục các nhiệm vụ năm 2009 của Chương trình....
Các nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tán thành quan điểm phòng ngừa và ứng phó biến đổi khí hậu, nhất trí lưu ý các nội dung cụ thể, thiết thực đối với các khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu.
Đối với dải ven biển: Phương châm cơ bản và tổng quát cho dải ven biển là bảo đảm quản lý tổng hợp và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn cho nhân dân và các giá trị văn hoá trong điều kiện phải gánh chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các địa phương có dải ven bờ sớm xây dựng Kế hoạch hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn với các hoạt động sau đây: Xây dựng phương án phòng chống bão, lũ, cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn cho nhân dân, thực hiện quản lý tổng hợp dải ven biển theo cách tiếp cận đưa vào cộng đồng; Cải tạo hạ tầng kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán sản xuất sinh hoạt của dân cư ven biển để thích ứng với mực nước biển dâng; Tính toán chi phí và thí điểm tái định cư, di dời nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật ra khỏi những vùng có nguy cơ bị đe dọa cao. Quy hoạch xây dựng và nâng cấp hệ thống đê biển và đê vùng cửa sông và các khu vực cần thiết đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, thoát lũ, tiêu úng và đảm bảo an toàn cho người dân; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt và thiên tai; và Tăng cường các nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái ven biển như hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển… và những tác động của biến đổi khí hậu đến khả năng thích ứng của các hệ sinh thái.
Đối với hai vùng đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ cần xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu cho các tỉnh một cách thiết thực với các nội dung: Tổng kết kinh nghiệm phòng tránh thiên tai, xây dựng các hướng dẫn áp dụng thành tựu khoa học công nghệ thích ứng được với biến đổi khí hậu và tích hợp yếu tố biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển của các vùng; Nghiên cứu xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống đê biển, đê vùng cửa sông, đê bao quanh các khu vực dân cư trên vùng đất thấp, tăng khả năng sống chung với lũ lụt và sự dâng lên từ từ của mực nước biển, đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước.
Đối với vùng núi và cao nguyên cần chú trọng xây dựng và thực hiện chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn ngừa và hệ chế tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra; Bảo vệ duy trì và phát triển thảm thực vật ở khu vực đầu nguồn, khu vực núi cao, khu vực có tính phòng hộ vùng và cục bộ; Tăng cường công tác truyền thông trong đồng bào các dân tộc, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc gắn với rừng; Tăng cường nông, lâm kết hợp, khai thác hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước khắc phục tình trạng tự cung, tự cấp; và Phát triển thủy lợi, đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt, tưới tiêu, phát triển trồng trọt và các mục đích khác.
Mỗi người, dù ở thành thị hay nông thôn, dù có cuộc sống đầy đủ tiện nghi hay còn đang khó khăn, đều có thể tham gia ngăn chặn biến đổi khí hậu. Các chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã biên tập và được Hội chuẩn bị xuất bản tài liệu "Những điều cần biết về biến đổi khí hậu" đã khuyến cáo những hành động rất cụ thể và thiết thực sau đây.
Việc tiết kiệm điện năng sử dụng trong gia đình có ý nghĩa rất đặc biệt đối với biến đổi khí hậu, cần chú trọng ngay từ khâu lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện.
Các thiết bị điện, thế hệ càng mới khả năng tiết kiệm điện càng cao. Khi chọn - lựa - thiết bị điện quay (bơm nước, quạt điện, máy giặt….), nên chọn động cơ có nhiều nấc tốc độ hoặc có biến tần đi kèm để tiết kiệm điện. Với bóng đèn, nên sử dụng đèn tuýp gầy và đèn compact thay cho bóng đèn tròn vì bóng đèn tròn tiêu thụ điện gấp 3-4 lần.
Chúng ta có rất nhiều thói quen xấu trong khi sử dụng đồ điện trong gia đình, cần điều chỉnh theo hướng sau:
Đối với Tủ lạnh: Hạn chế mở tủ để đỡ tốn điện. Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3-60C. Với chế độ đông lạnh thì để -150C đến -180C. Cứ lạnh hơn 100C là tốn thêm 25% điện năng.
Đối với điều hoà nhiệt độ: Hãy để nhiệt độ ở mức trên 250C để tiết kiệm điện năng. Nếu đặt máy xa tường sẽ tiết kiệm 20-25% điện năng.
Đối với quạt máy: Nên cho quạt chạy ở tốc độ thích hợp để tiết kiệm vì quạt càng chạy nhanh càng tốn điện.
Đối với ti vi: Không nên để màn hình ở chế độ sáng quá để đỡ tốn điện. Không nên tắt ti vi bằng điều khiển từ xa mà nên tắt bằng cách ấn nút ở máy. Nói chung, hãy tắt hẳn các thiết bị sử dụng điện bằng cách ấn nút ở máy, không nên chỉ tắt bằng điều khiển từ xa, vì chế độ chờ vẫn tiêu thụ điện năng.
Khi tham gia giao thông mỗi người: Hãy sử dụng hệ thống giao thông công cộng nhiều hơn, giảm phương tiện cá nhân; giảm thời gian sử dụng ô tô, xe máy, hãy lái xe một cách tiết kiệm xăng. Khi mua xe mới, hãy quan tâm đến loại xe tiêu hao ít năng lượng và xả ít khí thải; sử dụng phương tiện giao thông chung với mọi người, vừa giảm khí thải, tiết kiệm và vui hơn khi đi một mình; hãy đi bộ hoặc đạp xe trên những đoạn đường gần.
Cần tiết kiệm sử dụng nước ở mọi nơi, mọi lúc, chú ý sử dụng bể nước mưa để sử dụng dần.
Đối với chất thải cần được đặc biệt chú trọng theo hướng: Giảm thiểu lượng chất thải rắn trong gia đình để giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; sử dụng lại, giảm thiểu và tăng cường tái chế (có đến 90% các chất thải gia đình có thể tái sử dụng, tái chế và ủ phân hữu cơ) nhằm góp phần làm giảm thiểu lượng khí mê tan - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính tạo ra từ các bãi rác, và lại có thêm phân hữu cơ.
Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay được tổ chức tại Hải Phòng, thành phố biển đang chịu nhiều tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu. Cùng với Hải Phòng, các ngành và các địa phương trong cả nước cũng rầm rộ tiến hành các hoạt động có ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường, chống lại biến đổi khí hậu. Đây cũng là dịp để mỗi người suy ngẫm về vận mệnh của Trái đất mà mình đang phụ thuộc vào.
Trái đất đã bị tổn thương nghiêm trọng và đang rất cần đến các giải pháp ứng xử thông minh, hợp lý và kịp thời của con người. Hơn lúc nào hết, cần sự liên kết toàn diện, lâu dài để chống lại biến đổi khí hậu, ngăn chặn các tác hại của nó đối với sự tồn vong của loài người và của chính hành tinh của chúng ta. Sự liên kết này diễn ra ở nhiều tầng, lớp và với các mức độ rất đa dạng như đã được đề cập. Biến đổi khí hậu có được ngăn chặn hay không, Trái đất có được cứu chữa hay không đều phụ thuộc vào loài người, vào mỗi quốc gia và từng con người./.

Lượt xem : 2496