Thay đổi phong cách sống là cách đơn giản để bảo vệ rừng
Ngày 7-11, Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) và Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) khởi động dự án "Sống xanh Việt Nam”. Buổi lễ diễn ra ở Hà Nội, các đại biểu tiếp cận với nhiều sản phẩm bền vững thuộc các chủ đề Ăn, Mặc, Ở và Làm việc, các Công nghệ Xanh, khẳng định sự cần thiết thiết lập cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất để tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường.
Xây dựng mạng lưới 1.000 người tiêu dùng thông thái
"Sống xanh Việt Nam” do chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu tài trợ 1,4 triệu Euro (37,5 tỷ đồng), kéo dài từ 2012-2015, triển khai tại 6 đô thị lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ. Sẽ có hàng trăm câu lạc bộ tiêu dùng bền vững ra đời thiết lập mạng lưới 1.000 người tiêu dùng thông thái, phổ biến trong cộng đồng phong cách sống và làm việc bền vững.
Mô hình này chỉ cho người tiêu dùng thấy rằng sống bền vững là có thể, và thậm chí không hề khó. "Chúng tôi không ảo tưởng rằng chỉ qua ba năm có thể thay đổi hành vi tiêu dùng của hàng triệu người Việt Nam nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ có ít nhất 1.000 người trở thành những "hạt giống thay đổi”, là những ví dụ sống động cho nhiều người khác làm theo”, PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc VNCPC nói.
Cứu rừng xanh bằng phong cách tiêu dùng
Nhu cầu khá phổ biến trong văn hóa của người Việt là thói quen tiêu dùng sản phẩm từ gỗ rừng tự nhiên. Các loại Cẩm Lai, Hương, Mun Sọc, Gụ, Đinh, Lim, Sến, Táu… đặc biệt được ưa chuộng nên thường là mục tiêu của những kẻ khai thác gỗ lậu, làm cạn kiệt các loài gỗ quý. Khoảng 29.500 vụ vi phạm lâm luật đã xảy ra trong năm qua với trên 43.000 m3 gỗ lậu bị tịch thu và xử lý, trong đó có 4.500 m3 gỗ quý hiếm. Đây mới chỉ là con số thống kê chính thức của Cục Kiểm Lâm. Con số thực tế chắc chắn còn lớn hơn.
Có được phong cách sống thân thiện môi trường chính là cách đơn giản mà hiệu quả nhất mọi người tiêu dùng đều có thể làm để bảo vệ rừng xanh. Cũng như các doanh nghiệp phấn đấu để nhãn hiệu sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn sinh thái (nhãn xanh), người tiêu dùng thông thái thể hiện phong cách sống Xanh bằng việc chọn mua các sản phẩm được chứng nhận bảo vệ môi trường.
Bạn biết gì về "nhãn xanh”?
Nhận diện sản phẩm nào tuân thủ quy trình sản xuất sạch hơn không dễ, dù sự ra đời của nhãn sinh thái đã giải quyết được nỗi lo đó. Nhãn xanh Việt Nam được cấp cho những sản phẩm, dịch vụ thân thiên với môi trường với tiêu chí rõ ràng, minh bạch, có sự tham gia của các ngành, tổ chức liên quan, ý kiến tham vấn của cộng đồng…
Ở ta, mới chỉ đếm trên đầu ngón tay sản phẩm được thí điểm cấp nhãn là Bột giặt Tide của Công ty TNHH Procter&Gamble Đông Dương và sản phẩm bóng đèn Compact của Công ty Điện Quang. Trong khi đó tại Trung Quốc, số lượng sản phẩm được cấp nhãn xanh lên tới gần 25.000 sản phẩm.
Các nhà khoa học cho biết tình trạng tiêu dùng quá mức, đặc biệt tại các nước phát triển, còn đóng góp vào quá trình biến đổi khí hậu nhiều hơn cả sự gia tăng dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng và chiếm số đông tại các đô thị lớn, là nguồn lực chủ yếu của cỗ máy tiêu dùng. Dự kiến trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm 17 triệu người tiêu dùng tham gia vào thị trường.
|
Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế - Tổng cục Môi trường - Bộ TN và MT, Dương Thanh An cho biết: "Luật Thuế Bảo vệ môi trường có áp thuế đối với một số sản phẩm, dịch vụ nhưng nếu sản phẩm của doanh nghiệp được cấp nhãn xanh thì đương nhiên sẽ được miễn, giảm thuế”. Bộ TN&MT tháng 2 năm nay đã ra Quyết định 221/QĐ - BTNMT kèm theo danh mục nhóm sản phẩm, dịch vụ chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó từ nay đến năm 2015, sản phẩm nông sản gồm cà phê, rau quả, chè sẽ được xét để chứng nhận nhãn xanh. Dự thảo Thông tư về trình tự, thủ tục chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm, dịch vụ được Bộ TN&MT soạn thảo tháng 8 vừa qua đang được lấy ý kiến rộng rãi…
Trở lại với "Sống xanh Việt Nam”, Dự án vừa khuyến khích thói quen tiêu dùng bền vững của người Việt, vừa hướng đến nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước và các Hội bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng bền vững trong cộng đồng ngay cả sau khi dự án kết thúc.
Thanh Như
|