Chưa đầy 1 năm sau khi ban hành, 61/63 tỉnh, thành trong cả nước đã phê duyệt và ban hành kế hoạch hành động ứng phó BĐKH cho riêng địa phương mình.
Ban hành kế hoạch – triển khai hành động
Theo kết quả thống kê từ Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện có 61/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, tất cả các tỉnh đã xác định cụ thể các nhiệm vụ, dự án cho giai đoạn đến năm 2015 và 5 năm 2016 - 2020.
Đặc biệt, nhiều tỉnh đã triển khai tích cực hoạt động truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu như Sóc Trăng, Cà Mau, TP.HCM, Ninh Thuận, An Giang… Đồng thời nhiều địa phương đang tiếp tục đánh giá tác động, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Riêng đối với hai tỉnh thí điểm Quảng Nam và Bến Tre được Chính phủ Đan Mạch tài trợ kinh phí đã triển khai một số nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao sức chống chịu của hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn, giảm phát thải ứng phó BĐKH đã đạt được hiệu quả khả quan.
Ngoài các tỉnh được hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý còn đánh giá cao năng lực tự ứng phó, phát huy chủ động sáng tạo của không ít tỉnh, thành đã có kế hoạch hành động bám sát các mục tiêu lớn của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH và triển khai tốt.
Tại Đà Nẵng sau khi ban hành kế hoạch hành động ứng phó BĐKH đến năm 2020 với mục tiêu chính này là nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH cho thành phố Đà Nẵng thông qua: Đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH gây ra cho các ngành, các quận/huyện, tài nguyên thiên thiên, môi trường, sinh thái, xã hội và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương; xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án, dự án ứng phó với BĐKH đang và sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2020 ở thành phố Đà Nẵng.
Hiện thành phố này đang tiến hành hoạt động Quy hoạch đô thị ứng phó BĐKH với nhiều nội dung cụ thể nhằm nâng cao sức chống chịu của hệ thống hạ tầng cơ sở trong mọi tình huống nước biển dâng.
Đồng hành cùng quy hoạch là hàng loạt các chính sách lồng ghép các nội dung, hoạt động ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của thành phố, của các ngành và các quận/huyện nhằm làm tăng tính bền vững cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển…
Cùng hành động giảm phát thải khí nhà kính
Một trong những mục tiêu chiến lược mà Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra chính là phải lập tức thay đổi hành động, hướng đến ngành công nghiệp xanh – sạch, ít phát thải khí nhà kính, các bon, bảo vệ rừng và nâng cao sức chống chịu của hệ sinh thái. Trong đó, chú trọng các giải pháp tăng cường giám sát chất lượng không khí trong các khu đô thị, khu dân cư, đẩy mạnh thực hiện đầu tư dự án xử lý chất thải, nước thải, quản lý chặt chẽ các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại, trồng rừng và bảo vệ rừng, thúc đẩy công tác xã hội hóa thu gom rác thải và tiêu dùng sản phẩm tái chế thân thiện môi trường…
Chính vì vậy, đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hành động của các tỉnh, như Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn…
Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là hai khu vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng sâu sắc của BĐKH cũng đã có nhiều chương trình, dự án được triển khai và cho kết quả khả quan như sử dụng giống lúa chịu mặn, trồng rừng ngập mặn, đầu tư xây dựng đê bao hay trồng các giống hồ tiêu, cao su có sức chống chịu được hạn hán, sâu bệnh…
Ngoài ra, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc cần tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực từ nước ngoài, Bộ TN&MT đã đồng hành cùng các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức xây dựng Dự án, liên kết và thực thi nhiều chương trình quan trọng, góp thêm sức mạnh cho việc triển khai thành công kế hoạch hành động của nhiều địa phương.
Hiện, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang chủ trì 58 chương trình, dự án hỗ trợ của nước ngoài cho ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, với tổng kinh phí cam kết gần 430 triệu USD. Trong đó có thể kể đến dự án: “Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tại Việt Nam” cho 4 tỉnh, thành, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đã được nêu rõ trong Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam với trị giá 4 triệu EURO từ Đức; dự án Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai VFF thực hiện tại 6 tỉnh, thành; chương trình Hỗ trợ Ứng phó với Biến đổi Khí hậu (SP-RCC) được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA ) tại Đà Nẵng với trị giá hơn 60 triệu EURO…
Theo TN&MT