Người dân dần có ý thức khi đi chợ bằng làn thay vì sử dụng túi nilon
Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Planet vs. Plastics” (Đối đầu của hành tinh với nhựa) nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.
Theo Bộ TN&MT, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990 lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người.
Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng (là ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và túi nilon gây ra), tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học.
Nhận thức rõ tác hại của chất thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, tham gia nhiều diễn đàn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế thể hiện sự chủ động và khẳng định quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa.
Ngày 4.12.2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa...
Triển khai Kế hoạch, ngày 2.7.2020, Bộ TN&MT ban hành Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT chính thức phê duyệt, triển khai Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.
Dự án được kỳ vọng góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức của cộng đồng, thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa. Cùng với đó là nâng cao năng lực cán bộ về quản lý các hoạt động về rác thải nhựa...
Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) đánh giá, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được cộng đồng ghi nhận, tạo được hiệu ứng lan tỏa thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với rác thải nhựa.
Với cách tiếp cận linh hoạt, bài bản, chủ đề bao quát, thúc đẩy sự tham gia chủ động của các đối tác địa phương đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ thể thực hiện, tiếp nhận và duy trì các kết quả đạt được, Dự án tạo nền móng vững chắc và các bài học kinh nghiệm có giá trị để địa phương tiếp tục nhân rộng.
Gần 4 năm qua, Dự án đã làm việc với hơn 160 trường học các cấp xây dựng mô hình “Trường học không rác thải nhựa”. Dự án cũng hỗ trợ Ban Quản lý các khu bảo tồn biển làm sạch khu vực rạn san hô, thảm cỏ biển tại Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm...
Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ tại tất cả các địa phương tham gia dự án đều có hoạt động tạo thành phong trào làm thay đổi môi trường và mang ý nghĩa nhân văn thông qua việc “biến rác thành tiền” để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng một số giải pháp hiệu quả từ Dự án như điểm tập kết xanh ở Đà Nẵng, phân loại rác tại nguồn ở Tân An (Long An) hay ngư dân mang rác về bờ ở Đồng Hới (Quảng Bình)... Tại Phú Quốc và Thừa Thiên Huế, gần 60 doanh nghiệp hưởng ứng nỗ lực giảm nhựa thông qua việc thay đổi vận hành hoạt động doanh nghiệp và giáo dục nhân viên.
Để bảo vệ môi trường, đặc biệt là giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa, sự ủng hộ của mỗi người dân trong việc thực hiện các chính sách về giảm chất thải nhựa là vô cùng quan trọng. Mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các quy định về cấm xả rác; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần…
H.Vân