Vietnamese English
Nghe phản biện không phải là "để đấy cất ngăn kéo"

7/19/2009 2:02:00 PM

- Dự thảo điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra lấy ý kiến gần đây đã bổ sung thêm một điểm quan trọng trong nhiệm vụ, quyền hạn là "phản biện xã hội đối với dự thảo, chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về những vấn đề quan trọng của đất nước".

 

 

 

Trung tướng Đặng Quân Thụy: "MTTQ nên phát huy đổi mới phương thức tập hợp các cá nhân có uy tín". Ảnh: LN

Dự thảo nêu rõ, MTTQ các cấp tỉnh, huyện tổ chức các hoạt động phản biện xã hội với dự thảo chủ trương chính quyền cùng cấp và cấp trên.
 

Vấn đề này đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận tại phiên làm việc lấy ý kiến chodự thảo báo cáo Chính trị tại ĐH đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VII sáng nay.

Đây không phải lần đầu tiên, các cựu lãnh đạo nhà nước, đại diện bộ, ngành bàn về quyền hạn của MTTQ trong vấn đề tham gia phản biện xã hội.

Nghị quyết ĐH Đảng X đã xác định rõ vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ. Sở dĩ chưa làm được vì "vướng" luật. Từ nhiều năm nay, trong mỗi cuộc tổ chức lấy ý kiến cho dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hầu hết đều kiến nghị bổ sung quy định này, để MTTQ không chỉ đóng vai trò cơ quan "kính chuyển".

Ngay trong cuộc thảo luận hôm nay, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Dương Ngọc Ngưu cũng cho rằng, quy định về phản biện xã hội chưa nên đưa ngay vào điều lệ (sẽ thông qua ngay ĐH cuối năm nay) mà nên đợi đến khi sửa luật MTTQ. Ông Ngưu cũng cân nhắc nên làm rõ thế nào là phản biện trước những vấn đề lớn quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, Nghị quyết ĐH Đảng đã "mở đường", thì không cần chờ đến khi sửa luật mà nên làm ngay.

"Cần có phản biện xã hội rộng rãi để phát huy vai trò dân chủ", bà Khánh lưu ý.

Theo PGS-TS Bùi Xuân Đức, xưa nay mặt trận vẫn góp ý dưới nhiều hình thức, nhưng chưa có cơ chế ràng buộc để góp ý có trọng lượng. Trao chức năng phản biện xã hội cho mặt trận là để các ý kiến gửi đi có địa chỉ, đối tượng, có phản hồi và đối thoại.

Giải thích cho tâm lý e ngại khái niệm "phản biện xã hội", ông Đức cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến nhận thức. Lâu nay, khái niệm phản biện xã hội thường được hiểu như một hình thức can gián. Trong khi, đây là một tín hiệu tích cực.

"Các cơ quan nhà nước phải xem phản biện xã  hội là một hình thức hiến kế với tinh thần xây dựng. Do đó, cần tôn trọng ý kiến, không phải để đấy cất ngăn kéo", ông Đức nói.

Đồng tình với việc bổ sung chức năng phản biện xã hội,  ông Đinh Văn Sùng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, điều lệ không nên quy định chung chung mà phải giới hạn phạm vi, liều lượng, lĩnh vực để phù hợp với quy định trong luật.

Góp ý cho dự thảo, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: Trong tình hình mới, MTTQ Việt Nam cần có những phương thức và nội dung hoạt động sao cho phù hợp. Chức năng phản biện và giám sát của MTTQ cần được cụ thể hóa.

Như vậy, trong khi chưa thể sửa ngay luật, thì quy định mới trong điều lệ sẽ góp phần nâng tầm hoạt động của MTTQ.

  • Lê Nhung
     

Nguồn: Vietnam Net, 26/6/2009

Lượt xem : 2683