Vietnamese English
Nhân ngày đô thị Việt Nam 8/11: Bảo vệ cây như bảo vệ sự sống

11/6/2014 10:10:00 AM

Không gian xanh, mà cụ thể hơn là mật độ che phủ của cây xanh là một nhân tố đánh giá chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị.

Vậy nhưng, tại một số khu đô thị ở Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, để làm một số công trình dân sinh, công cộng, người ta đã phá bỏ một số hàng cây vốn đã gắn bó lâu đời với người dân. Đi bất cứ đâu, hễ thấy người ta bức hại cây là lòng tôi thấy nhói đau.

Một cây xà cừ bị đốt gốc trên phố Đê La Thành

Nghĩ về cây

Nhà tôi nằm trong “làng phố”, là một cái làng quần cư khá đông đúc mà chỉ cần đi qua một con ngõ sâu hoắm thì sẽ tới. Trong đó, dường như hiển hiện một xã hội thu nhỏ với những cây xanh duyên dáng. Trước nhà tôi, một góc phố nhỏ trong ngõ, có cây đa đẹp buông rủ những chùm rễ đẹp, tỏa bóng mát cho cả một khu vực rộng lớn.

Cây đa như ông già hiền từ, đã dưỡng nuôi cho tôi biết bao điều tuyệt diệu, từ những câu chuyện những gánh hàng rong thủơ nào bà hay kể, rồi chuyện ông già hành nghề cắt tóc suốt hơn nửa thế kỷ, nay tóc đã bạc phơ… Chính cái gốc này đã là “chứng nhân” biết bao cảnh đời vừa lầm lũi, vừa đầy nét nhân văn trong dòng chảy ngột ngạt của phố sá.

Nhưng hôm nay, cây đa ấy đã bị cưa đi một cách thô bạo. Những tán lá xòe rộng đã không còn, những u bướu xù xì cũng bị gọt một phần. Người ta bảo sợ gió bão làm đổ cây, ảnh hưởng đến con người. Còn ông tôi, người đã chứng kiến những nắng mưa chắt chiu đắp lên thân cây vẻ nua già đó nói rằng, đa là loài cây rễ chùm, ăn sâu rộng. Chỉ có điều, thủ phạm chính là nạn đào bới, làm công trình vỉa hè một cách thô bạo, chạm đứt rễ cây, nên mới khiến những tán xanh kia trở nên nguy hiểm.

Lòng tôi hì hụi tiếc. Đêm đó, tôi nhìn sâu trong mắt ông, nơi đó cũng có sự tiếc nuối. “Nếu người ta cân nhắc kỹ hơn, có kiến thức hơn thì cái cây đó sẽ vẫn vững chãi. Ông nghĩ sẽ thành cây di sản ấy chứ. Hà Nội cần phải có những cây di sản để tăng vẻ quyến rũ sự hoài cổ”, ông nói.

Ông yêu những cái cây trên phố, yêu những tán xanh yên lành che nắng che mưa. Và cũng như tôi, như biết bao người, ông tiếc. Ông lại suy rộng ra cả cộng đồng lớn là Thủ đô Hà Nội, với những góc phố mà nhiều năm qua cây cối cũng bị tàn phá bởi chính bàn tay con người. Nhưng biết làm sao được. Nhiều người vẫn nghĩ bảo vệ cây là việc của cơ quan chức năng, nhưng ngoài họ ra, nếu mỗi người, mỗi khu dân cư không biết tự bảo vệ, thì làm sao cơ quan chức năng bảo vệ xuể.

Lời ông làm tôi nhớ đến lời của kiến trúc sư Ngô Doãn Đức. Ông Đức yêu cây, trong cuộc đời công tác của mình, và cả bây giờ, dù đã đóng góp nhiều ý kiến bảo vệ cây nhưng ông vẫn phải đau lòng chứng kiến chúng bị cưa đi. Kiến trúc sư Đức nói: “Đô thị càng có nhiều cây xanh, cổ thụ thì càng giá trị. Các đô thị nên bảo lưu những giá trị đó, bởi cây xanh kết hợp với không gian kiến trúc, là những gì đó đẹp mà ta không thể diễn tả nổi, nhưng nếu thiếu thì cuộc sống cũng giảm nhiều ý nghĩa”.

Không bức hại

Người dân có vô vàn kiểu bức hại cây. Người thì cố tình chặt, người đổ hóa chất, a-xít, người khoanh gốc, đổ bê tông kín gốc, đóng đinh… Rồi thậm chí có kẻ xấu còn cưa trộm. Biết bao năm tháng cây mới có được sự vạm vỡ, để rồi trong phút chốc lại bị đốn hạ bởi bàn tay con người. Đây là vấn đề cần được tuyên truyền, có chế tài xử phạt mạnh tay để không xảy ra tình trạng hàng chục cây xanh to lớn vài chục tuổi bị bức hại.

Một vấn đề khác, trước thực trạng Hà Nội đang chặt đi rất nhiều cây để mở đường hay xây dựng những khu đô thị mới, theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hà Nội nên công khai minh bạch các kế hoạch, quy hoạch trồng mới hay chặt bỏ, thay thế cây xanh... Ngoài ra, cũng nên đấu thầu rộng rãi để các thành phần kinh tế cùng tham gia thiết kế/duy tu/bảo dưỡng/đầu tư cây xanh đô thị.

“Hà Nội hôm nay mở rộng hơn xưa nhưng vẫn thiếu vắng những đường phố có thiết kế cây xanh bài bản, được nghiên cứu, thực nghiệm nghiêm túc bởi những chuyên gia. Cây đã có và đang trồng thì thiếu những công cụ cần thiết để quản lý/giám sát/đánh giá hiệu quả. Tôi cũng chưa từng thấy thành phố công bố Bản đồ quản lý cây xanh Hà Nội, và như vậy, vẫn ở tình trạng thiếu chuyên nghiệp”, kiến trúc sư Ánh chỉ ra.

Đành rằng để phát triển, và có giá trị này thì phải hy sinh giá trị kia. Kiểu như lập luận rằng, để đáp ứng cho nhu cầu giao thông thì phải hy sinh những cái cây. Những cái cây không biết cãi. Nhưng cũng có người yêu cây nêu ra ý kiến rất có lý đó là hành động (chặt cây xanh để xây công trình hạ tầng – PV) đi ngược với tiêu chí và sự hướng tới mục tiêu phát triển đô thị xanh. Và nếu ai đó đứng trước những hàng cây đến vài người ôm đang bị những lưỡi cưa lạnh lùng xén dần, sẽ thấy vô cùng đau xót. Không thể hiểu nổi, khi người ta cưa đi một cái cây, thì trong lòng họ thấy thế nào.

Cần tìm ra những giải pháp

Rõ ràng, con người vẫn có cách ứng xử tốt hơn với những hàng cây, đó là trách nhiệm và lòng nhân ái, để không chỉ bảo vệ màu xanh cho thành phố, mà còn gìn giữ vẻ đẹp trữ tình của đất Thủ đô, của chính cuộc sống hằng hữu. Các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tìm ra giải pháp. Nhưng trước áp lực đô thị hóa, dân số tăng, chúng ta vẫn chưa có một giải pháp hợp lý.

Đã đến lúc phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề này. Hãy bắt đầu từ việc quản lý, bảo vệ hệ thống cây xanh hiện có. Phải phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh trên địa bàn.

…Kìa chim chóc đang chuyền cành. Kìa những hàng cây reo vui. Kìa những tán lá đang thở. Bất kể một hành động thô bạo nào cũng khiến cây đau, phố đau. Bởi cây là người, cây cũng có thân phận, có tính cách và sự sống như con người, nhất là những loài cây đã hiện diện, sống bên con người biết bao năm mà gốc rễ đã xù xì như tích tụ bao thương tích. Trước khi có một cơ chế, một sự mạnh tay của cơ quan chức năng thì chính mỗi người dân, hãy bắt đầu việc đó bằng những ý nghĩ xanh.

Theo Hải Bình (Thời Báo Ngân Hàng)

Lượt xem : 1798