Cụ thể, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức xây dựng phóng sự về nỗ lực thực hiện kế hoạch quản lý loại trừ các chất được kiểm soát của Việt Nam; phối hợp với các bên liên quan tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn kỹ thuật, đào tạo giảng viên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, loại trừ các chất hydrofluorocarbon (HFC) tại Việt Nam.
Với chủ đề “Chung tay bảo vệ sự sống trên trái đất”, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bên liên quan tổ chức một số hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2022 để nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác trong nhiều năm qua đã đóng góp đáng kể vào sự thành công của Nghị định thư Montreal trong việc bảo vệ tầng ozone, bảo vệ sự sống trên trái đất.
Cách đây 35 năm, khi thế giới phát hiện ra rằng các chất làm suy giảm tầng ozone được sử dụng trong các bình xịt aerosols và thiết bị làm lạnh đã tạo ra một lỗ hổng trên bầu trời, các quốc gia trên thế giới đã nỗ lực hợp tác để loại bỏ dần chất làm suy giảm tầng ozone.
Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone với chủ đề “Chung tay bảo vệ sự sống trên trái đất”. Ảnh minh họa
Giờ đây, sự suy giảm tầng ozone đã được ngăn chặn và đang dần phục hồi, tiếp tục bảo vệ nhân loại khỏi bức xạ cực tím của mặt trời. Hàng triệu người đã được bảo vệ khỏi ung thư da và đục thủy tinh thể, giúp duy trì các hệ sinh thái quan trọng, bảo vệ sự sống trên trái đất, góp phần làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu. Nếu các chất làm suy giảm tầng ozone không bị cấm, chúng ta sẽ chứng kiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2,5°C vào cuối thế kỷ này và đây sẽ là một thảm họa.
Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ozone, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao - các chất HFC - là những chất được sử dụng để thay thế cho chất làm suy giảm tầng ozone trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất điều hòa không khí, xốp, thiết bị lạnh, lĩnh vực sửa chữa bảo dưỡng thiết bị lạnh, mỹ phẩm, dập cháy....
Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal ra đời năm 2016 thể hiện cam kết của các quốc gia trong việc cắt giảm dần các chất HFC - một động thái có thể tránh sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu (0,4°C) vào cuối thế kỷ này.
Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đang tích cực hỗ trợ thế giới áp dụng công nghệ làm mát thân thiện với khí hậu và tiết kiệm năng lượng.
Cùng với cộng đồng quốc tế, nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính. Cụ thể: Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC; hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng).
Trong giai đoạn 2020-2025, loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC, lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040.
Thực hiện theo lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024-2029 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.
Minh Anh