NÊN CẢI TẠO ĐỒNG THÁP MƯỜI THÀNH KHO DỰ TRỮ NƯỚC CHO NAM BỘ
12/22/2012 11:35:00 AM
(VACNE) - Cần cải tạo Đồng Tháp Mười thành một kho dự trữ nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long để đối phó với nguy cơ thiếu nước trong tương lai. Cần nhắc lại ý kiến này sau khi có thông tin 12 đập ngăn dòng chính Mekong sẽ được xây dựng.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Đồng Tháp Mười
1. Các nước trong lưu vực sông Mekong đã quy hoạch xây dựng hàng trăm đập trên các dòng nhánh và hàng chục đập trên dòng chính của sông Mekong. Những con đập ở đầu dòng giữ nước lại vào mùa khô đã đẩy nhanh tiến trình ngập mặn ở các cửa sông Cửu Long. Hạn hán và thiếu nước sẽ trở thành là mối đe doạ hàng năm, nhất là Nam Bộ không hề có kho dự trữ nước. Nếu có ai lạc quan tin rằng sông Mekong không thể nào cạn nước, hãy xem sông Hoàng Hà ở miền Bắc Trung Quốc. Dài 5.500km, Hoàng Hà là sông dài thứ nhì ở Trung Quốc và dài thứ sáu của thế giới hiện nay, một năm khô kiệt hết 200 ngày. Trên dòng Hoàng Hà có 12 đập thuỷ điện! (Theo Trần Đức Tài, Báo Sài Gòn Tiếp thị ngày 1/9/2008).
2. Đồng Tháp Mười với 700 ngàn ha rừng tràm và mặt nước có khả năng trữ trên 100 tỷ m3 nước (gần 1/8 lượng nước có được hàng năm của cả nước ta), thuộc các tỉnh Long An và Đồng Tháp. Đây là vùng sụt hạ địa chất hiện đại và rất có khả năng sẽ trở thành một kiểu Biển Hồ trong tương lai như Biển Hồ của Campuchia theo tài liệu địa chất. Các di chỉ khảo cổ của Văn hoá Óc Eo ở Nam Bộ chủ yếu tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười và ven rìa (gần 20 di chỉ). Nhiều di tích nơi cư trú, đường đi lát đá và xưởng thủ công rộng hàng vạn mét vuông cũng đã được phát hiện nhưng hiện nay phần lớn đều bị chìm dưới bùn hoặc nước.. Khi đào kênh Xáng Ba Thê ( huyện Thoại Sơn-An Giang), di tích một tòa thành cổ Óc Eo bị chìm sâu dưới đất trên 2m được phát lộ.
Sự phát hiện các di tích khảo cổ thuộc kiểu tiền đô thị trong phạm vi Đồng Tháp Mười vào những thế kỷ đầu công nguyên cho thấy vào thời kỳ đó, Đồng Tháp Mười chưa phải là vùng đầm lầy như ngày nay, mà phải có địa hình gò đồi cao ráo giống như miền Đông Nam Bộ bây giờ, mặc dù vẫn có các đầm lầy nhỏ xen kẽ, nơi đã xuất hiện cây sen như đã thấy khắc trên một số tấm trang sức bằng vàng lá. Cư dân theo Ấn Độ Giáo vốn có thói quen cư trú và xây dựng các công trình tôn giáo trên các vùng đất cao, không thể chọn vùng sình lầy Đồng Tháp Mười để xây dựng cả một vương quốc có trình độ văn minh cao của mình. Ngày nay, hầu hết các di tích Óc Eo ở Đồng Tháp Mười đều chìm ngập dưới nước lụt hằng năm, kể cả di tích Gò Tháp Mười ở Mỹ An-Đồng Tháp.
3.Vấn đề đặt ra cho hôm nay là cần cải tạo Đồng Tháp Mười thành một kho dự trữ nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long để đối phó với nguy cơ thiếu nước trong tương lai. Có lẽ hướng đi mới này của Đồng Tháp Mười sẽ làm thay đổi cơ bản quy hoạch hiện có của vùng đất ngập nước này nhưng là hướng đi đúng nhằm ứng phó với một vấn đề bức xúc nhất trong phát triển bền vững Nam Bộ: đó là vấn đề thiếu nước do biến đổi khí hậu và do tranh chấp nguồn nước của hệ thống sông Mekong, đồng thời cũng là hướng phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên của Đồng Tháp Mười/.
Lượt xem : 1619