Vietnamese English
Ngày Quốc tế Giảm nhẹ Thiên tai: Những con số cảnh tỉnh

10/13/2015 3:49:00 PM

Trung bình hàng năm Việt Nam phải gánh chịu 469.526 ngôi nhà bị phá huỷ; Tổn thất do thiên tai gây ra có thể lên đến từ 3% đến 5% GDP vào năm 2030.; Gần 90% người dân sống ở châu Á bị ảnh hưởng bởi thiên tai; … là những con số cảnh tỉnh được đưa ra cũng như thống kê của các tổ chức nhân Ngày Quốc tế Giảm nhẹ Thiên tai (13/10).

Việt Nam

- Liên Hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác động của thiên tai. Từ những năm 1970, thiên tai đã khiến hơn 500 chết mỗi năm tại Việt Nam, thiệt hại về kinh tế hơn 1,5% tổng sản phẩm quốc nội GDP. Đó là thông tin được đưa ra sáng 13/10 tại Hà Nội, nhân lễ kỷ niệm hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống & Giảm nhẹ Thiên tai (13/10).

Lũ lụt là nguyên nhân của hơn một nửa con số tử vong vì thiên tai ở Châu Á trong năm nay. Gần 80% số người dân tại châu lục này chịu ảnh hưởng của lụt lội.

- Quỹ Châu Á cho biết trong 20 năm qua Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới. Theo đánh giá của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn & Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), trong 5 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 500 người, gây thiệt hại 14.500 tỷ đồng, tương đương 1,2% GDP cả nước.

- Theo phương pháp chuyển đổi giá trị trung bình trong vòng 10 năm, từ năm 2005 đến 2014, trung bình hàng năm ở Việt Nam có đến khoảng 649 đợt thiên tai xảy ra như lũ lụt, mưa đá, bão, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở. Trong các thiên tai này, lũ lụt xảy ra nhiều nhất, chiếm tổng số 49% số đợt thiên tai xảy ra trung bình trong một năm ở Việt Nam. Trong khi đó các cơn bão chỉ chiếm khoảng 13%.

- Về tổng thiệt hại kinh tế được đo lường bằng tiền, trung bình hàng năm trong vòng 10 năm từ 2005 đến 2014, nền kinh tế Việt Nam phải gánh chịu khoảng 5,2 tỷ USD. Trong tổng số thiệt hại này, thiệt hại kinh tế do lũ lụt gây ra chiếm tỷ phần lớn nhất với 58%. Xếp sau đó, thiệt hại kinh tế do các trận bão hàng năm gây ra khoảng 29%, xếp ở vị trí thứ hai.

- Trung bình hàng năm Việt Nam phải gánh chịu 469.526 ngôi nhà bị phá huỷ, 174.653 ngôi nhà bị hư hỏng, và khoảng 2.715 thiệt hại về tính mạng con người do tất cả các thảm hoạ tự nhiên gây ra. Tổng số người bị thiệt hại dù nặng hay nhẹ do các thảm hoạ tự nhiên gây ra tính trung bình khoảng 3 triệu người mỗi năm.

- Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam vừa được công bố cho thấy tổn thất do thiên tai gây ra có thể lên đến từ 3% đến 5% GDP vào năm 2030.

- Theo dự báo biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng ở Việt Nam, giữa thế kỉ 21 mực nước biển của Việt Nam có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỉ 21 có thể dâng cao 1m. Khi đó, khoảng 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Thế giới

- Theo báo cáo Thảm họa thế giới năm 2014 của Hiệp hội chữ thập đỏ, năm 2013, có tới 100 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, trong đó có 87% người dân sống ở châu Á. Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão, lũ lụt và biến đổi khí hậu. Mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 10 đến 15 cơn bão, lũ, lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 50% diện tích đất đai và 70% dân số của Việt Nam, với số người bị ảnh hưởng lên đến 4,13 triệu người, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

- Trong thập kỷ qua, có tới hơn 10 thảm họa lớn tại khu vực Châu Á mà có thể kể tới thảm họa động đất và sóng thần tại Ấn Độ Dương hồi năm 2004 cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 người ở 14 quốc gia, cơn bão Nargis hoành hành ở Myanmar năm 2008 làm hơn 100.000 người thiệt mạng, trận lụt kinh hoàng ở Thái Lan hồi năm 2011 làm 800 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế hơn 45 tỷ USD hay cơn bão Haiyan xảy ra hồi tháng 11/2013 tại Philippines cướp đi sinh mạng của 6.000 người.

- Thiệt hại vật chất trung bình 1,6 tỷ USD/năm (bằng 1,8% GDP), gần 80% cư dân bị ảnh hưởng và hơn 3.100 người thiệt mạng. Con số cụ thể ở Indonesia là 1,2% GDP, ở Việt Nam là 1,8% GDP, ở Myanmar 1,9% GDP, Malaysia 1% GDP, Campuchia và Lào 1à 1,7% GDP. Có tới 90% trong tổng số nạn nhân của thiên tai trong thập niên qua sinh sống ở Châu Á – theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

- Tại ba khu vực Nam, Đông Nam và Đông Á, trong năm 2012 đã xảy ra 83 thảm họa thiên tai khiến tổng cộng hơn 3.100 người thiệt mạng và gần 65 triệu người bị ảnh hưởng, với tổng số thiệt hại về vật chất là hơn 15 tỷ USD.

- Nhóm nghiên cứu cho biết, các thảm họa thiên nhiên cướp đi sinh mạng từ 10.000 người trở lên có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn sau mỗi thập kỷ ở Châu Á. Trong những năm tới, chúng có thể tác động tới cuộc sống của hơn một triệu người. Tình trạng tăng dân số, thay đổi khí hậu và khan hiếm lương thực có thể làm tăng mức độ tàn phá của các thảm họa thiên nhiên.

- Cơ quan Giảm nhẹ Thảm họa Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) đánh giá tại Mỹ, 1 USD đầu tư cho chương trình giảm nhẹ thảm họa thiên tai có thể làm giảm bớt 7 USD thiệt hai do thiên tai gây ra, và tỷ lệ tiết kiệm này ở Châu Âu còn cao hơn, tới 10-40 USD.
 
Theo Minh Phúc (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2876