Vietnamese English
Người cựu binh dành tâm sức làm nơi trú ngụ cho chim

4/8/2020 6:21:00 AM

“Sáng nay, anh lên cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, chiều em đưa anh xuống thăm vườn chim cò của ông Chính Nghĩa. Có doanh nghiệp đến nài nỉ ông bán lại vườn cò với giá rất cao để họ phát triển du lịch sinh thái, ông Chính Nghĩa nhất quyết không bán. Từ 5-6 giờ chiều, chim cò bay về đậu trên cây trắng cả một vùng” – Đại úy Đặng Thành Phúc, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, BĐBP Đồng Tháp, giới thiệu vắn tắt.


uqkg_12a

Ông Lê Thanh Nghĩa. Ảnh: Hải Luận

Vườn của ông Chính Nghĩa nằm sát bên doanh trại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà nên anh em ở đồn biết rất rõ lúc nào chim bay về ngủ, lúc nào chim bay đi ăn. Ông Chính Nghĩa dẫn tôi đi dạo vườn, gần đến hồ nước, bất ngờ đàn chim bay lên ào ào. “Đó là đàn vạc, ban đêm nó đi ăn, ban ngày nó về ngủ. Hôm nay, có chú em đi theo, nó thấy “lạ” chứ hằng ngày nó thấy tôi quen nên không có bay lên nhiều như vậy đâu. Chiều tối, đàn cò bay về đây, đàn vạc bay đi chỗ khác. Nhiều khi cò bay lên không trung cắn con vạc, hai con đó nó không “thuận” nhau. Cũng may, một con đi ăn đêm, một con đi ăn ngày nên vườn tôi có thêm mấy trăm con vạc “chơi” với tôi ban ngày” - Ông Chính Nghĩa giải thích một số đặc tính sinh học của loài cò, vạc trong vườn nhà.

Tình yêu thiên nhiên

Vườn chim của ông Lê Thanh Nghĩa (người dân quen gọi là Chính Nghĩa), sinh năm 1962, ở xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp nằm gần với biên giới Việt Nam - Campuchia. Bao nhiêu năm qua, ông Nghĩa đã đếm được 6-8 loại chim lớn và cò về vườn ở. “Ở vùng đất này vào mùa gặt lúa, nước khô, cò bỏ đi đâu hết, mỗi ngày chỉ có khoảng 2.000 con bay về ngủ. Còn mùa nước lũ, cò bay về đây đậu dày đặc cả khu vườn, đậu ở mấy cây xanh sát nhà. Nhiều khi, cò tràn qua ngủ trên mấy cây cao ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Chiều tối, nó bay về kêu om tỏi, số có chỗ đậu, số chưa có chỗ đậu tranh giành nhau. 6 giờ sáng, nó đồng loạt bay đi ăn, nghe tiếng ào ào, nhìn trắng cả bầu trời. Thấy sướng lắm” – Ông Nghĩa tự hào với đàn cò tự nhiên trong vườn nhà mình.

Ông Nghĩa chỉ cho tôi chỗ ẩn nấp, hướng dẫn cách chặt cây ngụy trang để chụp ảnh chim cò ở cự ly gần. “Trước 5 giờ chiều, chú phải ra ngồi trong bụi cây chờ sẵn, khoảng 5 giờ 30 phút, đàn cò sẽ kéo nhau về. Mấy chỗ khác tre dày đặc che khuất không chụp được”. Đúng như ông Chính Nghĩa nói, khi mặt trời đã lặn xuống núi, những tốp cò bay về, kêu tìm bạn râm ran bầu trời. Loại cò trắng bay đến, hai chân đã hạ xuống sẵn để đậu ở ngọn cây. Những con chim to bằng con gà, bay đảo mấy vòng “dò la tình hình” rồi mới đáp xuống trên ngọn cây bạch đàn lớn. Tôi chỉ tiếc ống kính máy ảnh không thể zoom xa để chụp được những con chim lạ và to đang bình thản vuốt lông trên đầu ngọn cây phía xa.

6m9i_12b

Buổi chiều tối, đàn cò bay về trú ngụ tại vườn tre của gia đình ông Nghĩa.  Ảnh: LT

Để có vườn cây rộng 5ha cho đàn cò làm nơi trú ngụ, ông Nghĩa đã tích lũy tiền lương của mình trong nhiều năm (trước đây, ông công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp), sau đó tốn thêm tiền cải tạo thành vườn đất bằng phẳng. Ông Nghĩa nhớ lại: “Từ lúc nhỏ, tôi đã mơ ước có một khu vườn để trồng các loại tre, đến hôm nay, vườn tôi đã được trồng 46 loại tre. Lâu nay, tôi theo dõi đàn cò thường hay chọn những cành tre làm nơi trú ẩn vì các loài chuột, chồn, mèo... thường ít khi leo trèo lên thân cây tre, do đó ít đe dọa đến loài cò”.

Thành công nhờ người bạn“chí cốt”

3 năm đầu tiên lập vườn, ông Nghĩa bỏ công trồng nhiều cây tre nhưng bị chết sạch vì thiếu kinh nghiệm. Một hôm, ông sang vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An chơi với người bạn cùng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam năm xưa. Ông Nghĩa thật thà kể lại với bạn “chí cốt” chuyện thất bại trong việc trồng tre, ông bạn cười và nói với ông Chính: “Tối nay ông ở lại chơi với gia đình tôi, mai tôi sẽ chỉ cho ông cách trồng tre, bảo đảm sống 100%”. Nghe bạn nói vậy, ông Chính đồng ý ở lại hàn huyên cùng bạn. Sáng ra, ông bạn cắt cho ông 100 gốc tre loại 1 năm tuổi. “Có gì đâu, trước đó tôi chọn đào những gốc tre già lão, bỏ xuống bao nhiêu nó chết bấy nhiêu. Bây giờ, ông bạn “chí cốt” chỉ cho tôi trồng tre non, về trồng y như ổng chỉ dẫn, sống 100%. Từ đó về sau, tôi trồng tre nhiều quá trời luôn” – Ông Nghĩa nêu những “điểm huyệt” quan trọng của con nhà binh đi làm nông trại cho đàn cò trú ngụ.

Với đồng lương bộ đội ít ỏi không thể vận hành nổi khu đất rộng 5ha, ông Nghĩa nghĩ nhiều cách để “lấy ngắn nuôi dài” như nuôi lươn, gà, vịt... để lấy tiền trả công cho người trồng cây, chăm vườn, mua ống nước, máy bơm tưới cây. Vài năm sau, tre lên tốt, ông bắt đầu tỉa măng bán bù đắp thêm chi phí. Ông bắt đầu mày mò học cách dẫn dụ chim cò bay về vườn trú ngụ, vườn cây càng ngày xanh tốt, đàn cò về trú ngụ ngày càng nhiều.

Ông Lê Thanh Nghĩa, nhập ngũ năm 1979, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, quân tình nguyện tại Campuchia; nghỉ hưu năm 2016 với quân hàm Thiếu tá chuyên nghiệp. Ông đang đàm phán với một số hộ dân trồng lúa sát vườn để mua thêm đất trồng tre cho đàn cò trú ngụ và làm tổ sinh sản tại vườn lâu dài.

Ông Nghĩa tâm sự: “Bây giờ, bà con cô bác xung quanh họ đã hiểu ra công việc tôi làm bảo vệ thiên nhiên nên không có người vào phá như trước đây. Chỉ có mấy đứa thanh niên mới lớn ở vùng khác hay đến đây kiếm “mồi nhậu”. Với những trường hợp này, tôi thường giải thích cho mấy đứa nhỏ hiểu để nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên. Trong vườn nhà tôi có rắn hổ mang, tôi chỉ sợ tụi nhỏ ban đêm rình mò vào dẫm phải rắn, nó cắn thì thêm tai họa”.

Ông N.V.T, nhà ở sát bên vườn chim của ông Nghĩa là một trong những người tham gia bảo vệ thường xuyên. Ban đêm nghe chó sủa, ông T quan sát và gọi điện cho ông Nghĩa biết đề phòng. “Nhờ ông Chính Nghĩa, nhà tôi được hưởng lây, cứ chiều tối xem từng đàn chim bay về. Sáng sớm, ngồi uống cà phê thấy chim bay đi ăn. Vườn ông Chính Nghĩa “hút” chim cả vùng biên giới bay về đây ở. Mấy đoàn dưới tỉnh, huyện cứ lên đây xem hoài đó” - Ông T xởi lởi.

Hải Luận/Bienphong

Lượt xem : 1358