Vietnamese English
Nguy cơ từ những dòng sông đổi màu

2/25/2021 7:42:00 AM

Hiện tượng sông đổi màu đôi khi vô hại nhưng cũng có thể báo hiệu những thay đổi lớn trong hệ sinh thái, gây ra hàng loạt tác động không mong muốn.


Khoảng một tuần nay, nước sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai chuyển màu từ nâu đục hoặc màu hồng khi nhìn từ xa sang màu xanh ngọc khi nhìn từ hai bờ.

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Chủ tịch Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng có hai nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng nước sông Hồng không còn "hồng". Đó là số lượng lớn nhà máy thủy điện, hồ chứa ở phía thượng nguồn sông Hồng (nằm trên lãnh thổ Trung Quốc) hoạt động đã khiến phù sa bị giữ lại, không chảy về Việt Nam.

"Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến màu nước sông là chất ô nhiễm từ hoạt động của các nhà máy ở thượng nguồn và hai bên bờ. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định mang tính giả thiết. Để khẳng định nguyên nhân vì sao nước sông Hồng chuyển màu cần nghiên cứu, quan trắc cụ thể", ông Tứ nói.

Hồi cuối năm 2019, sông Mekong cũng chuyển màu xanh lục lam. Sự thay đổi màu nước được ghi nhận tại một số đoạn sông như ở tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, và thị trấn Thakhek, Lào. Theo phân tích của Ủy hội Sông Mekong (MRC), hiện tượng này là hệ quả của nhiều yếu tố và có nguy cơ gây tác động tiêu cực.

Sông Mekong lúc bấy giờ đang trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất, khiến mực nước hạ xuống mức thấp kỷ lục trong ít nhất 60 năm qua. Mực nước xuống thấp khiến các trầm tích mịn không còn, khiến nước sông trong hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, nước sẽ hấp thụ mạnh những màu sắc có bước sóng dài và tạo ra màu xanh lục.

Đoạn sông Mekong tại quận Sangthong, thủ đô Vientiane, Lào. Ảnh: MRC.


Đoạn sông Mekong tại quận Sangthong, thủ đô Vientiane, Lào. Ảnh: MRC.

Thêm vào đó, nước trong hơn tạo điều kiện cho các loài thực vật siêu nhỏ hoặc tảo phát triển trên cát và lớp đá bên dưới nền trầm tích ở đáy sông, khiến nước sông có màu xanh lam.

Marc Goichot, cố vấn cấp cao phụ trách chương trình sông Mekong của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) giải thích rằng đối với sông Mekong, màu nước xanh là hiện tượng bất thường và có tác động xấu. "Đó là sự thay đổi lớn trong hệ thống sinh thái và sẽ gây ra một loạt tác động, như phơi bày các loài thủy sản dễ bị tổn thương trước mắt những 'thợ săn', làm suy yếu bờ sông, cạn kiệt nguồn dinh dưỡng phong phú cho các cánh đồng lúa, rừng ngập mặn và thủy sản", chuyên gia cho hay.

Mực nước thấp gây khó khăn rõ ràng cho ngư dân và nông dân, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng sự suy giảm phù sa còn đặt ra mối nguy hiểm đáng lo hơn khi có thể dẫn đến xói mòn nghiêm trọng bờ và lòng sông.

Các chuyên gia và người dân sống dọc sông cho rằng các con đập thủy điện cũng góp phần tạo nên vấn đề.

Ý tưởng xây các đập ở hạ lưu sông Mekong xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc coi thủy điện là chiến lược tiềm năng để phát triển kinh tế. Kế hoạch này đạt được đà tăng trưởng vào đầu những năm 2000. Khi đó, MRC ước tính 4 quốc gia thành viên của ủy hội, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, có thể thu được khoảng 30 tỷ USD lợi nhuận.

Nhưng vài năm sau, MRC đã thay đổi dự báo, thừa nhận những thiệt hại về môi trường đi kèm các đập thủy điện này để lại hậu quả lớn hơn bất cứ tiềm năng lợi ích nào.

Tại những hồ chứa do sông Mekong chảy vào, các đập thủy điện đã chặn dòng phù sa giàu dinh dưỡng. Theo WWF, từ năm 1992 đến 2014, lưu lượng phù sa trên sông Mekong đã giảm hơn một nửa. Khi phù sa bị chặn lại, nước biển bắt đầu xâm nhập vào sông, đe dọa hệ sinh thái nước ngọt vốn dễ tổn thương. Các con đập cũng chặn đường di chuyển của khoảng 160 loài cá di cư đường dài.

Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đã phân tích 235.000 hình ảnh vệ tinh, được chụp trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến 2018, từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA) và chương trình Landsat của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Theo kết quả nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng 12 năm ngoái, hơn một nửa số ảnh vệ tinh này cho thấy các dòng sông có màu vàng chủ đạo, trong khi hơn 1/3 hình ảnh chủ yếu là màu xanh lục. Chỉ 8% số ảnh chụp các con sông có màu xanh lam.

"Đa phần các con sông đều thay đổi dần dần và không thể nhận thấy được bằng mắt thường", John Gardner, tác giả chính của nghiên cứu đến từ phòng thí nghiệm thủy văn toàn cầu thuộc Đại học Bắc Carolina, cho hay. "Tuy nhiên, những khu vực thay đổi nhanh nhất nhiều khả năng đều do con người tạo ra".

Các dòng sông có thể mang màu xanh lục, xanh lam, vàng hay các màu khác tùy thuộc vào lượng phù sa tích tụ, tảo, mức độ ô nhiễm hay thành phần chất hữu cơ hòa tan trong nước.

Theo nguyên tắc chung, nước sông chuyển sang màu xanh lục khi có nhiều tảo nở hoa hơn hoặc khi nước mang ít trầm tích hơn. Sông có xu hướng chuyển màu vàng khi mang nhiều phù sa.

"Trầm tích và tảo đều quan trọng nhưng quá nhiều hoặc quá ít chúng đều có thể gây rối loạn", Gardner nói.

Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã quan sát thay đổi trong 34 năm trên 108.000 km sông tại Mỹ. Điều này cho phép họ theo dõi xu hướng đổi màu đáng kể theo thời gian. 55% số sông đổi màu nhưng không có xu hướng rõ ràng và chỉ 12% vẫn giữ nguyên màu.

Tại khu vực phía bắc và phía tây, các con sông có xu hướng trở nên xanh hơn, trong khi những khu vực ở phía đông nước Mỹ, các dòng sông lại có xu hướng chuyển màu vàng. Các tuyến đường thủy lớn, như lưu vực Ohio hay lưu vực Thượng Mississippi, cũng chuyển xang màu xanh lục lam.

"Xu hướng đổi màu sang vàng hoặc xanh lam có thể đáng lo ngại", Gardner cho hay nhưng thêm rằng mức độ còn tùy thuộc vào từng dòng sông.

Giống như lá cây chuyển sang màu đỏ hoặc vàng vào mùa thu, các con sông cũng có thể chuyển màu theo mùa do sự thay đổi của lượng mưa, lượng tuyết tan cùng những yếu tố khác làm thay đổi dòng chảy.

Các hình ảnh vệ tinh còn tiết lộ những điểm nóng mà ảnh hưởng của con người, như các con đập, hồ chứa, hoạt động nông nghiệp và phát triển đô thị, có thể làm thay đổi màu nước sông. Nhưng những thay đổi này không nhất thiết là vĩnh viễn.

Vũ Hoàng (Theo Guardian, Live Science)

(VnExpress)

Lượt xem : 1107